Nhà báo Phan Quang: Cẩn trọng và khiêm nhường

Nhà báo Phan Quang ký tặng sách mới ấn hành.

Cuộc trò chuyện 30 phút

Trong Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ V – năm 2020, cả hội trường Nhà hát Lớn Hà Nội, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước im phăng phắc, tất cả đều hướng cặp mắt lên sân khấu để xem phóng sự về nhà báo Phan Quang - người được Ban Tổ chức Giải vinh danh là “Nhà báo tiêu biểu”. Mặc dù hôm ấy vì lý do sức khỏe nên ông không thể có mặt nhưng ai nấy khi nhìn thấy ông và xem ông phát biểu trên truyền hình đều rất cảm động. Tôi nhớ hôm ấy ông nói gọn nhưng rất đủ ý: “Khi tôi dấn thân vào nghề báo, tôi làm việc hết mình, làm rất thích, càng ngày càng tìm thấy niềm vui trong đó và như thế càng thấy con đường này mình cần phải đi và tiếp tục đi. Viết về xây dựng Đảng là vấn đề lâu dài, chứ không phải trong thời gian ngắn, đó không phải là cuộc vận động. Nó còn tiếp tục đến khi nào chúng ta còn tồn tại, đất nước này còn, Đảng còn lãnh đạo đất nước thì việc viết báo, kể cả viết văn thì xây dựng Đảng là lĩnh vực mà mọi người cần quan tâm”.

Và sau đó hơn nửa tháng, một vinh hạnh đã đến với tôi khi được đồng chí Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, Trưởng Ban Thư ký Giải phân công đi tiền trạm khoảng 30 phút tại tư gia của nhà báo Phan Quang trước khi Đoàn của Ban Tổ chức Giải do đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (nay là Phó Trưởng ban Thường trực) - Trưởng Ban Tổ chức Giải dẫn đầu đến tận nhà trao Cúp và Giấy chứng nhận “Nhà báo tiêu biểu” cho ông. Với tôi đó là 30 phút quý giá để được gặp ông, nhìn thấy ông bằng xương, bằng thịt và được ngắm nghía một “biểu tượng” của làng báo kỹ hơn. Và nhà báo Phan Quang qua cảm nhận ban đầu của tôi là người giản dị, khiêm nhường đến đáng kinh ngạc. Vẫn với chất giọng Quảng Trị quê nhà ấm áp, thân tình, ông hỏi tôi rất kỹ về một số thông tin, như trong Đoàn có mấy người? cụ thể là những ai? Chức vụ gì? Khi nhận được câu trả lời của tôi, ông từ từ mở cánh tủ bên trong là một “kho sách”, lấy ra mấy cuốn rồi ký tặng. Cũng vì tai kém sợ nghe nhầm nên viết đến chữ nào ông lại hỏi lại tôi xem có đúng không?

Thế rồi, ông quay sang nhìn tôi và hỏi: “Cháu tên gì? Để bác tặng sách luôn”. Vậy là tôi cũng có vinh dự đặc biệt ấy. Nhìn nét chữ của người ở tuổi ngoài 90 như ông mà vẫn thật đẹp, thật bay bổng, uốn lượn hệt thư pháp vậy. Mọi chuyện ký sách tưởng như đã xong xuôi nhưng ông lại quay sang hỏi tôi: “Đồng chí Mai Văn Chính trước khi về Ban Tổ chức Trung ương thì làm gì?”. Tôi vội đáp: “Là Bí thư Tỉnh ủy Long An ạ”. Ông tủm tỉm cười, bước ra tủ sách lấy cuốn sách khá dày dặn và nói: “Vậy thì bác sẽ tặng đồng chí ấy thêm cuốn sách này, đây là những bài viết thời trẻ của bác về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Long An”. Buổi làm việc hôm ấy kết thúc tốt đẹp và tôi cảm nhận trong ánh mắt của ông niềm tự hào, hạnh phúc khi ở cái tuổi ngoài 90 vẫn được một giải báo chí lớn vinh danh, được Ban Tổ chức đến tận nhà trao Cúp và giấy chứng  nhận mặc dù những ngày cận Tết ai cũng bận bịu.

Đồng chí Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020 (bìa trái) trao Cúp và Giấy chứng nhận "Nhà báo tiêu biểu" cho nhà báo Phan Quang. 

“Đọc - Đi - Nghĩ - Viết”

Sinh thời nhà văn Tô Hoài từng viết: “Tôi thấy một Phan Quang nhà văn, tâm hồn và văn phong chan hòa ruột thịt với phong cách nhà báo. Phải uyên thâm, lão luyện nghề báo, nghề văn đến mức thế nào mới sáng tạo được những nét riêng từ cái nghĩ, cái chữ như thế được”. Nhà báo Hà Đăng gọi ông là “Cây đại thụ trong làng báo chí cách mạng nước ta”. Giáo sư Hà Minh Đức gọi ông là “Nhà báo lão thành, nhà báo gạo cội, nhà báo uyên bác”. PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ gọi ông là “Một tấm gương lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa gọi ông là “Cây bút vạm vỡ và đa tài”. Nhà báo Hồ Quang Lợi gọi ông là “Sức sáng tạo thanh xuân”… Trích một số lời nhận xét ấy đủ thấy nhà báo Phan Quang của chúng ta được nể trọng thế nào trong giới báo chí, văn chương.

Hơn 90 năm qua, dù ở bất cứ cương vị nào, nhà báo Phan Quang luôn lao động sáng tạo với các thể loại báo chí, văn chương (trong dịch thuật ông còn biết đến là người dịch tác phẩm văn học nổi tiếng “Nghìn lẻ một đêm” đã được tái bản đến gần 50 lần). Ông luôn quan niệm: “Cuộc đời viết lách của tôi giống như một cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù đang yêu người khác. Tôi yêu văn học nhưng lại làm báo chí, và cuối cùng trong cuộc hồn nhân lý trí này, dần dà tôi cũng tìm thấy tình yêu chân thực, và tôi đã sống hết mình, suốt đời chung thủy với nghề báo…”. Ông đã từng trả lời: “Tôi đã để nghề báo ngập lụt cuộc đời mình” khi được hỏi về “đòn cân” giữa nghề báo và nghề văn.

Nếu như “người hay cãi” Hữu Thọ đúc kết nghề báo bằng 6 chữ “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” thì nhà báo Phan Quang gói gọn trong 4 chữ theo trình tự “Đọc - Đi - Nghĩ - Viết”. Suy ngẫm về 4 chữ này mới thấy sự đúc kết của ông thật thâm thúy, sâu sắc và là “sợi chỉ đỏ” để người làm báo ở mọi thời học tập, noi theo. Là một nhà báo thì phải đọc nhiều để tích lũy, trau dồi kiến thức; phải đi nhiều để hiểu về cuộc sống bên ngoài và phản ánh cũng như mang được hơi thở cuộc sống vào trong trang viết của mình; phải ngẫm nghĩ thấu đáo trước đặt bút viết về một vấn đề gì đó và phải cầm bút viết bằng cái tâm sáng trong, không toan tính, vụ lợi, tất cả vì sứ mệnh cao cả là phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Bìa cuốn sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” của nhà báo Phan Quang.

Cuốn sách về nhà báo lớn Hồ Chí Minh

Trong sự nghiệp cầm bút, nhà báo Phan Quang đã xuất bản hơn 50 cuốn sách mà cuốn sách nào cũng có ăm ắp những giá trị, có nhiều điều để nói, để bàn, để nâng niu, trân trọng. Nhưng có lẽ trong Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) xin được nhắc đến cuốn sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” của ông do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành vào quý I-2019. Với 35 bài báo, bài viết được lựa chọn kỹ càng, sắp đặt khéo léo ghi lại những cảm xúc chân thực, những câu chuyện có thật đã khắc họa chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua cách nhìn của ông giúp người đọc hiểu hơn về vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc – một nhà báo lớn, một người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Thông qua cuốn sách này, nhà báo Phan Quang đã giúp độc giả và nhất là những người làm báo hiểu sâu hơn tài năng báo chí của Bác Hồ, thấm thía câu nói của Bác căn dặn: “Báo chí là một mặt trận, anh chị em viết báo cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cây bút và trang giấy là vũ khí của họ…”; “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới…”; “Ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà…”.

Một trong những điều mà nhà báo Phan Quang luôn trăn trở suốt những năm còn công tác cho đến ngày hôm nay là vấn đề đạo đức báo chí. Theo ông, ai yêu nghề, quý nghề, người ấy khắc có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức báo chí bắt nguồn từ cái tâm, cái đức của người làm báo. Bác Hồ dạy: Bắt đầu viết bài, nhà báo hãy tự trả lời, bài này ta “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?” rồi mới đến “Viết như thế nào?”, hay nói theo lối nói ngày nay, báo chí cần làm sao cho “đúng, trúng, nhanh, hay”. “Tấm lòng ta sáng, cái đức ta trong, ta tôn trọng sự thật, ta phụng thờ lẽ phải, ta viết báo vì lợi ích những người đọc chúng ta, đó là đạo đức. Còn về nghiệp vụ, nếu có sai thì sửa, chẳng may vấp ngã thì ta đứng dậy, mình tự hỏi mình do đâu vấp ngã, rồi thanh thản tiến bước tiếp tục đi lên”, nhà báo Phan Quang từng nhấn mạnh.

Trong một ngày đặc biệt viết về nhà báo lớn Phan Quang trong tôi dâng trào biết bao cảm xúc đan xen: Ngưỡng mộ, khâm phục, tự hào… Và ngẫm về cuộc đời của những nhà báo lớn, trong đó có nhà báo Phan Quang người làm báo hôm nay sẽ thêm một lần thấy nghề báo luôn lấp lánh những điều cao đẹp; luôn cuốn hút những trái tim giàu nhiệt huyết, đam mê; luôn là “mảnh đất màu mỡ”, lý thú, diệu kỳ chờ đợi những đôi chân bước đến và phiêu lưu cùng những hành trình sáng tạo không ngừng mà đích đến là làm cuộc sống con người trở nên nhân văn, tốt đẹp hơn. Cuối cùng điều mà tôi muốn chia sẻ, muốn ngẫm ngợi về nhà báo Phan Quang có lẽ vỏn vẹn trong hai đức tính “Cẩn trọng và khiêm nhường”. Dường như đó chính điều tạo nên phong cách của một nhà báo lớn và làm nên “thương hiệu” Phan Quang trong giới báo chí, văn chương và trong lòng bạn đọc?

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất