Luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức của anh Bộ đội Cụ Hồ, của người đảng viên, người làm công tác tổ chức xây dựng đảng đã giúp anh - Đoàn Phước Truyền - có niềm tin, có động lực để cống hiến, thành công trong suốt quá trình chiến đấu và công tác của mình… Đó là cảm nhận của những cán bộ của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Đồng Tháp khi nói về nguyên Trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh cơ sở của hai cơ quan Uỷ ban Kiểm tra, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, vừa là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, là thương binh 1/4 của mình như thế…
Biên giới là quê hương, đồn là nhà.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, năm 1962, khi mới 15 tuổi, anh tham gia hoạt động cách mạng làm cơ sở mật của xã Tân Mỹ. Là thiếu niên trẻ tuổi nhưng với sự nhanh nhẹn, hoạt bát nên anh được giao nhiệm vụ thường xuyên chuyển tài liệu cho cán bộ xã và rải truyền đơn ở chợ Cai Châu (Tân Mỹ). Tháng 6 năm 1963, anh thoát ly gia đình tham gia vào du kích xã rồi vào bộ đội địa phương huyện Lê Hà. Cuối năm 1964, anh được chuyển lên công tác ở lực lượng Đoàn 180 An ninh vũ trang Miền, trực tiếp chiến đấu bảo vệ các cơ quan đầu não của Trung ương Cục ở khu căn cứ Dương Minh Châu (Bắc Tây Ninh). Anh đã chiến đấu với bọn biệt kích nguỵ và quân Mỹ hàng chục trận, góp phần cùng đơn vị bảo vệ an toàn khu căn cứ R và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung ương Cục. Có những trận đánh ác liệt, điển hình anh đã tham gia và tiêu diệt nhiều tên địch và thu nhiều vũ khí. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, năm 1967, anh được Bộ Chỉ huy Miền tặng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba; 2 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới và anh vinh dự được kết nạp vào Đảng. Suốt 12 năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, Đoàn Phước Truyền đã tham gia chiến đấu 25 trận đánh lớn, nhỏ, diệt 22 tên địch, trong đó có 8 lính Mỹ, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng, bắn cháy 2 xe tăng, phá huỷ 2 xe tăng khác, được Nhà nước và Bộ Quốc phòng tặng thưởng 9 huân chương các loại, 4 danh hiệu Dũng sĩ các loại và hàng chục bằng khen.
Sau ngày 30-4-1975, anh công tác ở Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (bộ phận phía Nam đóng tại TP Hồ Chí Minh). Cuối năm 1976 anh xin chuyển về quê hương công tác ở Bộ Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên Phòng tỉnh Đồng Tháp, tiếp tục chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam của Tổ quốc với bọn Pôn Pốt, Iêng Sa Ry. Đặc biệt là mùa nước lũ năm 1978, tình hình lúc ấy rất khó khăn, anh cùng anh em trong đơn vị lo ổn định nơi ăn nghỉ, làm tốt công tác vận động quần chúng, giúp đỡ nhân dân xây dựng lại nhà cửa, ruộng vườn trong vùng đóng quân. Lợi dụng lúc thiên tai lũ lụt, bọn diệt chủng Pôn Pốt, Iêng Sa Ry kéo sang biên giới Tây Nam (trong đó có cả Đồng Tháp), đánh phá quyết liệt, mục tiêu của chúng là ba sạch: “đốt sạch, quét sạch, giết sạch”, giết chết người già, trẻ em, đốt nhà, phá tài sản, trâu, bò, ruộng, vườn của nhân dân, anh đã sát cánh cùng đơn vị quyết chiến với quân thù để bảo vệ quê hương.
Tận tình với công việc.
Năm 1981 anh chuyển ngành với cấp bậc Trung uý về công tác tại Tiểu ban Bảo vệ Đảng, sau đổi thành Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Tỉnh uỷ, đến cuối 1999 sáp nhập vào Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Đồng Tháp, với chức vụ Trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Chủ tịch Hội cựu chiến binh 2 cơ quan, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, đến năm 2000 anh vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đoàn Phước Truyền.
Với vai trò trưởng phòng, việc trước tiên là xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động, quy chế làm việc, có phân công giao việc rõ ràng cho từng cán bộ trong phòng. Anh đã cùng tập thể lãnh đạo phòng, cán bộ nghiệp vụ tham mưu cho lãnh đạo Ban mở nhiều đợt tập huấn chuyên môn cho cán bộ làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ ở cơ sở. Với quan niệm, người làm công tác tổ chức làm việc trực tiếp với con người, mỗi người là cả một số phận, mình phải là người có lòng nhân ái, vị tha, công bằng ngay thẳng, cân nhắc thận trọng khi xem xét bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ, kết nạp đảng…Nên trong mọi việc, anh luôn đề cao tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm và có chính kiến rõ ràng, minh bạch khi đánh giá đúng, sai, tốt, xấu, được và không được. Do vậy, mỗi khi giải quyết một trường hợp, một sự việc liên quan tới con người, anh đã luôn tìm hiểu kỹ, đọc nhiều sách, văn bản để hiểu sâu sắc bản chất vấn đề và xử lý đúng theo chuyên môn nghiệp vụ.
Là người cán bộ tận tụy, nắm vững nghiệp vụ và công tâm trong công việc nên anh được Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp giao xử lý nhiều việc khó. Những năm tháng làm việc tại Ban, anh đã tham gia xử lý, giải quyết rất nhiều trường hợp phức tạp như “ vụ án Sông Hồng" - nguỵ danh đầu mối Kế hoạch nội gián Thanh Bạch, Trần Nam Ninh, chúng dùng tình báo viên, mật báo viên có mục đích xâm nhập một huyện của tỉnh - kết quả là đã bắt đưa đi cải tạo hàng chục tên, minh oan cho hàng chục cán bộ về đảng tịch, cho đảng viên bị bắt, bị tù, bị đứt đoạn sinh hoạt đảng; nhiều đồng chí được minh oan, giải nghi được bầu vào cấp uỷ tỉnh và huyện, thị, thành. Trong công tác kết nạp đảng viên, đối với những người có vấn đề lịch sử chính trị, anh đã tận tình tìm hiểu nên có 2 trường hợp được kết nạp vào Đảng và trở thành lãnh đạo cấp trưởng của ngành Tỉnh.
Bản thân anh là trưởng phòng nghiệp vụ thường xuyên đi cơ sở nắm bắt tình hình cán bộ, tổ chức và tham mưu giúp cấp uỷ giải quyết nhiều vấn đề cán bộ không chấp hành nghiêm các quy định, Điều lệ Đảng như kết hôn với người nước ngoài, cán bộ, đảng viên ra nước ngoài không báo cáo tổ chức đảng. Anh còn là một “tay viết” của Ban. Năm 2005, anh trực tiếp soạn thảo báo cáo tổng kết thực hiện Quy định số 75-QĐ/TW của Bộ Chính trị và các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tham mưu để lãnh đạo Ban trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ký phát hành hầu như không chỉnh sửa.
Với cái tâm của người lính, người cán bộ tổ chức, trong những lần sinh hoạt hay trò chuyện với anh em trong cơ quan, anh thường động viên mọi người cố gắng học tập, dù là cán sự, chuyên viên hay mới vào Ngành… Từ những lời động viên quý báu ấy mà hiện nay đơn vị đã có 1 thạc sĩ, 3 đang theo chương trình cao học, trong đó 1 sắp hoàn thành, 1 đang họctập ở nước ngoài.
Ở tuổi 63, hơn 40 tuổi đảng, Đoàn Phước Truyền, từ ngày về hưu đến nay vẫn nhiệt tình với công tác xã hội ở địa phương, vận động mọi người chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật tại nơi cư ngụ và góp ý cho khóm ấp cùng thực hiện tốt gia đình văn hoá, khóm ấp bình yên. Anh thật xứng đáng là một tấm gương sáng để cán bộ, công chức trong Ngành học tập và noi theo…
Trần Văn Dũng
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp