Triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhiệm vụ đặt ra đối với toàn Đảng nói chung và các tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối nói riêng phải đổi mới, hoàn thiện đồng bộ giữa mô hình tổ chức doanh nghiệp với đổi mới, hoàn thiện nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng; kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trước thực tế đó, yêu cầu phải có quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối. Đây là văn bản quan trọng, liên quan trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của các đảng ủy cấp trên cơ sở trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước và có quan hệ trực tiếp đến nhiều cấp, nhiều ngành.
Để tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức lấy ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, đơn vị liên quan vào dự thảo quy định. Nhiều ý kiến của đại diện đảng uỷ tập đoàn, tổng công ty đã đề xuất, kiến nghị quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các đảng uỷ trong doanh nghiệp và thống nhất về mô hình tổ chức đảng.
Khắc phục tình trạng quy định không thống nhất
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nêu: Hà Nội hiện có 28 tổng công ty có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ thành phố. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đề nghị cần bổ sung một số nội dung lãnh đạo của đảng ủy cấp trên đối với tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống, nhất là nội dung lãnh đạo xây dựng tổ chức đảng, người lao động, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và công tác tổ chức, cán bộ. Cần cụ thể hóa nội dung của hai nhiệm vụ là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức cán bộ vì các nhiệm vụ này mỗi nơi mỗi khác và phụ thuộc nhiều vào ý chí của lãnh đạo doanh nghiệp. Do đó, Trung ương cần nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế, tránh tình trạng đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc đảng bộ cấp trên cơ sở, đảng bộ doanh nghiệp thành viên có cùng cấp bộ đảng với đảng bộ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nên xác lập đảng bộ toàn doanh nghiệp vì có nhiều ưu điểm hơn, thuận lợi cho công tác lãnh đạo, điều hành, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ
Đồng chí Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về việc lập các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc đảng bộ toàn tập đoàn, toàn tổng công ty; hướng dẫn việc lập mô hình tổ chức đảng tại cơ quan công ty mẹ tập đoàn (bao gồm bộ máy điều hành, bộ máy tham mưu giúp việc của tập đoàn) trực thuộc đảng bộ toàn tập đoàn.
Trong thực tiễn, tập đoàn kinh tế là một nhóm doanh nghiệp (gồm công ty mẹ tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên) và việc điều hành có 14.899 đảng viên, hoạt động khắp các vùng miền, ngoài biển và cả nước ngoài như ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia thì đang có những vấn đề đặt ra.
Tập đoàn kinh tế thực hiện thông qua công ty mẹ tập đoàn, hoạt động trong khuôn khổ pháp lý của công ty mẹ. Mô hình tập đoàn kinh tế đã hoàn thiện nhưng quyết định về tổ chức đảng chưa hoàn thiện, quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chưa thống nhất, quy hoạch, tiêu chí cán bộ. Ví dụ thời điểm đánh giá khác nhau: đảng quy định cuối năm, chính phủ quy định sau khi có báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, khoảng tháng 6, tháng 7. Đảng quy định 4 mức xếp loại, chính phủ quy định 3 loại. Đảng quy định 4 tiêu chí lớn, chính phủ quy định 7 tiêu chí...
Tập đoàn Điện lực Việt Nam được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Tập đoàn có hệ thống tổ chức đảng không toàn ngành. Cụ thể: Đảng bộ Tập đoàn là đảng bộ cấp trên cơ sở, hoạt động theo mô hình đảng bộ công ty mẹ mở rộng, bao gồm 19 tổ chức đảng trực thuộc.
Về cơ cấu tổ chức đảng các đơn vị thành viên không đồng bộ, thống nhất: Có nơi thành lập đảng bộ toàn tổng công ty, đơn vị; có nơi thành lập đảng bộ công ty mẹ hoặc đảng bộ cơ quan Tổng công ty, tổ chức đảng không theo mô hình tập trung, xuyên suốt từ trên xuống dưới mà được chia thành nhiều đầu mối trực thuộc các cấp uỷ địa phương khác nhau, trong đó có trường hợp tổ chức đảng của đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới cùng trực thuộc một cấp ủy.
Về mô hình các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cũng không thống nhất: Công đoàn Điện lực Việt Nam là tổ chức công đoàn toàn ngành, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đoàn Thanh niên Tập đoàn là tổ chức đoàn tương đương cấp huyện, trực thuộc Đoàn Thanh niên Khối Doanh nghiệp Trung ương. Như vậy, Tập đoàn có hệ thống tổ chức công đoàn đồng bộ với hệ thống tổ chức chuyên môn (chính quyền); hệ thống tổ chức đoàn thanh niên tương ứng với hệ thống tổ chức đảng.
Thực tế trên đang gây khó khăn, vướng mắc cho Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là công tác cán bộ. Hiện Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn quản lý cán bộ đến thủ trưởng các đơn vị cấp III, tuy nhiên việc đánh giá cán bộ hằng năm (đối với cán bộ của các đơn vị sinh hoạt đảng tại địa phương) không có đầy đủ thông tin, do chưa có quy định. Do đó, cần bổ sung quy định đối với mô hình tổ chức tập đoàn kinh tế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước chi phối. Xác định rõ đối tượng và phân biệt giữa đảng ủy cấp trên cơ sở và đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng.
Thực tiễn hiện nay, trong các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước chi phối chịu sự điều chỉnh theo các văn bản quy phạm pháp luật. Vai trò của cấp ủy đảng trong công tác cán bộ được quy định thuần túy chỉ là cấp cho ý kiến (đồng ý hoặc không đồng ý) về công tác cán bộ ở tất cả các khâu theo đề nghị của hội đồng thành viên và tổng giám đốc doanh nghiệp. Quy định nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ cần cụ thể hơn, theo hướng: Cấp ủy lãnh đạo những gì? Lãnh đạo như thế nào? Thẩm quyền được quyết định những gì, quyết định những khâu nào trong công tác cán bộ? Xây dựng quy chế, quy định gồm những gì? Đề nghị bổ sung thẩm quyền của ban thường vụ cấp ủy trong việc quyết định định biên cán bộ chuyên trách của các đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.
Nên thành lập đảng bộ toàn ngành khi đủ điều kiện
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT ngân hàng VietinBank cho biết: Đảng bộ VietinBank là một đảng bộ lớn với 70 tổ chức đảng trực thuộc và hơn 3.300 đảng viên, là đảng bộ lớn, trải rộng khắp cac tỉnh thành nhưng chưa áp dụng mô hình tổ chức đảng toàn ngành. Đảng uỷ VietinBank không lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống vì vậy việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng ủy có những bất cập. Công tác xây dựng đảng, phát triển đảng viên ở những đơn vị trong hệ thống chưa thuộc Đảng bộ có những hạn chế bởi công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên được thực hiện theo hướng dẫn của cấp ủy địa phương, chưa gắn kết với quy chế đánh giá cán bộ của Đảng bộ VietinBank. Trong khi đó hoạt động của ngành ngân hàng có những đặc thù riêng, tại địa phương, đảng uỷ khối doanh nghiệp tỉnh, thành phố hoặc đảng uỷ khối ngân hàng tỉnh, thành phố chỉ đạo chưa sát với nhiệm vụ chính trị của ngân hàng. Đảng bộ VietinBank mong muốn được kiện toàn theo mô hình đảng toàn ngành để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, thống nhất xuyên suốt toàn hệ thống.
Quy định rõ quyền hạn của tổ chúc đảng trong doanh nghiệp không còn vốn chi phối của nhà nước
Đảng bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có 114 tổ chức cơ sở đảng, 1.038 chi bộ, với 9.867 đảng viên. Trong đó có 24 tổ chức đảng thuộc doanh nghiệp nhà nước; 49 tổ chức đảng trong các công ty cổ phần, đảng bộ cơ sở có quy mô từ 300-400 đảng viên. Quá trình hoạt động của doanh nghiệp cổ phần đã phát sinh nhiều yếu tố bất cập, vai trò của tổ chức đảng dần dần bị hạn chế, nhất là ở những nơi Nhà nước không giữ cổ phần chi phối. Do cổ đông lớn chi phối, tổ chức đảng trong doanh nghiệp không có vai trò trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ. Một số doanh nghiệp sau cổ phần hoá làm ăn thua lỗ, lãnh đạo doanh nghiệp cũng như cấp ủy có sự biến động nên không phát huy được vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng.
Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Trung ương sớm có quy định về tổ chức đảng trong doanh nghiệp không còn vốn chi phối của Nhà nước, vì liên quan đến tổ chức đảng và các đoàn thể. Các doanh nghiệp không còn vốn chi phối của Nhà nước nên công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát khó thực hiện, chỉ kiểm tra một số lĩnh vực như nhiệm vụ đảng viên, chính sách cho người lao động, bảo đảm pháp luật trong sản xuất kinh doanh.
Một số vấn đề khác như tiêu chuẩn chính trị đối với các chủ doanh nghiệp vốn nhà nước còn chi phối nhưng không hoàn toàn thì các cổ đông tín nhiệm hay không phụ thuộc lớn vào năng lực lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Bí thư không phải là chủ doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp không phải là đảng viên; đảng viên không giữ vai trò chủ chốt; vai trò của tổ chức đảng không phát huy được... “Những mối quan hệ này cũng phải xem xét, nếu chức năng, nhiệm vụ như nhau thì sẽ khó thực hiện”.
Theo Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cần rà soát lại các luật, có quy định để tổ chức đảng, đoàn thể góp ý vào kế hoạch sản xuất kinh doanh. Hiện TP. Hồ Chí Minh có doanh nghiệp hàng trăm nghìn lao động nhưng vẫn là công đoàn cơ sở. Do đó, cần quan tâm nghiên cứu về bộ máy chỉ đạo, quy định số lượng tối đa trong các doanh nghiệp nhà nước. Quyền hạn của đảng ủy cấp trên cơ sở nên xác định chung, không để riêng mục quyền hạn.
Khó trong lãnh đạo nếu “ngang hàng”
Đảng bộ Tổng công ty Thép Việt Nam là đảng bộ công ty mẹ mở rộng với 39 tổ chức đảng trực thuộc, 876 đảng viên. Trong tổng công ty có đơn vị tỷ lệ vốn góp lớn nhưng tổ chức đảng trực thuộc đảng bộ cấp tỉnh, ngang cấp với Đảng bộ Tổng công ty nên khó khăn trong việc ký quy chế phối hợp.
Tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, vốn nhà nước 78% do hai cổ đông lớn nắm giữ là Tổng Công ty Thép Việt Nam và SCIC, trong khi đó Đảng bộ lại trực thuộc Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (đồng chí Bí thư Đảng ủy Công ty không phải là đại diện vốn của Tổng công ty và của SCIC). Việc ký quy chế phối hợp với cấp uỷ địa phương chưa triển khai thực hiện được (do không phải là tổ chức đảng đồng cấp) chính vì vậy đã có thời điểm xảy ra tình trạng không thống nhất giữa Đảng uỷ Tổng công ty và Tỉnh uỷ Thái Nguyên trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt của đơn vị.
Đảng bộ Tổng công ty Thép Việt Nam đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ đối với đảng uỷ: Lãnh đạo xây dựng và thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của bộ, ngành chủ quản.
Quy định quan hệ công tác giữa cấp ủy doanh nghiệp và cấp ủy địa phương
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp, cần xây dựng mối quan hệ công tác giữa đảng ủy với tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy; đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; cấp ủy địa phương nơi doanh nghiệp có đơn vị thành viên đóng trên địa bàn.
Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam kiến nghị Trung ương quy định rõ hơn trong công tác phối hợp về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ vì hiện nay các đơn vị thành viên của Tập đoàn đóng tại địa phuơng, có đơn vị trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, còn hầu hết trực thuộc đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh, khi thực hiện hiệp thương về công tác cán bộ giữa Tập đoàn với đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh thì tỉnh ủy lại không chấp nhận và yêu cầu phải hiệp thương với tỉnh ủy do đó rất khó khăn cho công tác cán bộ. Do đó, quy định rõ các tập đoàn, tổng công ty phối hợp với cấp ủy nào của địa phương.
Trung ương cần quy định cụ thể: Phối hợp bằng việc ban hành các nghị quyết, quyết định, quy định về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ và lãnh đạo các đoàn thể quần chúng. Quy định cụ thể, rõ ràng mối quan hệ thường xuyên giữa đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước chi phối với ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương. Làm rõ công tác quản lý cán bộ giữa Đảng và lãnh đạo chuyên môn, trong thực tế, ban cán sự đảng bộ, ngành lãnh đạo và quyết định về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, luân chuyển cán bộ đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt do bộ, ngành quản lý (Chủ tịch hội đồng thành viên, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Kiểm soát viên…); lấy ý kiến đảng ủy khối trong việc quy hoạch và bổ nhiệm các chức danh trên. Bổ sung quy định về mối quan hệ giữa đảng uỷ khối doanh nghiệp tỉnh, thành phố với cấp uỷ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Về mối quan hệ của đảng ủy với các tổ chức trong nội bộ doanh nghiệp, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Võ Thị Dung đề nghị, bí thư cấp ủy phải là người giữ vai trò chủ chốt trong doanh nghiệp thì mới thực hiện tốt được nhiệm vụ, phát huy vai trò của tổ chức đảng. Đồng quan điểm này, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phạm Xuân Cảnh đề nghị, bí thư cấp ủy nên là chủ tịch, tổng giám đốc.
Hoa Hiền