Về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Ngành Kiểm toán nhà nước
Kiểm toán nhà nước khu vực VI thăm và tặng quà cho học sinh điểm trường Khe Mó, Bình Liêu, Quảng Ninh.

Từ tư tưởng của Bác về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng, sức mạnh, nhân cách của người cán bộ, đảng viên. Người coi đó là cái gốc của cây, ngọn, nguồn của sông nước. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư được xem là 8 chữ vàng mà Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phấn đấu thực hiện thật tốt để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Theo Người, để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân và Tổ quốc ngày càng tốt hơn thì mọi người đều phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người chỉ rõ: Anh em viên chức bây giờ cần có bốn đức tính là cần, kiệm, liêm, chính. Và nhấn mạnh: Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Người cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tức là từ sự đóng góp của nhân dân. Nhân dân trả công cho cán bộ để phục vụ họ thì cán bộ phải cố gắng làm để phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhân dân đúng như lời Bác căn dặn: Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau.

Theo Hồ Chí Minh: Cần và kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không kiệm thì làm chừng nào xào chừng ấy… Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được. Chữ liêm phải đi đôi với chữ kiệm. Cũng như chữ kiệm phải đi đôi với chữ cần. Có kiệm mới có liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam. Cần, kiệm, liêm, là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới hoàn toàn. Một người có cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn. Bác nhấn mạnh: Cần, kiệm, liêm, chính là  nền tảng của đời sống mới, là cái cần để làm việc, làm người, làm cán bộ, phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, là thước đo văn minh tiến bộ của một dân tộc. Theo Bác: Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ.

Đến 8 chữ vàng “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng” Ngành Kiểm toán nhà nước

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: cán bộ là cái gốc của mọi công việc, KTNN luôn quan tâm tới việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo phương châm: "Công minh, Chính trực, Nghệ tinh, Tâm sáng".

Công minh được hiểu là khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, kiểm toán viên phải bảo đảm nguyên tắc độc lập, khách quan, chỉ tuân theo pháp luật; bảo đảm công bằng, minh bạch; tuân thủ các chuẩn mực và quy trình kiểm toán. Đặc biệt, trong hoạt động kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước phải công minh, chính trực, thẳng thắn, trung thực để có chính kiến rõ ràng; công bằng, tôn trọng sự thật, không thành kiến và thiên vị.

Chính trực là kiên quyết đấu tranh chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, bè phái, cục bộ, quan liêu; đề cao cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, trung thực; trách nhiệm; có ý thức tự phê bình và phê bình; không để vật chất và quyền lợi cá nhân chi phối; không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ, công chức và kiểm toán viên nhà nước, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Trong hoạt động kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước phải thật sự độc lập, khách quan, không bị chi phối hoặc bị tác động bởi bất kỳ lợi ích vật chất hoặc tinh thần khi kiểm toán và đưa ra kết luận, kiến nghị kiểm toán. Độc lập với đơn vị được kiểm toán và các nhóm lợi ích bên ngoài khác là yêu cầu cần thiết đối với kiểm toán viên nhà nước. Kiểm toán viên nhà nước phải nỗ lực để không chỉ độc lập với đơn vị được kiểm toán và các nhóm lợi ích khác, mà còn phải khách quan khi lựa chọn chủ đề kiểm toán cũng như khi giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động kiểm toán. Sự độc lập và không thiên vị không chỉ biểu hiện hình thức bên ngoài mà phải đảm bảo là độc lập thật sự trong mọi hoạt động kiểm toán. Xác định là cơ quan kiểm tra tài chính công, có trách nhiệm giúp Đảng và Nhà nước góp phần "giữ tiền" và "giữ người" cho đất nước, lãnh đạo KTNN luôn nhận thức trước hết phải "giữ tiền" và "giữ người" cho chính mình, thực hiện triết lý: "Bản thân kiểm toán viên và hoạt động kiểm toán cũng phải được kiểm toán và kiểm soát". Vì vậy, KTNN đặc biệt coi trọng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của KTV; công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong nội bộ ngành, gắn với thực hiện các chương trình hoạt động tổng thể và từng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ tốt tài sản và con người của cơ quan.

Nghệ tinh là mỗi công chức, viên chức và người lao động KTNN phải giỏi về chuyên môn, am hiểu về chính trị kinh tế-xã hội; cẩn trọng, tận tụy, luôn có chí tiến thủ, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ cả về lý luận và thực tiễn, đảm bảo có trình độ chuyên môn sâu, tính tổng hợp cao; sáng tạo, khoa học, thực hiện cải cách hành chính. Kiểm toán viên nhà nước phải có sự am tường về Hiến pháp, pháp luật, các nguyên tắc và chuẩn mực điều chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán; hiểu rõ quy định của pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính công; về quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước thuộc lĩnh vực, chuyên ngành được phân công kiểm toán. Kiểm toán viên nhà nước phải được đào tạo theo các chương trình học và cấp đào tạo phù hợp với tiêu chuẩn từng ngạch kiểm toán viên nhà nước và theo từng lĩnh vực, chuyên ngành kiểm toán được phân công theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.

Là ngành hoạt động trong lĩnh vực đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao, KTNN luôn xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức là nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành. Năm năm qua, KTNN đã đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về văn hóa ứng xử, chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nhà nước; tăng cường đào tạo chuyên môn, đào tạo nâng cao, cập nhật thường xuyên, định kỳ về phương pháp, quy trình kiểm toán và chính sách pháp luật mới. Tổng KTNN đã ban hành Kế hoạch đào tạo giai đoạn 2011-2015, Kế hoạch đào tạo trung hạn giai đoạn 2014-2017 và kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức hàng năm phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đội ngũ giảng viên của ngành tiếp tục được kiện toàn với 05 giảng viên cơ hữu và 85 giảng viên thỉnh giảng. Từ năm 2011 đến nay, KTNN đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho hàng ngàn lượt công chức, kiểm toán viên, trong đó 100% kiểm toán viên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán. Năm 2013, KTNN đã ban hành chương trình bồi dưỡng các ngạch kiểm toán viên nhà nước, tài liệu đào tạo bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng. Đồng thời, KTNN đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành theo hướng cử công chức đi học tập ở nước ngoài, học văn bằng hai, học sau đại học; thông qua hợp tác với các cơ quan kiểm toán tối cao các nước và các tổ chức INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI, các tổ chức tài chính quốc tế, KTNN đã cử hàng trăm lượt công chức đi học tập, nghiên cứu, tham gia các hội thảo quốc tế ở nhiều nước như: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Anh, Mỹ, Ca-na-đa; phân cấp mạnh công tác bồi dưỡng, nghiên cứu, tập huấn kỹ năng chuyên ngành cho các đơn vị.

Tâm sáng là đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân trên hết, giữ gìn đoàn kết nội bộ; luôn luôn rèn luyện học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để mỗi công chức, kiểm toán viên nhà nước có bản lĩnh chính trị vững vàng; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, khiêm tốn không kiêu ngạo, hết lòng phục vụ nhân dân.

Việc ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh đối với Ngành KTNN là quan trọng và cấp bách. Từ đó KTNN ban hành chuẩn mực KTNN số 30-Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực quy định toàn diện về các nguyên tắc hướng dẫn đạo đức và quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước và đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho các chuẩn mực kiểm toán khác trong hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước. Nội dung của Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp này nhấn mạnh đến liêm chính, độc lập và khách quan; trình độ, năng lực và kỹ năng chuyên môn; thận trọng nghề nghiệp và bảo mật thông tin.

Việc ban hành và thực hiện những quy định về đạo đức nghề nghiệp, Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp góp phần quan trọng đạt được những thành tựu của Ngành. Kết quả kiểm toán và những kiến nghị của KTNN ngày càng đa dạng, sắc sảo và có chất lượng hơn, được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra sử dụng ngày càng nhiều. Bình quân hàng năm, KTNN thực hiện kiểm toán khoảng 180 đến 200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%. Trong 5 năm 2011-2015, KTNN đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng), trong đó 3 năm gần đây số liệu kiến nghị thực tăng thu, giảm chi NSNN tăng cao gần hai lần so với các năm trước (năm 2013 là 8.683 tỷ đồng; năm 2014 là 8.061 tỷ đồng; năm 2015 dự kiến 12.658 tỷ đồng). Đồng thời, 5 năm qua, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản.

Thực hiện những quy định về đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu tự thân để mỗi người hoàn thiện, tự làm cho mình tốt đẹp, hoàn thiện hơn, công tác hiệu quả hơn, từ đó xác định cho bản thân ý thức tự giác thực hiện, tự phấn đấu vươn lên thành người cán bộ vừa hồng, vừa chuyên. Qua đó sẽ làm tăng uy tín và độ tin cậy của KTNN, kiểm toán viên nhà nước và hoạt động kiểm toán của KTNN, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất