Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906 trong gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh là cụ Hà Huy Tường đỗ cử nhân nhưng trước cảnh nước mất, nhà tan và cuộc sống cơ cực của người dân quê hương, ông không ra làm quan mà ở nhà dạy học cho con trẻ và bốc thuốc giúp chữa bệnh cho dân làng. Thân mẫu Hà Huy Tập là bà Nguyễn Thị Lộc, một nông dân tần tảo nuôi chồng, thương con; cả cuộc đời gắn bó với đồng ruộng quê hương, sống hòa thuận với bà con làng xóm.
Từ năm 1910 đến 1919 học chữ nho tại quê nhà và học tiểu học tại Hà Tĩnh. Sau khi học hết bậc tiểu học, năm 1919, ông thi vào trường Quốc học Huế. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Quốc học Huế và về dạy tại trường tiểu học ở thị xã Nha Trang (nay là trường THPT Nguyễn Văn Trỗi) cho đến năm 1926, sau đó chuyển về dạy trường tiểu học Cao Xuân Dục (thành phố Vinh, Nghệ An). Những năm tháng này cũng chính là thời gian Hà Huy Tập đọc nhiều sách báo; thấy được nỗi thống khổ của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và luôn trăn trở phải làm sao để cứu nước, cứu dân thoát khỏi cảnh lầm than. Lòng yêu nước và sự trăn trở đó đã thúc giục người thanh niên yêu nước Hà Huy Tập bước vào cuộc đấu tranh cách mạng với cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Cuối năm 1925, Hà Huy Tập gia nhập Hội Phục Việt và luôn là một trong những người xả thân cho những hoạt động của Hội. Trong thời gian ở Vinh, ngoài việc dạy học ở trường Cao Xuân Dục, Hà Huy Tập còn đến các xóm thợ Trường Thi - Bến Thủy, các làng, xã quanh Vinh để tìm hiểu tình hình và xây dựng cơ sở Hội Phục Việt. Những hoạt động tích cực cụ của Hà Huy Tập đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Nghệ An và Hà Tĩnh; đồng thời cũng dẫn đến việc Công sứ Vinh lệnh cho Đốc học Vinh cách chức giáo viên đối với Hà Huy Tập. Tháng 3-1927, Hà Huy Tập rời Vinh vào Sài Gòn.
Tháng 1-1928, Hội Hưng Nam (tên mới của Hội Phục Việt) tổ chức hội nghị toàn quốc tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, Hà Huy Tập dự Hội nghị này với tư cách Bí thư Kỳ bộ Nam Kỳ. Hội nghị bàn về việc hợp nhất Hội Hưng Nam với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Rời Hà Tĩnh, Hà Huy Tập trở lại Sài Gòn, dạy học tại trường tiểu học tư thục mang tên An Nam học đường ở Gia Định và hoạt động ngày càng tích cực. Tháng 6-1928, Hiệu trưởng An Nam học đường có quyết định đình chỉ việc giảng dạy của ông với lý do kích động học sinh nhiều lần bãi khóa. Sau đó, Hà Huy Tập xin vào làm việc ở một hiệu buôn đến tháng 8-1928, ông rời khỏi hiệu buôn đến Bà Rịa xin vào làm việc ở đồn điền trồng mía Phú Mỹ. Trong thời gian này, Hà Huy Tập đã vận động thành lập được chi bộ đảng trong công nhân do ông làm Bí thư.
Tháng 12-1928, ông được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tham gia khóa huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ấn tượng mạnh với tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tác phẩm Đường Cách Mệnh, Hà Huy Tập tích cực hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ngày 19-7-1929, ông sang Liên Xô, học trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va với bí danh là Xinh-trơ-kin. Cuối năm 1929, được kết nạp vào Đảng Cộng sản liên bang (bôn-sê-vích) và tháng 3-1932, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông và ở lại Liên Xô hoạt động.
Trong thời gian ở Liên Xô, Hà Huy Tập viết cuốn sách “Sơ thảo lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương” bằng tiếng Pháp gồm ba phần, chia thành 10 chương. Đây là tác phẩm đầu tiên viết về lịch sử hình thành, quá trình xây dựng, phát triển và sự lãnh đạo đấu tranh của Đảng ta từ đầu cho đến tháng 3-1933. Giữa năm 1933, Hà Huy Tập bí mật về Trung Quốc, bắt liên lạc với Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác lập ra Ban Chỉ huy ở ngoài, do Lê Hồng Phong làm thư ký; Hà Huy Tập làm ủy viên phụ trách tuyên truyền cổ động và Tổng Biên tập tạp chí Bôn-sê-vích. Nhiệm vụ trọng tâm của Ban là khôi phục lại các tổ chức Đảng trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930-1931 và chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng.
Sau một thời gian chuẩn bị, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất đã họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935. Hà Huy Tập chủ trì và đọc Báo cáo chính trị của Đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 người, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập làm Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài. Thời gian này do đồng chí Lê Hồng Phong bận đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, trọng trách lãnh đạo cách mạng do Hà Huy Tập đảm nhiệm. Tháng 7-1936, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương đã phân công Hà Huy Tập về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương mới và khôi phục các tổ chức đảng trong nước. Ngày 12-10-1936, Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ để bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Tại Hội nghị này, Hà Huy Tập chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Trong thời gian làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã tích cực lăn lộn trong phong trào quần chúng, móc nối với các tổ chức Đảng trong nước, sớm hình thành được Ban Chấp hành Trung ương. Triệu tập và chủ trì ba Hội nghị Trung ương (3-1937, 9-1937 và 3-1938), Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã góp phần tổng kết tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo và cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thử thách, đưa phong trào tiến lên những bước mới.
Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938, Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị địch bắt do có chỉ điểm và đưa về giam ở Khám lớn, Sài Gòn. Ngày 24-5-1938, phiên tòa tiểu hình tại Sài Gòn xét xử Hà Huy Tập đã tuyên án 2 tháng tù giam và 5 năm cấm cư trú tại Nam Kỳ, trục xuất về quê quản thúc. Ngày 30-3-1940, Hà Huy Tập bị bắt lại và đưa vào Nam Kỳ để xét xử. Thời điểm này, nổ ra cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, nên ngay sau đó, thực dân Pháp thẳng tay bắt bớ, giam cầm và sát hại nhiều đồng chí, đồng bào ta. Ngày 3-4-1941, Tòa án binh Sài Gòn đưa Hà Huy Tập và những người chúng bắt được trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ra xét xử và tuyên án tử hình, giam ở xà lim chém. Ngày 25-10 năm đó, Hà Huy Tập bị thực dân Pháp xử tuyên án 5 năm tù giam và ngày 28-8-1941, ông bị chính quyền Pháp xử bắn cùng với một số nhà cách mạng khác như: Nguyễn Hữu Tiến, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai…
Tổng Bí thư Hà Huy Tập thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên, cốt cán của Đảng. Tuy thời gian hoạt động cách mạng không dài, nhưng Hà Huy Tập đã sống một cuộc đời cách mạng sôi nổi và vinh quang; đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, để lại cho Đảng những bài học quý báu cả về lý luận và thực tiễn hoạt động cách mạng. Qua đời khi mới 35 tuổi nhưng tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên cường; một người lãnh đạo tận tụy, năng động; một cây bút lý luận xuất sắc của Đảng thập niên 1930; người đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho lý tưởng cộng sản của Tổng Bí thư Hà Huy Tập cùng bao anh hùng, liệt sĩ mãi mãi in đậm trong trái tim, khối óc mỗi người dân Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã hiến dâng trọn vẹn cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập (24-4-1906 – 24-4-2016) là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hiểu rõ hơn về tấm gương chiến đấu, hy sinh và những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng và quê hương của đồng chí. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là học tập và làm theo những phẩm chất cách mạng kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản.
Hồng Sơn (tổng hợp)