Nhân cách người thầy
Rực rỡ sắc màu đón ngày khai trường
Hiện nay, đội ngũ giáo viên ở nước ta đã không ngừng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, tiếp tục được chuẩn hoá để đáp ứng tốt hơn yêu cầu xã hội. Song còn một số mặt hạn chế: Một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, gần đây một số ít nhà giáo đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức làm ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự và uy tín của nghề dạy học, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ nhà giáo. Vì vậy, vấn đề rèn luyện nhân cách người thầy giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp trồng người. Để xây dựng đội ngũ nhà giáo có nhân cách tốt, cần phải chú ý một số vấn đề sau:
1. Rèn phẩm chất chính trị. Đối với đội ngũ nhà giáo, phẩm chất chính trị là yêu cầu chủ đạo. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước hết họ phải có nhận thức chính trị đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhãn quan sắc bén, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng, đặc biệt những quan điểm của Đảng đối với giáo dục và đào tạo. Do đó, họ phải được trang bị một cách cơ bản, hệ thống, thiết thực những vấn đề lý luận chính trị về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những diễn biến nhanh của tình hình thế giới, trong nước, yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường. Cần phải giáo dục truyền thống hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước gắn liền với giữ nước, những tinh hoa văn hóa của dân tộc, của nhân loại. Đặc biệt, cần giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, những tấm gương nhà giáo mẫu mực của dân tộc trong lịch sử. Đóng vai trò quan trọng trong rèn luyện phẩm chất chính trị cho đội ngũ những nhà giáo, là các cấp ủy đảng và đi đầu là các đảng viên - nhà giáo.
2. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nhân cách. Thời nào cũng vậy, người giáo viên luôn được xã hội tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Người giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn dạy học trò làm người. Vì vậy, phải dùng nhân cách của mình để giáo dục nhân cách người học. Cụ thể là, lấy hình mẫu người thầy để làm gương cho học trò, dùng ngôn ngữ, hành động để hướng dẫn, giúp đỡ người học. Mỗi nhà giáo là một nhân cách, là những “tấm gương sáng” để người học rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phát triển các phẩm chất cần thiết. Sản phẩm của người thầy là những con người có động cơ trong sáng, biết đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ mọi người và biết đặt lợi ích cá nhân sao cho phù hợp với tinh thần tập thể, cộng đồng xã hội. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”(2). Muốn vậy, trước hết bản thân người thầy phải luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, luôn phải làm “kiểu mẫu” về mọi mặt, có như vậy thì hình mẫu nhà giáo mới có ý nghĩa giáo dục. Đặc biệt, lưu ý ở mỗi nhà giáo phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không được chạy theo số lượng để nhằm mục đích chuẩn hoá mà phải coi trọng chất lượng. Đội ngũ nhà giáo có học hàm, học vì phải thực sự là những nhà khoa học chân chính, họ phải là những người sáng tạo, có nhiều sáng kiến trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Thầy cô giáo ở các nhà trường phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra đánh giá kết quả thực chất. Tập trung hình thành năng lực và kỹ năng giải quyết vấn đề cho người học trong dạy học. Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học hướng vào người học; tích cực đổi mới, cải tiến phương tiện dạy học bảo đảm tính khoa học và hiện đại. Thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
3. Thực sự tâm huyết yêu nghề, yêu người. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, người thầy phải luôn luôn gương mẫu, phải không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng. Muốn phụng sự nhân dân, để xã hội tôn kính, trước hết đội ngũ nhà giáo cần  yêu nghề, yêu trường, tận tụy, tôn trọng, yêu mến người học và thường xuyên tự bồi dưỡng chuyên môn, học hỏi đồng nghiệp. Có động cơ, thái độ, trách nhiệm tốt, thực sự yên tâm với nghề đã chọn, toàn tâm, toàn ý trong thực hiện nhiệm vụ, luôn có tinh thần say mê, sáng tạo, quyết tâm vượt mọi khó khăn để cống hiến sức lực trí tuệ cho từng tiết giảng, bài giảng. Khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống đời thường để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Yêu nghề, yêu người là một trong những phẩm chất hàng đầu của nhà giáo cách mạng, càng yêu người bao nhiêu thì càng yêu nghề bấy nhiêu.
4. Đảng và Nhà nước coi trọng nâng cao đời sống đội ngũ giáo viên. Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khẳng định: “Có cơ chế khuyến khích nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ”. Giáo viên - người thầy đóng vai trò quyết định đối với thành bại của sự nghiệp giáo dục. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì nhất thiết phải bảo đảm được nhu cầu cần thiết của giáo viên, bởi họ không thể trở thành một nhà giáo giỏi trong khi bản thân họ chưa bảo đảm được cuộc sống gia đình. Phải có chế độ, chính sách, đặc biệt là chính sách về tạo nguồn, sử dụng và bố trí công việc phù hợp với chuyên môn. Đồng thời phải bảo đảm về mức lương, chính sách đãi ngộ phù hợp để tạo động lực và hiệu quả làm việc của đội ngũ giáo viên. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã cải tiến rất nhiều chế độ, chính sách cho giáo viên, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến hệ quả là nhiều giáo viên không thể toàn tâm, toàn lực công hiến cho giáo dục, đào tạo. Chiến lược giáo dục, đào tạo 2011-2020, khẳng định: “Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là chính sách lương và phụ cấp theo lương, chưa thỏa đáng, chưa thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, chưa tạo được động lực phấn đấu vươn lên trong hoạt động nghề nghiệp”.
Tóm lại, dù xã hội nào thì người thầy luôn được mọi người kính trọng và tin yêu. Vì vậy, mỗi người thầy phải luôn có ý thức rèn đức - luyện tài, tự tu dưỡng, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, yêu nghề - yêu người, nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hiện tượng tiêu cực, sai trái trong giáo dục. Tự mình phấn đấu trở thành người nhà giáo tốt, thực sự là hình mẫu cho người học để nghề dạy học xứng đáng là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý mà Bác Hồ đã dành tặng.

-----------------------------------------
(1) Lê Văn Hồng (chủ biên), (1998), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, tr.190.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập,  NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 11, tr.332.


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất