Coi trọng nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng
Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện Biên phòng nhiệm kỳ 2015-2020 ra mắt
Nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS), đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, những năm qua Đảng bộ Học viện Biên phòng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về công tác KT, GS. Hoạt động của Ủy ban kiểm tra Đảng ủy và công tác KT, GS của các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp.

Năm 2015, Đảng ủy Học viện đã tiến hành kiểm tra một đảng bộ, giám sát chuyên đề 1 đảng bộ, kiểm tra đối với cấp ủy cơ sở được 249 đảng viên, 24 cấp ủy viên. Đối với các đảng ủy cơ sở tiến hành kiểm tra được 19 chi bộ trực thuộc, giám sát chuyên đề 165 đảng viên và 9 cấp ủy viên, nhờ đó, đã góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; đơn vị vững mạnh toàn diện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ đảng viên được KT, GS hằng năm đạt 92% đến 100% so với kế hoạch. Việc kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm, xem xét xử lý kỷ luật và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tiến hành nghiêm túc, chính xác, kịp thời.

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới và trên thực tế, công tác giám sát là một vấn đề còn khó thực hiện, nên trong quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập cả về nhận thức, trách nhiệm và nội dung, hình thức, cách thức tiến hành. Chất lượng, hiệu quả KT, GS chưa cao. Một số đảng viên cho rằng có sai phạm mới phải kiểm tra; kiểm tra là bới lông tìm vết sẽ phát hiện sai phạm, nên không thật thoải mái khi được KT, GS...

Để xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học trong tình hình mới, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, phải thường xuyên quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác KT, GS và kỷ luật của Đảng. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về công tác KT, GS, để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong công tác KT, GS, kỷ luật đảng. Để KT, GS có chất lượng, đòi hỏi mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác KT, GS, trên cơ sở đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện KT, GS. Do vậy, cấp uỷ, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, chỉ thị, quy định, quy chế, h­ướng dẫn của cấp trên về KT, GS; chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm trong quá trình KT, GS cho cả cấp đi kiểm tra và nơi được kiểm tra. Khắc phục những nhận thức không đầy đủ về KT, GS và thi hành kỷ luật đảng,  thái độ mặc cảm, định kiến, ngại, sợ, đối phó với KT, GS. Thực tế cho thấy, ở đâu làm tốt việc này thì ở đó chất lượng KT, GS được nâng lên, tổ chức đảng  trong sạch, vững mạnh, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, cán bộ chủ trì, nhất là bí thư cấp uỷ. Công tác KT, GS là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là trách nhiệm của mọi tổ chức đảng và đảng viên, song trước hết là của cấp uỷ, cán bộ chủ trì, nhất là bí thư cấp uỷ. Là người chủ trì mọi hoạt động ở các tổ chức đảng, chất lượng KT, GS phụ thuộc rất lớn vào trình độ, năng lực của bí thư cấp uỷ. Do vậy, nâng cao chất lượng KT, GS đòi hỏi cấp uỷ, bí thư cấp uỷ, phải có kiến thức năng lực về công tác KT, GS; thường xuyên nghiên cứu nắm chắc nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, hướng dẫn của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên, tình hình đơn vị, lựa chọn, trao đổi, bàn bạc, đề xuất để cấp ủy, chi bộ quyết định nội dung, biện pháp lãnh đạo phù hợp, có biện pháp khoa học và kiên quyết trong thực hiện, làm tròn chức trách, nhiệm vụ được phân công; khắc phục các biểu hiện né tránh, ngại va chạm, nể nang, giấu giếm khuyết điểm… làm cho KT, GS không đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Ba là, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên trong tiến hành KT, GS. Yêu cầu cơ bản của công tác KT, GS là phải đánh giá, kết luận đúng ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm (nếu có) của tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra để có quyết định chính xác. Trong thực tế, vì thành tích, không ít tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thường bao che, giấu giếm khuyết điểm, làm các cuộc KT, GS khó khăn, phức tạp. Nếu cán bộ, đảng viên không phát huy tốt tính tiền phong, gương mẫu, ý thức tự giác, tự phê bình và phê bình thì  KT, GS sẽ không có chất lượng. Vì vậy trong KT, GS phải coi trọng phát huy tính tiền phong, gương mẫu, ý thức tự giác, tự phê bình và phê bình của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giúp cho đối tượng được KT, GS nhận rõ ưu, khuyết điểm, vi phạm và giúp cho tổ chức KT, GS đánh giá kết luận chính xác.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ việc duy trì chế độ, nền nếp sinh hoạt đảng với xây dựng nếp sống chính quy, duy trì kỷ luật đơn vị. Duy trì chế độ, nền nếp sinh hoạt Đảng là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực của tổ chức đảng và bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên, chặt chẽ của các tổ chức đảng đối với đơn vị. Xây dựng nếp sống chính quy, duy trì kỷ luật đơn vị bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thực hiện tự giác, nghiêm túc điều lệnh, chế độ quy định tạo sự tính thống nhất, đoàn kết và sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Sự kết hợp này chính là bảo đảm tính thống nhất giữa yếu tố lãnh đạo và cơ sở điều kiện, lực lượng thi hành trong một tập thể, để kịp thời ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm kỷ luật và để  đơn vị luôn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các tổ chức và vai trò của quần chúng trong nâng cao chất lượng KT, GS ở các tổ chức đảng. Để đánh giá, kết luận chính xác những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm của từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đòi hỏi phải có nhiều nguồn thông tin từ các tổ chức, các lực lượng trong và ngoài đơn vị. Do vậy cấp ủy, bí thư cấp ủy, ủy ban kiểm tra cần phối hợp chặt chẽ trong việc phê bình, xác minh để có thông tin chính xác, toàn diện về đối tượng KT, GS. Công tác KT, GS của các tổ chức đảng chỉ đạt chất lượng, khi biết xây dựng, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi cá nhân, tổ chức trong và ngoài đơn vị. Thông qua tổ chức quần chúng để xây dựng đảng, đảng viên. Thông qua chính quyền, cấp uỷ địa phương để nắm tình hình và giáo dục, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là một kinh nghiệm cơ bản để không ngừng nâng cao chất lượng KT, GS của Đảng bộ Học viện.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất