Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, từng trải qua cuộc sống khốn khó, anh Trần Hữu Đức luôn vươn lên với ý chí và nghị lực hết mình, sống chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tìm tòi những mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Anh Đức cho biết, sau khi học xong cấp 3, do hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn, vất vả anh đã khăn gói vào Nam lập nghiệp mà không dám thi đại học. Thời gian làm ở miền Nam, hằng đêm anh suy nghĩ, trăn trở bởi không thể cứ mãi sống bấp bênh ở xứ người, anh đã quyết tâm chọn cho mình lối đi riêng và trở về quê hương lập nghiệp. Anh vẫn nhớ như in, vào tháng 9-2011, anh quyết định về quê, mạnh dạn vay mượn gia đình, bạn bè với số vốn 200 triệu đồng để xây dựng trang trại vườn, ao, chăn nuôi gia cầm. Không chần chừ và không quản ngại khó khăn, vất vả, anh bắt tay ngay vào làm kinh tế, lúc đầu anh Đức nhận luôn 3 ha đất rừng với thời hạn thuê đất là 50 năm ở khu vực Khe Nước để trồng cây lâu năm như cây lát hoa và cây keo…
Đặc biệt, nhờ học hỏi được kinh nghiệm nuôi gà thả vườn ở Bình Dương và Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, nên anh đã mạnh dạn áp dụng mô hình chăn nuôi gà thả dưới tán cây rừng. Trong quá trình chăn nuôi, anh Đức đã lựa chọn nuôi loại giống gà Bình Định đã phát triển nhanh, rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở trang trại, sau gần 4 tháng là có thể xuất bán. Mỗi lứa nuôi 1.000 con và trong một năm trang trại đã xuất bán 3 lứa (3.000 con). Sau 4 tháng chăn nuôi theo cách thả vườn đồi, trừ hết chi phí anh cũng đã thu lãi 30 triệu. Từ hai bàn tay trắng, xây dựng cơ nghiệp, đối với anh đấy là khoản tiền rất lớn và đã giúp anh có thêm động lực để mạnh dạn đầu tư nuôi tiếp nhiều đợt gà khác với số lượng lớn hơn gấp đôi. Bằng kinh nghiệm chăn nuôi được tích lũy dần, anh đã chọn lấy giống có nguồn gốc rõ ràng, tăng cường công tác phòng dịch, chính vì thế trang trại nuôi gà cỏ thả vườn của anh Đức nuôi đã rất thành công. Sản phầm được người dân trong vùng biết đến, các nhà hàng, khách sạn ở huyện Đô Lương và các huyện lân cận đặt mua số lượng lớn…
Đền đáp những tháng ngày lao động cần cù, vất vả, đến nay, mỗi năm trang trại của Trần Hữu Đức mang lại nguồn thu thập từ 600-800 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương từ 3- 4 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, mô hình của Đức đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho một số lao động địa phương. Điều đáng trân trọng ở Trần Hữu Đức là không giấu bí quyết làm giàu của mình, ngược lại Đức luôn giúp đỡ bạn bè cùng trang lứa lập nghiệp tại quê hương. Anh đã tham gia tích cực vào CLB Thanh niên phát triển kinh tế huyện Đô Lương, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho đoàn viên thanh niên trong và ngoài huyện.
Theo kinh nghiệm của Đức, để thu hút lực lượng lao động thanh niên ở lại địa phương hoạt động đoàn và phong trào thanh niên nông thôn ngày càng có chiều sâu, cần tập trung xây dựng các mô hình kinh tế, đầu tư kỹ thuật, vốn và đầu ra cho sản phẩm. Làm được như thế thì không chỉ giải quyết được nguồn lao động nông thôn mà sẽ có thêm nhiều mô hình nữa ra đời. Đức chính là tấm gương sống đầy nghị lực của mộ thanh niên nghèo bằng ý chí, lòng quyết tâm và sự kiên nhẫn đã vươn lên cuộc sống, lập thân, lập nghiệp. Mô hình kinh tế của Đức là mô hình hay đã được huyện đoàn nhân rộng và từ đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát động phong trào thanh niên xung kích trong phát triển kinh tế của tuổi trẻ, tạo động lực thúc đẩy phong trào tài năng trẻ, đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương, đất nước.
Với những thành tích đã đạt được, Trần Hữu Đức đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và là một trong 50 điển hình thanh niên tiêu biểu được Tỉnh Đoàn tuyên dương.
La Giang