Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương với công tác quân sự quốc phòng
Niềm vui của các tân binh.
Cấp uỷ các cấp ở địa phương có chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo trực tiếp mọi mặt công tác quân sự, quốc phòng trên địa bàn. Những năm qua, nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của công tác quân sự địa phương, các cấp uỷ đảng đã quan tâm, tăng cường lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Nhờ đó công tác quân sự, quốc phòng địa phương có nhiều chuyển biến quan trọng. Quy trình lãnh đạo công tác quân sự, quốc phòng địa phương nói chung và các mặt công tác quân sự, quốc phòng địa phương có nhiều tiến bộ, phát triển đúng hướng và thu được kết quả khá toàn diện. Tuy nhiên, trong thực tiễn việc nhận thức về sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương đối với công tác quân sự, quốc phòng địa phương chưa thật đầy đủ và thống nhất. Khả năng và mức độ quan tâm lãnh đạo của tập thể cấp uỷ và cá nhân cấp uỷ viên chưa thật sự chú trọng và ngang bằng với các mặt công tác khác. Công tác đảng, công tác chính trị trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm thường xuyên. 

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương đối với công tác quân sự, quốc phòng địa phương vừa là yêu cầu cơ bản, lâu dài vừa là vấn đề cấp thiết. Đảng ta xác định: “Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe doạ an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống”(*).

Trong điều kiện hiện nay, tình hình thế giới, khu vực “tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hành động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố tiếp tục gia tăng”. Các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá về chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hoá, về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền, kích động thực hiện “diễn biến hoà bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Ở nhiều địa phương trong cả nước đã và đang xuất hiện những vấn đề mới bởi sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, tiêu cực, tệ nạn xã hội, tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí và vấn đề dân tộc, tôn giáo. Một số tỉnh khu vực biên giới, biển đảo nảy sinh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ có những diễn biến phức tạp. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cao hơn cho công tác quân sự, quốc phòng địa phương, trong đó cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng đối với công tác quân sự, quốc phòng. Cụ thể như sau:              

Một là, xây dựng đảng bộ quân sự địa phương, cơ quan quân sự và đội ngũ cán bộ quân sự địa phương vững mạnh. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự các cấp, cấp uỷ địa phương chỉ đạo trong các cơ quan chức năng kiện toàn, sắp xếp đủ số lượng cán bộ có phẩm chất trình độ chuyên sâu phù hợp theo biên chế; thường xuyên xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao phẩm chất và năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách. Chú trọng đào tạo cán bộ các dân tộc ít người gắn với từng địa bàn sát yêu cầu thực tiễn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh các trọng điểm về quốc phòng an ninh. Thực hiện đúng quy chế công tác cán bộ, tạo sự thống nhất trong quản lý cán bộ giữa cấp uỷ địa phương với cơ quan có thẩm quyền trong quân đội.                         

Đối với đội ngũ cán bộ quân sự ở các xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp, các đơn vị dân quân tự vệ, cấp uỷ địa phương phải lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ cấp dưới và các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở lựa chọn cán bộ quân sự xã, phường và cán bộ dân quân, tự vệ bảo đảm đủ số lượng, có chất lượng cao, chú ý lựa chọn vào những đảng viên, đoàn viên ưu tú có kiến thức quân sự, có năng lực tổ chức thực hiện công tác quân sự, quốc phòng ở địa phương. Duy trì thực hiện đúng chế độ lãnh đạo, nền nếp sinh hoạt đảng, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình.                    

Hai là, lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, trong đó chú trọng về xây dựng chính trị.  Lực lượng vũ trang địa phương gồm bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, đơn vị dự bị động viên của địa phương, cần chăm lo cho các lực lượng vũ trang địa phương thường xuyên vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ kỹ thuật, chiến thuật đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của địch; có khả năng xử lý giải quyết các tình huống về quốc phòng an ninh trên địa bàn; có kiến thức nhất định về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh để tham gia xây dựng cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội và tuyên truyền vận động nhân dân.  
               

Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang địa phương với nhiệm vụ lao động sản xuất và công tác, xây dựng bộ đội địa phương với xây dựng lực lượng dự bị động viên và dân quân, tự vệ. Có kế hoạch tổ chức huấn luyện chu đáo và có biên pháp chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, đạt kết quả cao. Thực hiện tốt các khâu quản lý, phân loại thanh niên đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự; tuyển quân, tuyển sinh quân sự, quản lý quân nhân xuất ngũ về địa phương và sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị dự bị động viên đúng quy định; thực hiện quy trình lựa chọn, kết nạp dân quân, tự vệ chặt chẽ, thiết thực, phù hợp với thực tế của từng địa phương.                   

Ba là, lãnh đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh và kinh tế. Cấp uỷ địa phương các cấp cần xây dựng và củng cố thế trận lòng dân gắn với thế trận và lực lượng của quân sự, an ninh nhằm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội. Xây dựng lực lượng quân sự và an ninh vững mạnh, hoạt động đúng chức năng; xây dựng các làng xã chiến đấu, các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương vững mạnh; quy hoạch chi tiết khu vực phòng thủ gắn với quy hoạch kinh tế từng cấp, từng địa bàn; nâng cao khả năng tổ chức, chỉ huy và điều hành của chỉ huy cơ quan quân sự địa phương. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, chăm sóc người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

----------
(*) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.233.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất