Yêu cầu đổi mới đang lan tỏa từ diễn đàn Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống sôi động của đất nước. Nhân kỷ niệm 146 năm ngày sinh của V.I.Lê-nin, nghiên cứu lại toàn văn bản báo cáo chính trị quan trọng của Người tại Đại hội XI ĐCS(b) Nga, ngày 2-4-1922, trong đó, Người đã thể hiện thái độ tỉnh táo, nghiêm túc khi nhìn nhận kết quả sau thời gian đầu thực hiện chính sách kinh tế mới. Bản báo cáo chính trị không theo cách thường thấy là liệt kê thành tích, thiên về ngợi ca những thành tựu đã đạt được mà đi thẳng, trực tiếp vào vấn đề chủ yếu, đề nghị Đại hội tập trung tư tưởng, nghiêm túc suy nghĩ, phân tích rút ra những bài học thực tiễn để sau Đại hội phấn đấu có những bước tiến trên thực tế. Chúng ta có thể rút ra nhiều chỉ dẫn quan trọng về phương pháp tư duy để có thái độ nghiêm túc trong việc suy nghĩ, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Ý kiến của V.I.Lê-nin trong phần mở đầu báo cáo đáng để chúng ta liên hệ suy ngẫm.”Năm đã qua... áp dụng chính sách kinh tế mới. Nếu... chúng ta thu được một thắng lợi to lớn quan trọng không gì có thể xóa bỏ được (về phần tôi, tôi chưa tin chắc lắm về điểm đó) thì đó chỉ có thể là thắng lợi này: qua những bước đầu của chính sách kinh tế mới chúng ta đã rút ra được một vài bài học... Còn về vấn đề tìm hiểu xem chúng ta có thật sự học tập được hay không và học tập được đến đâu, thì điều đó chắc chắn sẽ được chứng thực bằng những sự kiện và sự biến sắp tới - những sự kiện và sự biến rất ít phụ thuộc vào ý chí của chúng ta, như cuộc khủng hoảng tài chính sắp xảy ra chẳng hạn”(1). Theo V.I.Lê-nin, những bài học và những vấn đề chủ yếu cần rút ra là:
1. Vấn đề liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân về mặt kinh tế trong những năm thực hiện chính sách kinh tế mới vừa qua như thế nào và Đảng phải làm gì? V.I.Lê-nin cho rằng chúng ta đã bắt đầu làm nhưng rất kém và rất vụng về bởi khi chúng ta, Đảng của giai cấp công nhân, cùng với giai cấp nông dân xây dựng nền kinh tế mới, chúng ta chưa thấy rõ trong quá trình ấy thì “với công việc mà mỗi người nông dân phải gánh vác, công việc mà họ có thể làm cật lực để cốt sao thoát khỏi nạn cùng khốn và có khả năng làm được chứ không nói chuyện viển vông”(2). V.I.Lê-nin chỉ rõ, chúng ta không thể nói chung chung, vô trách nhiệm khi người nông dân đang phải “tự cứu vớt đời sống của họ”, đối mặt với quy luật thép trong quá trình cộng nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Phải có chính sách để toàn thể quần chúng nông dân đều thấy có mối liên hệ một cách cụ thể, thiết thực giữa cuộc sống khó khăn của họ hiện nay với cái mà chúng ta gọi là lý tưởng XHCN. Phải chứng minh trên thực tế để cho người nông dân thấy được họ đã, đang và sẽ được thụ hưởng thành quả chứ không phải bằng những việc xa xôi, ảo tưởng dưới con mắt của nông dân. Chúng ta phải chứng tỏ trên thực tế rằng Đảng có trách nhiệm và đang biết giúp đỡ họ. Chỉ có như vậy mới khôi phục được lòng tin của người nông dân - một niềm tin thể hiện ở lợi ích cụ thể, ở những bước tiến về đời sống vật chất và tinh thần trên nền tảng kinh tế phát triển nhưng văn hóa, đạo đức xã hội không bị suy đồi. Do đó, khối liên minh công - nông, nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc - trong giai đoạn này mới được củng cố, tăng cường. Nếu không, sự thất bại là điều khó tránh. V.I.Lê-nin cho rằng chúng ta đã hứa hẹn nhiều, bây giờ là lúc phải thực hiện và đó cũng là lời hứa với cả quốc gia - dân tộc. Trước mắt chúng ta, ngay bây giờ, phải coi là cuộc sát hạch đối với những người cộng sản mà nhất thiết họ phải trải qua.
Việt Nam đã qua 30 năm đổi mới, Đảng đã tổng kết những thành tựu to lớn và cả những khuyết điểm không nhỏ mà hậu quả của nó xét trên bình diện tổng thể chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa - đạo đức thì Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ và Đại hội XII của Đảng tiếp tục nêu. Những nguy cơ, trong đó nguy cơ lớn nhất là giảm sút lòng tin của người dân, đại bộ phận là nông dân, vẫn đang tồn tại. Khắc phục nguy cơ đó chính là kết quả đích thực sự học tập và tiến bộ của những người cộng sản.
2. Thực hiện biện pháp mới trong công tác kiểm tra
V.I.Lê-nin không phủ định cách kiểm tra truyền thống. Nhưng theo Người, trên thực tế hiệu quả của những biện pháp cũ rất thấp “dù cho những cơ quan kiểm tra ấy đã có trong hệ thống các cơ quan xô-viết cũng như trong hệ thống tổ chức đảng, dù cho chúng là những cơ quan kiểm tra hầu như lý tưởng đi nữa; sự kiểm tra như thế, đứng trên giác độ nhu cầu thực tế của nền kinh tế nông dân mà xét, thì chỉ là một sự chế giễu”(3). Tình hình hiện nay đòi hỏi phải tổ chức kiểm tra nghiêm ngặt và cần lượng hóa được kết quả của công tác kiểm tra. Theo Người, cần phải “kiểm tra bằng biện pháp thi đua giữa những xí nghiệp quốc doanh và những xí nghiệp tư bản chủ nghĩa... Các đồng chí hãy so sánh một cách thực tiễn”(4). Những người cộng sản nên biết rằng quần chúng đang nói về chúng ta rằng: “Các anh là những con người tuyệt vời, nhưng sự nghiệp đó, sự nghiệp kinh tế mà các anh đã đảm đương thì các anh không biết cách làm”. Đó là điều đau xót nhất mà chúng ta phải tiến hành kiểm tra thực sự và ngay từ năm đầu tiên sau Đại hội Đảng “các đồng chí phải chứng tỏ rằng trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, các đồng chí biết giúp đỡ một cách thực tế cho kinh tế của công nhân và của người mu-gich, để cho họ thấy được là các đồng chí đã thắng trong cuộc thi đua”(5). Nội dung của vấn đề thi đua là xét xem những xí nghiệp quốc doanh do những người cộng sản được mệnh danh là ưu tú đã quản lý vật tư, tài sản, tiền của, đất đai, rừng biển của Nhà nước và của nhân dân như thế nào; đã đưa vào sản xuất kinh doanh lời lãi ra sao; có lãng phí, tham nhũng tiền bạc không; chính sách đối với người lao động về tiền lương, nơi ăn, ở, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm môi trường lao động, phúc lợi xã hội, chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần, nộp thuế và tích lũy để tái sản xuất mở rộng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động... so với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước như thế nào? Thi đua và kết quả thi đua được thể hiện ở những con số thống kê, những con số cho ta sự đối sánh, nó chính là thước đo của kiểm tra, là tiếng nói phản ánh trung thực nhất bản lĩnh, năng lực, đạo đức của những người cộng sản trong quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính và đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước...so với khu vực tư nhân. V.I.Lê-nin kết luận: “Đây là trận cuối cùng và quyết định; và sẽ không có một con đường né tránh nào về chính trị cũng như về các mặt khác, vì rằng đây sẽ là cuộc thi đua của chúng ta với tư bản tư nhân. Hoặc chúng ta sẽ thành công trong cuộc thi đua đó với tư bản tư nhân, hoặc chúng ta sẽ thất bại hoàn toàn”(6).
Ở Việt Nam qua ba mươi năm đổi mới, chúng ta kiên trì kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân nhưng 10 năm gần đây, Đại hội XII của Đảng đã nhìn thẳng sự thật, công khai chỉ rõ: Nền kinh tế của ta vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng. Năng suất lao động chậm được cải thiện, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế còn thấp. Chưa phát huy được lợi thế so sánh và tận dụng các cam kết hội nhập quốc tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững. Nợ xấu tuy có giảm dần nhưng còn ở mức cao, nợ công tăng nhanh. Tình trạng đầu tư công dàn trải, thất thoát, lãng phí chậm được khắc phục. Việc xây dựng và thực hiện đề án cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế thiếu đồng bộ, chưa thật sự gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, kết quả còn hạn chế. Thực hiện CNH, HĐH còn chậm, chưa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp hỗ trợ chưa có định hướng chiến lược rõ ràng, hiệu quả thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu và thiếu tính kết nối. Phát triển đô thị thiếu đồng bộ, chất lượng thấp. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Các ngành dịch vụ chất lượng cao chậm phát triển. Kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Sự phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng còn thiếu liên kết và phối hợp; không gian kinh tế còn bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa tương ứng với chuyển dịch cơ cấu sản xuất.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do nhận thức, nhất là nhận thức về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và công nghiệp hoá, hiện đại hoá chưa đầy đủ; thể chế hoá và tổ chức thực hiện còn chậm, thiếu hệ thống và đồng bộ. Chưa có đột phá về thể chế để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường. Chưa xác định rõ những ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên trong chính sách công nghiệp quốc gia cho từng giai đoạn; thiếu gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa công nghiệp hoá, hiện đại hoá với đô thị hoá, giữa phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn với xây dựng nông thôn mới. Chưa nhận thức đầy đủ và xử lý tốt quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Chưa chuẩn bị thật tốt các điều kiện cần thiết và tận dụng thời cơ để hội nhập quốc tế có hiệu quả; có lúc, có việc chưa gắn chặt với đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ (Báo cáo chính trị Đại hội XII).
3- Chính sách kinh tế mới vẫn chưa thực hiện được như Cương lĩnh của những người cộng sản.
Theo V.I.Lênin, ở đây có một vấn đề lớn, cốt tử của chế độ là quan niệm về chủ nghĩa tư bản nhà nước được vận hành dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước XHCN vẫn chưa được nhận thức đầy đủ.Thực chất của nó là vấn đề sở hữu và thừa nhận vai trò của các thành phần kinh tế, trong đó có thành phần kinh tế tư bản tư nhân trong một nhà nước XHCN. Nói theo cách diễn đạt của chúng ta ngày nay thì đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. V.I.Lê-nin khẳng định đây là vấn đề rất mới, C.Mác cũng chưa viết một cuốn sách nào, thậm chí cũng chưa để lại một dòng nào về vấn đề đó. “Các đồng chí là những người cộng sản... các đồng chí là người đảm nhiệm việc lãnh đạo nhà nước - các đồng chí hãy làm thế nào cho nhà nước mà các đồng chí nắm trong tay hoạt động như các đồng chí mong muốn... Chúng ta không muốn thừa nhận điều này: nhà nước đã không hoạt động được như chúng ta mong muốn”(7). Người chỉ rõ, Nhà nước của chúng ta như một chiếc xe đang chạy có bàn tay của người cộng sản cầm lái thật đấy, có vẻ như đang điều khiển xe nhưng nó không chạy theo hướng đã định mà nó lại chạy theo hướng của một kẻ khác, một kẻ bí mật, bất hợp pháp, một kẻ người ta không biết từ đâu đến, của bọn đầu cơ hay của người tư bản tư nhân, hoặc có thể là là của cả hai trong số họ. Vì thế xe chạy không hoàn toàn đúng và thường là hoàn toàn không đúng với tư tưởng của người cầm lái. Tình trạng này, ngày nay chúng ta có thể diễn đạt là chiếc xe đã đi chệch hướng. V.I.Lê-nin yêu cầu những cộng sản hãy nghiêm túc nghiên cứu, học hỏi từ đầu.
Chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế thị trường và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là ba khái niệm cần được làm rõ. Khi nghiên cứu, các nhà lý luận cũng như các nhà lãnh đạo thực tiễn đều cho rằng khái niệm Kinh tế thị trường định hướng XHCN tuy đã khởi đầu từ Chính sách kinh tế mới của V.I.Lê-nin nhưng trên thực tế chưa được áp dụng thời Liên Xô. Tới nay, với Đảng Cộng sản Việt Nam thì nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một vấn đề lý luận mới và rất khó. Theo tinh thần của V.I.Lênin, chúng ta phải tự nỗ lực để làm sảng tỏ vì trên thế giới chưa có nước nào là hình mẫu minh chứng cho lý luận nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Dưới ánh sáng của tư tưởng V.I.Lê-nin, Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng, phần Xây dựng Đảng chỉ rõ: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn để tiếp tục làm rõ”.
-----
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7) V.I.Lê-nin toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1978, tập 45, tr.87; tr. 91; tr.94; tr.94; tr.97; tr.100; tr.103.
PGS. Trần Đình Huỳnh