Từ quan điểm về dân chủ của Ph.Ăng-ghen


Từ quan điểm về dân chủ xã hội chủ nghĩa...

Theo C.Mác và Ph.Ăng-ghen, từ dân chủ chủ nô đến dân chủ tư sản và đến dân chủ vô sản (dân chủ XHCN) là những bước tiến của lịch sử. Các ông đã đánh giá một cách khách quan nền dân chủ tư sản, mặc dù là bước tiến bộ so với chế độ chuyên chế phong kiến nhưng dân chủ tư sản còn rất nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Ph.Ăng-ghen viết: “Tự do chính trị là tự do giả, là chế độ nô lệ tồi nhất; nó chỉ là cái vẻ bề ngoài của tự do, và vì thế, trên thực tế, nó là chế độ nô lệ. Bình đẳng chính trị cũng như vậy, vì thế chế độ dân chủ, giống như bất kỳ mọi hình thức quản lý nào khác, cuối cùng phải tan rã; sự giả dối không thể tồn tại lâu dài, mâu thuẫn che đậy ở trong đó tất yếu sẽ bộc lộ ra; hoặc là chế độ nô lệ thực sự, tức là chế độ chuyên chế không che đậy, hoặc là tự do thực sự và bình đẳng thực sự, tức là chủ nghĩa cộng sản”(1). Như vậy, Ph.Ăng-ghen đã vạch trần bản chất giai cấp của dân chủ tư sản, đó là dân chủ đối với thiểu số bóc lột và chuyên chính đối với đa số nhân dân lao động. Đó là nền dân chủ chứa đầy mâu thuẫn. Cách mạng XHCN là bước đi tất yếu để tiến tới một xã hội dân chủ chân chính. Ph.Ăng-ghen cho rằng, xã hội XHCN - cộng sản chủ nghĩa sẽ tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện trong thực tế nguyên tắc: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(2). Theo Ph.Ăng-ghen, trong giai đoạn thứ nhất của cách mạng XHCN, giai cấp vô sản phải trở thành giai cấp thống trị, phải “giành lấy dân chủ”. Chỉ có giành được chính quyền nhà nước, giai cấp vô sản mới xây dựng và phát huy được nền dân chủ XHCN, mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình là đưa nhân dân, trước hết là nhân dân lao động trở thành người chủ của xã hội, là chủ thể tối cao và duy nhất của mọi quyền lực.

Trong xây dựng chính đảng của giai cấp công nhân, Ph.Ăng-ghen đặc biệt chú trọng đến vấn đề dân chủ trong đảng. Năm 1885, sau 33 năm Liên đoàn những người cộng sản - chính đảng cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân giải tán, nói về cách tổ chức của Liên đoàn, Ph.Ăng-ghen khẳng định: “Bản thân tổ chức cũng hoàn toàn dân chủ với những BCH được bầu ra và luôn luôn có thể bị bãi miễn”#. Tinh thần dân chủ của Liên đoàn thể hiện từ cách thành lập, quyền hạn, cách kiểm soát BCH - cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn, đến cách kết nạp hội viên; từ quy định quyền hạn của cơ quan lãnh đạo đến quyền của các thành viên. Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản do chính Ph.Ăng-ghen soạn thảo quy định: Tất cả hội viên của Liên đoàn đều bình đẳng; cơ quan lãnh đạo các cấp của Liên đoàn từ chi bộ đến Đại hội Liên đoàn do bầu cử lập ra; “Các ủy viên BCH khu bộ và BCH Trung ương được bầu hằng năm, có quyền được bầu lại và có thể bị những người bầu ra mình bãi miễn bất cứ lúc nào”#…(3).

Với những quy định về cách tổ chức Liên đoàn những người cộng sản cho thấy cách tổ chức “hoàn toàn dân chủ” mà Ph.Ăng-ghen nói tới đã được vận dụng vào thực tiễn tổ chức, hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Tư tưởng Ph.Ăng-ghen về dân chủ đã gợi mở rất có ý nghĩa về dân chủ trong công tác cán bộ trên các phương diện tuyển chọn, thiết lập môi trường hoạt động, quản lý cán bộ, nhất là bảo đảm sự giám sát, kiểm soát quyền lực đối với cán bộ.

... Đến thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng hiện nay

 Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Việc tổ chức đối thoại, góp ý, phê bình, lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, đúng quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã coi trọng thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ, nên đã củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Bầu cử trong Đảng từng bước được đổi mới để dân chủ hơn. Việc bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Đảng ngày càng thể hiện rõ tinh thần dân chủ, cởi mở trong Đảng. Số lượng ứng cử viên vào BCH các cấp đều chú ý bảo đảm số dư theo quy định... Bên cạnh những tiến bộ đạt được, vấn đề dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ chưa được thực hiện đầy đủ, vẫn còn dân chủ hình thức. Những nội dung thực hiện dân chủ được ghi trong Điều lệ, Cương lĩnh của Đảng rất rõ, như: quyền được ứng cử, đề cử và bầu cử; quyền được phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp; quyền được thông tin; quyền được bầu cử và quyền bãi miễn những cán bộ không còn đủ tín nhiệm trong cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng và được cụ thể hóa trong các quy chế, quy định, hướng dẫn của Trung ương... nhưng việc thực thi những quyền này còn nhiều bất cập, hạn chế. Việc bầu cử trong không ít trường hợp chưa thật sự dân chủ, người bầu cử không nắm được đầy đủ thông tin, không hiểu rõ những người mình bầu là ai, sẽ làm được gì! Một số cấp ủy, tổ chức đảng thụ động, ỷ lại, hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo, chịu “sự tác động” từ bên ngoài. Việc lấy ý kiến, lấy phiếu tín nhiệm cán bộ còn mang tính hình thức, không ít trường hợp bị biến dạng. Chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, bãi miễn, thay thế kịp thời cán bộ yếu kém, không còn xứng đáng. Một số nơi, người đứng đầu độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng, coi công tác cán bộ như là một đặc quyền, bí mật, thậm chí bóp méo, lợi dụng dân chủ để hợp thức ý đồ cá nhân. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, tư tưởng cục bộ, ô dù trong công tác cán bộ đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận...

Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn dân chủ trong công tác cán bộ, cần chú ý một số vấn đề sau:

Một là, đội ngũ bí thư, cấp ủy viên các cấp cần nhận thức đúng vai trò quan trọng, yêu cầu bức thiết về thực hành dân chủ trong Đảng. Nêu cao trách nhiệm thực hiện đúng những nội dung và thực hành dân chủ trong công tác cán bộ. Coi trọng cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Nắm vững và thực hiện đúng những yêu cầu dân chủ trong các khâu của công tác cán bộ theo các quy định, quy chế, hướng dẫn của Đảng.

Hai là, trong tuyển chọn cán bộ, cần quán triệt và đề cao tính dân chủ, minh bạch, khách quan, công bằng. Trước hết cần thực hiện nghiêm túc các chủ trương Đại hội XII của Đảng đã đề ra, tiếp tục đổi mới công tác bầu cử trong Đảng, phương thức lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cần thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nghiên cứu cơ chế để thực hiện tranh cử. Mở rộng việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết đối với việc tuyển chọn cán bộ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng, sở ở tỉnh, thành phố và cấp vụ ở các bộ, ban, ngành Trung ương. Sớm ban hành quy chế thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị.

Ba là, mở rộng dân chủ trong đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ và đề cao thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đánh giá cán bộ phải dựa trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể theo hướng lấy hiệu quả công việc, sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân làm tiêu chí cơ bản. Cần cải tiến, hoàn thiện quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý để bảo đảm đánh giá khách quan, dân chủ và có hiệu quả. Thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, thời gian, quy trình quy hoạch và luân chuyển cán bộ. Mở rộng việc bố trí các chức danh chủ chốt như: bí thư cấp uỷ, chủ tịch UBND, chánh án toà án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, chánh thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành công an, tài chính, thuế, hải quan… không phải là người địa phương. Thực hiện tốt những chủ trương này chính là tăng cường dân chủ hóa công tác cán bộ.

Bốn là, xây dựng cơ chế bảo đảm các quyền của đảng viên về thông tin, phê bình, chất vấn cán bộ, cơ quan lãnh đạo... Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo trước tập thể, cấp dưới đã bầu ra mình để bảo đảm sinh hoạt dân chủ trong Đảng. Đây là một nội dung không thể thiếu khi sửa đổi, bổ sung để hoàn chỉnh chế độ bầu cử trong Đảng. Tổ chức và người phụ trách cấp trên phải thật sự lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cấp dưới, của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nên chăng, một số nội dung ở phiên họp BCH Trung ương có thể truyền hình trực tiếp cho toàn Đảng, toàn dân theo dõi.

Năm là, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống sự lạm dụng quyền lực. Đây là việc khó vì đụng chạm tới những lợi ích, thói quen, nếp làm việc của đội ngũ cán bộ, tuy nhiên phải kiên quyết làm. Quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng. Thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp BCH Trung ương và cấp ủy các cấp. Có chính sách khen thưởng, bảo vệ những người dám đấu tranh, tố cáo những khuyết điểm và sai phạm ngay trong tổ chức của mình, đồng thời đấu tranh, xử lý những người lợi dụng dân chủ để có hành vi vu cáo gây rối nội bộ.

-----

(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, NXB CTQG - Sự thật, H.1995, tập 1, tr.723. (2) Sđd, tập 4, tr.628. (3) Sđd, tập 4, tr.739.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất