|
Hội thảo khoa học về nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng ngày 13-4-2023. (Ảnh: Hương Giang).
|
Những kết quả tích cực
Việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng bảo đảm đúng các mục tiêu, phương hướng mà đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đề ra
Trên cơ sở bám sát các nội dung của nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương ban hành các nghị quyết về công tác tổ chức xây dựng Đảng để cụ thể hóa trên tất cả các lĩnh vực của công tác tổ chức xây dựng Đảng: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cơ sở đảng, đảng viên; tổ chức bộ máy, biên chế; công tác cán bộ; bảo vệ chính trị nội bộ và các văn bản về công tác chuẩn bị đại hội và thi hành Điều lệ Đảng. Theo thống kê, từ khóa XI đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành: 9 văn bản về xây dựng chỉnh đốn Đảng; 23 văn bản về cơ sở đảng, đảng viên; 58 văn bản về tổ chức bộ máy, biên chế; 66 văn bản về công tác cán bộ; 13 văn bản về bảo vệ chính trị nội bộ...
Các nội dung tham mưu xây dựng, ban hành văn bản cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Trước yêu cầu cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngay từ đầu khóa XI đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản mang tính thống nhất, hệ thống và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách quyết liệt, có hiệu quả. Ban Chấp hành Trung ương ban hành 2 nghị quyết và 1 kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Bộ Chính trị ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết và kết luận của Trung ương; quy định về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí gây phản cảm trong xã hội và gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, giản dị, tiết kiệm. Ban Bí thư cũng đã ban hành quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Việc kịp thời tham mưu ban hành các văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã giúp cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác; góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu và giải pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Nghị quyết về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là cơ sở quan trọng để đưa ra các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, sát tình hình thực tế, có tính khả thi, có thể triển khai thực hiện được ngay nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị ban hành kế hoạch và các nghị quyết, kết luận để thực hiện; đồng thời, triển khai sơ kết Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau 5 năm thực hiện, về cơ bản, các mục tiêu Nghị quyết 18-NQ/TW đề ra đến năm 2021 đã đạt được, nhất là sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong. Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Kết luận về tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế trong giai đoạn 2022 - 2026; quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị, quy định cụ thể về quản lý biên chế, tạo nền tảng quan trọng đổi mới công tác quản lý biên chế, chấm dứt việc giao biên chế không đúng thẩm quyền, tự giao biên chế vượt quá số lượng cho phép.
Việc tham mưu xây dựng, ban hành các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng về tổ chức bộ máy, biên chế đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn hơn; giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền... nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Một số mô hình tổ chức mới được thực hiện thí điểm đã góp phần tinh gọn bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động, phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn. Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố được hợp nhất, sắp xếp lại cho phù hợp.
Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên
Đầu nhiệm kỳ khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và các nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị; đồng thời, ban hành một số chủ trương mới; rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng. Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; hướng dẫn thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên, góp phần tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và tốc độ đô thi hóa tăng nhanh.
Qua thực tiễn triển khai các văn bản của Trung ương, công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm hơn và có chuyển biến tích cực. Số lượng đảng viên tiếp tục tăng, số lượng tổ chức cơ sở đảng giảm do được kiện toàn phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ
Xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, trên cơ sở tổng kết thực hiện một số nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị liên quan đến công tác cán bộ từ nhiệm kỳ Đại hội VIII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực theo hướng chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhằm ngăn chặn, khắc phục có hiệu quả hạn chế, yếu kém sơ hở trong công tác cán bộ; bảo đảm dân chủ, đồng bộ, minh bạch dễ làm, dễ thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Cụ thể, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch số 10-KH/TW, ngày 6-6-2018 để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017 Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4-8-2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (nay là Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020); Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền… Hoàn thiện các quy định, quy chế về bảo vệ chính trị nội bộ, là cơ sở để thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị. Kịp thời tham mưu chuyển trọng tâm từ nắm tình hình, giải quyết vấn đề lịch sử chính trị sang nắm, giải quyết vấn đề chính trị hiện nay để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của công tác cán bộ.
Qua thực tiễn triển khai các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng; về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản cơ bản phản ánh đúng quy luật khách quan và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra
Trong quá trình tham mưu xây dựng, ban hành văn bản, Ban Tổ chức Trung ương triển khai tiến hành khảo sát thực tiễn ở các cấp ủy, tổ chức đảng; lấy ý kiến góp ý các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan và tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học để xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học… trên cơ sở đó, tiếp thu những ý kiến hợp lý, có cơ sở khoa học và thực tiễn để đưa vào dự thảo đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Các nội dung tham mưu ban hành cơ bản đã giải quyết được các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, tháo gỡ các vướng mắc cho cơ sở. Trong quá trình tham mưu, khi thấy có nội dung, vấn đề chưa phù hợp đã chủ động báo cáo, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung vấn đề cần tham mưu cho phù hợp.
Các văn bản được tham mưu, ban hành phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, lợi ích và ý chí của cán bộ, đảng viên và nhân dân
Các văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng được ban hành trong thời gian vừa qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác cán bộ như Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung… góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham mưu, xây dựng ban hành văn bản còn một số vấn đề cần quan tâm. Số lượng văn bản tham mưu ban hành giữa các lĩnh vực chưa đồng đều, tập trung ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ và tổ chức bộ máy, biên chế. Chưa giải quyết được hết các vấn đề bất cập, đặt ra trong thực tiễn. Có nội dung quy định chưa cụ thể, chưa rõ dẫn đến các địa phương, đơn vị lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Qua thống kê từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Nội vụ trao đổi, trả lời gần 300 đề xuất, kiến nghị của các địa phương, đơn vị; trong đó, có nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các văn bản của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về tổ chức xây dựng Đảng chưa được chú trọng đúng mức, chưa theo kịp tình hình thực tiễn. Còn hạn chế trong việc cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng phù hợp với bối cảnh tình hình mới.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Một là, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, ban hành văn bản nói chung và văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị, đó là “Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản của Đảng theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tính dự báo cao, bám sát thực tiễn. Chỉ ban hành văn bản mới khi thật sự cần thiết”. Nghị quyết, chỉ thị, kết luận… cần ngắn gọn, nêu thẳng vào những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, dễ hiểu, dễ nhớ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan định kỳ rà soát việc thể chế hóa các nội dung được giao trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định… của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để tránh bỏ sót nội dung, vấn đề cần ban hành.
Hai là, đổi mới nội dung, phương thức, quy trình tham mưu xây dựng văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng
Đổi mới việc tham mưu đề xuất, tổng hợp, xem xét thông qua chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, chương trình làm việc hằng năm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cần ưu tiên lựa chọn những vấn đề có tính định hướng lớn, quan trọng, đột phá chiến lược, rà soát các văn bản đã ban hành từ lâu, nội dung không còn phù hợp và các vấn đề mới phát sinh; xác định thời gian ban hành văn bản hợp lý (tránh tình trạng thời gian tham mưu gấp, chất lượng không cao); giảm việc ban hành nhiều nghị quyết, quy định trong một nhiệm kỳ hoặc thường xuyên thay đổi quy định dẫn đến các địa phương, đơn vị khó thực hiện, nắm không rõ các nội dung, hiệu quả thực hiện không cao.
Chú trọng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học. Đối với những vấn đề quan trọng cần nghiên cứu, cùng với cơ quan tham mưu tiến hành tổng kết thực tiễn thì đồng thời giao một nhóm nghiên cứu độc lập đánh giá và đề xuất ý kiến cho vấn đề cùng nghiên cứu. Như vậy, kết quả nghiên cứu, điều tra, báo cáo kết quả nhiều chiều sẽ có sự so sánh, trao đổi, phản biện, đi đến nhũng kết luận khách quan, vừa giúp cho cơ quan tham mưu đề xuất đúng, vừa giúp cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản phù hợp.
Đổi mới phương thức khảo sát. Cần xây dựng kế hoạch khảo sát cụ thể, lựa chọn địa bàn khảo sát bảo đảm phù hợp, có tính đại diện; chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung cần khảo sát, có thể xây dựng các bảng hỏi, phiếu khảo sát để thu thập thông tin đầy đủ, chính xác. Ngoài ra, có thể ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành khảo sát, bảo đảm thời gian nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm.
Nâng cao chất lượng lấy ý kiến đối với các đề án. Đổi mới việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến theo hướng gửi trước các dự thảo để các đại biểu có thời gian nghiên cứu, giảm thời gian đọc báo cáo, tham luận, tăng thời lượng cho các đại biểu phát biểu, tạo không khí dân chủ, cởi mở. Nghiên cứu mở rộng việc xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lão thành, đối tượng, địa bàn chịu tác động, ảnh hưởng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phân tích, thống kê, tổng hợp ý kiến đóng góp của đảng viên và nhân dân. Đồng thời, gửi xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư để hoàn thiện các dự thảo, gửi hồ sơ sang Văn phòng Trung ương Đảng. Việc gửi xin ý kiến bằng văn bản sẽ bảo đảm thời gian để các đồng chí lãnh đạo nghiên cứu, tham gia được nhiều ý kiến cụ thể.
Yêu cầu chặt chẽ đối với việc đánh giá tính khả thi của đề án. Để nâng cao chất lượng văn bản, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, cơ quan chủ trì soạn thảo phải nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, chính xác những yếu tố tác động để từ đó đưa ra các phương án, giải pháp khắc phục, tránh để xảy ra bức xúc đối với các đối tượng bị chịu sự tác động. Đối với các đề án liên quan đến tổ chức, cán bộ, cần yêu cầu có báo cáo đánh giá tính khả thi của đề án kèm theo tài liệu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, xây dựng văn bản về tổ chức xây dựng Đảng
Mỗi cơ quan phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hằng năm và theo từng giai đoạn. Trong đó, chú trọng đào tạo lý luận kết hợp với thực tiễn để cán bộ tham mưu không xa rời thực tiễn hoặc ngược lại. Chú trọng bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng tham mưu văn bản; kỹ năng, quy trình tham mưu, xây dựng đề án, nhất là đối với số cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác nghiên cứu, tham mưu ban hành văn bản. Cần có quy định cụ thể về việc điều động, luân chuyển cán bộ, công chức để vừa cung cấp cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn cho Trung ương, vừa cung cấp cán bộ có kinh nghiệm tham mưu chiến lược cho địa phương.
Quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ tham mưu cấp chiến lược; khung số lượng cán bộ tham gia các ban chỉ đạo, tổ biên tập. Để đánh giá chính xác năng lực của cán bộ, cần nghiên cứu đổi mới việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức nói chung, trong đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ tham mưu nói riêng, nhất là tham mưu xây dựng, ban hành văn bản, trong đó chú trọng một số tiêu chí sau: Năng lực phát hiện vấn đề tham mưu; khả năng nắm bắt thông tin, phân tích, xử lý thông tin; kỹ năng biên tập văn bản và phản biện các vấn đề.
Cần quan tâm hơn về vị trí, vai trò của cán bộ, công chức làm công tác tham mưu chiến lược để có kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ thỏa đáng để không chỉ thu hút thực sự người có đức, có tài mà còn giữ người giỏi, người tâm huyết phấn đấu cho sự nghiệp công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Bốn là, bảo đảm điều kiện, nguồn lực khác phục vụ công tác tham mưu xây dựng văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng
Tiếp tục hoàn thiện số liệu thống kê cơ bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Quan tâm thực hiện số hóa tài liệu lưu trữ, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử hồ sơ tài liệu để thuận tiện cho việc lưu trữ, phục vụ khai thác, nghiên cứu. Cần nâng kinh phí cấp cho đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tương đương mức kinh phí xây dựng đề án, đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ... nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả quá trình tham mưu xây dựng, ban hành các văn kiện, nhất là quá trình tổ chức thực hiện nghiên cứu, khảo sát, tổng kết thực tiễn; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến các ban, bộ, ngành, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học.
Việc nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong giai đoạn hiện nay là nội dung rất cần thiết, đòi hỏi phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, cơ quan, đơn vị ở Trung ương; có sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và công tác tổ chức cán bộ các cấp.
Lê Thị Tâm
Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương