Ngăn ngừa lạm quyền trong công tác cán bộ



Các tác giả nhận Giải C -
 Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ II – năm 2017.

 

Ngăn ngừa lạm quyền trong công tác cán bộ

Qua hàng loạt sai phạm trong công tác cán bộ gần đây, cho thấy biểu hiện lạm quyền của không ít cán bộ có chức, có quyền trong bộ máy các cơ quan đảng, nhà nước. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa công tâm, thiếu khách quan, có yếu tố “lợi ích nhóm”; mang tính áp đặt, bố trí không đúng năng lực, sở trường; bổ nhiệm không đủ điều kiện, tiêu chuẩn…

Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều tổ chức đảng bị buông lỏng; tự phê bình và phê bình hình thức, chưa có cơ chế để bảo vệ người đấu tranh chống tiêu cực. Thực trạng đó tạo cơ hội cho tham nhũng quyền lực, nguy cơ làm suy yếu đội ngũ. Đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực then chốt này là đòi hỏi cấp bách và lâu dài.

Bài 1: Nhận diện hành vi lạm quyền

Kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư và UBKT các cấp tại một số bộ, ngành, địa phương cho thấy tình trạng lạm quyền trong công tác cán bộ có dấu hiệu gia tăng với những biểu hiện phức tạp, tinh vi. Dư luận bức xúc trước hiện tượng cả nhà làm quan, cả cơ quan làm lãnh đạo, hay "loạn cấp phó", "bổ nhiệm thần tốc", bổ nhiệm hàng loạt trước khi về hưu... Hệ lụy là không chỉ phương hại uy tín của Đảng, của cơ quan, đơn vị, giảm sút niềm tin trong nhân dân, mà còn kìm hãm sự phát triển chung, cần được nhận diện để kịp thời ngăn chặn.

Bất chấp nguyên tắc và chuyện “lá bùa” quy trình

Tại Hội nghị T.Ư 6, khóa XII vừa diễn ra, Đảng ta một lần nữa thể hiện sự nghiêm minh trong kỷ luật đảng, khi quyết định kỷ luật cán bộ cấp cao, người đứng đầu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng do những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Đây là bài học đắt giá, có sức răn đe, cảnh tỉnh đối với những cán bộ có biểu hiện suy thoái, dụng ý tham nhũng quyền lực. Qua việc xem xét, xử lý kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên gần đây, có thể nói, không ít người đứng đầu đã bất chấp nguyên tắc, quy trình, quy định trong tuyển dụng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, hoặc lấy quy trình làm “lá bùa” cho những ưu ái bất thường. Sự nôn nóng “ép chín” hay điều chuyển bất hợp lý, không chỉ gây hại tới bản thân cán bộ mà còn tổn hại nghiêm trọng uy tín của Đảng, của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thông báo kết luận các kỳ họp gần đây, UBKT T.Ư đã chỉ ra những địa chỉ cụ thể vi phạm nghiêm trọng về quy trình, quy định trong công tác cán bộ. Một số cán bộ đã nhận những hình thức kỷ luật thích đáng. Không khó nhận rõ hành vi lạm quyền của người đứng đầu UBND tỉnh Gia Lai, Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ trước, vì thiếu gương mẫu trong tuyển dụng, bổ nhiệm một số người thân, người quen không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đúng quy định; tuyển dụng chủ doanh nghiệp tư nhân không qua thi tuyển rồi bổ nhiệm Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh không lâu sau đó. Liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh được tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng có nhiều yếu tố bất thường, UBKT T.Ư đã làm rõ những khuất tất trong công tác cán bộ và công tác thi đua khen thưởng. Hay bài học từ xử lý vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, quyết định chủ trương công tác cán bộ không đúng quy định trong thời gian dài tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ...

Qua thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, đồng chí Hà Quốc Trị, Ủy viên UBKT T.Ư nêu thực tế, nhiều trường hợp cố tình, bất chấp các quy định, quy trình thì dễ chỉ ra vi phạm, nhưng không ít vụ việc khó bắt lỗi quy trình, bởi quy trình đã được hợp thức hóa. Ở nhiều vụ việc, quy trình chỉ là “bình phong”, bị chi phối, áp đặt theo chủ ý của người đứng đầu trong khi cấp ủy không phát huy được vai trò trách nhiệm; nguyên tắc tập trung dân chủ trở nên vô hiệu. Trong công tác kiểm tra, chỉ ra hành vi “chạy chức, chạy quyền” cần có bằng chứng, nhưng không khó nhận ra ưu ái bất thường khi những thông tin cá nhân bất lợi được giấu nhẹm như vụ Trịnh Xuân Thanh, hay nhiều trường hợp “bổ nhiệm thần tốc” bất chấp quy định.

Điểm lại những vụ việc được biện minh là “đúng quy trình” mà vẫn lọt cán bộ yếu kém, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, công tác đánh giá cán bộ, đảng viên ở những nơi đó vẫn hình thức, xuê xoa, không thực chất. Những cán bộ suy thoái, năng lực yếu vẫn được đánh giá, nhận xét tốt, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí được khen thưởng, được cất nhắc, bổ nhiệm. Không thể viện quy trình để biện minh sai phạm, khi đầu vào là những cán bộ không đủ tư cách, phẩm chất, năng lực. Quy trình phải được minh bạch và thực chất, trao cơ hội tiếp cận, cạnh tranh lành mạnh cho tất cả những ứng viên đủ tiêu chuẩn.

Lợi dụng sơ hở, tuyển dụng, bổ nhiệm tràn lan

“Đúng quy định” là cụm từ mà người có trách nhiệm thường dùng để biện minh cho những quyết định bổ nhiệm tràn lan, bổ nhiệm thừa cấp phó. Việc bổ nhiệm cấp tốc hàng chục cán bộ trước khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị về hưu; hay gần như cả cơ quan làm lãnh đạo, khiến dư luận hoài nghi có hay không hiện tượng chạy chức, chạy quyền.

Cách đây không lâu, “Chuyện như đùa ở Hải Dương” chưa kịp lắng xuống, dư luận lại “nóng” lên với kết luận của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh bổ nhiệm nhiều hơn 23 trường hợp so Đề án vị trí việc làm năm 2014. Nghịch lý là, Đề án được xây dựng nhằm tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu lực, hiệu quả, nhưng sau hai năm thực hiện, lại “phình” thêm nhiều lãnh đạo. Có phòng chỉ 11 người, bố trí một trưởng phòng, sáu phó trưởng phòng. Và mới đây, một lần nữa tình trạng lạm phát cấp phó ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, đây không phải sự việc đơn lẻ. Tình trạng “loạn cấp phó” có lẽ không chỉ dừng ở ba đơn vị nêu trên. Nếu hiện tượng này không kịp thời bị ngăn chặn thì sẽ là thách thức lớn trong quá trình sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế.

Trên thực tế, họ có “quyền” không thừa nhận việc bổ nhiệm thừa phó trưởng phòng là sai quy định. Bởi Nghị định số 24 của Chính phủ ngày 4-4-2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là sở), chỉ quy định số lượng phó giám đốc sở, chưa quy định số lượng cấp phó các phòng, đơn vị trực thuộc sở. Nghị định này cũng giao quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng và phó các phòng, đơn vị trực thuộc cho giám đốc sở. Việc giao quyền và không kiểm soát quyền đã tạo cơ hội cho một số người lạm dụng làm bừa. Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX và X, văn bản quy định còn sơ hở thì cần được chỉnh sửa, bổ sung. Nhưng ở cương vị cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đáng lẽ phải tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa “bịt” kẽ hở, lại lợi dụng để lộng hành, đề bạt, bổ nhiệm theo chủ ý đã chứng tỏ sự suy thoái nghiêm trọng.

Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII đã chỉ ra một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, vướng vào "tư duy nhiệm kỳ", chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích. Việc này từng xảy ra tại Thanh tra Chính phủ khi người đứng đầu cấp ủy cơ quan trước khi về hưu đã ký quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương. Hay mới đây, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo vì bổ nhiệm con trai làm Phó Trưởng khoa khi chưa hết thời gian tập sự và được cho là có dấu hiệu bệnh thần kinh; bố trí con dâu làm việc tại Phòng Tài chính - kế toán; tuyển nhiều người thân vào làm việc.

PGS, TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho rằng, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sai sẽ sinh tâm lý tiêu cực cho tập thể và có thể đưa đến những quyết định sai lầm, không vì lợi ích chung. Thủ trưởng không gương mẫu, lạm dụng quyền lực, chạy theo lợi ích từ “mua quan bán chức”, kéo theo phản ứng dây chuyền ảnh hưởng sự phát triển của cơ quan, đơn vị.

Thiếu cơ chế giám sát quyền lực

Một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm quyền trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thời gian gần đây, theo đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang là tình trạng áp đặt, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức trong công tác cán bộ. Cấp ủy thiếu những biện pháp hiệu quả để giám sát, kiểm soát quyền lực của người được giao quyền. Quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ của Bộ Chính trị khóa X đã không được thực hiện nghiêm túc.

Theo đồng chí Cao Văn Thống, Ủy viên UBKT T.Ư, việc trao quyền cho cá nhân người đứng đầu không tương thích với trách nhiệm (quyền lớn hơn trách nhiệm), dễ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, bất chấp nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình, nhất là trong công tác cán bộ. Khi tập thể vì nể nang, ngại va chạm, hoặc bị người đứng đầu thao túng, dẫn đến tự tung tự tác, thì không chỉ người đứng đầu có khuyết điểm, vi phạm, mà cả tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cũng mắc khuyết điểm, vi phạm. Nếu tổ chức có thẩm quyền cấp trên thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ, sẽ khó phát hiện để cảnh báo, nhắc nhở, khắc phục kịp thời. Đến khi phải kiểm tra dấu hiệu vi phạm, vi phạm phải xử lý, thì sẽ mất cán bộ, ảnh hưởng uy tín tổ chức và những người liên đới trách nhiệm.

Lý giải những nguyên nhân, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc cho rằng, công tác tổ chức cán bộ là công tác của cấp ủy nhưng một số nơi đã buông lỏng quản lý, để cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức quyền nhân danh tổ chức làm trái Điều lệ, nguyên tắc của Đảng; trong khi các cơ quan tham mưu của cấp ủy không làm hết trách nhiệm về tham mưu, giám sát, thẩm tra, giới thiệu cán bộ; không phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng. Một cấp ủy không dám nói thẳng, nói thật, không dám đấu tranh, đó chính là tạo cơ hội cho tham nhũng quyền lực lộng hành. Biết sai mà không ai lên tiếng thì cấp ủy đó đã bị vô hiệu hóa hoặc đồng lõa với tiêu cực.

Qua xử lý vi phạm của các cá nhân trong công tác cán bộ, nhiều tổ chức đảng cũng bị xem xét kiểm điểm trách nhiệm, và nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc, thể hiện sự công bằng và nghiêm minh trong kỷ luật đảng. Nhưng nhiều cấp ủy, đảng viên bày tỏ sự tiếc nuối: Giá như công tác kiểm tra, giám sát được làm sớm hơn, thường xuyên hơn, thực tế hơn ngay từ cơ sở. Sinh hoạt chi bộ, kiểm điểm tự phê bình, phê bình thực chất hơn, rõ trách nhiệm hơn thì có lẽ hậu quả sẽ bớt nặng nề, vi phạm nhỏ sẽ không có cơ hội trở thành vi phạm lớn.

Một kết quả thanh tra năm 2016 của Bộ Nội vụ đã chỉ rõ chín địa phương, đơn vị có hiện tượng “cả nhà làm quan”, là các tỉnh: Hà Giang, Bình Định, Yên Bái; các huyện: A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Buôn Đôn (Đác Lắc), Phong Điền (Cần Thơ); Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Bộ Tài chính); Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng; xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An).

(Còn nữa)

                                                                                                                   TIỂU PHƯƠNG

Ngăn ngừa lạm quyền trong công tác cán bộ

(Tiếp theo và hết)

Sau gần 20 năm thực hiện Chiến lược công tác cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết T.Ư 3, khóa VIII, vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Ðiều này được chỉ rõ tại Văn kiện Ðại hội XII của Ðảng, nhất là hai nghị quyết T.Ư 4, khóa XI và XII.

Những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển, dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"… Ðể đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, tạo cơ chế kiểm soát quyền lực cần những đột phá có tính căn bản và toàn diện.

Bài 2: Tạo động lực đổi mới toàn diện, mạnh mẽ công tác cán bộ

Trám kẽ hở, tạo bộ khung

Mới đây, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước, để trả lời cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, bố trí người thân vào những vị trí dễ kiếm lợi… cho thấy đòi hỏi cấp thiết và đồng bộ công tác này từ các cấp, ngành, lĩnh vực. Vừa "chống" tới cùng hành vi lạm quyền, lợi ích nhóm, vừa tập trung giải pháp "xây" cho vững khâu then chốt trong xây dựng Ðảng.

Ðể trám những "lỗ hổng" từ quy định, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, sửa đổi Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trình Chính phủ, bảo đảm thống nhất với chủ trương tinh giản biên chế. Phòng chuyên môn thuộc chi cục, thuộc sở được bố trí một phó trưởng phòng nếu có từ năm đến 10 biên chế, và không quá hai phó trưởng phòng nếu có hơn 10 biên chế. Trước khi văn bản này được ban hành, một số địa phương đã chủ động dừng bổ nhiệm mới phó trưởng phòng như ở Nghệ An, hay Thanh Hóa ban hành quy định khung số lượng cấp phó các phòng, ban, đơn vị thuộc các sở, cơ quan ngang sở, đơn vị trực thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Ban Bí thư giao Ban Tổ chức T.Ư phối hợp Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá lại các quy chế, quy định về công tác cán bộ để sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Theo đó, Ban Tổ chức T.Ư đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12 về sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về công tác cán bộ gắn với thực hiện các Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI và XII; chấn chỉnh việc thực hiện không đúng các quy định về công tác cán bộ; ngăn chặn tình trạng lạm quyền ở tất cả các khâu. Những quy trình năm bước chặt chẽ hơn, được thay thế các quy trình ba bước trước đây từ quy hoạch, luân chuyển đến bổ nhiệm. Một loạt văn bản mới được Bộ Chính trị ban hành, nhằm tạo bộ khung định hướng có tính chất quy chuẩn cho từng khâu. Vừa là bộ công cụ để cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị áp dụng, lựa chọn những nhân tố xuất sắc, đủ tâm, tài gánh vác trọng trách, vừa là căn cứ để giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Công tác đánh giá cán bộ vẫn luôn là khâu khó, khâu yếu, nhạy cảm trong công tác cán bộ. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 89 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; và Quy định số 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ðiểm mới là, lần đầu có bộ khung quy định của Ðảng về tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, sát hợp và khoa học đánh giá các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, từ các chức danh cao nhất của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đến người đứng đầu các ban, bộ, ngành, cơ quan trực thuộc T.Ư, cán bộ chủ chốt các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư…, thông tin công khai cho toàn Ðảng, toàn dân thực hiện và giám sát thực hiện. Phương pháp đánh giá cũng được xem xét trong chỉnh thể, toàn diện theo bốn trục: tự đánh giá, từ dưới lên, trên xuống, ngang cấp. Nguyên tắc xếp loại có tính lượng hóa theo tỷ lệ kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm rõ việc, khách quan và chính xác nhất.

Khắc phục những hạn chế, phòng ngừa hiện tượng "chạy" luân chuyển, hoặc lợi dụng luân chuyển để đưa cán bộ không hợp ê-kíp đi nơi khác, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 98 về luân chuyển cán bộ. Quy định vừa ban hành đã nhận được sự đồng tình từ đông đảo cán bộ, đảng viên, với một số điểm đáng lưu ý, như chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ; không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển; bố trí một số vị trí chủ chốt cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương… Từng được luân chuyển về làm chủ tịch UBND, bí thư huyện ủy, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang bày tỏ, đây là một chủ trương rất sáng suốt của Ðảng, nếu được triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ sẽ góp phần quan trọng khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín về công tác cán bộ; phòng chống yếu tố bè phái, lợi ích nhóm kiểu như "cả họ làm quan". Cán bộ chủ chốt được luân chuyển về địa phương nếu là những đồng chí trẻ, có phẩm chất, năng lực nổi trội sẽ mang đến cho đội ngũ cán bộ địa phương những đổi mới về tư duy, tầm nhìn, lề lối, tác phong công tác, đấu tranh với lối bảo thủ, trì trệ, nể nang, địa phương chủ nghĩa…

Ðột phá trong tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ

Thu hút, trọng dụng người đủ đức, tài, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, làm đột phá trong tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, là chủ trương lớn của Ðảng, đã và đang được triển khai ở các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ban Tổ chức T.Ư là đơn vị đầu tiên trong số 14 bộ, ban, ngành và 22 địa phương triển khai Ðề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng" , theo thông báo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ðối tượng dự tuyển là cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch ở các chức danh cùng cấp hoặc tương đương, không giới hạn phạm vi cơ quan, đơn vị mà mở rộng tới cán bộ, công chức, viên chức đã được quy hoạch ở các vị trí, chức vụ tương đương, đang làm việc trong cùng bộ, ban, ngành, địa phương nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định. Thông tin tuyển dụng được đăng tải công khai trong 30 ngày trên các phương tiên thông tin đại chúng. Qua sơ tuyển, 12 đồng chí đủ điều kiện được chọn tham dự thi tuyển ba vị trí chức danh vụ trưởng các vụ: Chính sách cán bộ, Cơ sở Ðảng và Ðịa phương III. Trong hai ngày, các ứng viên lần lượt trình bày tóm tắt Ðề án đã lựa chọn thông qua trình chiếu slide và trả lời các câu hỏi chuyên môn. Hội đồng thi tuyển gồm 11 đồng chí là lãnh đạo một số ban, bộ, cơ quan T.Ư, có chuyên môn sâu về lĩnh vực tổ chức cán bộ, đánh giá, nhận xét và thống nhất lựa chọn ba người có số điểm cao nhất ở ba vị trí dự thi. Quyết định bổ nhiệm được trao cho ba ứng viên xuất sắc ngay sau khi có kết quả từ Hội đồng thi. Kết quả tuyển chọn mới chỉ là bước đầu, còn cần sự kiểm chứng bằng thực tế công việc của các ứng viên ở vị trí mới.

Theo GS, TS Phạm Văn Ðức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thành viên Hội đồng thi, đây là cách làm mới cần được nhân rộng nhằm loại trừ những yếu tố chủ quan, tiêu cực trong công tác cán bộ. Với cách chấm điểm độc lập, tối đa 30 điểm cho đề án, 20 điểm cho trình bày và 50 điểm cho phản biện. Kết quả công khai ngay sau khi kết thúc, thể hiện yếu tố khách quan, minh bạch. Công việc tiếp theo là tiếp tục theo dõi, giám sát, tạo điều kiện cho cán bộ phấn đấu rèn luyện thêm qua thực tiễn…

Bài học kinh nghiệm quý từ việc tổ chức thi tuyển được đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư nhận định, đó là tăng tính cạnh tranh trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ. Thực hiện tốt thi tuyển sẽ tạo phương thức, cách làm mới; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng khách quan, công tâm, minh bạch, thực chất; đấu tranh với tính hình thức hay tình trạng "quân xanh, quân đỏ" diễn ra lâu nay, đồng thời loại bỏ nạn "chạy ghế, chạy chức", tình trạng thao túng, lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác cán bộ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa ban hành Quy chế về việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng. Yêu cầu đặt ra là từ nay đến năm 2020, việc bổ nhiệm mới, bổ nhiệm từ vị trí chức danh thấp lên chức danh cao hơn bắt buộc phải thực hiện thông qua thi tuyển.

Phối hợp kiểm soát quyền lực chặt chẽ

Những bài học đau xót trong công tác cán bộ đã chỉ ra, có nguyên nhân từ sự suy yếu năng lực, sức chiến đấu của chi bộ, tổ chức đảng nơi cán bộ, đảng viên sinh hoạt trực tiếp; việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng chưa nghiêm; tự phê bình và phê bình giảm sút. Nhiều cán bộ, đảng viên lão thành bày tỏ trăn trở, nếu một tập thể mà nội bộ tránh né, đảng viên ngại va chạm, quần chúng không dám nói là tập thể tê liệt. Xã hội không có phản biện, không đấu tranh với tiêu cực là một xã hội kém phát triển, nguy cơ mất chế độ từ đây. Do đó, cấp ủy phải tạo được cơ chế khuyến khích, bảo vệ đảng viên và nhân dân nói lên tiếng nói của mình, đóng góp xây dựng Ðảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị vững mạnh. Sử dụng cán bộ cần đi liền với giám sát, giáo dục và rèn luyện cán bộ chặt chẽ qua công tác thực tế, để họ phát huy ưu điểm, hạn chế khuyết điểm.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, với quyết tâm cao và hành động quyết liệt hơn nữa. Theo đại diện lãnh đạo UBKT T.Ư, cần phân định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của tập thể, cá nhân, nhất là thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu; kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ. Việc xử lý sai phạm phải kịp thời, kiên quyết, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, hết tuổi công tác, kể cả đương chức hay đã về hưu. Bên cạnh đó, nghiên cứu tăng thẩm quyền và chế tài xử lý trách nhiệm của UBKT các cấp trong việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu; đồng bộ, thống nhất giữa kỷ luật của Ðảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Hội nghị T.Ư 6, khóa XII vừa qua đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Công tác cán bộ vẫn được coi là vấn đề căn cốt nhất với yêu cầu toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú ý quy định số lượng cấp phó tối đa phù hợp đặc điểm của mỗi tổ chức; tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý giữa cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương; xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình; xây dựng chế tài và xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu có vi phạm; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra của Ðảng với thanh tra của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội…

Nghiêm túc rút kinh nghiệm từ bài học đau xót trong công tác cán bộ, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa). Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Ðảng, để lấy lại và củng cố lòng tin, tình thương yêu, quý trọng của nhân dân.

Ban Bí thư T.Ư Ðảng vừa ban hành Quyết định số 99 về Hướng dẫn khung để các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Hướng dẫn yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm công khai thông tin để nhân dân biết, góp ý và giám sát, bao gồm: 27 biểu hiện suy thoái được chỉ ra tại Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII; 19 điều đảng viên không được làm; kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật); công tác cán bộ; bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý…


TIỂU PHƯƠNG

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất