1. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, sinh ra tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước. Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí tham gia phong trào yêu nước từ những năm 1925 - 1926, khi còn là học sinh Trường Thành chung Nam Định. Cuối năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh đã tham gia nhóm Nam Đồng thư xã - một tổ chức của những người yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Cuối năm 1927, sau khi được tham dự khóa huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Trung Quốc, Nguyễn Đức Cảnh nhận thấy đường lối của Hội phù hợp với yêu cầu của cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, đồng chí đã xin gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở về nước hoạt động cách mạng. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh.
Đầu năm 1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. Tháng 9-1928, tại Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, đồng chí và đồng chí Ngô Gia Tự đã tích cực đề nghị Hội nghị thông qua chủ trương đưa các hội viên đi “vô sản hóa” để thâm nhập sâu rộng vào phong trào công nhân. Chủ trương “vô sản hóa” đã thúc đẩy phong trào công nhân phát triển vượt bậc về mọi mặt.
Sang năm 1929, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, nông dân Việt Nam đặt ra nhu cầu phải có một tổ chức chính trị cao hơn, chặt chẽ hơn để lãnh đạo phong trào cách mạng, đó chính là đảng cộng sản. Chính vì thế, tháng 3-1929, tại số nhà 5D, phố Hàm Long (Hà Nội), Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập gồm tám đảng viên, trong đó có Nguyễn Đức Cảnh. Ngay sau khi thành lập Chi bộ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí trong Chi bộ tích cực chuẩn bị thành lập một chính đảng mác-xít - lê-ni-nít chân chính ở Việt Nam.
Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội), đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ họp Đại hội quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng, quyết định xuất bản báo Búa Liềm - cơ quan ngôn luận của Đảng, cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Ủy viên Trung ương lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng.
Từ cuối tháng 6 đến tháng 7-1929, ở Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tích cực tuyển lựa những hội viên Thanh niên tiên tiến để kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 8-1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng được thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Bí thư.
Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu bước ngoặt trọng đại của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là thành quả những nỗ lực không mệt mỏi của những người cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Trong đó, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những thành viên tham gia sáng lập Đảng.
Sau Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về nước, khẩn trương thực hiện Nghị quyết Hội nghị thành lập Đảng, chuyển Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4-1930) do đồng chí làm Bí thư.
Từ tháng 5-1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Để bổ sung cán bộ lãnh đạo cho Cao trào Xô-viết Nghệ - Tĩnh, cuối tháng 10-1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương Đảng cử vào tăng cường cho Xứ ủy Trung Kỳ, làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy, trực tiếp phụ trách công tác tuyên huấn.
Tháng 4-1931, đồng chí bị địch bắt, rồi bị kết án tử hình. Bất lực trước tinh thần bất khuất, ý chí cách mạng kiên trung của Nguyễn Đức Cảnh, sáng ngày 31-7-1932, thực dân Pháp đã sát hại đồng chí trước cửa Đề lao Hải Phòng.
Cuộc đời đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam rất to lớn. Đồng chí không chỉ là một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, mà còn là một trong những người sáng lập và là nhà lãnh đạo xuất sắc thời dựng Đảng.
2. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đặc biệt chú trọng đến giai cấp công nhân, thông qua nhiều hình thức phong phú để vận động, tổ chức, lãnh đạo công nhân đấu tranh. Năm 1928, Nguyễn Đức Cảnh được cử vào Kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp phụ trách Hải Phòng và vùng mỏ Đông Bắc. Lúc này, ở Hải Phòng, trong công nhân mới chỉ bí mật phát triển các tổ chức: Ái hữu, Tương tế, Đồng hương, Kiếm việc làm... Nguyễn Đức Cảnh đã xung phong đi “vô sản hóa” để có điều kiện gần gũi anh, chị em công nhân. Đồng chí làm thợ quai búa ở Nhà máy Ca-rông, rồi làm phu khuân vác ở bến cảng, thực sự hòa mình với công nhân, học tập được ở họ nhiều đức tính quý báu, đồng thời, cũng giác ngộ cách mạng cho họ, gây dựng, củng cố một số cơ sở công hội và trực tiếp lãnh đạo công nhân đấu tranh.
Chủ trương “vô sản hóa” là một biện pháp sàng lọc, thử thách và tôi luyện có hiệu quả đối với các hội viên Thanh niên; đồng thời giúp truyền bá sâu rộng hơn lý luận Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Nhiều cán bộ của Đảng đã trưởng thành và trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng, trong đó, tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Văn Cừ (sau này là Tổng Bí thư của Đảng, thời kỳ 1938 - 1940); đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi Đảng mới ra đời, một trong những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta sau này. Kết quả đó có sự đóng góp tích cực của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng về công tác công vận, ngày 28-7-1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh ở Bắc Kỳ tại số 15 Hàng Nón (Hà Nội). Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, xuất bản báo Lao động và tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan tuyên truyền của Công hội. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng lâm thời, trực tiếp phụ trách cả báo và tạp chí. Đồng chí đã viết nhiều bài đăng trên báo Lao động và tạp chí Công hội đỏ để tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn công nhân đấu tranh. Trong thời gian đi “vô sản hóa”, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết tập tài liệu Tổ chức Công hội như thế nào, là nền tảng lý luận giúp các hội viên Công hội nắm được phương pháp, hình thức và nội dung để phát triển tổ chức.
Sau Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tháng 8-1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì Hội nghị đại biểu Tổng Công hội Hải Phòng để bầu Ban Chấp hành, thống nhất sự lãnh đạo tổ chức Công hội đỏ toàn thành phố. Ngay sau hội nghị, Tổng Công hội Hải Phòng đã trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh lớn, điển hình như cuộc bãi công của công nhân hãng dầu Pháp - Á; công nhân Nhà máy Xi-măng Hải Phòng, công nhân Xưởng cơ khí Ca-rông...
Nhận thức đúng đắn về vai trò của giai cấp công nhân và phong trào công nhân, trong quá trình công tác, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh rất quan tâm đến việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ công vận. Nhiều cán bộ do đồng chí bồi dưỡng, đào tạo, sau này đã trở thành những cán bộ xuất sắc của Đảng, của phong trào công nhân.
3. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng
Tuy không có điều kiện được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy, nhưng tư tưởng, quan điểm của Người qua tác phẩm Đường cách mệnh và các sách báo cách mạng khác đã giác ngộ lý tưởng cách mạng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Tin tưởng tuyệt đối vào con đường cách mạng mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn, suốt đời, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, cho độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, trở thành tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.
Đạo đức và phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được thể hiện ở sự tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng; ở lòng tin sắt đá vào sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản; tự nguyện phấn đấu, hy sinh tận tụy làm việc và hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho non sông đất nước. Đồng chí đã từ bỏ con đường trở thành một viên chức trong bộ máy chính quyền thực dân, với cuộc sống cá nhân sung túc đang rộng mở, để phấn đấu, hy sinh trọn đời vì lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng và dân tộc. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh xứng đáng là người đồng chí, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại.
Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng của một cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã sống và chiến đấu một cuộc đời vô cùng cao đẹp và anh dũng hy sinh, nêu tấm gương sáng của một người cộng sản kiên trung, bất khuất đối với các thế hệ cách mạng đời sau.
Tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, chúng ta nguyện học tập tấm gương của một nhân cách cộng sản mẫu mực, kiên trì vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu mạnh theo con đường cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc đã lựa chọn.