Những ký ức về trận địa lửa và hoa
Xác máy bay B52 của không lực Hoa Kỳ bị bắn rơi tại Hà Nội tháng 12-1972

Xác máy bay B52 của không lực Hoa Kỳ bị bắn rơi tại Hà Nội tháng 12-1972.

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, một chiến thắng thể hiện sức mạnh, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam mang tầm thời đại, nhiều ký ức về thời hoa lửa được sống lại qua hồi ức của người chiến sỹ đã góp phần cho chiến công vĩ đại ấy, trắc thủ phương vị, sỹ quan điều khiển tên lửa Đỗ Đình Tân.

Chúng tôi tay bắt mặt mừng, nhấp chén trà và cùng nhau hàn huyên về những ngày tháng hào hùng 50 năm về trước. Ông Đỗ Đình Tân nhớ lại: Đợt tuyển quân tháng 4-1970, thanh niên Phú Xuyên nhập ngũ đều đã tốt nghiệp cấp 3, nên được biên chế vào các đơn vị tên lửa, tôi về Tiểu đoàn 52, Sư đoàn 363 Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau 7 tháng huấn luyện tôi được điều về Tiểu đoàn 56, Trung đoàn 257,  F361. Khi B52 đánh ra Hải Phòng tôi lại được điều về Tiểu đoàn 77.

Ông tiếp tục dòng ký ức: Trong một thời gian ngắn tôi được điều động đi nhiều đơn vị, nên đơn vị tiếp nhận chỉ biên chế tôi vào kíp 2 trực chiến đấu. Ngày 17-12-1972, ở kíp trực chiến đấu số 1 đồng chí trắc thủ phương vị bị ốm, Tiểu đoàn trưởng gọi tôi thay thế, nên tôi được chuyển lên kíp 1. Ngay trong trận chiến đấu buổi chiều hôm ấy đơn vị bắn rơi 1 chiếc F4. Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn thấy tôi chiến đấu bình tĩnh, thao tác đúng kỹ thuật, phù hợp với ý định tác chiến của Tiểu đoàn trưởng, lại đã cùng kíp chiến đấu bắn rơi máy bay, nên giữ tôi ở lại kíp 1, liên tiếp trong những trận chiến đấu tiếp theo đánh B52 tôi đều hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đã được trực tiếp chiến đấu suốt 12 ngày đêm đánh B52, sau đó tôi được bổ nhiệm lên vị trí sỹ quan điều khiển của kíp chiến đấu.

Nhấp chén trà, ông Tân kể nhiều chuyện thú vị trong chiến đấu, và giúp tôi giải đáp câu hỏi vì sao ta bắn rơi được B52, mà còn bắn rơi tại chỗ nhiều B52? Theo ông Tân, rất nhiều yếu tố để làm nên chiến tích đó, nhưng với người chiến sỹ trực tiếp chiến đấu, đó trước hết là quyết tâm, ý chí chiến đấu và chiến thắng. Anh em trong đơn vị luôn nhắc nhau nhớ lời hứa với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết tâm bắn rơi được B52 với tỷ lệ N2 là 6-7%; (tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển), N3 là trên 10% (tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc). Bởi vậy, mọi công tác chuẩn bị phải làm thật tốt, quyết tâm thật cao. Trong công tác chuẩn bị chiến đấu có 3 vấn đề chúng tôi quan tâm: Thứ nhất là chống nhiễu và vạch nhiễu tìm B52, thứ hai là tìm cách đánh hiệu quả, thứ ba là bố trí đội hình chiến đấu, ông Tân chia sẻ.

Hà Nội bốn mặt đồng bằng, máy bay địch có thể đột nhập từ nhiều hướng, Tiểu đoàn 77 được bố trí ở trận địa Chèm, là một thế trận rất nhiều lợi thế, thể hiện sự phán đoán sáng suốt. Tất cả các B52 dù cất cánh ở đâu đều tập trung trên bầu trời các tỉnh Tây Bắc, trên vùng núi Tam Đảo, Ba Vì trước khi vào vị trí ném bom Hà Nội. Vì thế, để đón lỏng chúng, một lưới lửa được bố trí theo chiều sâu bao gồm cả súng bộ binh tần thấp, pháo cao xạ và tên lửa từ chân Tam Đảo về Chèm rồi dọc theo sông Hồng vào nội thành Hà Nội.

Với tên lửa, ở mỗi vị trí, mỗi đơn vị và tùy theo sự phán đoán của người chỉ huy mà có những cách đánh khác nhau. Qua nhiều lần hội thảo, rút kinh nghiệm, và đánh thí điểm, Quân chủng Phòng không - Không quân đã viết thành sách, là cuốn “cẩm nang” để huấn luyện bộ đội. Với tên lửa có hai cách đánh cơ bản là đánh theo 3 điểm và đánh vượt trước nửa góc. Để thực hiện mục tiêu bắn rơi nhiều B52 nhất buộc Mỹ phải ngừng chiến dịch không tập, sau hai đêm chiến đấu, Quân chủng đã bố trí lại đội hình các trận địa tên lửa kết hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào, huy động nhiều tiểu đoàn cùng đánh vào một tốp máy bay địch từ các hướng khác nhau, vừa tấn công chính diện, vừa đánh chéo sườn tạo ra các vùng “chồng hỏa lực” khiến B52 sa vào “thiên la địa võng”.

Phương pháp tìm B52 trong nhiễu là việc cực kỳ khó khăn nhưng là khâu quyết định để tiêu diệt được B52. Có thời gian trước đây, máy bay địch quần đảo trên bầu trời mà tên lửa phải nằm im vì ra-đa không bắt được mục tiêu do nhiễu quá nặng. Đã có nhiều cuộc họp rút kinh nghiệm từ các trận chiến đấu ở Vĩnh Linh, Đường 9. Nhưng cùng với sự trưởng thành của ta, sự cải tiến các phương tiện phát nhiễu và cách phát nhiễu của không quân Mỹ cũng thay đổi. Trước đây trên B52 chỉ có 1 máy phát nhiễu thì đến năm 1972 trên B52 đã lắp đến 12 máy phát nhiễu. Khi B52 vào đánh phá Hà Nội, có cả một dàn máy bay chiến thuật đi hộ tống và phát nhiễu bao trùm lên đường bay của B52, mặt khác chúng còn phát nhiễu từ các tàu sân bay ở ngoài biển, ở các sân bay và các trung tâm phát nhiễu đặt ở nước ngoài. Được biết vào thời điểm ấy ta có dùng ra-đa K8-60 của pháo để bắt mục tiêu B52, sau đó truyền tín hiệu cho ra-đa tên lửa, được biên chế ở Tiểu đoàn 79 thuộc đoàn Cờ Đỏ, tại trận địa Mai Động. Cải tiến này có hiệu quả nhưng đến thời điểm đánh B52 năm 1972 ta mới làm được 2 bộ. Nên việc vạch nhiễu tìm B52 vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sự điêu luyện của trắc thủ. Vừa chiến đấu, các đơn vị vừa rút kinh nghiệm, truyền cho nhau kinh nghiệm như: mỗi tốp B52 có 3 chiếc luôn chỉ bay theo một đường bay; khi chúng ném bom xong sẽ ngoặt 90 độ quay ra nên các máy phát nhiễu đều hướng về phía trước chùm nhiễu không che được máy bay; khi B52 ném bom xong các máy bay chiến thuật phát nhiễu hỗ trợ cũng hết trách nhiệm nên mật độ nhiễu giảm nhẹ, đó là lúc nhìn thấy B52 rõ nhất… Điều này đã hỗ trợ nhiều cho vị trí trắc thủ phương vị.

Người chiến sỹ Đỗ Đình Tân kể lại: Đó là lần đầu tiên vào lúc 4h39 phút ngày 19-12, tôi nhìn thấy B52, một điểm sáng rõ hơn trên một nền nhiễu dày đặc mờ ảo. Sỹ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức, trắc thủ cự li Phạm Hồng Hà, trắc thủ góc tà Lưu Văn Mộc đều nhìn thấy. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn, chúng tôi “trói gọn” tốp B52 số hiệu 954 đang từ hướng núi Ba Vì bay vào. Chớp thời cơ Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn hạ lệnh phóng hai đạn từ cự li 36km bằng phương pháp vượt trước nửa góc, bám sát tự động (theo Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn, đây là phương pháp đánh rất nguy hiểm, khi phóng đạn nếu không nhanh chóng tắt ra-đa thì địch sẽ bắt được tín hiệu ra-đa của ta, và phóng ngay tên lửa vào trận địa. Chỉ những người dũng cảm nhất mới dám đánh theo phương pháp này). Hai vạch sáng lao đi, chấm sáng tín hiệu máy bay vụt tắt. Tiếng bên ngoài reo hò máy bay rơi. Một vùng sáng như quả cầu lửa rơi xuống cánh đồng xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội). Niềm vui sướng tột độ, chúng tôi ôm nhau cười, rồi khóc, những giọt nước mắt sung sướng, tâm trạng mỗi người lâng lâng trong niềm vui chiến thắng. Bắn rơi máy bay tại chỗ, với chúng tôi, không những là mục tiêu, là quyết tâm cao mà còn là để thực hiện tâm nguyện trả thù cho đồng đội, đồng bào đã bị chúng sát hại. Chiến thắng này mở ra một triển vọng mới cho lực lượng phòng không - không quân có thể đánh tiêu diệt lớn đối với B52.

Những trận đánh tiếp theo chúng tôi tự tin, chắc chắn và bản lĩnh hơn. Lúc 20h30 phút ngày 20-12, theo ra-đa dẫn đường, Tiểu đoàn 77 chúng tôi đã bám sát tốp B52 mang số hiệu 621 ở cự li 50km đang lao từ hướng Tây Bắc vào Hà Nội. Đến cự li 35km, sỹ quan điều khiển và các trắc thủ Phạm Hồng Hà, Lưu Văn Mộc, tôi đều nhìn thấy trên dãi nhiễu dày đặc. Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn hạ lệnh phóng hai quả, bám sát tự động. Cả hai quả đều chạm nổ mục tiêu ở cự li 33km khi chiếc B52 này định quay đầu chạy sang Lào, nhưng đã bị vít cổ xuống đất ở xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Tây. Chiến thắng này đã góp vào đòn điểm huyệt làm rung chuyển Nhà Trắng.

Sáng ngày 21-12, 15 tốp B52 có 45 chiếc ầm ầm kéo vào từ các hướng Tây Bắc, Tây Nam. Trung đoàn trưởng, thiếu tá Nguyễn Ngọc Điển giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 77 tiêu diệt tốp B52 mang số hiệu 318 đang từ ngã ba Bạch Hạc, Việt Trì lao vào Hà Nội, đánh phá ga Đông Anh và khu vực kho ở Uy Nổ. Trận địa Chèm nằm chéo hướng đường bay cơ bản, khi B52 vào cự li 40km, sỹ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức phát sóng, cả 3 trắc thủ Phạm Hồng Hà, Lưu Văn Mộc và Đỗ Đình Tân đều thấy rõ tín hiệu B52. Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn ra lệnh đánh 2 quả đạn, bằng phương pháp Y, bám sát bằng tay, ngòi nổ hỗn hợp. Hai quả đạn nổ trúng mục tiêu. Máy bay bốc cháy ngùn ngụt, lao xuống thôn Phúc Thắng, thị trấn Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Tiểu đoàn 77 trở thành đơn vị dẫn đầu toàn Quân chủng bắn rơi tại chỗ B52 Mỹ.

Theo ông Tân, báo chí sau này nhấn mạnh đến số lượng B52 bị bắn rơi, nhưng với các lực lượng tên lửa lúc ấy bắn rơi B52 là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải bắn rơi tại chỗ. Chỉ có bắn rơi tại chỗ mới có bằng chứng để bộ đội và nhân dân tin tưởng, phấn khởi, còn kẻ địch thì không thể chối cãi. Bắn rơi tại chỗ B52 là sức mạnh cổ vũ, tạo niềm tin vô cùng to lớn với quyết tâm chiến đấu, chiến thắng của bộ đội. Cũng chỉ bắn rơi tại chỗ mới làm cho những kẻ cho rằng B52 là “siêu pháo đài bay”, “bất khả xâm phạm”, rằng không có vũ khí nào hạ được B52 phải tâm phục khẩu phục. Cũng chỉ bắn rơi tại chỗ mới tiêu diệt và bắt sống được giặc lái, nhân viên kỹ thuật của loại máy bay này, tiêu hao sinh lực của địch, mới buộc địch chịu thua. Nhưng để bắn được B52 và bắn rơi tại chỗ nhiều B52, với những vũ khí và khí tài hiện có lúc bấy giờ thì yếu tố dám đánh và quyết đánh thắng là yếu tố quan trọng nhất. Bởi với một trận đồ bát quái, B52 lẫn trong màn nhiễu dày đặc, máy bay chiến thuật hàng đàn chế áp các trận địa, chỉ cần sóng ra-đa ở trận địa tên lửa phát lên là mục tiêu để chúng tiêu diệt. Nhưng bộ đội đã dám phát sóng, quyết tìm B52 trong màn nhiễu và quyết bám chắc B52 để tiêu diệt. Bình tĩnh, mưu trí, phát sóng đúng thời điểm là một thử thách không phải ai cũng dám làm và làm được. Nó đòi hỏi lòng dũng cảm, mưu trí của người chỉ huy và cả kíp trắc thủ. Trước hết đó là trách nhiệm với đơn vị, với nhân dân Thủ đô, và hơn nữa trách nhiệm đối với Tổ quốc.

Những điều nằm lòng ấy ông Tân vẫn không thể quên được sau 50 năm với nhiều thay đổi của cuộc sống. Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 77 chỉ còn lại 3 người. Ông Đỗ Đình Tân cũng đã qua lứa tuổi xưa nay hiếm. Người sỹ quan chỉ huy, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Đinh Thế Văn ở tuổi U90 nhưng vẫn hào sảng chia sẻ kỷ niệm trong Hội thảo "Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972": Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”, truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm và khí chất của người chiến sỹ tên lửa quyết chiến, quyết thắng kẻ thù vì nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước, vì độc lập dân tộc, đất nước hòa bình, rực rỡ ngàn hoa đón xuân mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất