Một chương trình, nhiều đổi mới
Đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy khóa XV trao cờ cho các tổ chức đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình 01 của Thành uỷ Hà Nội (tháng 5-2015).

Đây là “xương sống” trong 9 chương trình công tác lớn của thành phố nhiệm kỳ qua; bao quát toàn bộ hệ thống chính trị, liên quan đến mọi hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền. Hơn 4 năm qua, với việc thực hiện 17 đề án, chuyên đề cấp thành phố cùng 533 chuyên đề, đề án cấp quận, huyện, thị xã và tương đương, Hà Nội đã căn bản giải quyết những khó khăn, hạn chế, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô. Trong đó, nổi bật một số kết quả sau:

1. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; nâng cao chất lượng hoạt động của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015, Thành ủy và các cấp ủy đảng thường xuyên chú trọng nghiên cứu, đổi mới việc ra nghị quyết và chỉ đạo tổ chức thực hiện bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Từ nghị quyết, các cấp ủy lựa chọn nội dung, vấn đề có tính đột phá, trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo và xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể trong cả nhiệm kỳ và từng năm. Đối với mỗi chương trình, kế hoạch, Thành ủy phân công cán bộ phụ trách, đồng thời chỉ đạo thực hiện kiên quyết, dứt điểm và coi trọng hiệu quả thiết thực, không hình thức. Nghiêm túc xây dựng và thực hiện nền nếp quy chế làm việc, quy trình công tác trong toàn hệ thống chính trị, bảo đảm tính khoa học, phát huy dân chủ. Trong quy chế xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác, không chồng chéo, lấn sân giữa các cơ quan, tổ chức. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc, coi trọng hiệu quả công việc, không sa vào bệnh thành tích. Sâu sát cơ sở, gắn bó với nhân dân, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thường xuyên bố trí thời gian đi nắm tình hình và làm việc tại cơ sở, chỉ đạo, động viên, thực hiện, giải đáp những thắc mắc của người dân. Qua đó tạo sự tin tưởng của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Các cấp ủy đảng đã tổ chức nghiêm túc học tập, quán triệt nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, chỉ thị, nghị quyết, chương trình công tác của Trung ương và Thành ủy trong đội ngũ đảng viên và tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Bí thư cấp ủy trực tiếp truyền đạt nghị quyết. Hình thức học tập, quán triệt nghị quyết được đổi mới bằng tổ chức hội nghị trực tuyến tới nhiều đối tượng vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí, nâng cao hiệu quả. Thành ủy và các cấp ủy đã chỉ đạo biên soạn nhiều tài liệu tuyên truyền phù hợp với thực tiễn, phục vụ sinh hoạt chi bộ, cấp ủy hằng tháng. Các cấp ủy đã chủ động nắm bắt tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh. Quán triệt sâu sắc Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Thành ủy đã có Kế hoạch số 20-KH/TU ngày 25-8-2011, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, sát với thực tiễn của thành phố để tập trung chỉ đạo thực hiện. Các cấp ủy chỉ đạo triển khai sinh hoạt chuyên đề toàn khóa, xây dựng chuẩn mực đạo đức, đăng ký việc làm cụ thể theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với công việc chuyên môn, lĩnh vực công tác và trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong cơ quan. Xây dựng, phổ biến các mô hình làm theo tấm gương của Bác trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều tổ chức đảng có cách làm hay, sáng tạo như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, tọa đàm, hội thảo chuyên đề… phân công các đồng chí trong ban thường vụ, bộ phận giúp việc ban thường vụ cấp ủy trực tiếp tham dự các buổi thảo luận, sinh hoạt tại cơ sở. Học tập và làm theo Bác thiết thực bằng việc lựa chọn giải quyết những tồn tại, bức xúc trong dư luận nhân dân… Thành ủy đã có kế hoạch, triển khai nghiêm túc trong toàn Đảng bộ việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình với cách làm chủ động, mở rộng đối tượng tham gia lấy ý kiến. Thành ủy gợi ý kiểm điểm sâu đối với 35 đơn vị, tổ chức 18 đoàn công tác chỉ đạo kiểm điểm tại cơ sở. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của thành phố bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đồng thời, xác định rõ những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục, những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi phù hợp. Sau kiểm điểm, Đảng bộ thành phố tập trung khắc phục những hạn chế, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã chỉ ra, được đông đảo cán bộ, đảng viên đồng tình, đánh giá cao.

3. Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ

Thành ủy lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Thành ủy có Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 về “Kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP. Hà Nội”. Đồng thời có Hướng dẫn 07, 08-HD/TU về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức chi bộ thôn, tổ dân phố thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn. Các tổ chức đảng, đoàn thể được sắp xếp lại đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương trong tình hình mới. Hà Nội cũng là đảng bộ đầu tiên ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 về “tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước  trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Sau hơn 3 năm thực hiện đã đạt được kết quả tích cực, nhiều tổ chức đảng, công đoàn, phụ nữ, thanh niên thành lập và phát huy được vai trò, vị trí trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo đảm đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp. Thành ủy coi trọng chỉ đạo nghiên cứu, thực hiện các đề tài, đề án, chuyên đề về hoàn thiện, đổi mới tổ chức, hoạt động của các mô hình tổ chức đảng. Việc kiện toàn, sắp xếp, thành lập mới, tiếp nhận, chuyển giao, nâng cấp các tổ chức đảng được thực hiện kịp thời, phù hợp với các mô hình tổ chức. Đã thành lập 7 đảng bộ trực thuộc Thành ủy, trong đó có 2 đảng bộ quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Công tác đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên hằng năm được đổi mới, khoa học, phát huy dân chủ, kết quả đánh giá, phân loại sát thực tế hơn. Tỷ lệ tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu chương trình đề ra.

Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo thực hiện đổi mới toàn diện các khâu công tác cán bộ, trong đó coi trọng hoàn thiện quy chế, quy định, tiêu chuẩn chức danh cán bộ theo Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 30-12-2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ của Đảng bộ thành phố”. Hằng năm, Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy rà soát, bổ sung quy hoạch, thực hiện phương châm “động” và “mở”, khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Đảng bộ thành phố đã hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ tiếp theo, bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Kết quả đại hội đảng bộ các cấp vừa qua cho thấy tuyệt đại đa số các cấp ủy viên được bầu là cán bộ trong quy hoạch của Thành ủy.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả được nâng cao. Nổi bật là công tác đào tạo cán bộ nguồn và cán bộ cấp cơ sở. Thành ủy có Đề án số 07-ĐA/TU ngày 24-9-2013 về “Đào tạo đội ngũ cán bộ của TP. Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Đã tổ chức 5 lớp cán bộ nguồn công tác đảng, đoàn thể với 500 học viên và 3 lớp công chức nguồn xã, phường, thị trấn với 750 học viên, vượt chỉ tiêu đào tạo 1.000 cán bộ nguồn cho thành phố và cơ sở… Các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, tổ chức các lớp lý luận chính trị tại địa phương.

Thành ủy đã luân chuyển 117 cán bộ, trong đó có 12 cán bộ trẻ dưới 40 tuổi. Qua luân chuyển, nhiều cán bộ đã trưởng thành trong công việc, được bố trí vào vị trí thích hợp và đáp ứng yêu cầu về nhân sự cho Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020. Đảng bộ TP. Hà Nội là đơn vị đi đầu thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng và chặt chẽ, có hiệu quả việc thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo một số sở, ngành thành phố… Đánh giá cán bộ hằng năm được gắn với kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), mở rộng đối tượng tham gia đánh giá, bảo đảm tính trung thực, khách quan.



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất