Nhiều độc giả khi đọc truyện ngắn Đỗ Bích Thuý thường liên tưởng tới Nguyễn Ngọc Tư và chúng tôi khi khởi thảo bài phỏng vấn này cũng có ý nghĩ như vậy. Cả hai đều cùng một độ tuổi, cùng thuộc thế hệ 7X, cùng khởi nghiệp bằng thể tài truyện ngắn và đều ít nhiều gặt hái thành công khi tuổi đời còn khá trẻ... Nhà văn miền núi Cao Duy Sơn nói: “Mỗi một người viết đều cần rào cho mình một thửa đất để cày xới”. Đỗ Bích Thuý đã bước đầu định hình là cây bút chuyên tâm với đề tài miền núi - một đề tài không phải người cầm bút trẻ nào cũng dám lựa chọn. Đọc những sáng tác của chị viết về nơi chôn nhau cắt rốn, không biết bao lần độc giả phải rớt nước mắt. Mừng vui cũng có, xót thương những người đàn bà miền núi bên dòng sông Nho Quế cũng có và còn vô vàn những lý do khác… Trong nhịp sống vội vã này, hiếm hoi lắm mới có được một nhà văn có khả năng lấy được của người đọc hai thứ tài sản quý giá là thời gian và xúc cảm. Nhân dịp Xuân Tân Mão, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng xin chuyển tới bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện với nhà văn trẻ, đảng viên trẻ, đại úy trẻ, nữ Phó tổng Biên tập trẻ đầu tiên trong lịch sử 50 năm của Tạp chí Văn nghệ Quân đội - Đỗ Bích Thúy.
PV: Chào nhà văn trẻ Đỗ Bích Thúy! Chị có thể chia sẻ với độc giả Tạp chí Xây dựng Đảng về con đường đến với văn chương của mình?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Cách đây một thời gian, tôi nhận được thư của một người bạn. Anh nhờ mình đọc và tư vấn giúp xem cô con gái có thể theo được con đường văn chương không. Khi đọc xong, thấy cô bé giống mình ngày xưa quá. Đó là tình yêu văn học, ham mê viết, có khả năng viết nhưng không biết bắt đầu từ đâu!
Tôi sinh ra và lớn lên trong một bản nhỏ của người Tày ở Hà Giang. Tôi thích đọc sách từ bé. Bố mẹ tôi làm nông nghiệp thôi nhưng lại luôn khuyến khích con cái đọc sách. Trong ký ức tuổi thơ, điều tôi thích nhất là được theo mẹ đi chợ. Ngồi giữa 2 sọt cam, đợi mẹ bán hết hàng, được ăn một cái bánh chưng bé tí... và cuối phiên chợ được vào hiệu sách để mẹ mua sách cho. Những cuốn sách mỏng được tôi cẩn thận đóng thành tập và ghi trên đó “sách của Thúy cấm xâm phạm”. Có lẽ khát vọng được đọc sách từ bé đã thôi thúc tôi: Tại sao mình không viết ra những cuốn sách cho mình và cho mọi người xung quanh? Và tôi đã viết rất nhiều, gửi “điên cuồng” cho các báo. Bài tản văn đầu tiên “Con của rừng” được đăng trên tạp chí Tuổi Xanh, nhuận bút năm 1994 được 10 ngàn đồng (khi đó nhà văn Đỗ Bích Thúy đang theo học ngành Tài chính-Kế toán - PV). Mọi người thế nào không biết, chứ tôi biết ơn tạp chí Tuổi Xanh lắm. 10 ngàn đồng ấy chính là cú hích để tôi viết liên miên suốt mấy năm trời. Viết trong sung sướng tràn trề!
PV: Và chị đã thực hiện được mơ ước viết ra những cuốn sách cho mình, cho mọi người?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Học cấp 3, tôi từng đi thi học sinh giỏi văn toàn quốc. Lúc đó tôi có 2 mong ước: Trở thành nhà báo hoặc một cô công an (trong nhà của Đỗ Bích Thúy có rất nhiều sách, truyện trinh thám vì bố chị và hai anh trai rất mê đọc thể loại này - PV). Nhưng học hết phổ thông, tôi theo học ngành Tài chính-Kế toán và nghĩ cuộc đời mình gắn bó với những con số. Nào có ngờ đâu, nhờ truyện ngắn Chuỗi hạt cườm màu xám đăng trên báo Tiền phong, tôi nhận được lời mời về làm việc tại Hội Văn nghệ Hà Giang khi vừa tốt nghiệp. Về Hội Văn nghệ một thời gian, chính lãnh đạo Hội lại góp ý tôi nên chuyển sang làm báo để có điều kiện đi thực tế. Bởi thực tế chính là thứ bột để gột lên hồ đối với người cầm bút. Lăn lộn với nghiệp báo 4 năm, đi công tác vùng sâu vùng xa, tận mắt nhìn thấy cuộc sống của bà con vùng cao, mình thấy gắn bó, yêu nghề hơn. Mỗi khi viết được một bài về cuộc sống của người dân nơi đây, có khi vui lắm, cũng có khi buồn mất mấy ngày. Rồi cũng chính cơ quan thấy tôi và một số anh chị em khác mặc dù làm báo đã lâu nhưng chưa được đào tạo bài bản nên động viên đi thi. Rồi thì tôi trở thành sinh viên báo chí “già” nhất khóa 16 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thời gian này, nỗi nhớ nhà, nhớ mảnh đất và con người Hà Giang đã thôi thúc tôi cầm bút. Nghe theo lời khuyên của bạn bè, tôi gửi 3 truyện ngắn tham dự cuộc thi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và đoạt giải Nhất (năm 1999). Khi ra trường, rất may cho tôi là cánh cổng nhà số 4 (Cách gọi thân mật Tạp chí Văn nghệ Quân đội của bạn đọc - PV) đã rộng mở để tôi có thể trở thành một nhà văn mặc áo lính như hôm nay.
PV: Như vậy, chị đã thực hiện được ước mơ “hai trong một” của mình (cùng cười). Không chỉ đoạt giải khi còn là một sinh viên mà còn là một sinh viên tiêu biểu được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với chị?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, hồi ấy, người đầu tiên tôi khoe là bố. Tôi còn mang cả quyết định kết nạp về Hà Giang tặng bố vào dịp Tết năm ấy nữa. Đây là món quà đặc biệt nhất, ý nghĩa nhất mà tôi có thể tặng cho bố. Bố tôi xúc động lắm, ông cụ nói: Thế là giờ nhà mình có thể thành lập chi bộ được rồi (Đỗ Bích Thúy là đảng viên thứ 3 trong gia đình - PV). Vào Đảng, tôi thấy càng phải sống và viết có trách nhiệm hơn đối với những điều mình trải lòng trên trang giấy.
PV: Hiện nay chị là một nhà báo, một nhà văn, một người lính, một đảng viên. Sự kết hợp “4 trong một” này thế nào?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Sự kết hợp “4 trong 1” này, như bạn nói, nó là sự kết hợp ở hầu hết các nhà văn mặc áo lính ở nhà số 4. Với tôi, nó có ý nghĩa như một lời nhắc nhở, rằng phải làm và làm tốt cả 4 phận sự đó. Tôi tự thấy làm được cả, nhưng không phải khi nào cũng làm tốt. Có lúc vấp váp, có lúc sơ suất, có lúc hơi đơn giản cũng có lúc lại hơi máy móc (cười). Tôi luôn nghĩ phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng những người đã tin tưởng. Hơn nữa, lúc nào tôi cũng tự nhủ phải luôn tự làm mới mình, đừng bằng lòng với những gì mình có, cầm bút vì muốn được viết những điều chân thành và gan ruột. Có như thế, mới đứng được trong lòng độc giả.
PV: Trong những sáng tác của chị, hầu hết độc giả đều gặp những người phụ nữ miền núi như chị viết là “những người đàn bà của tôi khi nào cũng phải sống trong nỗi khát khao không gì nhấn chìm được, cũng không cách gì đạt tới được”. Chị có thể chia sẻ suy nghĩ, kỷ niệm sâu sắc khi viết về những con người của vùng đất này?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Như trong đoạn tự sự mà bạn vừa trích đấy, vùng đất này có nhiều thứ gắn với cuộc đời, số phận tôi, nhưng điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất, buồn vui nhiều nhất, chính là thân phận những người phụ nữ. Người phụ nữ Việt Nam nói chung thường tự nhận phần thiệt về mình, hy sinh bản thân cho chồng cho con, nhưng người phụ nữ Hà Giang còn thiệt thòi hơn, hy sinh hơn, mà họ vẫn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với thiệt thòi ấy. Độc giả bắt gặp những con người trong sáng tác của tôi, nhất là những người phụ nữ đều gắn bó với những dòng sông quê mình. Dường như dòng sông luôn là một chứng nhân cho sự vất vả, nhọc nhằn, bất hạnh của người phụ nữ. Họ khiến tôi cảm phục và yêu thương. Trong những truyện gửi đến độc giả, tôi bị ám ảnh nhiều nhất hình ảnh “mẹ già” trong truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, chuyển thành phim Chuyện của PaoBóng của cây sồi (giải C cuộc thi Sáng tác văn học dành cho tuổi trẻ lần 2 của Nhà xuất bản Thanh niên năm 2005, được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh Quá khứ đòi nợ - PV). Đây là nhân vật nguyên mẫu, họ đều ở gần tôi, ngay trong bản nhỏ nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Hai người phụ nữ này mang lại cho tôi những cảm xúc chân thật và ám ảnh tôi trong suốt những trang viết và cuộc sống. Một người đại diện cho người đàn bà Mông - chịu đựng, nhường nhịn và hy sinh cho chồng, con. Một người là hình ảnh của cô gái Tày - trẻ trung, mơ ước cuộc sống hiện đại nhưng không giữ được mình, tha hóa. Và tôi phải viết về họ, viết sao để độc giả thấy hiện lên trước mắt những điều chân thực nhất của một Hà Giang cả trong quá khứ và hiện tại. (bộ phim đoạt giải Bông Sen Vàng năm 2006 - PV) và hình ảnh cô gái trong tiểu thuyết
PV: Là nữ Phó tổng Biên tập đầu tiên trong lịch sử hơn 50 năm của Tạp chí Văn nghệ Quân đội - Tạp chí dành cho những người lính và là một thành viên trong ngôi nhà này, chị có những dự định gì để đóng góp vào dòng chung của văn học nước nhà với tư cách là người quản lý và một nhà văn trẻ?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Cụm từ “đầu tiên trong lịch sử” nghe quan trọng quá, tôi chỉ nghĩ đơn giản là thế hệ các chú, các bác đi trước đã tin tưởng, đã trao cho lớp kế tiếp -những người sinh ra và trưởng thành trong thời bình - nhiệm vụ “coi sóc” ngôi “đền” văn chương này và chúng tôi phải cố gắng để không phụ công những người đã dành cả cuộc đời để dựng lên nó. Giữ gìn vị trí của nó trong lòng bạn đọc, đảm bảo để nó luôn là người bạn đồng hành cùng người lính, cùng những người yêu văn chương trong cả nước.
PV: Là một đảng viên trẻ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhân Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI này, chị kỳ vọng gì vào một nền văn nghệ theo đường lối đổi mới của đất nước?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Kì vọng thì nhiều, nhưng tôi đặc biệt mong mỏi có một ngày nào đó văn chương Việt Nam tìm được một con đường giản đơn hơn, dễ dàng và thuận lợi hơn để đến với bạn bè thế giới. Chúng ta đọc rất nhiều tác phẩm đến từ nhiều nền văn học, nhưng văn chương của chúng ta lại được thế giới biết đến rất ít. Có người nói “hữu xạ tự nhiên hương” chỉ đúng một phần thôi. Đã đành văn chương có hay thì người ta mới tìm đọc. Nhưng ở ta hiện nay, nói một cách công bằng, rất nhiều cuốn sách của thế giới được dịch, được in sang trọng, giá bìa rất đáng kể, nhưng nội dung thì cũng thường thôi. Không phải cuốn sách dịch nào cũng hay cả. Nhưng tại sao không hay mà chúng vẫn được dịch, vẫn được bán ở ta, trong khi sách của chúng ta có thể hay hơn thế nhiều vẫn nằm yên trên giá, mỗi lần in chỉ lẻ tẻ 1-2 ngàn cuốn, còn hỏi bạn bè thế giới, nhiều người chỉ kể được 1 cái tên Việt Nam. Đó không phải lỗi của họ, mà là do chúng ta chưa tìm được lối “xuất khẩu” cho văn chương Việt Nam thôi. Sau Đại hội XI, tôi mong Hội Nhà văn Việt Nam sẽ chú trọng hơn nữa và đưa ra được những quyết sách đúng đắn để văn chương Việt Nam có thể “sánh vai” cùng với bè bạn thế giới.
PV: Cảm ơn nhà văn Đỗ Bích Thúy về cuộc trò chuyện hôm nay! Nhân dịp Xuân mới Tân Mão, chúc chị và gia đình sức khỏe, hạnh phúc. Chúc chị ngày càng có nhiều tác phẩm văn học sống trong lòng bạn đọc và thời gian.
Lan Phương - Thu Thủy (thực hiện)