Tạo “cú hích” cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia

Tích cực tham mưu xây dựng Chính phủ số

Năm 2020 được coi là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Điều này phản ánh những yêu cầu mới của quản lý nhà nước trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin. Đây cũng là thời điểm Cục Tin học hóa được giao nhiều nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), hướng tới Chính phủ số (CPS). Đảng ủy, Lãnh đạo đơn vị coi đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thi đua, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt với nhiều nhiệm vụ mới, cấp bách trong điều kiện các nguồn lực còn hạn hẹp.

Ngay từ đầu năm, đơn vị đã tham gia và chủ trì tham mưu, nghiên cứu, xây dựng trình Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản thuộc lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng CPĐT như: Nghị định 47/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; xây dựng Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia; Quyết định 20/2020 về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; Đề án tái cấu trúc hạ tầng CNTT, xây dựng một số nền tảng dùng chung phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu cho CPĐT... Đặc biệt, đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là văn bản đầu tiên đưa ra định hướng chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể để Việt Nam thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Để hướng tới phát triển CPS, một trong những nhiệm vụ quan trọng ngay trong năm 2020 là phải hoàn thành việc triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh (LGSP) đồng thời kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Đây là một thách thức không nhỏ đối với Cục Tin học hóa nói riêng và Bộ Thông tin và Truyền thông nói chung khi được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì nhiệm vụ này bởi việc triển khai còn khá chậm. Tính đến hết năm 2019, chỉ có 21 địa phương, 4 bộ, cơ quan ngang bộ có LGSP. Nguyên nhân chính là do không phải địa phương, đơn vị nào cũng có điều kiện đầu tư hay thuê dịch vụ để kịp đưa nền tảng LGSP vào sử dụng.

Để vượt qua khó khăn này, phải có cách nghĩ, cách làm mới mang tính đột phá. Chính vì vậy, với vai trò quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT, xây dựng, phát triển CPĐT, Cục Tin học hóa đã tham mưu với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nền tảng “LGSP as a service” cho một số bộ, ngành, địa phương sử dụng trong giai đoạn các bộ, ngành, địa phương chưa có điều kiện xây dựng LGSP riêng. Tính đến ngày 30-10-2020, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ đã có LGSP kết nối với NGSP, tỷ lệ chia sẻ dữ liệu đạt 97,64%. Điều này đã phá bỏ các “ốc đảo” dữ liệu của các bộ, ngành, tạo lập nền tảng sẵn sàng cho việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu thông suốt từ Trung ương đến địa phương, giúp Nghị định của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của các cơ quan nhà nước sớm đi vào thực tiễn.

Đơn vị cũng đã tham mưu và có những cách làm mới để thúc đẩy triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Nếu như cuối năm 2019 mới chỉ có 10% dịch vụ công đạt mức độ 4 thì đến năm 2020 con số đã lên đến 30%, vượt mức chỉ tiêu mà Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 đã đề ra. Điều này giúp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tỷ lệ bình quân giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn đạt trên 90%. Hiện tại, 100% bộ, ngành, địa phương có Cổng thông tin điện tử cung cấp các thông tin cần thiết giúp cho doanh nghiệp, người dân có thể tra cứu, tìm kiếm thông tin; tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử toàn quốc đến quý IV-2020 đạt 100%.

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục đã thiết lập các kênh tuyên truyền trực tiếp làm việc với các ban, ngành, địa phương, xuyên suốt đến tận cấp xã, thường xuyên tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến, giải quyết nhanh công việc hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, giúp quá trình phối hợp triển khai công việc diễn ra thuận lợi, trôi chảy.

Chắp cánh sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam”

Năm 2020, thế giới lao đao vì đại dịch COVID-19, Bộ Thông tin và Truyền thông coi đây vừa là thách thức nhưng cũng là thời cơ để Việt Nam có “cú hích” chuyển mình trong công nghệ và chuyển đổi số. Trong khi Việt Nam là một trong những nước đi tiên phong ứng dụng CNTT phòng, chống dịch thì ít ai biết, nơi “chắp cánh” cho những sản phẩm công nghệ mang thương hiệu “Make in Vietnam” như Bluezone hay phần mềm khai báo y tế Ncovi (ứng dụng khai báo y tế dùng cho người dân Việt Nam) và Vietnam Health Declaration (ứng dụng khai báo y tế dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam) đến từ Cục Tin học hóa. Đây là nơi chủ trì, dẫn dắt và hơn hết là sát cánh cùng các doanh nghiệp công tạo ra những “lá chắn” công nghệ để phòng, chống COVID-19.

Đồng chí Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, bước sang năm 2020 Cục được Bộ giao đảm nhiệm thêm các nhiệm vụ về sử dụng công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19. Sau khi dịch bùng phát đợt đầu, toàn đơn vị hầu như không có ngày nghỉ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, trong thời gian ngắn nhất cho ra mắt các sản phẩm, giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch “Make in Vietnam”. Có những thời điểm, nhiều cán bộ, lãnh đạo đơn vị phải liên tục thức trắng đêm để gấp rút hoàn thành các ứng dụng như Ncovi, Vietnam Health Declaration trong 48 giờ, hay thực hiện những cuộc tham vấn ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước để từng bước hoàn thiện ứng dụng Bluezone (phát hiện tiếp xúc gần, hỗ trợ truy vết người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19), rồi liên hệ, kết nối với Google, Apple để đưa các ứng dụng trên lên kho ứng dụng phổ biến Google Play và Apple Store...

Đến nay, các ứng dụng thật sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ người dân, các cơ quan quản lý nhà nước trong công cuộc phòng, chống dịch. Riêng đối với Bluezone, đã có hơn 23 triệu lượt thuê bao di động cài đặt và hơn 21 triệu điện thoại thông minh sử dụng, từ đó phát hiện sớm những trường hợp tiếp xúc gần hoặc không có biểu hiện bệnh và cảnh báo sớm cho người dùng Bluezone khi đã tiếp xúc với các ca nhiễm, nghi nhiễm.

Phát biểu tại diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ hai năm 2020 (ngày 23-12-2020), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Một trong những bất ngờ là khả năng nhanh chóng phát triển các sản phẩm công nghệ số phòng, chống COVID-19 và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới. Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... Có lẽ Việt Nam thuộc tốp đầu của thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời COVID…

Bên cạnh đó, thời gian qua Cục Tin học hóa cũng đã tìm kiếm, phát hiện, đánh giá gần 40 nền tảng số dành cho doanh nghiệp Việt Nam để tham gia Chương trình chuyển đổi số quốc gia; tổ chức hơn 20 buổi giới thiệu các nền tảng số của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thông qua việc tổ chức đều đặn sự kiện “Ngày thứ Sáu công nghệ”. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động tham gia, góp ý các văn bản, chính sách, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, nền tảng số vừa phục vụ chuyển đổi số quốc gia, vừa hỗ trợ cộng đồng, xã hội, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp của Bộ khi phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về CPĐT ngày 26-8-2020: “Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sáng kiến hay, hằng tuần tổ chức lễ ra mắt các nền tảng để tôn vinh, quảng bá sản phẩm Việt Nam, đến nay đã có hàng chục nền tảng được ra mắt...”.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng

Những năm vừa qua, Cục Tin học hóa có nhiều biến động về nhân sự, nhưng Đảng ủy và Lãnh đạo Cục luôn đoàn kết, thống nhất trong công tác lãnh đạo, điều hành, đồng thời thể hiện sự đổi mới trong chỉ đạo, tạo niềm tin để toàn thể cán bộ, công chức của Cục ở độ tuổi còn trẻ hoàn thành tốt khối lượng công việc đồ sộ được giao.

Là một đơn vị dẫn dắt về công nghệ, Đảng ủy, Lãnh đạo Cục đề ra mục tiêu: “Đổi mới cách nghĩ, đổi mới cách làm, đổi mới cách hoàn thành nhiệm vụ; đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và ứng dụng CNTT trong toàn Cục trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của từng đơn vị với yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác”. Điều này đã giúp đơn vị vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Riêng năm 2020, 18 sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính được áp dụng tại Cục Tin học hóa đã được triển khai, mang lại hiệu quả làm việc cao, được nhiều đơn vị khác học tập.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Đảng ủy, Lãnh đạo Cục luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức học tập, nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy cấp trên tới toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị. Để tăng cường khối đoàn kết tập thể, Cục thường xuyên tổ chức các cuộc họp, gặp mặt nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị. Công tác đoàn thể (công đoàn, đoàn thanh niên) cũng được chú trọng với nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức quyên góp ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch COVID-19, ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão lũ tại miền Trung; tổ chức các phong trào nữ công, thể thao, văn hóa - văn nghệ…

Cục Tin học hóa nhiều năm liền là tập thể lao động xuất sắc và được nhận Cờ thi đua của Bộ. Nhiều cá nhân của Cục được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen. Năm 2020, đơn vị tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Đảng bộ Cục Tin học hóa 2 năm 2019 và 2020 đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất