Hằng năm, triển khai Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai công tác CCHC làm cơ sở để các địa phương, đơn vị thực hiện. Nhìn chung, việc tổ chức, chỉ đạo công tác cải cách hành chính của tỉnh được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, bám sát nội dung, yêu cầu của Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch cải cách hành chính theo từng giai đoạn cùng các biện pháp chỉ đạo, công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức thực hiện từng bước đi vào nền nếp, ngày càng nâng cao chất lượng với những kết quả thiết thực. Cụ thể là:
Về cải cách thể chế: Công tác cải cách thể chế được UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, quy trình xây dựng và thông qua văn bản quy phạm pháp luật đã có nhiều đổi mới, làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp, lấy ý kiến vào các văn bản dự thảo. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực quan trọng như: đầu tư; xây dựng cơ bản; quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; quản lý ngân sách; quản lý cán bộ, công chức. Hằng năm, UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã kiến nghị UBND cấp huyện xử lý 78 văn bản có dấu hiệu vi phạm.
Về cải cách thủ tục hành chính: Đã rà soát là 1.662 thủ tục, 951 mẫu đơn và 702 yêu cầu, điều kiện; kiến nghị sửa đổi 863 thủ tục, hủy bỏ 132 thủ tục, đạt tỷ lệ 60% các thủ tục hành chính đang áp dụng hiện hành. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, tính chủ động và trách nhiệm của các ngành, các địa phương được nâng cao, việc thực hiện cơ chế một cửa và cơ chế một cửa liên thông đạt được hiệu quả tích cực, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo bước chuyển biến trong mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính với công dân, doanh nghiệp theo hướng phục vụ ngày càng tốt hơn.
Về thực hiện cơ chế một cửa và cơ chế một cửa liên thông: UBND tỉnh ban hành các quy chế quy định quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông trong các lĩnh vực, công việc như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu và khí đốt hoá lỏng; giải quyết thủ tục đầu tư tại Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai; giải quyết cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế và con dấu cho các tổ chức và công dân có nhu cầu đăng ký kinh doanh. Đến nay đã có 22/23 sở, ban, ngành; 17/18 huyện, thành phố; 186/241 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện cơ chế một cửa trong tiếp nhận và trả kết quả cho tổ chức và công dân.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ, sau khi sắp xếp lại, chỉ còn 19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 12 phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, giảm 7 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 1-2 phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện so với trước. Việc sắp xếp cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng nhiệm vụ và hạn chế việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành, các cấp. Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, phòng chuyên môn cấp huyện được quy định rõ và thực hiện thông suốt.
Về đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức: Công tác quản lý cán bộ, công chức được thực hiện thống nhất, dần đi vào nền nếp, từng bước phân định rõ về trách nhiệm, thẩm quyền theo hướng phát huy vai trò của người đứng đầu. Công tác tuyển dụng được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan. Việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá cán bộ, công chức thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Thời gian qua, đã có trên 33.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức ở Quảng Nam được học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, văn hoá, tin học, ngoại ngữ.
Về hiện đại hoá nền hành chính nhà nước: Hiện nay, hầu hết phòng, ban chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008 trong giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được chú trọng. Cơ sở vật chất về công nghệ thông tin ngày càng được cải thiện đáng kể, bước đầu đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CCHC của tỉnh Quảng Nam vẫn còn một số hạn chế: Chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chưa cao, thiếu thống nhất, nhiều khi không sát với thực tế. Cơ chế một cửa tuy đã được triển khai ở phần lớn các địa phương, đơn vị nhưng việc thực hiện còn mang tính hình thức, chất lượng thấp, thậm chí có nơi không còn hoạt động. Năng lực công tác và kỹ năng giao tiếp của một bộ phận cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện chủ trương phân cấp còn chậm, chưa đồng bộ...
Để công tác CCHC ở Quảng Nam tiếp tục đạt hiệu quả, Quảng Nam xác định triển khai một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với nhiệm vụ CCHC. Gắn CCHC với đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao chất lượng công tác của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Hai là, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC, đặc biệt là nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của người đứng đầu. Cần có sự chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ của cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, có quyết tâm cao mới đạt được kết quả thiết thực.
Ba là, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp theo hướng gọn nhẹ, hợp lý. Thường xuyên cập nhật kiến thức, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, chính quyền trong triển khai các nội dung, nhiệm vụ của CCHC. Kịp thời nhân rộng các mô hình thực hiện có hiệu quả, đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân có sai phạm.
ThS. Nguyễn Duy Độ - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam
TS. Nguyễn Duy Trình - Học viện Chính trị khu vực III