Đòi hỏi từ thực tiễn
Một trong những nội dung cốt lõi trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng là “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, trong đó nhấn mạnh “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Lần đầu tiên, đạo đức được nâng lên thành một nội dung xây dựng Đảng ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trở thành một thành tố quan trọng xây dựng Đảng về đạo đức.
Trong mọi giai đoạn của cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; coi đây là một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Đến nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, việc đề cao trách nhiệm nêu gương lại được đặt ra cần kíp hơn bao giờ hết.
Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), lần đầu tiên BCH Trung ương Đảng ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng (Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương”). Trước đó, ngày 7-6-2012 Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Bộ Chính trị cũng có Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Thực hiện các quy định nêu gương của Ban Bí thư, BCH Trung ương, ngày 28-1-2019 Đảng ủy Công an Trung ương (TƯ) ban hành Quy định số 01-QĐi/ĐUCA-X03 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Đảng ủy Công an TƯ, Ủy viên Ban Thường vụ và người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương, yêu cầu mỗi đảng viên, cán bộ CAND, trước hết là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần “gương mẫu đi đầu” trong thực hiện nhiệm vụ, nghiêm khắc với bản thân, đi đầu thực hiện 8 điểm và chống 8 điểm. Mỗi người cán bộ, đảng viên CAND phải gương mẫu thực hiện 6 điểm.
Trên cơ sở các quy định về trách nhiệm nêu gương, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong CAND đã ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch, đề án với những cách làm mới, hiệu quả như phát hành sổ cam kết và theo dõi kết quả phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên; ký cam kết thi đua thực hiện trách nhiệm nêu gương giữa các đơn vị, các khối; phát động các phong trào “Mỗi ngày làm một việc tốt”, “Làm hết việc chứ không làm hết giờ”; trong triển khai nhiều phần việc, nhân rộng các mô hình tốt, thiết thực, hiệu quả trong phục vụ nhân dân như: “Phòng tiếp dân kiểu mẫu”, “Bàn tiếp dân văn hóa”, “Nhật ký vì nhân dân ủng hộ”…
Mạnh dạn thực hiện những việc khó, việc mới
Thứ nhất, Đảng bộ Công an TƯ là đơn vị gương mẫu đi đầu trong thực hiện đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đảng ủy Công an TƯ, Bộ Công an đã chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng Đề án 106, kịp thời tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018, tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 6-8-2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Đây là một bước tiến quan trọng, đột phá nhằm tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với CAND, sắp xếp tổ chức bộ máy CAND phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bố trí lại lực lượng và thực hiện tinh giản biên chế.
Cụ thể, Bộ Công an không tổ chức cấp trung gian, không còn cấp tổng cục, giảm 56 đơn vị cấp cục, sáp nhập 20 đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm trên 800 đơn vị cấp phòng, giảm 35 lãnh đạo cấp tổng cục, 55 cục trưởng và tương đương, gần 300 trưởng phòng và tương đương. Đến tháng 6-2020, 62/63 tỉnh, thành phố tiến hành bố trí 100% công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn, đạt 99,3% kế hoạch, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tình hình an ninh trật tự ở cơ sở được bảo đảm, có chuyển biến tích cực.
Thứ hai, gương mẫu đi đầu trong thực hiện quy định về phân cấp, phân quyền, kiểm soát quyền lực.
Để thực hiện hiệu quả chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, Bộ Công an tập trung hoàn thành phân công, phân cấp rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng lực lượng, không chia cắt về địa bàn, lãnh thổ “Một việc chỉ một đơn vị chủ trì thực hiện”. Trong đó, các đơn vị của Bộ chủ yếu thực hiện chức năng nghiên cứu, tham mưu, hoạch định chủ trương, đường lối, pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; thực hiện nhiệm vụ phức tạp liên quan đến nhiều địa phương. Công an cấp tỉnh thực hiện chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và là cơ quan thực thi, chịu trách nhiệm chính về nắm tình hình, quản lý nhà nước về phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự ở địa phương. Công an cấp huyện là cấp trực tiếp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật; thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản của ngành, nắm tình hình; trực tiếp giải quyết các yêu cầu của Nhân dân về an ninh, trật tự theo quy định. Công an xã, phường, thị trấn là công an cấp cơ sở, gần dân, sát dân nhất, thực hiện nhiệm vụ nắm tình hình, tiếp nhận, giải quyết ban đầu, tại chỗ các vấn đề về an ninh trật tự ở cơ sở…
Thứ ba, gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy CAND.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975) có khoảng 15.000 liệt sĩ Công an; 5.000 đồng chí mang thương tật suốt đời; hàng ngàn đồng chí bị địch bắt giam, tra tấn dã man, nhưng vẫn giữ vững khí tiết, trung thành với Đảng, với cách mạng. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đã có hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh; 900 đồng chí bị thương tật vĩnh viễn. Từ năm 2016 đến nay, 46 đồng chí đã anh dũng hy sinh, hơn 1.300 đồng chí bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ; riêng 6 tháng đầu năm 2020, 10 đồng chí đã hy sinh, 51 đồng chí bị thương và nhiều đồng chí khác bị phơi nhiễm HIV trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân; hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ được Đảng, Nhà nước truy tặng, tặng thưởng các danh hiệu, phần thưởng cao quý.
Ở những điểm “nóng”, địa bàn phức tạp, cán bộ, chiến sĩ CAND luôn tiên phong trên tuyến đầu, đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Từ phong trào học tập và làm theo tấm gương của Bác đã xuất hiện hàng vạn điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, dũng cảm hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.
Phát huy truyền thống, thực hiện hoài bão, lý tưởng cao đẹp
Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó“Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mọi cán bộ, chiến sĩ, lấy sự nghiệp của Đảng làm mục tiêu phấn đấu của toàn lực lượng”, lực lượng CAND cần phát huy truyền thống vẻ vang vốn có và tiếp tục nêu cao trách nhiệm nêu gương trong toàn Ngành.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nêu gương trong toàn lực lượng, để cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp nắm vững mục tiêu, yêu cầu, nội dung quy định về trách nhiệm nêu gương của BCH Trung ương, Đảng ủy Công an TƯ cũng như từng đơn vị, địa phương. Các đơn vị cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo cả về nội dung và hình thức tuyên truyền, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch công tác chuyên môn năm, quý, tháng để tổ chức có hiệu quả, bảo đảm thiết thực.
Từng đơn vị, địa phương cần rà soát, bổ sung quy định về trách nhiệm nêu gương để phù hợp với tình hình mới; chú ý cụ thể hóa các nội dung gắn với từng đối tượng và nhiệm vụ chuyên môn cụ thể bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện để mỗi cán bộ, chiến sĩ đều có thể thực thi trong công việc và trong đời thường.
Các đảng bộ, chi bộ trong CAND cần tổ chức nhiều hơn các buổi sinh hoạt chuyên đề về nêu gương, qua đó tăng cường tự phê bình và phê bình trong Đảng để cán bộ, đảng viên góp ý cho lãnh đạo, chỉ huy và góp ý cho nhau cùng tiến bộ. Chú ý về trách nhiệm nêu gương thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực như không uống rượu, bia buổi trưa, không hút thuốc, giữ gìn vệ sinh, chấp hành nghiêm điều lệnh CAND, hoàn thành tốt công việc được giao.
Cần làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời phát hiện và lan tỏa nhân rộng gương người tốt, việc tốt về nêu gương trong CAND. Bên cạnh đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm khắc, kịp thời, đúng người, đúng việc đối với những vi phạm về quy định nêu gương của BCH Trung ương và Đảng ủy Công an TƯ, nhất là với những trường hợp gây tổn hại đến uy tín, danh dự, tình cảm của lực lượng CAND trong lòng dân.
Đỗ Anh