Công tác kiểm tra, giám sát ở Đảng bộ Bắc Giang
Công tác kiểm tra, giám sát là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi… Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích” (1). Người còn nhấn mạnh: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời… Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm, khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”[2].

Nhận thức rõ mục đích chính của công tác kiểm tra, giám sát là để giữ nghiêm kỷ luật, làm trong sạch nội bộ Đảng, nâng cao chất lượng của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nên Đảng bộ tỉnh Bắc Giang thường xuyên coi trọng, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác này. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, công tác kiểm tra, giám sát ở Đảng bộ đã đạt được kết quả sau:

Thứ nhất, tích cực đổi mới công tác thông tin tuyên truyền
 
Tỉnh ủy đã chỉ đạo Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy duy trì tốt việc thông báo kết quả sau các kỳ họp của UBKT theo quy định, cung cấp thông tin cần thiết cho báo chí; triển khai thực hiện nghiêm túc việc chất vấn trong các kỳ họp cấp uỷ ở các cấp. UBKT Tỉnh uỷ và các UBKT cấp huyện đã chủ động phối hợp với Tạp chí Kiểm tra, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và UBKT các cấp từ tỉnh tới cơ sở. Đặc biệt năm 2013, UBKT Tỉnh ủy đã tổ chức thành công Hội thi “Chủ nhiệm UBKT cơ sở giỏi tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất”. Đây là hình thức tuyên truyền đem lại hiệu quả thiết thực. Hội thi là dịp để cán bộ làm công tác kiểm tra giám sát tự ôn luyện, cập nhật kiến thức và giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời thông qua đó để tuyên truyền sâu, rộng về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng.

Thứ hai, làm tốt việc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên
 

Ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI), Kế hoạch số 33-KH/UBKTTW ngày 22-11-2011 của UBKT Trung ương Đảng về tổ chức, quán triệt, triển khai “Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng trong Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI” ban hành kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của BCH Trung ương Đảng, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bắc Giang đã xây dựng Kế hoạch chỉ đạo các cấp ủy đảng tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc đến đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Việc tổ chức học tập và triển khai thực hiện theo tinh thần đổi mới, thiết thực, hiệu quả, đúng thời gian quy định; thông qua học tập, nghiên cứu đã nâng cao nhận thức của tổ chức đảng, đảng viên về tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát. Mặt khác, Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Quy chế làm việc của UBKT tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015; Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Cơ quan UBKT Tỉnh ủy; Quy định giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý; Quy định về kiến nghị và trả lời kiến nghị của các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo đã nghỉ công tác, nghỉ hưu đang cư trú, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và giải quyết kiếu nại kỷ luật của Tỉnh uỷ, BTV Tỉnh uỷ; Quy định phối hợp giữa UBKT Tỉnh ủy với các tổ chức đảng, cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng … Trên cơ sở đó các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc và cấp uỷ cơ sở  có văn bản phù hợp theo thẩm quyền để tổ chức thực hiện. Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm; phân công cụ thể từng đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy phụ trách các cuộc kiểm tra, giám sát; chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, cấp ủy và UBKT các cấp xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; định kỳ giao ban với lãnh đạo các ban, cơ quan tham mưu, với các bí thư đảng ủy trực thuộc để nắm chắc tình hình và kịp thời lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát.

Thứ ba, chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ làm công tác kiểm tra, giám sát
 
Sau đại hội đảng bộ, UBKT cấp uỷ các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu, kiện toàn bộ máy UBKT, bổ sung thành viên UBKT bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng; thường xuyên quan tâm về chế độ, chính sách đối với cán bộ kiểm tra. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, BTV Tỉnh ủy đã kiện toàn, bổ sung 3 ủy viên và 2 Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy. Cơ quan UBKT Tỉnh ủy kiện toàn, bổ nhiệm 1 trưởng phòng, 1 chánh văn phòng, 10 phó trưởng phòng, phó chánh văn phòng cơ quan. Cấp ủy cấp huyện đã kiện toàn 4 chủ nhiệm, 8 phó chủ nhiệm, 12 ủy viên UBKT, thành lập mới và kiện toàn 2 UBKT đảng ủy cơ sở. BTV Tỉnh uỷ cử 46 cán bộ kiểm tra cấp tỉnh , huyện tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do UBKT Trung ương tổ chức. UBKT Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 128 cán bộ kiểm tra cấp huyện và cơ sở. UBKT cấp ủy huyện đã mở 168 lớp cho 14.470 lượt cán bộ; cử cán bộ đi đào tạo các lớp lý luận chính trị, chuyên môn, trong đó, đào tạo thạc sỹ 15, cử nhân chuyên ngành kiểm tra 4, cao cấp lý luận chính trị 9, trung cấp lý luận chính trị 8 đồng chí[3]. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát đã được nâng lên.

Thứ tư, đối tượng, nội dung, phương pháp kiểm tra, giám sát bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng quy trình
 
Đối tượng kiểm tra, giám sát bao gồm tổ chức đảng và đảng viên, gồm cả uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Ban Cán sự UBND tỉnh. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm nhằm thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đồng thời góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm, như: Thu hút đầu tư, công tác quản lý đất đai; kế hoạch và đầu tư; tài chính, công nghiệp; thương mại, cải cách hành chính; tác phong, lề lối làm việc, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; công tác tổ chức, cán bộ… Nét mới trong nhiệm kỳ này là đã kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên ở một số lĩnh vực mà trước đây chưa kiểm tra như: Đào tạo nghề, thực hiện chính sách người có công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, quản lý di tích, sử dụng kinh phí của các đơn vị sự nghiệp công lập… Đồng thời, quy trình kiểm tra, giám sát được đổi mới, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan, nhất là với cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan thanh tra, kiểm toán, theo hướng thiết thực, hiệu quả, tránh biểu hiện hình thức, nhưng vẫn bảo đảm đúng các nguyên tắc quy định.

Thứ năm, tăng số lượng, chất lượng kiểm tra, giám sát
 
Nhiệm kỳ 2010-2015 cấp uỷ các cấp đã kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với 6.360 lượt tổ chức đảng, 32.895 lượt đảng viên; giám sát 3.354 tổ chức đảng, 15.300 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện 84 tổ chức đảng, 347 đảng viên có biểu hiện vi phạm, chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 8 tổ chức đảng, 27 đảng viên. UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã tiến hành kiểm tra 458 tổ chức đảng  khi có dấu hiệu vi phạm (tăng 34% với nhiệm kỳ trước). Qua kiểm tra, kết luận 313 tổ chức đảng có vi phạm, 27 tổ chức phải thi hành kỷ luật (cảnh cáo 8 tổ chức đảng)[4]; đã tiến hành kiểm tra 1.516 đảng viên có dấu hiệu vi phạm (tăng 56 đảng viên so với nhiệm kỳ trước) đã kết luận 1.265 đảng viên có vi phạm trong đó 684 đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, đã thi hành kỷ luật xong. Tỷ lệ phát hiện sai phạm qua kiểm tra đối với tổ chức đảng là 68,3%, đối với đảng viên là 83,4% trên số đảng viên được kiểm tra. Số lượng tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được kiểm tra tăng 46%, giám sát tổ chức đảng tăng 32%, giám sát đảng viên tăng 50% so với nhiệm kỳ trước[5].

Nhìn chung công tác xử lý kỷ luật trong Đảng bộ tỉnh được thực hiện nghiêm túc theo Quy định của Điều lệ Đảng và Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30-3-2013 của Bộ Chính trị; bảo đảm phương châm, nguyên tắc, có tính giáo dục cao, thi hành kỷ luật cơ bản đồng bộ giữa kỷ luật đảng, chính quyền, đoàn thể. Tuy vậy, công tác kiểm tra, giám sát ở Đảng bộ tỉnh Bắc Giang còn  không ít hạn chế, thiếu sót cần khắc phục, như: Việc triển khai nghiên cứu, quán triệt, tập huấn thực hiện các văn bản của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy cơ sở chất lượng còn hạn chế. Việc thực hiện quy định trách nhiệm nêu gương, tinh thần tiền phong, gương mẫu, tự tu dưỡng, rèn luyện của một số cán bộ chưa tốt. Trong xét thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, hình thức kỷ luật nhẹ hơn so với lỗi vi phạm, chưa công bằng giữa đảng viên có chức có quyền và đảng viên khác… Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát còn một số bất cập nhưng chưa chủ động giải quyết như: Việc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra đối với những đảng bộ có trên 300 đảng viên theo tinh thần của Thông báo số 68-TB/TW ngày 30-12-2011 của BCH Trung ương Đảng, việc thực hiện biểu quyết đề nghị kỷ luật 2 lần theo Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của BCH Trung ương Đảng. Việc xác định đối tượng kiểm tra, giám sát là: Chi ủy cơ sở, BTV đảng ủy cơ sở; kiểm tra tài chính đảng của UBKT cùng cấp trong các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp; xác định thẩm quyền trả lời người tố cáo… còn lúng túng, do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của Trung ương.

Từ thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang 5 năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Các cấp ủy, trước hết là người đứng đầu cấp ủy phải xác định rõ trách nhiệm về công tác kiểm tra, giám sát; phải trực tiếp lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát để công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả và chất lượng.

Hai là, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng, nhằm thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đây là vấn đề cốt lõi, có tính nguyên tắc mà UBKT các cấp và mỗi cán bộ kiểm tra phải quán triệt và thực hiện.

Ba là, UBKT các cấp phải chủ động, tham mưu kịp thời, có hiệu quả cho cấp ủy và chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hướng dẫn của UBKT cấp trên về nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát.

Bốn là, phải xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBKT với cơ quan có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc cung cấp thông tin phục vụ các cuộc kiểm tra, giám sát.

TS. Thân Minh Quế
Tỉnh uỷ viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang
..................................
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1995
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1995
[3] Báo cáo số 352 BC/TU, ngày 07-8-2015 của BTV Tỉnh uỷ Bắc Giang
[4] Báo cáo số 350 BC/TU, ngày 31-7-2015 của BTV Tỉnh uỷ Bắc Giang
[5] Báo cáo số 352BC/TU, ngày 07-8-2015 của BTV Tỉnh uỷ Bắc Giang  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất