Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên

Đảng ta đang đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trên cơ sở nhận thức rõ việc phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng là một trong những cách thức hữu hiệu nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết và các quy định nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân cũng như phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Quá trình triển khai trên thực tế cho thấy những hiệu ứng tích cực, đó là những cán bộ suy thoái về đạo đức, lối sống ở cả cấp Trung ương và cơ sở đã được phát hiện, uốn nắn, xử lý kịp thời; đã xuất hiện những cách làm hay, mang lại hiệu quả cao như: định kỳ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân; tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên trước khi kiểm điểm tại tổ chức đảng thông qua việc thực hiện Quy định 76-QĐ/TW và tự phê bình trước nhân dân đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và những cán bộ trực tiếp giải quyết công việc có liên quan đến người dân. 

Các hình thức để nhân dân thực hiện quyền giám sát cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống cũng được đa dạng hóa như: thùng thư góp ý đặt tại trụ sở, trang thông tin điện tử, email, đường dây nóng, phản ánh lên các cơ quan báo chí hoặc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội… Đây là một phương thức quan trọng trong lãnh đạo của Đảng để phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên, tạo sự phấn khởi, tin tưởng của người dân về sự lãnh đạo của Đảng, về sự nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật Đảng; có tác dụng to lớn trong việc thúc đẩy hơn nữa sự tham gia có hiệu quả của nhân dân vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tuy nhiên cũng còn những hạn chế khi mà tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước, thêm vào đó là tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà cả ở một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Trong nhiều nguyên nhân của tình trạng này được Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chỉ ra là có nguyên nhân đến từ sự yếu kém trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên, cụ thể là, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Nguyên do là ở một số nơi, người dân còn e ngại và né tránh việc góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên; không dám tố giác những vụ, việc cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật vì sợ bị trù dập, bị gây khó dễ khi phải đến các cơ quan công quyền giải quyết công việc cá nhân, gia đình. Một nguyên nhân khác là do chủ nghĩa cá nhân chi phối nên nhận thức và hành động không cùng song hành, dẫn tới nảy sinh vấn đề vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; ngại tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, thiếu trách nhiệm trong giải quyết các công việc, yêu cầu bức xúc của người dân; không tổ chức để nhân dân đối thoại, góp ý với cán bộ, đảng viên theo quy định; không thực hiện công khai theo quy định để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên. 

Những hạn chế trên là một trong những nguyên nhân làm cho quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay ở không ít nơi chưa đạt được yêu cầu đề ra, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đòi hỏi trong thời gian tới cần có những giải pháp để khắc phục.

Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho người dân về quyền tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về phát huy dân chủ, dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Thứ ba, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tăng cường hơn nữa các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh của người dân; nâng cao trách nhiệm giải trình của cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền, trực tiếp giải quyết các công việc có liên quan đến người dân.

Thứ tư, có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với những người dân kịp thời phát hiện, tố cáo các vụ, việc sai phạm của cán bộ, đảng viên; đồng thời xử lý nghiêm khắc những trường hợp cố tình trù dập người tố cáo.


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất