Xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với thực tế địa phương
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đường làng, ngõ xóm trên địa bàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã được mở rộng và bê tông hóa.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Tĩnh từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp (đầu năm 2011 số tiêu chí bình quân chỉ đạt 4,1 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 10 tiêu chí, có 120 xã đạt 5 tiêu chí); điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực cao, cách làm sáng tạo đã tạo ra sự chuyển biến lớn, đạt kết quả khá toàn diện, vững chắc, với nhiều dấu ấn nổi bật:

Quy hoạch được xây dựng đồng bộ, là một trong những tỉnh đầu tiên có 100% số xã hoàn thành về quy hoạch, đã định hướng chiến lược cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và được tập trung chỉ đạo quyết liệt, bài bản ngay trong năm đầu thực hiện. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh, một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thực hiện ngay từ năm 2011, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng doanh nghiệp hóa, liên kết hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa theo chuỗi giá trị, ứng dụng nhanh một số tiến bộ khoa học, công nghệ mới đạt hiệu quả cao, tạo ra sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất. Giai đoạn 2011-2014, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,6%/năm, 6 tháng đầu năm 2015 đạt 7,5% (gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2014, gấp 3,2 lần bình quân cả nước). Nông nghiệp ngày càng thể hiện vai trò trụ đỡ cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội như mô hình trồng rau, củ, quả trên cát bạc màu ven biển; chăn nuôi hươu; trồng cam chất lượng cao; nuôi tôm trên cát… Các hình thức tổ chức sản xuất phát triển nhanh, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác; hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn như Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tập đoàn CP, Công ty Fineton Hồng Kông, Công ty Growbest, Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai… Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, phúc lợi thiết yếu, góp phần tạo ra diện mạo mới, khởi sắc cho nông thôn ở nhiều địa phương. Văn hóa, y tế và môi trường chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố; trật tự, an toàn xã hội cơ bản được giữ vững góp phần quan trọng bảo đảm ổn định cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động nội lực cho xây dựng NTM.  Sau 5 năm thực hiện Chương trình, đến nay toàn tỉnh có 52 xã (23% số xã) đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí.
Để đạt được những kết quả trên, điểm nổi bật của Hà Tĩnh là sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện:

Trong từng giai đoạn, từng thời điểm có lộ trình và bước đi phù hợp. Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn là nội dung trọng tâm, cốt lõi ngay từ những năm đầu thực hiện và được ưu tiên cao, tập trung chỉ đạo quyết liệt. Bằng cách làm chủ động, sáng tạo với phương châm “nâng đầu, đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ và phát triển”, đã đạt kết quả thiết thực, vừa tạo được sự đồng thuận cao, sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội, vừa tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển sản xuất, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng NTM bền vững.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các đồng chí lãnh đạo thường xuyên có các cuộc kiểm tra, sinh hoạt với cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân; những vấn đề khó khăn, bức xúc được kịp thời tháo gỡ. Xây dựng đề án phát triển sản xuất, xác định sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của từng địa phương, vùng ven biển, vùng đồi, rừng, định hướng phát triển hàng hóa gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ mang lại giá trị cao để nâng cao thu nhập cho người dân.

Ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, gồm 2 phần: Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp và chính sách huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế trao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng trong việc tự tổ chức triển khai. Nhiều địa phương đã có chính sách riêng, phù hợp với khả năng, yêu cầu thực hiện và ưu tiên ngân sách hằng năm cho chương trình.

Sớm thành lập bộ máy chỉ đạo thực hiện chương trình ở các cấp. Xây dựng bộ tiêu chí NTM thực hiện trên địa bàn tỉnh, quy định mức đạt chuẩn NTM phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, bảo đảm đạt theo quy định của Trung ương và có bổ sung thêm một số nội dung, chỉ tiêu cao hơn cho các xã phấn đấu như: Tiêu chí thu nhập năm 2014 là 22 triệu đồng (chuẩn Trung ương 17 triệu đồng); năm 2015 là 27 triệu đồng (chuẩn Trung ương 18 triệu đồng); yêu cầu phải có tối thiểu 3 mô hình lớn doanh thu trên 1 tỷ đồng; 5 mô hình vừa doanh thu trên 500 triệu đến 1 tỷ đồng; 15 mô hình nhỏ doanh thu từ 100 đến 500 triệu đồng; 30% hộ dân sản xuất, kinh doanh có liên kết. Tiêu chí hình thức sản xuất, có tối thiểu 5 HTX, 3 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, có 3 doanh nghiệp (Trung ương quy định 1 HTX hoặc tổ hợp tác). Tiêu chí giao thông ngoài các quy định của Trung ương, còn yêu cầu về cây bóng mát, rãnh thoát nước... có khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn theo 10 tiêu chí.

Xây dựng mô hình mẫu: mô hình phát triển sản xuất, các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu có sức lan tỏa lớn, thiết thực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí, chuẩn hóa mô hình phát triển cộng đồng NTM.

Xây dựng bộ chỉ số, cơ sở dữ liệu và phần mềm đánh giá kết quả thực hiện NTM tại các xã là tổng số kết quả thực hiện trong kỳ, đã phát huy hiệu quả cao trong việc tổng hợp, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện và lưu trữ dữ liệu từ cấp xã đến toàn tỉnh.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất