Đặc trưng thẩm quyền, trách nhiệm của bí thư huyện ủy

Thời gian qua, vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảngcó nhiều chuyển biến tích cực, trong đó có việc cụ thể hóa chế độ lãnh đạo tập thể gắn với trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ, vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém “do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân”. Vấn đề này tiếp tục được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ”[1]. Tình trạng chưa rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Trong đó, thẩm quyền, trách nhiệm của bí thư huyện ủy (BTHU), thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập do chưa được cụ thể hóa, thống nhất trong hệ thống đảng bộ huyện trên cả nước. Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu về lý luận và tổng kết về thực tiễn để góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời gian tới. Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra: “Quy định rõ hơn… về quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng với người đứng đầu, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đi đôi với phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu và cơ chế xử lý đối với người đứng đầu khi vi phạm”[2]. Vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng là làm rõ những đặc trưng thẩm quyền, trách nhiệm của bí thư cấp ủy. Từ đó, có văn bản quy định rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm BTHU, khắc phục được những hạn chế trong quá trình thực hiện,

Đặc trưng thẩm quyền của bí thư huyện ủy

Một là, về nguồn gốc, bản chất thẩm quyền của BTHU là sự ủy quyền của tập thể huyện ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên của đảng bộ huyện cho BTHU. Thẩm quyền của BTHU không phải là “quyền tự có”, “quyền lực gốc”, mà chỉ là “quyền được uỷ nhiệm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do dân cử ra, đoàn thể từ xã đến Trung ương do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[3]. Vậy nguồn gốc của thẩm quyền này là do nhân dân địa phương uỷ nhiệm, gián tiếp thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của đảng bộ huyện; là sự ủy nhiệm của những đại biểu đại hội đảng bộ, các ủy viên BCH đảng bộ huyện, ban thường vụ và thường trực huyện uỷ. Về bản chất, tổ chức không giao mà chỉ ủy quyền, hạn quyền cho BTHU. Vì vậy, nếu BTHU không làm tốt hoặc hết nhiệm kỳ có thể “thu lại” cái đã ủy quyền đó.

Hai là, thẩm quyền của BTHU là quyền lực chính trị mà Đảng (trực tiếp là BCH đảng bộ huyện) ủy quyền được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Trong thể chế chính trị nước ta, nguồn gốc trực tiếp đối với thẩm quyền của BTHU là do Đảng phân quyền và ủy quyền. Thẩm quyền của BTHU là một khâu, một biểu hiện của một quyền lực tập trung, thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các tổ chức đảng, chính quyền và mặt trận, đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, phương thức duy trì, củng cố thẩm quyền của Đảng là phương thức chính trị, trong đó uy tín của BTHU, tính đúng đắn của đường lối, chủ trương, sức thuyết phục của chương trình hành động, và nhất là những kết quả lãnh đạo của BTHU đem lại sự hài lòng của nhân dân trong huyện; sự trong sạch, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền huyện chịu sự chi phối của huyện uỷ là những yếu tố quyết định. Đây là sự khác biệt khi so với thẩm quyền của Chủ tịch HĐND và UBND là do nhân dân thông qua bầu cử mà ủy quyền cho. Việc uỷ nhiệm quyền lực của nhân dân cho chính quyền, duy trì thẩm quyền cũng như thực thi thẩm quyền của chính quyền đều bằng pháp luật, tức là theo ý chí của nhân dân. Thẩm quyền của BTHU là quyền lực chính trị được Đảng, mà trực tiếp là BCH đảng bộ huyện ủy nhiệm để sử dụng vào mục đích thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, có sự giới hạn quyền được giao phù hợp với nhiệm vụ, không có nhiệm vụ thì không ủy quyền. Từ thẩm quyền được ủy nhiệm, có thể tạo ra sức mạnh “mềm” dẫn dắt cả đảng bộ huyện, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Tính chất chính trị được thể hiện ở nội dung sự lãnh đạo của huyện uỷ đối với chính quyền và nhân dân huyện.

Ba là, thẩm quyền của BTHU được thực hiện trong khuôn khổ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Do đó, thẩm quyền của BTHU chỉ được thực hiện trên cơ sở tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. BTHU là người lãnh đạo nhưng bị giới hạn và phải phục tùng sự lãnh đạo của tập thể huyện ủy. Thực hiện nguyên tắc này, một mặt vừa có thể phát huy được trí tuệ tập thể, tăng cường sức mạnh trong việc ra quyết định và thực hiện quyết định, mặt khác, coi chế độ tập thể như một đối trọng nhằm hạn chế tính chuyên quyền, độc đoán của chế độ thủ trưởng. Huyện ủy phải lãnh đạo tập thể, bởi huyện ủy có trách nhiệm định hướng chính trị cho sự phát triển của địa phương. Do đó, thẩm quyền của BTHU được thực hiện trong khuôn khổ tập thể lãnh đạo khi xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch công tác của huyện. Sức mạnh, trí tuệ của BTHU bắt nguồn từ khả năng thu hút, tổng hợp được sức mạnh, trí tuệ của tập thể thường trực, ban thường vụ, huyện ủy, của toàn đảng bộ và nhân dân trong huyện. BTHU phải có phong cách làm việc dân chủ, tập thể vừa khai thác được trí tuệ sáng tạo trong tập thể huyện ủy lãnh đạo, vừa hạn chế được sự chuyên quyền, độc đoán, lạm quyền của BTHU.

Bốn là, thẩm quyền của BTHU tuy bị giới hạn bởi nguyên tắc tổ chức, hoạt động, nhưng BTHU có thể tạo ra quyền lực “mềm” rất lớn để làm việc. Mặc dù quyền lực BTHU được quy định trong các văn bản của Đảng mới đề cập tới những nội dung cơ bản, nhưng trên thực tế, do vị trí, vai trò, phương thức hoạt động, uy tín cá nhân, nhất là BTHU sử dụng uy tín của Đảng mà có thể tạo ra quyền lực “mềm” cho mình thông qua sự lôi cuốn, thuyết phục bằng tài năng, trí tuệ, uy tín, năng lực, đức độ của bản thân người BTHU. Thành công trong lãnh đạo ngày nay đạt được thông qua việc hợp tác, cùng tham gia và lôi cuốn mọi người nhiều hơn là áp đặt, ra lệnh, bắt buộc. Do đó, nếu BTHU nào thấu hiểu điều đó, sử dụng tốt quyền lực mềm sẽ có thể tạo ra ảnh hưởng lớn, huy động được sức mạnh của cả đảng bộ, hệ thống chính trị huyện và nhân dân chung tay phát triển mọi lĩnh vực trên địa bàn huyện.

Đặc trưng trách nhiệm của bí thư huyện ủy

Một là, trước hết, chủ yếu là trách nhiệm chính trị và đạo đức trước cấp trên, ban lãnh đạo huyện, cấp dưới và nhân dân trong huyện về sự phát triển của huyện, về mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong nghị quyết đảng bộ huyện đầu nhiệm kỳ. Trách nhiệm chính trị của BTHU là phải có được sự tín nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên của đảng bộ huyện, tập thể lãnh đạo huyện thông qua tính đúng đắn, hiệu quả của các hoạt động của BTHU về sự phát triển toàn diện của huyện. Trách nhiệm đạo đức của BTHU là phải biết tri ân, phục vụ nhân dân, tình nghĩa, thủy chung với cán bộ, đảng viên dưới quyền và như Chủ tịch Hồ chí Minh đã dạy: Sống với nhau phải có tình, có nghĩa, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Hai là, trách nhiệm của BTHU bao quát trên các lĩnh vực trọng yếu của địa phương: về sự phát triển bền vững,toàn diện của huyện; về những hoạt động của bản thân và những hoạt động của cán bộ, đảng viên thuộc quyền (liên đới trách nhiệm); về trách nhiệm với tư cách là một người đứng đầu BCH đảng bộ huyện, tập thể lãnh đạo huyện, với cấp trên và với nhân dân trong huyện.

Ba là, trách nhiệm của BTHU về sự bảo đảm một chính quyền huyện trong sạch, vững mạnh, của dân, do dân, vì dân, quản lý có hiệu lực, hiệu quả. Do vậy, việc thực hiện trách nhiệm của BTHU đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện; tác động mạnh mẽ đến sự vận hành của cả hệ thống chính trị huyện, nhất là bộ máy chính quyền huyện, gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân ở địa phương.

Bốn là, trách nhiệm của BTHU được bảo đảm bằng sự đánh giá xã hội, giám sát và phản biện xã hội, bằng công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên và huyện uỷ, bằng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, cũng như sự tự giác, tu dưỡng, rèn luyện và sự nêu gương của BTHU.

Hiểu thấu đáo những đặc trưng về thẩm quyền, trách nhiệm của BTHU, sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có BTHU tránh được căn bệnh “ảo tưởng quyền lực” ở những mức độ, phạm vi, hoạt động, đối tượng khác nhau, khắc phục dần tình trạng mất dân chủ, dân chủ hình thức hoặc độc đoán, chuyên quyền… trong quá trình thực thi thẩm quyền, trách nhiệm của người BTHU.  

............................

[1] ĐCSVN (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, HN. tr. 193. [2] ĐCSVN (2016), Sđd. tr. 215. [3] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.648.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất