Xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng

ThS. Nguyễn Ngọc Lâm Ủy viên Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức ngày 28-10-2022.

Sinh thời Bác Hồ khẳng định:“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[1], “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7, (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”.

Muốn xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao phải có tiêu chuẩn làm thước đo. “Tiêu chuẩn cán bộ là những điều quy định về đức, tài của người cán bộ, làm căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền trong hệ thống chính trị ở Việt Nam xem xét, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ hoặc để thành viên của tổ chức (cử tri, đảng viên, đoàn viên, hội viên…) lựa chọn người để bầu vào cơ quan lãnh đạo các cấp, đồng thời, cũng là căn cứ để mỗi người cán bộ soi xét mình, phấn đấu đạt bằng được những yêu cầu về đức, tài của người cán bộ. Xây dựng, cụ thể hóa và thực hiện đúng tiêu chuẩn cán bộ là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Để xác định đúng tiêu chuẩn cán bộ, phải xuất phát từ những quan điểm, nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam về cán bộ; đồng thời phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng loại tổ chức, từng chức danh cán bộ”[2].

Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18-6-1997 Hội nghị Trung ương 3 (khoá VIII), về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh đã đưa ra tiêu chuẩn cán bộ trong thời kỳ mới:

Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Các tiêu chuẩn trên có quan hệ mật thiết với nhau. Coi trọng cả đức và tài, đức là gốc.

Cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng trước hết phải có đầy đủ các tiêu chuẩn trên, đồng thời phải có những tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan tham mưu. Họ là những người tham mưu cho cấp ủy về công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở đảng, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ. Đây là những lĩnh vực quan trọng, là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Chất lượng đội ngũ cán bộ của Ngành ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực, trình độ, hiệu quả lãnh đạo của Đảng. Do đó, tiêu chuẩn đối với cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải chặt chẽ, nhất là về tiêu chuẩn chính trị.

Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp các thế hệ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng được tôi luyện trưởng thành qua thử thách, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành, trung thực với lý tưởng cách mạng của Đảng, giữ gìn tư cách lối sống, rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng, có ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương và cơ sở ghi nhận. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Đó là: phẩm chất, năng lực và uy tín của không ít cán bộ làm công tác tổ chức các cấp chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn một bộ phận thiếu bản lĩnh, thiếu chính kiến, chưa công tâm, khách quan trong việc tham mưu, đề xuất về sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ. Trình độ, năng lực, kiến thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng Đảng còn hạn chế. Phong cách, lề lối làm việc chưa khoa học, chuyên nghiệp. Một bộ phận cán bộ vi phạm nguyên tắc, kỷ cương của Đảng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của ngành và các cấp ủy, tổ chức đảng.

Tổ chức xây dựng Đảng là một ngành, một nghề rất khó vì nó liên quan đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đụng chạm đến con người và địa vị pháp lý của họ trong xã hội. Làm tốt, được ghi nhận là một điều rất khó, nếu không làm tốt thì hậu quả khôn lường. Vì vậy Ngành Tổ chức xây dựng Đảng nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng nói riêng luôn luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nếu không có bản lĩnh kiên trung, có tấm lòng trong sáng thì dễ bị nhiều tác động khách quan và chủ quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ, thậm chí dễ bị lôi kéo, mua chuộc, sa ngã bởi những cám dỗ vật chất tầm thường dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống; vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của nhà nước.

Hiện nay, việc tuyển dụng cán bộ vào Ngành đang được thực hiện theo các quy định chung của Đảng và Nhà nước, chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn tuyển dụng riêng đối với cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Việc đưa ra tiêu chuẩn của cán bộ chưa có tính hệ thống, liên tục, xuyên suốt. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã đưa ra một số tiêu chí về cán bộ của Ngành như đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những tiêu chí này chưa được đưa vào các quy định mang tính pháp lý, chưa được cụ thể hoá, lượng hoá trong thực tiễn.

Từ thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng hiện nay và trước yêu cầu nhiệm vụ về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới; nhất là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết của Đảng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Bởi vì xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn cán bộ là căn cứ quan trọng để đánh giá, nhận xét cán bộ, là thước đo cho sự rèn luyện và phấn đấu của cán bộ và góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng nói riêng và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị nói chung. Do đó việc xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần hướng tới mục tiêu là: Đủ đức, đủ tâm, đủ tầm trí tuệ, đủ ý chí và sức lực để hoàn thành trọng trách được giao. Đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu để đáp ứng yêu cầu là: Có tấm lòng trong sáng, có bản lĩnh kiên trung, có đôi tai chuẩn mực, có đôi mắt tinh tường.

Để thực hiện mục tiêu và yêu cầu nêu trên, ngoài tiêu chuẩn của cán bộ nói chung, cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần bảo đảm các tiêu chuẩn cơ bản sau:

Một là, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, trung thành, trung thực, khách quan, vô tư, công bằng; có bản lĩnh, quan điểm và chính kiến thẳng thắn, rõ ràng; có lòng vị tha nhân ái, tận tụy với công việc, không bị tác động, chi phối bởi những động cơ vụ lợi cá nhân.

Hai là, có trình độ, kiến thức và kỹ năng chuyên sâu, có tầm nhìn và tư duy biện chứng, có hiểu biết sâu sắc về công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Ba là, nắm vững nội dung, nguyên tắc, quy trình và phương pháp, cách thức tham mưu về sắp xếp tổ chức bộ máy, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, kỷ luật và thực hiện chính sách cán bộ.

Bốn là, có kiến thức và kinh nghiệm qua hoạt động thực tiễn, có ý chí và khát vọng vươn lên. Biết gắn nghiên cứu lý luận và tổng kết hoạt động thực tiễn để từ đó thực hiện tốt chức năng tham mưu của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

Năm là, có uy tín, phương pháp và phong cách làm việc khoa học, gương mẫu, khiêm tốn, chân thành. Có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, nhất là tệ cục bộ, bè phái, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm; không bị cám dỗ, mua chuộc, chi phối bởi những quan hệ cá nhân, thân quen, không trong sáng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Sáu là, năng động, sáng tạo, có quyết tâm đổi mới, tiếp cận nhanh và kịp thời với những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ tham mưu của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu nói chung và cán bộ tham mưu Ngành Tổ chức xây dựng Đảng nói riêng luôn giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng làm căn cứ để đánh giá, tuyển dụng, bố trí sắp xếp, bổ nhiệm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Ngành, góp phần xây dựng Ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

------------------------

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật,  H.2011,  tập 5, tr.309.

[2] Sách tra cứu các mục từ về tổ chức, Nxb Chính trị quốc gia (2004).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất