Những đảng viên xả thân trong giặc lửa vì Hà Nội máu và hoa

Bài 1: Gương đảng viên “đi trước” và văn hoá truyền thống chiến sĩ phòng cháy Thủ đô

Gương đảng viên "đi trước" và văn hóa truyền thống chiến sĩ PCCC một lần nữa lại tỏa sáng khi 3 chiến sĩ đã hi sinh trong chống "giặc lửa" để bảo vệ người dân.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” tưởng như sẽ ít thấy trong cơ chế thị trường. Song sau sự việc 3 cán bộ chiến sĩ phòng cháy chữa cháy anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ dập tắt đám cháy ở quận Cầu Giấy toả sáng văn hoá xả thân vì dân của chiến sĩ phòng cháy Thủ đô, đáng để chúng ta noi theo và rút ra nhiều bài học góp phần xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại.

Nỗi đau mất mát

Như đã biết, ngay sau khi nhận được thông tin vụ cháy (khoảng 13h ngày 1/8), tại quán karaoke số 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội đã điều động Đội cảnh sát phòng chống chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Cầu Giấy, Đội cảnh sát cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Đống Đa ngay lập tức đến hiện trường tổ chức tìm kiếm cứu nạn và chữa cháy; lãnh đạo Bộ Công an đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã dùng xe thang đưa lực lượng chữa cháy lên khu vực tầng thượng của ngôi nhà, tháo dỡ các bức tường ngăn để tiếp cận khu vực đám cháy ở bên trong, triển khai các biện pháp nghiệp vụ chữa cháy và đã cứu được 8 người.

Do đây là cơ sở kinh doanh Karaoke, có nhiều thiết bị, đồ vật dụng dễ bắt lửa nên đám cháy (chưa xác định rõ nguyên nhân chính xác) diễn ra rất lâu và để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Đặc biệt, có 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an TP Hà Nội gồm: đồng chí Đặng Anh Quân - Đội trưởng đội phòng cháy chữa cháy; đồng chí Đỗ Đức Việt, cán bộ phòng cháy chữa cháy và đồng chí Nguyễn Đình Phúc chiến sĩ nghĩa vụ đã anh dũng hy sinh.

Các chiến sĩ đã không quản thân mình lao vào đám cháy để tìm kiếm, cứu nạn người dân.

Các chiến sĩ đã không quản thân mình lao vào đám cháy để tìm kiếm, cứu nạn người dân.

Sự ra đi của các anh để lại cho xã hội và mỗi chúng ta nhiều mất mát, sự tiếc thương. Bởi lẽ, trong số đó có những người như đồng chí Đặng Anh Quân còn có mẹ già, còn có vợ và những đứa con dại. Hay đồng chí Đỗ Đức Việt, Nguyễn Đình Phúc, ngoài gia đình, bạn bè, người thân, còn có cả tương lai ở phía trước.

Vâng, họ đã ra đi để lại nhiều điều dang dở trong cuộc sống đời thường và nhiệm vụ. Họ đã hy sinh thân xác, cuộc đời của mình để cho 8 sinh mạng, 8 cuộc đời khác được sống.

Cuộc sống ngoài kia vội vã, mọi thứ sẽ trôi đi, vụ việc rồi sẽ khép lại nhưng nỗi đau, niềm tiếc thương, day dứt đối với gia đình, người thân, đồng đội của họ vẫn còn đó và không gì khoả lấp được.

Những chiến binh thời bình

Hai ngày sau vụ cháy, nhóm phóng viên chúng tôi đã gặp gỡ và được nghe những chia sẻ, những tình cảm mà những người thày và cũng là đồng nghiệp tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy dành cho chiến sĩ Đỗ Đức Việt.

Đại uý Nguyễn Quốc Minh – Giáo viên chủ nhiệm của đồng chí Đỗ Đức Việt không dấu nổi xúc động và nghẹn ngào cho biết: Vào buổi chiều ngày 1/8 khi mà chúng tôi tiếp nhận được thông tin đồng chí Đỗ Đức Việt hiện đang học tập tại trường và do tôi trực tiếp quản lý đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ chữa cháy, cá nhân tôi cũng như các đồng chí học viên tập thể Lớp liên thông 12 E nơi đồng chí Việt đang học tập, cảm thấy bàng hoàng”.

“Đồng chí Việt không chỉ là học trò mà còn là người đồng đội của chúng tôi, đồng chí hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa lập gia đình, và cũng là một trong những cán bộ năng nổ nhiệt tình của tập thể Lớp liên thông 12 E nói riêng và của lực lượng phòng cháy chữa cháy công an quận Cầu Giấy, Công an TP Hà Nội nói chung”, Đại úy Minh đánh giá,“qua quá trình quản lý bồi dưỡng đối với đồng chí Việt thì tôi nhận thấy đồng chí Việt được các giáo viên giảng dạy đánh giá là có tinh thần học tập rất tốt, luôn cố gắng nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ của đơn vị tại Đội cháy chữa cháy quận Cầu Giấy giao và cố gắng, nỗ lực học tập tốt trong trường”.

“Đó là một trong những tấm gương tiêu biểu đối với lực lượng công an nhân dân nói chung và lực lượng cháy chữa cháy nói riêng, với một tinh thần quên mình vì nhân dân phục vụ, đồng chí Việt đã lan tỏa đến tất cả các thế hệ trẻ trong lực lượng công an nhân dân, đồng chí Việt đã quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao dù phải đánh đổi cả tính mạng và sức khỏe của bản thân”, Đại úy Minh khẳng định.

Thượng tá Nguyễn Tiến Mạnh – Phó Trưởng phòng Quản lý học viên, Trường Đại học Phòng chữa cháy chia sẻ, chúng tôi thực sự đau sót trước sự ra đi của các đồng chí. Đồng chí Việt được các giáo viên đánh giá là một học viên rất ưu tú, đã từng làm cán bộ lớp, chịu khó học hỏi, học tập và có tình yêu thương đồng chí đồng đội và người dân. Đã có rất nhiều hình ảnh đồng chí giúp đỡ nhân dân trong những việc xảy ra ngoài xã hội.

Thượng tá Mạnh cũng khẳng định, đồng chí Việt đây là một gương tiêu biểu đã dũng cảm anh dũng hy song vì sự bình yên của tổ quốc, đây cũng là một thiệt thòi mất mát của gia đình và nhà trường cùng các đồng nghiệp, là tấm gương tiêu biểu để cho tất cả các học viên trong Trường Đại học cháy chữa cháy noi theo”.

Cũng theo Thượng tá Mạnh thì mỗi học viên khi bước vào ngành được xác định thực hiện nghiêm túc các lời thề “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì khi tổ quốc, Đảng, Nhân dân cần đến”. Ngay trong nhà trường đã có giáo dục truyền thống mỗi học viên tự chủ động rèn luyện cho mình bản lĩnh vì nhân dân phục vụ, với tinh thần cứu người, cứu tài sản và hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.

Nói về đồng chí Đặng Anh Quân, là một người thân xa Nhà báo Đăng Thái cho biết, Quân là người hiền lành, tử tế và luôn hết lòng vì công việc.

Anh viết về Quân trên trang cá nhân của mình khi biết tin dữ: “Năm 2004 hai đứa cưới nhau, sinh được 2 cậu con trai, đứa lớn học lớp 12, đứa bé học lớp 8.

Quân hiền lắm, cả họ ai cũng quý vì em là người biết quan tâm đến mọi người. Có năm đi trực, gần 11h đêm 30 Tết mới chạy về quê thăm bố mẹ vợ, thời gian dành cho công việc cháy chữa cháy là chính. Quân mồ côi bố từ nhỏ, một tay mẹ Quân bán trà đá ở ngõ 1194 đường Láng nuôi anh em Quân đi học, bà là người chịu thương chịu khó, anh em bên nội đều quý trọng… Cuộc sống của chiến sĩ, rồi lên lãnh đạo Đội cháy chữa cháy là cả quá trình phấn đấu bằng thực lực. Quân thương yêu anh em và sống rất giản dị, có đám cháy nào là Quân dẫn đầu dập lửa, cứu người”.

Vợ Quân vẫn nhắc nhở "Anh làm gì phải nghĩ đến vợ con nhé". Quân bảo "Cứu người là trách nhiệm của anh, mình làm thì anh em mới noi theo chứ".

Vân theo lời anh Thái: “Chiều qua, nghe tin em hy sinh khi dẫn quân đi dập lửa, cứu được 8 người, trước đó cũng dập một đám cháy khác cứu được 2 người, đau lòng quá.

Sáng nay qua nhà em, nhìn bàn thờ lập vội chưa phóng kịp di ảnh mà thương.

Em được thăng cấp từ Trung tá lên Thượng tá nhưng đã ra đi mãi mãi khi mẹ em đã già yếu, con đang tuổi dậy thì, còn vợ vẫn còn trẻ.

Đất nước, nhân dân ghi nhớ công ơn của em và những đồng đội”

Có lẽ đã và sẽ còn nhiều lời tiếc thương, chia sẻ mất mát trên hàng nghìn diễn đàn khác về sự ra đi của 3 cán bộ chiến sĩ cũng như những tấm gương dũng cảm khác. Bởi lẽ, cuộc sống đối với họ ngắn ngủi và vô thường. Nhưng sự ra đi ấy như một tấm gương về ý chí, về lòng quả cảm, sự lựa chọn củalực lượng cảnh sát nhân dân; về tinh thần trách nhiệm và sự tử tế, nhân văn.

Những bó hoa tươi thắm đã được đặt dưới chân tượng đài để tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh, vì dân phục vụ.

Những bó hoa tươi thắm đã được đặt dưới chân tượng đài để tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh, vì dân phục vụ.

Trên tượng đài chiến sĩ công an nhân dân mới được khánh thành ở Hà Nội, đã có những đoá hoa tươi, những bông hoa trắng, những giọt nước mắt của người dân đặt vội bày tỏ tiếc thương, tưởng nhớ, để tri ân 3 chiến sĩ và những người đã ngã xuống vì sự bình yên của Nhân dân, của xã hội và cao hơn cả là Tổ quốc. Những bông hoa của lòng người tử tế, của sự nhân văn vốn vẫn luôn nằm trong tâm thức người Hà Nội, của con dân đất Việt.

Bài học xây dựng Thủ đô an toàn, văn minh, hiện đại

Hiện các cơ quan điều tra đang nhanh chóng xác định nguyên nhân để xử lý nhưng có thể thấy những vụ cháy xảy ra đều bắt nguồn từ sự chủ quan, thiếu ý thức của các cơ sở kinh doanh, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nói riêng và người dân nói chung.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong 6 tháng đầu năm cả nước xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người; Thiệt hại về tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng.

6 tháng qua còn chứng kiến xảy ra 1.778 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân và cháy cỏ, rác; có 8 vụ nổ làm 8 người chết và 10 người bị thương.

Về địa bàn xảy ra cháy: Thành thị xảy ra 482 vụ (chiếm 56,84%); nông thôn xảy ra 366 vụ (chiếm 43,16%).

Trong số 545 vụ cháy đã điều tra rõ nguyên nhân, có 398 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 46,93%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 89 vụ (chiếm 10,5%); do sự cố kỹ thuật 25 vụ (chiếm 2,95%)...

Đáng chú ý, trong số 28 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người ( 38 người chết, 6 người bị thương) thì chủ yếu xảy ra tại nhà dân (24/28 vụ, chiếm 85,7%; trong đó 21 vụ xảy ra nhà ở đơn lẻ và 3 vụ xảy ra tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh).

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Tiến Mạnh, chúng tôi luôn xác định công tác cháy chữa cháy là nhiệm vụ chính trị, sống còn, người khác chạy ra còn lực lượng phòng cháy chữa cháy phải chạy vào và mỗi học viên đều xác định rõ cho mình nhiệm vụ và một lý tưởng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Bức phù điêu với lời căn dặn Lực lượng phòng cháy chữa cháy của Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đặt trước cổng trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.

Bức phù điêu với lời căn dặn Lực lượng phòng cháy chữa cháy của Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đặt trước cổng trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.

Được đào tạo trong nhà trường các đồng chí tuổi đời mới 19-20 đều với khí thế và nhiệt huyết tuổi trẻ đều xác định được cho mình nhiệm vụ chính trị, cũng như đặt ra mục tiêu phấn đấu, đặc biệt những đồng chí được đứng trong hàng ngũ của Đảng luôn luôn xác định là một đảng viên phải đầu tàu gương mẫu, đi đầu trong tất cả các nhiệm vụ công việc.

“Qua sự hy sinh mất mát to lớn của 3 chiến sĩ vừa qua bản thân tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội để cho mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp tổ chức nhận thức đầy đủ vê công tác phòng cháy chữa cháy cho bản thân mình, gia đình và xã hội”, Thượng tá Mạnh chia sẻ.

Để bớt đi những nỗi đau không chỉ riêng trong lực lượng phòng cháy chữa cháy, lực lượng công an và Nhân dân nói chung, Thượng tá Mạnh – Trường Đại học phòng cháy chữa cháy, mong rằng, mỗi người dân, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh cần nâng cao ý thức hơn nữa về công tác phòng chống cháy nổ tại nơi ở, tại cơ quan đơn vị hay bất cứ nơi nào.

Bài 2: Lời Bác dạy năm xưa và trách nhiệm xây dựng Thủ đô hôm nay

Các anh ngã xuống đã tiếp bước truyền thống cảnh sát PCCC năm xưa được Bác Hồ ngợi khen và đã hoá thân vào bức tượng đài giữa Thủ đô hôm nay.

Bức tượng đài nhắc nhở trách nhiệm chúng ta nhìn vào thực tại, khắc phục những bất cập trong xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và giành tình cảm lớn cho Thủ đô, vì vậy, Người viết: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khoẻ cả về vật chất và tinh thần”. Thấm nhuần lời huấn thị của Bác Hồ, nhân dân Thủ đô Anh hùng nói chung và lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy nói riêng đã không tiếc máu xương để bảo vệ và xây dựng Thủ đô giàu mạnh như ngày nay theo đúng tâm nguyện của Người.

Cảnh sát PCCC cùng nhân dân sơ tán xăng dầu.

Cảnh sát PCCC cùng nhân dân sơ tán xăng dầu.


Lời Bác Hồ dạy năm xưa với nhân dân và cảnh sát PCCC Thủ đô

Những ngày này, sự hi sinh của những đảng viên, Cảnh sát PCCC trẻ, những “thiên thần áo xanh trong lửa đỏ” xả thân vì dân đã và đang rung động hàng triệu trái tim đồng bào thủ đô và nhân dân cả nước. Là một công dân thủ đô, một người nghiên cứu khoa học, nghĩ về các anh, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh các chiến sĩ PCCC năm xưa được Bác Hồ ngợi khen và những lời Bác căn dặn đồng bào Thủ đô.

Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị và tiếp quản khi Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy hết ý nghĩa lời cảnh báo của V.I.Lênin: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”. Người viết bài “Giữ gìn trật tự, an ninh”, đăng trên báo Báo Nhân Dân, số 236, từ ngày 9 đến ngày 10/10/1954, trong đó nhấn mạnh: “Quân đội Pháp đã rút khỏi Hà Nội. Chính phủ ta đã về Thủ đô. Hiện nay, việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự, an ninh. Có giữ vững trật tự, an ninh, thì nhân dân Thủ đô mới an cư, lạc nghiệp”.

Lực lượng Cảnh sát PCCC chữa cháy kho xăng Thượng Lý (Hải Phòng).

Lực lượng Cảnh sát PCCC chữa cháy kho xăng Thượng Lý (Hải Phòng).

Người còn chỉ rõ, chủ thể và lực lượng giữ vững trật tự, an ninh của Thủ đô là mọi tổ chức, mọi lực lượng, song lực lượng nòng cốt là quân đội và công an: “Giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân”. Đồng thời, Người chỉ rõ tính tất yếu phải phát huy sức mạnh tổ hợp trong giữ vững trật tự, an ninh của Thủ đô và giải thích rất rõ ràng: “Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, vì trật tự, an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân của mọi người”.

Đối với lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành tình cảm đặc biệt. Trong “Thư khen đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Sở Công an Hà Nội”, gửi ngày 3/8/1966, Người viết: “Trong việc phòng cháy, chữa cháy, các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chí đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng. Do đó các đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù trong những điều kiện khó khăn. Bác rất vui lòng khen ngợi tất cả cán bộ và chiến sĩ”.

Không những vậy, Người còn căn dặn: “Nhân đây, Bác dặn thêm mấy điều này: - Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn. - Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân. - Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy, chữa cháy. - Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”.

Không ai khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người “đặt nền móng” cho sự ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cả nước khi là Chủ tịch nước đầu tiên ký Lệnh số 53-LCT, ngày 4/10/1961, công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy; và ngày 4/10 là Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo Quyết định số 369/1996/QĐ-TTg, ngày 4/10/1995 về việc lấy ngày 4/10 hàng năm là “Ngày phòng cháy, chữa cháy toàn dân” và Quyết định số 5490/QĐ-BCA-X11, ngày 22/9/2015 của Bộ Công an xác định ngày 4/10/1961 là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy.

Bức tranh của họa sĩ Anbecks về sự hi sinh của 3 chiến sĩ PCCC khiến nhiều người xúc động. Ảnh: FBNV.

Bức tranh của họa sĩ Anbecks về sự hi sinh của 3 chiến sĩ PCCC khiến nhiều người xúc động. Ảnh: FBNV.

Hơn thế nữa, Người còn rất quan tâm đến công tác chính sách cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy khi ký các lệnh quan trọng: Lệnh số 17-LCT, ngày 5/4/1963, công bố Pháp lệnh quy định cơ quan phụ trách quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy; chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan phòng cháy và chữa cháy; Lệnh số 103-LCT, ngày 29/11/1965, thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho Đội phòng cháy và chữa cháy thuộc Ty Công an Nghệ An và Đội Công an thị trấn Hồ Xá thuộc khu vực Vĩnh Linh đã lập thành tích xuất sắc trong các trận chiến đấu chống máy bay Mỹ ngày 8/2 và những ngày 10, 11 và 12/5/1965; Lệnh số 112-LCT, ngày 23/12/1966, thưởng 4 Huân chương Chiến công cho 2 đơn vị và 2 chiến sĩ công an đã dũng cảm bảo vệ tài sản Nhà nước và nhân dân trong các trận chiến đấu tháng 4 và tháng 8/1966; truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba cho đồng chí Trần Thị Phương, thuộc Đội phòng cháy, chữa cháy phố Nam Dân, xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Huy hiệu Bác Hồ, sự hi sinh, nỗi đau và trách nhiệm

Thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ chiến sỹ.

Thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ chiến sỹ.


 
Mùa thu 1954, trong những ngày đầu Thủ đô giải phóng, Đội Cứu hoả thuộc Phòng Trị an dân cảnh Sở Công an Hà Nội được thành lập để tham gia tiếp quản, thực hiện nhiệm vụ phòng hoả cứu hoả, bảo vệ thành quả cách mạng. Ngày 11/10/1954, lực lượng này tiếp nhận 7 xe chữa cháy, 2 máy bơm Ghinard và nhiều phương tiện, dụng cụ chữa cháy khác từ Đội Cứu hoả trực thuộc xưởng Công chính của Sở Giao thông công chính Hà Nội. Số nhân viên, lính cứu hỏa được giác ngộ từ trước, lại được giáo dục lời căn dặn của Bác Hồ đã nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy cách mạng, đấu tranh tích cực giữ lại toàn bộ máy móc thiết bị, tham gia phục vụ tiếp quản Thủ đô thành công.

Với tinh thần và khí thế chiến thắng, chỉ trong vòng một tháng sau tiếp quản, Đại đội Cứu hỏa đầu tiên được chính thức thành lập ở Hà Nội cùng các lực lượng khác trong Công an Thủ đô đã ổn định các mặt công tác, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.

Từ đó đến nay, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Thủ đô không ngừng vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Trong thời bình, đặc biệt những ngày qua, Nhân dân Thủ đô và cả nước hết sức cảm phục và vô cùng thương tiếc khi 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh trong cuộc chiến với “giặc lửa” để cứu sống các nạn nhân của vụ cháy ở số nhà 231 Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội chiều ngày 1/8/2022. Đó là tấm lòng quả cảm khi mọi người chạy ra, thì các đồng chí xông pha vào biển lửa, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để cứu người. Bởi họ là những tấm gương tiêu biểu nhất và hành động có sức lan tỏa nhất trong “những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu anh dũng, không quản hiểm nguy, đặt sự an toàn của nhân dân lên trên hết, trước hết” - như lời Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định khi tới thăm, động viên gia đình các anh chiều 2/8/2022. Sự hy sinh trong thời bình của 3 đồng chí đã góp phần xây dựng truyền thống cao quý “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của lực lượng Công an nhân dân Anh hùng.

Tượng đài Công an nhân dân - ảnh: Cấn Dũng.

Tượng đài Công an nhân dân - ảnh: Cấn Dũng.

Sinh thời, Bác Hồ rất trân trọng sự cống hiến, hi sinh của những chiến sĩ PCCC. Cuối năm 1959, Bác Hồ đã đề nghị và được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để Người tặng thưởng huy hiệu mang tên “Huy hiệu Bác Hồ” đối với những gương làm việc tốt mà Bác đọc được trên báo chí. Đối với mỗi người dân Việt Nam, sự kiện được Bác Hồ trao tặng Huy hiệu là niềm vinh dự lớn lao đặc biệt. Người lính PCCC nhận được vinh dự trên là đồng chí Hồ Bá Thọ - Phó Phòng Cảnh sát PCCC - Công an Quảng Bình. Đầu năm 1965 đến tháng 8/1965, đồng chí Hồ Bá Thọ được phân công phụ trách Đội PCCC thuộc Phòng Cảnh sát nhân dân, Ty Công an tỉnh Quảng Bình. Đồng chí đã cùng 3 chiến sỹ xây dựng được 21 Đội Chữa cháy nghĩa vụ gồm 600 người. Bản thân trực tiếp tham gia cứu chữa 8 vụ cháy.

Cũng trong năm 1965, khi địch đánh vào thị xã Đồng Hới, đồng chí Thọ đã dũng cảm lao vào đào bới hầm sập đưa 14 người ra ngoài. Một bà mẹ bị lửa vây kín không ra ngoài được, đồng chí đã nhanh trí lấy nước dội ướt người mình và xông vào bế xốc bà cụ ra. Được giao nhiệm vụ bảo vệ nhân dân đi sơ tán khỏi vùng đánh phá ác liệt của địch, Hồ Bá Thọ đã tổ chức đưa các cháu bé, các cụ già đi ra khu vực an toàn chu đáo. Đọc được bài viết về tấm gương dũng cảm của đồng chí Hồ Bá Thọ trên Báo Công an nhân dân số 462 ra ngày 27/5/1969, Bác Hồ đã gửi tặng thưởng Huy hiệu của Người. Trong những năm kháng chiến ác liệt, Huy hiệu Bác trao là động lực để người chiến sỹ Hồ Bá Thọ kiên trung không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ngày 25/8/1970, đồng chí Hồ Bá Thọ được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Thêm một câu chuyện cảm động nữa về người chiến sĩ PCCC Thủ đô, đó là gia đình người lính chữa cháy Trương Từ Thức được Bác Hồ “xông đất” đêm Giao thừa năm Canh Tý (1960). Chuyến “vi hành” đặc biệt của vị Chủ tịch nước đêm Giao thừa năm Canh Tý (1960) là niềm xúc động và vinh dự lớn lao không chỉ với đối với đồng chí Trương Từ Thức mà còn đối với lực lượng Cảnh sát PCCC. Tết năm Canh Tý (1960), giữa đêm mưa phùn và giá lạnh, Người đã đến thăm và chúc Tết gia đình đồng chí Trương Từ Thức – Đội trưởng Đội PCCC Hà Nội lúc bấy giờ. Không “trống giong cờ mở”, Người lặng lẽ trong mưa phùn và gió lạnh cùng một vài đồng chí đến nhà người cảnh sát PCCC trong niềm xúc động vỡ oà.

Chiều 4/8, người dân mang hoa tưởng niệm các đồng chí Cảnh sát PCCC đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. ảnh: Cấn Dũng.

Chiều 4/8, người dân mang hoa tưởng niệm các đồng chí Cảnh sát PCCC đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. ảnh: Cấn Dũng.


Câu chuyện về sự quan tâm của Bác Hồ tới cảnh sát PCCC Thủ đô năm xưa càng nhắc nhở chúng ta ngày hôm nay, phải biết trân trọng công lao và sự hi sinh của những chiến sĩ trên tuyến đầu chống giặc lửa. Hành động tự nhiên của nhiều người dân thủ đô hiện nay mỗi ngày đến đặt hoa dưới chân tượng đài cảnh sát PCCC là những nghĩa cử, tình cảm cao đẹp tiếp nối thực hiện điều Bác Hồ căn dặn. Nhưng hơn thế, cùng với sự tri ân phải là những hành động thực tiễn của toàn dân.

Sự hy sinh của Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc là tổn thất lớn đối với gia đình và lực lượng Công an nhân dân, đồng thời cũng tỏa sáng hình ảnh của những công dân Thủ đô; từ đó cũng đặt ra trách nhiệm trong bảo vệ sự bình yên của nhân dân và xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại xứng tầm với vị thế của Thủ đô như luật định cho những người ở lại.

Chuyện cái bể nước và hành động thực tiễn

Còn nhớ năm năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Trong giai đoạn này, công tác PCCC được Đảng, Nhà nước quan tâm và đưa vào phong trào bảo vệ trị an, thể hiện rõ nhất với khẩu hiệu 3 phòng: “Phòng gian – Phòng hoả – Phòng tai nạn”. Ngày 01/01/1955, trong buổi lễ mít tinh chào mừng Đảng và Chính phủ sau 9 năm kháng chiến trở về Thủ đô, Đội Cứu hỏa gồm 7 người do đồng chí Lục Văn Giỏi làm chỉ huy tham gia bảo vệ lễ đài trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Sau cuộc mít tinh, Bác đã đi từ lễ đài xuống, ân cần bắt tay từng người trong Đội Cứu hỏa và chúc: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp!” Tất cả đều ngỡ ngàng và thấm thía trước lời chúc đặc biệt của Bác dành cho Đội Cứu hỏa mùa Xuân năm ấy nhưng cũng đặt ra trăn trở cho chúng ta ngày hôm nay khi trong suốt 10 năm qua, lực lượng PCCC của chúng ta chưa “thất nghiệp” mà còn nhiều vất vả với không ít vụ cháy lớn, hi sinh, thiệt hại tính mạng của cả cảnh sát PCCC và nhân dân… Với một đô thị lớn và đông dân, cháy nổ xảy ra khó tránh khỏi nhưng vẫn còn không ít vấn đề bất cập trong quản lý cần phải khắc phục và với quận Cầu Giấy, những vụ cháy lớn thiệt hại nghiêm trọng về người và của không phải lần đầu.


Thêm một kỷ niệm nữa về Người nhắc nhở chúng ta hôm nay. Năm 1958, Phủ Chủ tịch có một bể nước cần phá đi để đảm bảo yêu cầu công tác. Khi được xin ý kiến chỉ đạo, Bác yêu cầu phải hỏi ý kiến các đồng chí làm công tác PCCC. Người cẩn trọng và tinh tế trong từng chi tiết nhỏ với vai trò và trách nhiệm của một công dân đối với công tác PCCC chứ không đứng trên cương vị Chủ tịch nước để giải quyết mọi tình huống liên quan đến công tác PCCC đặt ra.

Để không còn những vụ cháy thương tâm, để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, rõ ràng còn rất nhiều công việc phải làm và công tác phòng cháy chữa cháy phải được nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, trước hết từ người đứng đầu như Bác Hồ năm xưa quan tâm từ cái bể nước và công tác PCCC cả thành phố.

Đó có lẽ cũng là những hành động thiết thực để cụ thể hoá, tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Bài 3: Máu đào rơi, mầm tốt đẹp sẽ nảy nở

Vượt lên nỗi đau để lại trong lòng nhân dân, sự dấn thân, hy sinh của các chiến sỹ phòng cháy chữa cháy đang gieo lên niềm hy vọng cho điều tốt đẹp được nảy nở.

Tháng 8, Hà Nội đang bắt đầu vào thu. Bầu không khí giao mùa bình yên, nhẹ nhàng như làm tăng thêm sự xúc động đối với PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khi chia sẻ với Báo Công Thương về sự hy sinh của 3 chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

Sự hy sinh của 3 chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội đang để lại niềm thương tiếc đối với mỗi người dân. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của bản thân về điều này cũng như tình cảm của nhân dân cả nước trước sự hy sinh của 3 chiến sỹ?

Bản thân tôi, khi tiếp nhận thông tin 3 chiến sỹ phòng cháy chữa cháy hy sinh khi làm nhiệm vụ là vô cùng bàng hoàng. Và tất cả cho thấy, sự mất mát này đã vượt quá nỗi đau thông thường. Đây có lẽ là cảm xúc chung của tất cả mọi người. Bởi chúng ta không nghĩ rằng, ngay trong thời bình, lặng im tiếng súng nhưng vẫn có những người, những chiến sỹ bảo vệ bình yên cho nhân dân phải ngã xuống khi làm nhiệm vụ.

Sự hy sinh đó khiến ta đau đáu, và sự xúc động lại càng lớn hơn bởi mỗi giờ, mỗi ngày chúng ta thấy nhiều người dân đến đặt hoa tại tượng đài các chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Hành động này đều xuất phát từ con tim của mỗi người, xuất phát từ sự cảm phục của mỗi người trước tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sỹ; cùng với đó việc cộng đồng mạng xã hội liên tục lan truyền, chia sẻ cho nhau những thông tin, hình ảnh xúc động về 3 chiến sỹ… đang thể hiện tình cảm của người dân là yếu tố thực sự có giá trị kết nối con tim người Việt lại với nhau.

“Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, tinh thần này đang được các chiến sỹ công an tiếp nối và phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong thời bình, thưa ông?

Qua những cuộc chiến tranh, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống. Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Máu đào của các anh hùng liệt sỹ đã tô thắm lá cờ Tổ quốc, máu đào đã nở hoa cho đất nước ngày hôm nay. Các anh hùng liệt sỹ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nói, họ chiến đấu hi sinh để đất nước được độc lập, dân tộc mãi mãi trường tồn.

Đối với lực lượng công an nhân dân luôn “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” là khẩu hiệu xuyên suốt, thể hiện trong từng hành động cụ thể của các chiến sỹ. Qua sự hy sinh của các chiến sỹ phòng cháy chữa cháy, chúng ta một lần nữa cảm nhận sâu sắc hơn nữa tinh thần đó không chỉ trong thời chiến mà trong cả những giờ khắc của hòa bình. Và, sự hy sinh đó giúp cho hình ảnh của các chiến sỹ công an nhân dân trở nên cao đẹp hơn, gần gũi với người dân nhiều hơn.

Việc bảo vệ tổ quốc không phải để đến khi chiến tranh, khi đất nước gặp khó khăn mà nó phải là hành động thường xuyên liên tục, có sự chung tay chung sức của nhiều người. Từ tấm gương hy sinh, dấn thân của các chiến sỹ có thể lan tỏa sang các nhóm, lĩnh vực khác trong xã hội. Để từ đó có những hành động cụ thể, bài học của riêng mình nhằm góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước phát triển thịnh vượng, phồn vinh.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cũng cần có những ưu tiên nhất định cho lực lượng tuyến đầu bởi họ luôn phải đối diện với những khó khăn, gian truân, nguy hiểm. Như vậy, cần có những cơ chế chính sách để tôn vinh các chiến sỹ công an, những người luôn vì xã hội, cống hiến vì nhân dân, đất nước. Qua đó, tạo thêm động lực, sự an tâm cho mỗi chiến sỹ trong thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình và giúp cho sự cống hiến của họ tiếp tục lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Trong giai đoạn các giá trị sống tốt đẹp dần ít đi và bị lu mờ trước các giá trị vật chất, theo ông, sự hy sinh của 3 chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ khơi dậy và làm nảy nở các giá trị tích cực, tốt đẹp ra sao?

Ngay trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã chứng kiến nhiều tấm gương tiêu biểu, những hy sinh cao đẹp, lay động lòng người của lực lượng tuyến đầu giữa cuộc chiến không tiếng súng đầy khốc liệt. Ngoài lực lượng công an, bộ đội còn là những chiến sĩ áo trắng, họ như những chiến binh âm thầm, lặng lẽ dấn thân, cống hiến, hy sinh tình cảm và lợi ích cá nhân để mang lại cuộc sống bình an cho người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Từ sự hy sinh của 3 chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy nói riêng và các lực lượng tuyến đầu khác, tôi chắc chắn rằng sự hy sinh đó đã và sẽ truyền cảm hứng, lan tỏa thông điệp tích cực về những tấm gương, sự xả thân trong cuộc sống.

Trong cảm nhận của tôi, mấy ngày qua sự hy sinh này tạo ra một thứ tình cảm tích cực trong xã hội. Và tôi tin rằng sự hy sinh này sẽ giúp chúng ta hướng đến việc làm sao có được những giá trị sống tốt đẹp hơn trong tương lai, bởi thực tiễn cuộc sống hiện đại ngày nay đang khiến cho những giá trị tốt đẹp bị lu mờ trước cái xấu, cái ác. Đồng thời, chính sự hy sinh đó một lần nữa đánh bại chủ nghĩa cá nhân, lợi ích và giá trị vật chất tầm thường.

Không chỉ vậy, theo tôi, những hy sinh đó chính là những tấm gương bình dị, trong sáng và chân thực nhất. Chúng ta rất cần những tấm gương như vậy để xây dựng nên những hình mẫu, những lối sống tích cực cho cộng đồng, hun đúc tinh thần kiên cường, biết vượt qua các khó khăn, những cám dỗ của cuộc sống.

Đó cũng là những gì mà chúng ta mong muốn để những hành động dũng cảm, sự hy sinh của các chiến sỹ không vô ích mà trở thành bài học, động lực để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn nữa, góp phần vào việc hoàn thiện nhân cách đối với con người Việt Nam chúng ta.

Ngược lại với những giá trị tích cực, tốt đẹp về những tấm gương, sự hy sinh đó thì có những hiện tượng gây nhức nhối cho xã hội?

Chúng ta đang sống trong bối cảnh xã hội mới, đan xen nhiều sự phức tạp đến từ nhiều lý do khác nhau, đó là sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông mới, sự bùng nổ của mạng xã hội…

Chính sự tác động của môi trường như vậy khiến cho mỗi cá nhân đang vật lộn thậm chí rất khó khăn trong quá trình định hướng sự phát triển của mình. Và khó khăn đó được cụ thể hóa bằng các hành vi lệch chuẩn, phản cảm trong xã hội.

Vì thế, chúng ta cần nhiều hơn nữa bài học, những tấm gương, hình ảnh đẹp cũng như các nỗ lực để xây dựng hệ giá trị cho con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Làm sao định hướng được các hành vi trong xã hội, các hành vi thể hiện trách nhiệm xã hội nhiều hơn; xây dựng môi trường tạo điều kiện cho lòng tốt, điều tốt đẹp được nảy nở...

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài cuối: Sự hi sinh khiến chúng ta thay đổi

Đó là ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc khi nghĩ về sự hi sinh của các chiến sĩ PCCC Thủ đô. Đã đến lúc mọi người cần thay đổi cả nhận thức và hành động…

Lẽ sống cao đẹp giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến

Là nhà nghiên cứu lịch sử và từng là đại biểu Quốc hội nhiều năm, ông Dương Trung Quốc rất ấn tượng trước sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy nói chung, lực lượng phòng cháy chữa cháy Thủ đô nói riêng. Sự quan tâm ấy ngầm nói lên vị trí vai trò hết sức quan trọng của họ đối với Thủ đô, vì sự yên bình và phát triển, cả trong thời chiến cũng như thời bình.

Gần 2/3 thế kỷ đã đi qua, những lời chỉ dạy thiết thực, giản dị, sâu sắc của Bác kính yêu đối với lực lượng này như ở bài viết trên Báo Công Thương của TS Hà Sơn Thái kỳ trước vẫn mãi trường tồn, vẹn nguyên giá trị, trở thành ngọn đuốc soi đường để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an nhân dân thực hiện lẽ sống cao đẹp “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Có thể thấy giá trị nhân cách của lực lượng công an nhân dân được hun đúc bởi nhiều yếu tố, trong đó đức hy sinh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ấy là hành động nhận gian khó về mình để người khác được hưởng niềm vui, sẵn sàng hy sinh bản thân để người khác được hưởng bình yên, hạnh phúc. Trong xã hội, nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”.

Họ sẵn sàng xung phong dấn thân vào nơi gian khổ, hiểm nguy. Những người chiến sĩ nhận về mình sự thiệt thòi để mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội. Tinh thần đó, lý tưởng đó, hành động đó thật đáng trân trọng biết bao!

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Giới trẻ cần thay đổi suy nghĩ về lực lượng công an và những người sẵn sàng hi sinh vì cộng đồng

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, vừa rồi chúng ta chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, theo dõi trên các trang mạng, theo dõi các bạn trẻ, các bạn sẽ cảm nhận được gì đó, phát hiện điều gì đó mà trước đó các bạn thấy các anh công an đó có gì xét nét, có gì đòi hỏi mình phải tước đoạt một phần nào đó cái ý thích mà các bạn cho là tự do.

“Tôi nghĩ rằng những cái thực tiễn ấy nó hết sức sinh động nó hết sức có tác động, nó làm thay đổi đời sống, tất nhiên không ai mong muốn điều đó xảy ra, nhưng khi nó đã xảy ra bên cạnh nhìn nhận về sự an toàn của xã hội thì tình cảm tâm lý của con người nó sẽ thay đổi, không có lực lượng nào hy sinh xương máu, tính mạng bằng lực lượng công an. Những chuyện ứng phó với bọn buôn lậu ma túy, bọn hải tặc…họ sẵn sàng xả thân đúng như lời thề của họ và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh” – ông Dương Trung Quốc nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đề nghị, chúng ta phải rà soát lại đừng để xảy ra những chuyện đáng tiếc như thế nữa, những sự hy sinh đôi khi có thể hiểu là vô ích đáng ra không nên có, nhưng mà khi những người đó đã sẵn sàng hy sinh rồi nó càng đề cao hơn nữa giá trị phẩm hạnh của họ, đúng với sứ mệnh của họ.

Không phải tự nhiên ở các nước họ hết sức tôn vinh lực lượng cứu hộ trong đó có cứu hỏa, bởi vì là những biến cố xảy ra thường ngày nó khác với chiến tranh, khác với sự cố khác, có thể nói những người lính này là những người sẵn sàng dành sự sống cho người khác, sẵn sàng nhận sự hy sinh cho mình.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Phải nói rằng đây là sự đau xót cho gia đình, xã hội, tôi nghĩ rằng, ngoài việc tôn vinh, vinh danh của nhà nước, đây là cơ hội để các bạn trẻ có thể nhìn nhận lại trong đó có nhìn nhận lại lực lượng công an, và những người cùng trang lứa với mình họ cũng có những khát vọng, những cống hiến. Đằng sau sự hy sinh đó không chỉ là nỗi đau, sự mất mát mà nó còn làm thay đổi hay tác động vào những suy nghĩ để thay đổi giới trẻ. Nó góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.

Giá trị con người sẵn sàng hy sinh như cách nói các cụ ngày xưa nói là vì “việc nghĩa”, điều đó trong truyền thống xã hội, đạo lý dân tộc đều răn dạy chúng ta. Nhất là các bạn trẻ, đôi khi mình hi sinh để làm gì? hy sinh cho ai? hy sinh như thế nào? đôi khi nó đã trở thành bản năng con người.

Ở đây các chiến sĩ đang làm đúng nhiệm vụ được nhà nước được xã hội giao phó cho và họ coi việc hoàn thành nhiệm vụ là quan trọng trong nhiệm vụ đó có việc bảo vệ sinh mạng nhân dân. Thì lúc đấy họ không có suy nghĩ nhiều, họ hành xử như bản năng, bản năng đó thực ra là một ý thức nó vượt lên trên bản năng con người, tôi cho rằng nếu phẩm chất ấy nó có trong mọi người, mọi người có thể vào trong hoàn cảnh cụ thể họ đều hành xử giống nhau.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết thêm: “Tôi rất cảm động khi thấy nhiều bạn trẻ làm được những việc cao cả như thế ví dụ: như cứu người chết đuối, cứu người bị nạn mà khi họ trả lời cũng rất đơn giản thôi “chắc người khác rơi vào hoàn cảnh như tôi cũng hành xử như thế”, mong sao những lời nói tưởng chừng đơn giản ấy trở thành một phần đời sống của chúng ta. Không chỉ của các bạn trẻ mà còn cho tất cả chúng ta”.

Hình ảnh chiến sĩ phòng cháy chữa cháy luôn vì tính mạng của Nhân dân.

Hình ảnh chiến sĩ phòng cháy chữa cháy luôn vì tính mạng của Nhân dân.

Cùng nhìn lại công tác quản lý xã hội

Trong thời đại công nghệ số, cuộc sống số, bên cạnh những mặt chưa tích cực, công nghệ số nó phát huy mặt tích cực của nó, nó phản ánh hình ảnh và đưa những thông tin mà cụ thể trong những trường hợp này rõ ràng nó mang lại một luồng gió một nhận thức tốt đẹp, nó mong muốn rằng thanh niên chúng ta thấy được những hình ảnh, tấm gương xả thân cứu người.

Chúng ta sống trong thời đại này, chính vì thế những thông tin tích cực dù nó đau xót nhưng nó cũng mang lại một cách thức sống cho bạn trẻ. Tôi nghĩ xã hội nên quan tâm đến vấn đề này, sự giáo dục, tôn vinh sự đánh giá, cái tốt, cái xấu cái hay cái dở nó phải được minh bạch và chỉ khi những thông tin đó được chia sẻ trong giới trẻ thì nó sẽ làm thay đổi từng bước một nhận thức xã hội.

Một điều thấy rằng, đã có quá nhiều vụ cháy xảy ra tại các quán karaoke, vũ trường trên cả nước trong những năm qua, trong đó tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đã từng có vụ việc cháy quán karaoke gây chết 13 người. Một câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn có những vụ việc đau lòng như thế xảy ra?

“Trong khi lực lượng phòng cháy chữa cháy lăn mình vào nguy hiểm thậm chí hy sinh thân mình, vậy lực lượng công an tại địa bàn đó như thế nào? giám sát thế nào? các ngành khác quản lý cấp phép thế nào? không ai mong muốn có những anh hùng như thế này cả mặc dầu sự hy sinh đó mình hết sức ngưỡng mộ trân trọng. Bên cạnh tôn vinh các chiến sĩ công an cũng phải nhìn lại công tác quản lý trật tự an ninh xã hội và cấp phép, kiểm tra phòng cháy chữa cháy”, nhà sử học Dương Trung Quốc đề nghị.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất