|
Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023.
|
Bài 1: Vấn đề đặt ra từ thực tiễn lực lượng lao động trẻ chất lượng cao trong doanh nghiệp nhà nước
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt
Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, quan điểm chỉ đạo của Đảng là đặt thanh niên vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên”. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết…”. Xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn xác định thanh niên là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng và đặt mục tiêu xây dựng thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, có bản lĩnh, trí tuệ, hoài bão lớn, không ngại khó khăn, gian khổ, xung kích, tiên phong, sáng tạo trên mọi lĩnh vực, đóng góp to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Từ Đại hội XI, Đại hội XII đến Đại hội XIII, Đảng đều xác định “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững” là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Đảng chủ trương: “Coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa giá trị truyền thống và hiện đại; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Đại hội Đảng lần thứ XII và XIII nhấn mạnh 3 đột phá chiến lược, một trong 3 đột phá đó là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn nhân lực chất lượng cao được hiểu là một bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực quốc gia, là nguồn nhân lực đáp ứng đồng thời các tiêu chí về chất lượng cao và trình độ cao - đó là nguồn lực con người được đào tạo và sử dụng có hiệu quả cao với tổng hợp các phẩm chất về nhân cách (tâm lực), tri thức sáng tạo (trí tuệ), năng lực thực hành (kỹ lực) và thể lực. Một số tiêu chí cơ bản có thể đánh giá về nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm: văn hoá, văn hoá nghề nghiệp, đạo đức, nhân cách, trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, năng lực tri thức chuyên môn... Nguồn lao động trẻ chất lượng cao thể hiện qua sức khỏe thể chất, tinh thần tốt; khả năng lao động giỏi và kỹ năng chuyên môn tốt, có những phẩm chất xã hội tốt đẹp như tinh thần nhân văn, tập thể, hòa nhập, thích nghi tốt trong các môi trường làm việc khác nhau... Nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi đất nước mở cửa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; rút ngắn khoảng cách tụt hậu đồng thời duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững; là yếu tố quyết định đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; là động lực chủ yếu tiếp cận và phát triển nền kinh tế tri thức; là điều kiện quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Lực lượng lao động trẻ Việt Nam là một lực lượng xã hội rộng lớn, giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước và các chủ thể xã hội chăm lo đào tạo để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, lực lượng lao động trẻ luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển lực lượng lao động trẻ vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Doanh nghiệp là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, là lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đaọ, nền tảng, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường, ổn định chính trị, xã hội của đất nước, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Không chỉ vậy, DNNN có vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm các DNNN thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Theo báo cáo ngày 19-9-2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có gần 680 DNNN (trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%) với tổng tài sản hơn 3,8 triệu tỷ đồng (trong đó, vốn nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỷ đồng; riêng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ doanh nghiệp cả nước). Với những con số như vậy càng khẳng định nguồn lao động trẻ chất lượng cao đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững và lâu dài của DNNN.
Lao động trẻ - lực lượng nòng cốt trong DNNN
Trong DNNN, lực lượng lao động trẻ chiếm khoảng trên dưới 40% lực lượng lao động, đóng vai trò nòng cốt trong lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trẻ trực tiếp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tại Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Lao động thanh niên là một trong những bộ phận chính của lực lượng lao động với khoảng 10,8 triệu người (chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước), mang lại một nguồn cung lao động dồi dào, trẻ, có nhiều tiềm năng. Chất lượng lao động thanh niên từng bước được cải thiện, trên 29,3% thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, đóng góp tích cực thúc đẩy nâng cao chất lượng và năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ cấu lao động thanh niên tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phần lớn thanh niên làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ (chiếm 69,2%).
Trong môi trường DNNN, hầu hết lực lượng lao động trẻ là những thanh niên ưu tú đã đứng trong tổ chức đoàn thanh niên, một số tiêu biểu là đảng viên trẻ của Đảng. Thông qua các phong trào, hành động cách mạng, vai trò của tổ chức đoàn thanh niên đã được khẳng định rõ nét. Từ thực tiễn hoạt động công tác, nhiều tấm gương sáng của thanh niên trong lao động, làm việc đã đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế của đất nước. Trong số những doanh nghiệp lớn của Nhà nước có thể kể đến như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam… giữ những vị trí quan trọng của nền kinh tế. Trong lĩnh vực bảo hiểm, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) và một trong số doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam đã có những đóng góp lớn cho cộng đồng.
Công tác thanh niên trong DNNN được quan tâm, phát huy hiệu quả. Giai đoạn 2017-2022 đã có rất nhiều ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu, ứng dụng khoa học của các đoàn viên thanh niên, nhiều sáng kiến được đánh giá cao và được ghi nhận ở doanh nghiệp. Các phong trào như hiến máu tình nguyện được thanh niên tích cực tham gia với gần 46.000 đơn vị máu; thanh niên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường hiệu quả… góp phần lan toả, nâng cao hình ảnh, thương hiệu, năng lực cạnh tranh của DNNN. Điển hình là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho cộng đồng, các chương trình có ý nghĩa sâu sắc, tiêu biểu như Chương trình “Giọt xăng hồng - Giọt dầu đỏ” hằng năm vận động được hàng nghìn đơn vị máu; ủng hộ và xây nhiều nhà tình thương, trao tặng quà cho trẻ em vùng cao, có hoàn cảnh khó khăn…
Thực tiễn rèn luyện trong công tác, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, nghề nghiệp của lao động trẻ trong DNNN ngày càng được cải thiện. Số lao động trẻ có tri thức, nắm vững khoa học - công nghệ tiên tiến, kỹ năng, tay nghề lao động, tác phong công nghiệp, phương pháp làm việc tiên tiến tăng lên. Đã xuất hiện những tấm gương lao động trẻ điển hình, tiêu biểu trên các lĩnh vực lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thể hiện được vai trò, trách nhiệm, nổi trội về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, phẩm chất đạo đức, năng lực quản trị, được giới thiệu, bồi dưỡng, rèn luyện, kết nạp đứng vào hàng ngũ của Đảng, được cấp uỷ tin tưởng, giao đảm nhận các vị trí lãnh đạo, quản lý trong DNNN. Theo thống kê ước tính chưa đầy đủ, số lãnh đạo có độ tuổi dưới 35 tuổi trong các doanh nghiệp thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương giai đoạn 2017-2022 có gần 3.600 người.
Thách thức với lao động trẻ trong DNNN trước cuộc cách mạng 4.0
Bên cạnh những mặt tích cực của lực lượng lao động trẻ hiện nay, một bộ phận thanh niên không nhỏ còn tồn tại những mặt hạn chế. Nhiều thanh niên thiếu lý tưởng, không có động lực phấn đấu cụ thể và rõ ràng cho bản thân, thờ ơ, thiếu quan tâm đối với các vấn đề xã hội, chưa nhận thức được về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội. Không chuyên tâm vào việc nâng cao năng lực trình độ bản thân, chưa thật sự cố gắng rèn luyện, cống hiến, lao động. Tại Diễn đàn trực tuyến với các tỉnh, thành phố với chủ đề “Chính sách việc làm cho thanh niên”, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ ra một số hạn chế, thách thức đối với lao động trẻ hiện nay. Đó là một bộ phận thanh niên ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu; nhiều sinh viên thiếu các kỹ năng mềm làm việc. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24, tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam (quý I-2023 là 7,61%, cao gấp 3,38 lần tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước).
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế chỉ ra rằng, cuộc cách mạng này có thể mang lại sự bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là ở khả năng phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế người lao động bằng máy móc có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa lợi nhuận so với vốn đầu tư và lợi nhuận so với sức lao động. Mặt khác, tri thức sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất trong tương lai và làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành các mảng "kỹ năng thấp/lương thấp" và "kỹ năng cao/lương cao", do đó dễ dẫn đến sự phân tầng xã hội ngày càng trầm trọng thêm.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra rất nhiều thách thức đối với vấn đề việc làm, nhất là khi lực lượng lao động truyền thống với những yêu cầu thấp sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo và rô-bốt hóa. Công việc của họ trên các dây chuyền sản xuất, vốn có tính lặp đi lặp lại cao sẽ bị thay thế.
Trước yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, lực lượng lao động trẻ còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế…
Đối mặt với những hạn chế cần sớm khắc phục, thực tiễn đặt ra những yêu cầu về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, công tác đoàn và phong trào thanh niên giúp tăng cường, thu hút, tập hợp, đoàn kết thanh niên, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trẻ, lực lượng lao động trẻ trong DNNN.
(Còn nữa...)
Chu Thị Linh Chi
Đảng bộ Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex