Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã thực hiện hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Hai mươi năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước” đã xác định và phát triển những quan điểm đổi mới của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) kế thừa và phát triển xác định 5 quan điểm cơ bản quan trọng về cán bộ và công tác cán bộ. Đó là: 1) Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị. 2) Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. 3) Tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, thường xuyên đổi mới công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. 4) Quán triệt nguyên tắc về các mối quan hệ đường lối chính trị với đường lối cán bộ, quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết; giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, xây và chống, đức và tài, tính phổ biến và đặc thù, đổi mới và ổn định, thẩm quyền và trách nhiệm, cá nhân và tập thể. 5) Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trực tiếp là của các cấp ủy và tổ chức đảng. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội…Dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Trong 5 quan điểm có nhiều nội dung đã được các hội nghị Trung ương đề cập nay nhắc lại nhất quán, xuyên suốt, nhưng cũng có những nội dung được nhắc lại vì quá trình thực hiện chưa tốt, hiệu quả chưa cao.
Một là, tiếp tục khẳng định vị trí “then chốt” của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, không những trong xây dựng Đảng, Nhà nước, mà trong cả toàn bộ sự nghiệp đổi mới”. Khi xác định vị trí "then chốt” của công tác cán bộ thì cấp ủy và người đứng đầu các cấp phải dành mối quan tâm đặc biệt, đầu tư cả tâm lực, trí tuệ một cách bài bản, khoa học, tỷ mỉ, cẩn trọng, trách nhiệm cao nhất với nhận thức lời dạy của Bác Hồ: Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được.
Hai là, Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Phải nhấn mạnh điều này bởi có một số tổ chức đảng coi nhẹ hoặc không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong quy hoạch, bổ nhiệm tạo kẽ hở cho chạy chức, chạy quyền, tham nhũng trong công tác cán bộ. Còn có biểu hiện phân chia, cắt khúc trong hệ thống quản lý cán bộ, hoặc tuyệt đối hóa quản lý của Nhà nước đối với công chức, viên chức, dẫn đến không thống nhất quản lý biên chế trong hệ thống chính trị và ở một số khâu xây dựng đội ngũ công chức, viên chức.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới. Lợi ích của nhân dân là căn cứ để cán bộ sáng tạo, đổi mới trong hoạt động thực tiễn - nơi rèn luyện phấn đấu, đồng thời là nơi kiểm nghiệm đánh giá tôn vinh những cán bộ đem lại lợi ích cho nhân dân, được nhân dân ghi nhận, từ đó sàng lọc, tuyển chọn cán bộ. Dựa vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải đặt trong tổng thể xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Việc chỉnh đốn Đảng sẽ tác động tích cực đến cán bộ và công tác cán bộ. Hiệu quả các phương thức lãnh đạo của Đảng phụ thuộc trực tiếp vào chất lượng cán bộ.
Bốn là, luôn thống nhất giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ để xử lý tốt các mối quan hệ. Đường lối chính trị xác định mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng, các giải pháp để đạt mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, trong đó có xây dựng đội ngũ cán bộ. Đường lối cán bộ yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ có khả năng hoạch định và tổ chức thành công đường lối chính trị.
Ngoài những quan điểm cũ được nhắc lại để khẳng định và quán triệt sâu sắc hơn, xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ cụ thể của giai đoạn cách mạng mới, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) nêu những quan điểm mới:
1. Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là một trọng tâm trong công tác cán bộ, là vấn đề hệ trọng của Đảng, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, sự tồn vong của chế độ. Xây dựng đội ngũ người đứng đầu cấp ủy các cấp là một trọng tâm trong công tác cán bộ, nhằm tạo sự chuyển biến mới về nhận thức, tập trung nguồn lực, tạo đột phá mới cho xây dựng đội ngũ cán bộ. Đánh giá hiệu quả công tác cán bộ được nhìn nhận dưới góc nhìn: mức độ đầu tư với kết quả thu được. Mấu chốt là đánh giá trên cơ sở sản phẩm của cán bộ. Đánh giá và bố trí cán bộ là khâu đột phá.
2. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa chuẩn hóa, siết chặt kỷ cương, kỷ luật với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo của cán bộ; phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, ràng buộc quyền hạn và trách nhiệm, kiểm soát quyền lực. Giải quyết tốt các mối quan hệ này là bước đột phá khắc phục sự trì trệ bảo thủ, vô trách nhiệm, thiếu kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín, bệnh phường hội, lợi ích nhóm, thân hữu, dòng tộc, người nhà, cánh hẩu… Qua đó kiến tạo, mở rộng không gian, môi trường khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích của nhân dân, đất nước.
3. Công tác cán bộ phải tôn trọng quy luật khách quan, có tính “động”, thường xuyên đổi mới để phù hợp với tình hình thực tiễn. Khi Đảng ta khởi xướng đường lối đổi mới, quan tâm lớn nhất đổi mới kinh tế. Đổi mới công tác cán bộ chưa tương thích với đổi mới kinh tế, nhiều cơ chế, chính sách đối với cán bộ chưa phù hợp, có biểu hiện chủ quan, duy ý chí. Những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động đến cán bộ và công tác cán bộ nhưng chưa được ngăn chặn, chậm đưa ra các biện pháp đẩy lùi.
4. Đổi mới công tác cán bộ phải đi đôi đổi mới tổ chức bộ máy. Hiện tượng tiêu cực, phiền nhiễu, hách dịch, cửa quyền của cán bộ một phần do bộ máy phình to, nhiều tầng nấc, không có ai chịu trách nhiệm cụ thể. Không có điều kiện cải cách tiền lương, đời sống cán bộ công chức viên chức khó khăn, không yên tâm làm việc cống hiến. Vì vậy, đổi mới công tác cán bộ phải đi kèm với kiện toàn tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phải được tiến hành đồng bộ.
5. Đổi mới công tác cán bội phải đi kèm cải cách nền giáo dục, bởi đây là nơi tạo nguồn dồi dào nhất, là nguồn nhân lực chất lượng cao để tuyển chọn đào tạo, sử dụng, phát huy năng lực, phẩm chất cán bộ trên nền tảng vững chắc. Để có được đội ngũ nguồn cán bộ tốt phải đổi mới căn bản công tác phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài thật sự dân chủ, khách quan, khoa học, công khai, minh bạch nhằm thu hút tài năng người Việt trong và ngoài nước.
Đảng ta thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành hệ thống các quan điểm về về cán bộ và công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, trí tuệ cao, phương pháp làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống trong hoàn cảnh mới.
Trần Công Huyền