Học Bác: Chăm lo “cái gốc của mọi công việc”


Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm (bên phải), trao Cờ thi đua cho Đảng bộ Vietcombank - đơn vị “đạt thành tích xuất sắc nhiệm kỳ 2015-2020”.

“Giống tốt ắt cây sẽ tốt”

Đó là lời dạy của Bác về vai trò quan trọng của việc lựa chọn cán bộ. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng ủy Vietcombank luôn chú trọng đến công tác cán bộ ngay từ đầu vào”,  bởi lựa chọn đúng người là tiền đề quan trọng, cơ sở vững chắc cho các khâu tiếp theo trong công tác cán bộ. Vietcombank đã triển khai xây dựng khung năng lực vị trí trong công tác tuyển dụng, từ đó đưa ra các tiêu chí đánh giá, sàng lọc nhân sự tuyển dụng ngay từ vòng hồ sơ. Trong thời đại kỷ nguyên số, việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng trên môi trường in-tơ-nét được chú trọng. Do đó, Vietcombank đã triển khai xây dựng cổng thông tin tuyển dụng để có được cơ sở dữ liệu các ứng viên một cách nhanh, nhiều và chất lượng nhất, từ đó đáp ứng các yêu cầu về công tác cán bộ phù hợp với từng vị trí công việc. Song song với đó, việc liên kết với các trường đại học để tuyển dụng các cá nhân xuất sắc ngay trong giai đoạn học tập là một chiến lược đúng đắn được Vietcombank chú trọng.

                    

Cổng thông tin Hệ thống tuyển dụng Vietcombank với giao diện thường xuyên đổi mới để thân thiện, gần gũi với ứng viên.

Để giảm thiểu các tiêu cực trong công tác tuyển dụng cán bộ, Vietcombank xây dựng ngân hàng đề thi, triển khai việc thi trực tuyến qua phần mềm. Hệ thống đề thi được tạo ra theo quy chuẩn với các câu hỏi ngẫu nhiên, giúp công tác tuyển dụng được minh bạch, đồng bộ hơn. Theo đó, bước sàng lọc từ hồ sơ đến thi tuyển có thể xác định được các cá nhân xuất sắc, phù hợp với nhu cầu. Tiếp đến, Vietcombank cũng triển khai phòng thi phỏng vấn để gặp mặt ứng viên, xác định tiêu chí về sự trung thành, gắn bó, tinh thần và nhiệt huyết công việc cũng là yếu tố quan trọng bên cạnh tiêu chí tài, đức. Để hoàn thiện quy trình tuyển chọn cán bộ khép kín có hiệu quả nhất, ngoài 3 vòng từ hồ sơ, thi tuyển đến phỏng vấn, Vietcombank đã xây dựng các hội đồng phỏng vấn với thành viên là Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo, lãnh đạo các phòng/ban chuyên môn nhằm đưa ra những đánh giá đúng đắn nhất về năng lực của ứng viên cũng như bảo đảm sự minh bạch trong công tác tuyển chọn cán bộ. 

Coi trọng và đổi mới việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Chủ tịch Hồ Chi Minh đã dạy: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” ; “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một công việc rất quan trọng và rất cần kíp”. Vận dụng tư tưởng của Người vào thực tiễn hoạt động của Ngân hàng, Đảng ủy, Ban lãnh đạo Vietcombank đã xác định công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển.

Tháng 9-2017, ngay sau khi phê duyệt Đề án phát triển Vietcombank đến năm 2020, Hội đồng quản trị Vietcombank đã phê duyệt Đề án quản trị và phát triển nguồn nhân lực Vietcombank đến năm 2020 với mục tiêu chiến lược trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực. Để đạt được mục tiêu này, Vietcombank đưa ra kế hoạch hành động và các giải pháp thực hiện đồng bộ về kiện toàn mô hình tổ chức, hoàn thiện cơ chế chính sách ; đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, phát triển hạ tầng công nghệ ứng dụng trong công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực... Dấu mốc quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án đó là việc thành lập Khối Quản trị và phát triển nguồn nhân sự Vietcombank (Khối Nhân sự) vào tháng 11-2018, với 3 đơn vị trực thuộc gồm: Ban Tổ chức và Nhân sự, Phòng Chính sách và Kế hoạch nhân sự, Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực (trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Đào tạo trước đây). Công tác nhân sự dần được chuyển đổi hoạt động theo hướng “đối tác nhân sự” HRBP (Human Resource Business Partner).



Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vietcombank đi vào hoạt động từ tháng 4-2020 với cơ sở vật chất hiện đai, quy mô đáp ứng các yêu cầu về tổ chức các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Từ tháng 3-2019, Vietcombank đã nâng cấp Trung tâm Đào tạo trở thành Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực. Nhiệm vụ chính của trường là xây dựng các khóa đào tạo về nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ Vietcombank ở tất cả các cấp với phương châm “làm việc gì học việc nấy”, huấn luyện toàn diện về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, văn hóa, hướng tới mục tiêu “Huấn luyện ít nhưng hiệu quả”. Xác định quá trình huấn luyện cán bộ cần được thực hiện thiết thực, chu đáo cũng có nghĩa là nắm được nhu cầu để huấn luyện, trong những năm qua, Vietcombank luôn xem xét và nghiên cứu kỹ mục đích: Huấn luyện ai? Ai huấn luyện? Huấn luyện như thế nào?, chú trọng việc bồi dưỡng kỹ năng xử lý các tình huống từ thực tiễn cho tất cả cán bộ, nhân viên tham gia học tập.

Tài chính ngân hàng là một trong những ngành xương sống của nền kinh tế và có nhịp thay đổi nhanh chóng theo thị trường quốc tế, để có thể nắm bắt được xu hướng, ngoài công tác đào tạo nội bộ, Vietcombank cũng thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ nhân viên đặc biệt là với cấp quản lý tại nước ngoài, tổ chức các buổi tham quan học hỏi kinh nghiệm triển khai tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng lớn trong và ngoài nước.

Trước xu thế phát triển của công nghệ, Vietcombank là một trong các tổ chức đi đầu áp dụng hệ thống đào tạo trực tuyến elearning trên toàn hệ thống, Ngoài việc mời các giảng viên chuyên nghiệp từ bên ngoài, Vietcombank cũng đẩy mạnh học tập thông qua chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức từ chính các cán bộ, hệ thống giảng viên nội bộ của mình.

Thực hiện việc “Học đi đôi với làm” theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, Vietcombank lấy việc đánh giá năng lực, kết quả đào tạo trong thực tế hoạt động kinh doanh của cá nhân và đơn vị làm chỉ tiêu công tác đào tạo. Mục đích của việc này chính tạo ra môi trường thực tiễn triển khai giúp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo cán bộ, kết hợp với việc xây dựng khung năng lực theo từng vị trí để tạo ra nhiều cơ hội thăng tiến cho cán bộ, nhân viên trên toàn hệ thống.

Đánh giá cán bộ phải khách quan, có tiêu chí rõ ràng

Đánh giá cán bộ là việc rất hệ trọng. Đánh giá đúng sẽ là cơ sở để bố trí, sử dụng đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, khi xem xét, đánh giá cán bộ phải thực sự khách quan, phải hiểu cán bộ. Đánh giá chính xác cán bộ là việc khó, phức tạp. Người căn dặn: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn bộ cả lịch sử, tất cả công việc của họ”. Theo đó, để đánh giá đúng cán bộ, phải căn cứ theo các tiêu chí và kết quả thực tiễn công tác của cán bộ.

Quán triệt tinh thần đó, Vietcombank đã triển khai xây dựng và vận hành hệ thống chính sách đãi ngộ người lao động và hệ thống đo lường đánh giá hiệu quả công việc (KPIs), thẻ điểm cân bằng. Đây là một trong những thông lệ quản trị tiên tiến nhất trên thế giới, đánh giá đầy đủ cá nhân, đơn vị trên các khía cạnh về chất lượng, khối lượng và hiệu quả công việc bảo đảm đồng nhất. Hệ thống này có xếp hạng và ghi nhận sự cố gắng cũng như các lỗi xảy ra của cá nhân, đơn vị trong quá trình vận hành hoạt động kinh doanh. Điều đặc biệt, Vietcombank đã sử dụng KPIs như một yếu tố không thể thiếu của việc đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đồng thời gắn liền cơ chế tiền lương với các tỷ lệ hoàn thành kế hoạch. Các chỉ tiêu được Vietcombank đưa ra dựa trên hoạt động thực tế, mang tính khách quan và minh bạch để cán bộ, đảng viên có thể hiểu được rõ nhiệm vụ của mình, từ đó gắn trách nhiệm của cá nhân với mức độ hoàn thành của đơn vị song song với việc tự phát triển năng lực và sự nghiệp của cá nhân, tạo ra một vòng tròn khép kín tạo động lực làm việc và giữ chân những cán bộ có năng lực, trình độ, có tâm với công việc.



Hình ảnh thí sinh tham gia thi Vòng chung khảo kỳ thi kiểm tra tay nghề nghiệp vụ Tín dụng bán buôn năm 2020 của Vietcombank tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh (ảnh chụp tại điểm cầu Hà Nội).

Bố trí, sử dụng cán bộ cho đúng, cho khéo

Bố trí, sử dụng cán bộ là một khâu có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ. Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bố trí, sử dụng cán bộ, Đảng ủy Vietcombank đã thực hiện nhiệm vụ "hai trong một": kết hợp công tác đào tạo, huấn luyện và công tác đánh giá cán bộ tạo ra kế hoạch sử dụng nhân sự khoa học, đúng đắn, từ đó hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cấp trưởng đơn vị tại trụ sở chính và giám đốc chi nhánh/công ty trực thuộc có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, năng lực trong quản trị điều hành và chuyên môn, nghiệp vụ.

Để có được đội ngũ lãnh đạo, quản lý kế cận, công tác xây dựng cán bộ nguồn được Vietcombank tập trung triển khai thông qua các chương trình bồi dưỡng, thực tập, thi năng lực, trao đổi kinh nghiệm, một mặt tạo ra sự gắn kết giữa cá nhân và tổ chức, mặt khác tạo ra nguồn cán bộ kế cận tốt, vừa có đức và tài, trong đó đức là gốc. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên trong đại gia đình Vietcombank đều là những hạt giống, có tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững để tránh khỏi những cám dỗ vật chất, không mắc phải những "căn bệnh " mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra. 



Hình ảnh Hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị tại Vietcombank.

Nhận thức được việc tạo ra những tấm lá chắn, những phương án giảm thiểu rủi ro không phải là gốc của vấn đề mà then chốt chính là con người, chỉ có con người bằng bản lĩnh, bằng tư tưởng, bằng sự nhận thức mới có thể tự mình thoát khỏi những “chứng bệnh trầm kha”, vì vậy, Đảng ủy và Ban lãnh đạo Vietcombank luôn nhấn mạnh, truyền tải thông điệp về niềm tự hào được đứng trong hàng ngũ cùng nhau xây dựng Vietcombank phát triển bền vững. Với cách làm này, đại bộ phận các cán bộ, đảng viên Ngân hàng Vietcombank luôn có tư tưởng, ý thức bảo vệ ngôi nhà chung, đấu tranh với những trường hợp tiêu cực. Cùng với đó, xác định "Lãnh đạo phải đi liền với kiểm tra, giám sát ”, Đảng ủy Vietcombank thành lập Ban kiểm tra nội bộ, tạo ra các kênh đối thoại để có thể nghe đầy đủ những vướng mắc, những sự vụ trên toàn hệ thống, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp, tạo sự đồng thuận, ổn định để phát triển trong toàn hệ thống. 



Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank (thứ 2 từ phải sang) vinh dự được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tạp chí Lý luận của Đảng” do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (thứ 4 từ phải sang) trao tặng.

Thực hiện tốt chính sách cán bộ

Khắc ghi lời dạy của Bác: “Cán bộ tốt thì việc gì cũng tốt” và với triết lý con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của doanh nghiệp, Vietcombank luôn chú trọng chăm lo đời sống của người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Với số lượng lao động đông, Đảng ủy và Ban lãnh đạo Vietcombank xác định việc nắm bắt tư tưởng của người lao động là vấn đề quan trọng, do đó luôn quan tâm xây dựng, thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, viên chức và người lao động sát với thực tế, có chế độ đãi ngộ, khuyến khích phù hợp.

Chính sách đối với cán bộ mà Vietcombank thực hiện bao gồm cả chính sách cho chính các cá nhân và chính sách cho môi trường làm việc của tổ chức mà cá nhân đó đang cống hiến – xem đây là hai yếu tố có quan hệ mật thiết không thể tách rời để có tổ chức tốt, tạo động lực cho cán bộ, nhân viên làm việc hiệu quả. Vietcombank đã triển khai áp dụng cơ chế tiền lương mới dựa trên vị trí công việc và kết quả đánh giá cán bộ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, gắn với kết quả kinh doanh, tính chất công việc, trách nhiệm quản lý, điều hành của từng cán bộ, bảo đảm công bằng nội bộ và cạnh tranh với thị trường lao động, tạo động lực nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc và sự gắn kết của cán bộ.



Đảng bộ Trụ sở chính Vietcombank tổ chức thực hiện nghi thức thượng cờ trên đỉnh Fansipan trong chương trình về nguồn năm 2019.

Tình cảm nhân ái, “yêu mọi kiếp người” của Bác thấm sâu vào suy nghĩ, hành động của cán bộ, đảng viên và người lao động, các hoạt động  “lá lành đùm lá rách”, "uống nước nhớ nguồn" như xây nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào vùng thiên tai, nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trợ cấp cho các cháu nhiễm chất độc màu da cam và có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ... với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng luôn được Đảng ủy, Ban lãnh đạo chú trọng. Các hoạt động thể thao, văn nghệ, nghỉ mát được tổ chức đều hằng năm. Đời sống của cán bộ được nâng cao, thu nhập ổn định và có xu hướng đi lên theo các năm. Để tạo ra sự chuyên nghiệp và giúp gắn kết giữa các cá nhân và tổ chức, Vietcombank tập trung tổ chức các hội thi về nghiệp vụ và tư tưởng, cụ thể định kỳ 3 năm/lần tổ chức thi tay nghề cho tất cả các cán bộ nghiệp vụ nhằm tạo ra môi trường giao lưu học hỏi và nâng cao về chuyên môn cho tất cả cán bộ trên toàn hệ thống. Ngoài các hoạt động cộng đồng, giải trí tạo năng lượng làm việc, để mỗi cán bộ, đảng viên Vietcombank có nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như các giá trị văn hóa tốt đẹp của Vietcombank, nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa đã được diễn ra như Hội thi “Văn hóa Vietcombank dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Văn hóa Vietcombank”, “Tư tưởng Bác soi đường chúng con đi” hay cuộc thi viết “Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”, các chuyến đi về nguồn, thăm khu di tích K9 Đá Chông, thăm nhà Bác hay các buổi báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh… Những hành động cụ thể đã góp phần tạo môi trường sống, làm việc thân ái, lành mạnh, chan hòa, hướng thiện.



Phần thi hùng biện sáng tạo, ấn tượng trong Hội thi “Văn hóa Vietcombank dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh” do Đảng ủy Vietcombank tổ chức vào tháng 6-2020.



Qua hội thi “Văn hoá Vietcombank dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh” cán bộ, đảng viên Vietcombank có nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như các giá trị văn hóa tốt đẹp của Vietcombank.

Tiếp sau Đề án quản trị và phát triển nguồn nhân lực Vietcombank đến năm 2020, hiện nay, Vietcombank đang triển khai thực hiện Đề án quản trị và phát triển nguồn nhân lực Vietcombank đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác cán bộ, Vietcombank đang triển khai áp dụng nhiều văn bản về công tác cán bộ: Quy chế quản lý cán bộ, Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Quy chế xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất trong hệ thống Vietcombank, Quy định về tuyển dụng lao động, các quy định về tuyển chọn và sử dụng cộng tác viên/nhân viên hỗ trợ kinh doanh, Quy chế luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác và nghỉ bắt buộc với cán bộ Vietcombank; Quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ trong hệ thống Vietcombank, Quy chế tiền lương kinh doanh... “Gốc có vững, cây mới bền”, tin rằng, với định hướng chiến lược đúng đắn, những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển "gốc" của mọi công việc, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tập thể cán bộ, công nhân viên Vietcombank đã và đang cố gắng vun đắp một Vietcombank - không chỉ được biết đến là một trong những lá cờ đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam mà còn được biết đến bởi “Văn hóa Vietcombank” - nền tảng của sự phát triển bền vững, không chỉ cho hôm nay...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất