Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh là định hướng xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam trong thời gian tới”. Theo đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”, lấy “nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực và nông thôn là nền tảng”.
|
Nghị quyết số 26/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục khẳng định, nhấn mạnh và bổ sung nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức thực hiện thắng lợi các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Bên cạnh đó, cụ thể hóa và triển khai thực hiện quan điểm, chủ trương và giải pháp tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Nhằm thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá; xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa khu vực nông thôn; phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, Chính phủ nêu rõ, sẽ tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quá trình đô thị hóa, nhất là ở các vùng có nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực biên giới, hải đảo không để quá chênh lệch so với vùng nông thôn, ven đô thị; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tăng cường giám sát các chương trình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
|
Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông nghiệp; tăng cường xúc tiến quảng bá, thu hút khách du lịch về khu vực nông thôn. Xây dựng thí điểm và phát triển mô hình "Nông thôn năng động - Cộng đồng sáng tạo - Di sản gắn kết". Hiện tại, các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, bà con còn khai thác những giá trị gia tăng từ nông nghiệp, kết hợp văn hóa, du lịch... để tạo nên một điểm đến thu hút khách du lịch.
Điển hình như Mộc Châu - Sơn La nổi lên là một điểm sáng trong việc khai thác các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Mộc Châu là cửa ngõ quan trọng kết nối Sơn La với các tỉnh vùng Tây Bắc với Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là nơi có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.
Với cảnh quan thiên nhiên phong phú, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ cùng ẩm thực dân tộc đặc sắc, Mộc Châu là một trong những điểm du lịch được yêu thích nhất khu vực Tây Bắc. Tận dụng lợi thế này, những năm gần đây, du lịch Sơn La đã phát triển du lịch cộng đồng, qua đó góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan, đa dạng loại hình dịch vụ, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Với lợi thế địa hình từ các sườn đồi và thung lũng bằng phẳng, đồng bào đã lập nên nhiều trang trại bò sữa, nhà vườn, cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải, vườn chè… Ngoài ra, nhiều hộ còn xây mới, sửa chữa, tận dụng những ngôi nhà truyền thống là nhà sàn để làm nhà nghỉ cộng đồng hoặc mở nhà hàng, làm các món ăn địa phương phục vụ khách tham quan. Du khách đến với Mộc Châu được trải nghiệm cùng đồng bào hái quả, trồng rau sạch, quan sát quy trình chế biến các sản phẩm từ sữa bò, hòa mình vào những điệu xòe Thái, những điệu dân ca cổ, ngủ ở nhà sàn truyền thống, nằm đệm bông gạo, thưởng thức đặc sản núi rừng như: thịt trâu gác bếp, cá suối nướng, bê chao, xôi ngũ sắc, rau rừng… và không thể quên hương nồng của rượu ngô men lá. Đặc biệt, các hộ làm du lịch cộng đồng được tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng du lịch. Để tăng thêm thu nhập, đồng bào còn duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống với nhiều sản phẩm hấp dẫn như: khăn piêu, áo thổ cẩm, túi xách, rèm cửa, khăn tay…
Có thể thấy, mô hình "Nông thôn năng động - Cộng đồng sáng tạo - Di sản gắn kết" là hướng đi mới, lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn, phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế của nhiều địa phương, vùng miền và định hướng phát triển kinh tế của đất nước. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, các cấp, các ngành và địa phương cần sớm xây dựng chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp với mô hình “tăng trưởng xanh”, gắn với đặc thù, khả năng của từng địa phương. Vấn đề là cần có cơ chế, chính sách cụ thể từ phía Nhà nước để khơi dậy sức dân, để phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.
|
Theo các chuyên gia, việc phát triển du lịch nông nghiệp là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách. Tuy nhiên, muốn du lịch nông nghiệp phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác, chân thực của văn hoá bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó. Phát triển du lịch nông thôn thì phải có trách nhiệm với chính cộng đồng đó để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa. Chỉ khi nào người nông dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương, lúc đó du lịch nông nghiệp mới phát triển bền vững, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo.
|
Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22-2-2022 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 320/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Nhằm thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá; xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa khu vực nông thôn; phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, Chính phủ nêu rõ, sẽ tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quá trình đô thị hóa, nhất là ở các vùng có nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực biên giới, hải đảo không để quá chênh lệch so với vùng nông thôn, ven đô thị; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tăng cường giám sát các chương trình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
|
Ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hạ tầng tạo động lực tăng trưởng, hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, liên vùng (thương mại, logistic...), hạ tầng kinh tế số; hạ tầng thuộc các vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo đảm cân đối hơn giữa các phương thức trong phát triển hạ tầng giao thông; Triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thể chế quản lý và phân bổ vốn đầu tư công, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm đạt chất lượng tương đương trung bình các nước ASEAN-4, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức lập, thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công.
Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công; đồng thời với nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước; Xây dựng các phương án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch đất đai và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, ưu tiên tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn.
Xây dựng nông dân văn minh là vấn đề rất lớn, rất quan trọng như quan điểm của Đảng ta tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022: “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”.
Theo đó, gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn. Nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.
Để người nông dân đạt đến trình độ văn minh, đảm nhận được vai trò chủ thể, vị trí trung tâm thì phải có thời gian, có phương pháp, có bước đi tích cực cụ thể.
Theo đánh giá của Trung ương “thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng”. Tuy nhiên “đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập, lao động nông thôn có xu hướng già hóa, năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Đây là điểm mới của Nghị quyết 19, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân và là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến sự thành công trong thực hiện Nghị quyết. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, Nghị quyết đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ, nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân.
Người nông dân văn minh trước hết phải là người nông dân được tri thức hóa. Muốn vậy, cấp ủy đảng phải lãnh đạo cả hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền, đào tạo, định hướng nghề nghiệp để mỗi người nông dân chuyển biến được nhận thức về vai trò chủ thể, có tâm thế tự chủ, có kiến thức, kỹ năng, năng lực, bản lĩnh làm chủ bản thân, làm chủ xây dựng, phát triển cộng đồng dân cư nông thôn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
2. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Nghị quyết 26/NQ-CP, ngày 27-2-2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
4. Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
5.Quyết định số 263/QĐ-TTg, ngày 22-2-2022 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
6. Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 8-3-2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
(Còn tiếp...)