Tỉnh ủy Điện Biên đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận đạt nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ nét, nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu được nâng lên. Chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội.
Điện Biên là một tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, địa hình đa dạng, giao thông đi lại khó khăn. Đây là địa bàn trọng yếu, có tầm quan trọng chiến lược về quân sự, quốc phòng, an ninh. Có đường biên giới kéo dài, là ngã ba biên giới Lào - Việt Nam - Trung Quốc. Là địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, điểm nóng về an ninh, chính trị.
Tỉnh ủy Điện Biên lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận ở địa phương có 19 dân tộc cùng nhau sinh sống, có nền văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng đa dạng và phong phú. Trình độ dân trí không đồng đều, vẫn còn những hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, công tác dân vận của Tỉnh ủy Điện Biên gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Mặt khác, công tác dân vận của Tỉnh ủy Điện Biên được tiến hành trên một tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính trực thuộc (8 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố), trong đó có 5 huyện nghèo (Mường Nhé, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Nậm Pồ) theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; với 130 xã, phường, thị trấn (có 93 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 29 xã biên giới). Đến năm 2016, số hộ nghèo toàn tỉnh vẫn còn 54.750 hộ (chiếm 44,94% tổng số hộ). Một bộ phận không nhỏ nhân dân tại các xã, bản chưa chủ động vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước.
Điện Biên cũng là một trong 3 tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) tham gia vào Đề án thủy điện Sơn La có công suất lớn nhất Đông Nam Á, để nhường đất cho nhà máy thủy điện này, thị xã Mường Lay đã phải di dời hơn 4.300 hộ dân, với gần 13.000 nhân khẩu, chiếm trên 84% dân số của thị xã; cùng với 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã phải di dời, bố trí tái định cư. Hiện nay, địa phương vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn sau tái định cư như: thiếu đất để sản xuất, khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tệ nạn xã hội, nhất là đang có nguy cơ tái nghèo.
Vì vậy, công tác dân vận của Tỉnh ủy Điện Biên có nhiệm vụ rất quan trọng làm cho dân hiểu, dân tin đường lối, chủ trương của Đảng để cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, tập trung xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ủy Điện Biên đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận đạt nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ nét, nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu được nâng lên. Chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội. Nhờ công tác dân vận tốt, “muốn di dân phải chuyển được lòng dân”, với mục tiêu tất cả vì dòng điện của Tổ quốc, hàng nghìn hộ dân của thị xã Mường Lay đã di dời. Đến nay, thị xã Mường Lay đã ổn định cuộc sống, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Tỉnh ủy Điện Biên đã lãnh đạo công tác dân vận giải quyết linh hoạt, thành công một số điểm nóng về an ninh, tôn giáo, tín ngưỡng diễn ra ở một số huyện như: Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên Đông…, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Công tác dân vận của lực lượng vũ trang đạt được nhiều kết quả quan trọng trong tham gia xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết quân dân.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác dân vận ở Điện Biên vẫn còn một số hạn chế như: Công tác nắm bắt và dự báo tình hình nhân dân, việc thông tin, báo cáo vấn đề nảy sinh của một số cơ sở có lúc chưa kịp thời. Việc tham gia giải quyết một số vụ việc phức tạp, nhất là về dân tộc, tôn giáo… hiệu quả chưa cao. Công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước còn có những mặt hạn chế. Tình trạng giải quyết thủ tục hành chính, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số nơi, một số lĩnh vực chưa kịp thời. Hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội có nơi, nhất là cấp cơ sở chưa phát huy hiệu quả. Công tác tập hợp, đoàn kết hội viên, đoàn viên còn hạn chế. Công tác phối hợp thực hiện chính sách dân tộc ở một số địa phương hiệu quả chưa cao. Quản lý Nhà nước về tôn giáo có nơi còn hạn chế, hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật còn diễn ra. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, một bộ phận cán bộ, đảng viên về công tác dân vận chưa đầy đủ, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên. Cơ chế phối hợp giữa mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội với các ban, ngành chưa đồng bộ , chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Từ kết quả và hạn chế của công tác dân vận thời gian qua, Tỉnh ủy Điện Biên đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác dân vận một cách đồng bộ và sâu sát. Thống nhất trong nhận thức và hành động của mọi cấp, ngành về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kịp thời cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận bằng chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương, đơn vị. Đồng thời, nhận thức rõ quan điểm “lấy dân làm gốc”, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức thiết, đem lại lợi ích thiết thực, cụ thể cho các tầng lớp nhân dân, tạo được sự đồng thuận xã hội và cộng đồng các doanh nghiệp. Thường xuyên tranh thủ những người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và quần chúng tốt trong tuyên truyền, vận động, nhất là vùng đồng bào theo đạo.
Ba là, quá trình thực hiện công tác dân vận phải gắn với xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ. Các cấp, ngành phải tạo mọi điều kiện để mở rộng và phát huy dân chủ, để mọi người dân tham gia xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước. Nhận thức rõ phương châm là: Phải bám chắc, bám sát địa bàn; tăng cường đi cơ sở và trực tiếp đối thoại với nhân dân.
Bốn là, công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan tham mưu trong triển khai thực hiện công tác dân vận. Tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm
.
Năm là, thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có phẩm chất, năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân vận
.
Sáu là, công tác dân vận phải gắn chặt với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải đa dạng và xuất phát từ thực tế, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Lấy cơ sở làm trọng tâm, kết hợp với triển khai bề rộng như: tuyên truyền, biểu dương để tạo sự lan tỏa trong xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Bảy là, quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao, biên giới, những nơi có đông đồng bào theo đạo để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tăng cường quản lý Nhà nước về tôn giáo.
Tám là, phối hợp chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang trong công tác dân vận. Không ngừng đổi mới phương thức, hình thức vận động để phù hợp với điều kiện thực tế từng cơ quan, đơn vị và địa phương.
Phan Thị Trang Đoan
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Điện Biên