Dáng vóc thư sinh, gương mặt điển trai, nụ cười hiền lành… Đó là những ấn tượng đầu tiên khi tôi đối diện với một trong mười thanh niên tiêu biểu toàn quân, giảng viên trẻ, đảng viên trẻ, trung uý Đỗ Ngọc Hanh, khoa Triết học Mác - Lênin, Trường Đại học Chính trị (Bắc Ninh).
Mới 27 tuổi đời, 8 năm tuổi quân, anh đã “sưu tập” cho mình một bề dày thành tích: Tốt nghiệp thủ khoa Học viện Chính trị - Quân sự năm 2008; Giải thưởng Sao Tháng Giêng năm 2008, giải Nhì và Ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân lần thứ VIII và X. Không những thế, Đỗ Ngọc Hanh còn đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở 4 năm liền; Chiến sỹ thi đua toàn quân và là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2009. Thêm một tin vui nữa đến với “người có duyên với giải thưởng” khi anh vinh dự được lựa chọn là đại diện cho Trường đi dự lễ tuyên dương Thủ khoa các trường quân sự Châu Á - Thái Bình Dương sắp diễn ra.
Hanh sinh năm 1984 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Từ miền quê giàu truyền thống văn hóa, chứng kiến cảnh lam lũ, tảo tần của cha mẹ, Đỗ Ngọc Hanh đã xác định phải quyết tâm phấn đấu học tập. Tốt nghiệp THPT, anh thi đỗ Đại học Luật Hà Nội. Học hết năm thứ nhất trường Luật, Hanh quyết định “rẽ ngang” khi dự thi và đỗ vào Học viện Chính trị - Quân sự, mở ra "chân trời mới" theo con đường binh nghiệp.
Hanh tâm sự “Theo học ở Học viện, trước hết, bố mẹ mình ở quê sẽ giảm bớt được gánh nặng tài chính; hơn nữa, môi trường quân đội sẽ rèn cho mình bản lĩnh, đức tính kỷ luật, tinh thần đồng đội cũng như ý chí quyết tâm cao”. Chính môi trường học tập nền nếp, chính quy, thậm chí nghiêm túc đến khắt khe của Học viện Chính trị - Quân sự đã rèn giũa, tạo động lực để Hanh phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập, nghiên cứu. Tốt nghiệp thủ khoa, Đỗ Ngọc Hanh là một trong sáu học viên được chọn đào tạo làm giảng viên.
Theo Đỗ Ngọc Hanh, trong sự thành đạt của anh hôm nay, cha mẹ luôn là nguồn động viên, khích lệ lớn lao. Mỗi bước chân của Hanh đều có sự dõi theo của người mẹ tảo tần, một nắng hai sương, của người cha đau yếu, bệnh tật. (Cha anh từng là chiến sỹ tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đến giờ ba mảnh đạn vẫn còn trong người khiến ông luôn đau nhức mỗi khi trái gió, trở trời).
Vốn đam mê văn học và các môn khoa học xã hội khác, khi vào Học viện, Hanh luôn cố gắng đi sâu nghiên cứu giáo trình, tư liệu, tìm ra cho mình phương pháp học tập phù hợp, nhất là các môn khoa học chính trị cơ bản, chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt anh chọn môn triết học làm nền tảng để mở ra phương pháp tiếp cận nghiên cứu các môn khoa học xã hội khác. Đam mê học tập, nghiên cứu, đã cho kết quả tốt, điểm bình quân các môn anh đạt từ 8,0 trở lên. Lý luận chính trị cũng bồi đắp cho Hanh lý tưởng sống cao đẹp của người lính Cụ Hồ, luôn khắc phục mọi khó khăn, thử thách phấn đấu để đạt được yêu cầu: “Sâu về chuyên ngành, giỏi về nghiệp vụ chuyên môn và sáng về giáo dục”, tạo nền tảng giúp anh có được những sáng tạo mới trong việc giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho học viên.
Thời gian đầu đứng lớp, kinh nghiệm giảng dạy chưa có, lại phải huấn luyện cho nhiều đối tượng học viên, Hanh gặp không ít khó khăn. Để khắc phục, anh tích cực tự học, nắm bắt kiến thức, đồng thời lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các đồng nghiệp, lựa chọn phương pháp phù hợp với mỗi đối tượng, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy. Để có một bài giảng tốt, anh đầu tư không ít thời gian cho việc chuẩn bị tài liệu, soạn bài và giảng thử nhiều lần để tìm ra phương pháp triển khai thích hợp, tạo hứng thú, dễ tiếp thu cho học viên. Trong giờ giảng, anh khuyến khích học viên tư duy sáng tạo, không áp đặt lối truyền thụ một chiều. Qua trao đổi thảo luận, anh từng bước giúp học viên thấm nhuần các giá trị nhân văn để tự mình xây dựng nhân cách người chính trị viên tương lai.
Song song với giảng dạy, Hanh còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Năm 2009, anh thực hiện thành công đề tài khoa học cấp toàn quân về “Phát triển thị hiếu thẩm mỹ của đội ngũ giảng viên trẻ ở Trường Sỹ quan Chính trị hiện nay”. Trong công tác xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, anh luôn phát huy vai trò gương mẫu của người đảng viên, người thầy giáo có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, tác phong khoa học.
Luôn tự tu dưỡng, rèn luyện và nỗ lực phấn đấu, người đảng viên trẻ tuổi - trung úy Đỗ Ngọc Hanh xứng đáng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của Nhà trường.
Trần Thông
K6, Trường Đại học Chính trị