Thực hiện Điều lệ Đảng, Tỉnh uỷ Hậu Giang luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, đảng đảng viên về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đảng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ (2010-2015), Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp uỷ đảng và ủy ban kiểm tra các cấp chấp hành nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Qua đó các cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành động, cơ bản đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ.
Nhiệm kỳ qua, cấp uỷ các cấp trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra 11.830 đảng viên và 2.259 tổ chức đảng; giám sát chuyên đề 9.911 đảng viên và 488 tổ chức đảng. Nội dung kiểm tra, giám sát chủ yếu là việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết, quy định… của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; công tác quản lý đất đai, xây dựng cơ bản; xây dựng nông thôn mới; việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được kết luận sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện có 18 đảng viên và 5 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm, phải thi hành kỷ luật 13 đảng viên. Uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã kiểm tra 302 đảng viên viên và 88 tổ chức dảng khi có dấu hiệu vi phạm.
Qua kiểm tra, kết luận có 287 đảng viên và 83 tổ chức đảng có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 156 đảng viên và 5 tổ chức đảng. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 1.227 tổ chức đảng; việc thi hành kỷ luật trong Đảng 298 tổ chức; sử dụng tài chính đảng 53 tổ chức và 65.106 lượt đảng viên. Phát hiện 1 tổ chức đảng vi phạm việc quản lý tài chính đảng nhưng vi phạm chưa đến mức phải thi hành kỷ luật. Giám sát chuyên đề 555 đảng viên và 625 tổ chức đảng. Qua giám sát đã chuyển sang kiểm tra dấu hiệu vi phạm 6 đảng viên và 6 tổ chức đảng... Công tác kiểm tra, giám sát đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XII nhiệm kỳ (2010-2015).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát ở Đảng bộ tỉnh Hậu Giang còn hạn chế như: một số nơi các cấp uỷ, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ về công tác kiểm tra, giám sát; trình độ, năng lực của một số cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ; một số cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra còn biểu hiện ngại khó, ngại va chạm, né tránh, việc xử lý kỷ luật còn thiếu đồng bộ giữa đảng, chính quyền, đoàn thể; giải quyết tố cáo đối với đảng viên còn chậm, giải quyết không triệt để dẫn đến tố cáo vượt cấp; một số nơi cấp uỷ quan tâm chưa nhiều đối với công tác kiểm tra, giám sát.
Trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII nhiệm kỳ (2015-2020), uỷ ban kiểm tra các cấp xác định thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, cấp uỷ, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của đảng”, Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị về “chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của đảng đến năm 2020”. Tổ chức triển khai, quán triệt Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020.
Thứ hai, Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa uỷ ban kiểm tra với các ngành chức năng. Uỷ ban kiểm tra phối hợp với các ban, ngành cùng cấp trong việc tổ chức lực lượng để thực hiện các cuộc kiểm tra, nhất là phối hợp với Thanh tra Nhà nước, Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Công an, Viện Kiểm sát, Toà án… để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ làm công tác kiểm tra. Cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp cần quan tâm, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến việc tiếp nhận, điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ sao cho phù hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ. Mặt khác cần có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra một cách chính quy, chuyên nghiệp.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, xác minh. Cần quan tâm đến chất lượng hoạt động thẩm tra, xác minh, chất lượng các báo cáo thẩm tra, xác minh của tổ kiểm tra hoặc đoàn kiểm tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện…
Thứ năm, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị khi tiến hành kiểm tra, giám sát đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đồng thời kiểm tra, giám sát người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị được kiểm tra, giám sát...
ThS. Mai Văn Lợi
Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang