Cán bộ, đảng viên Agribank học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Ảnh 2: Đảng ủy Agribank tổ chức Hội nghị “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chuyên đề năm 2023.

Đảng ủy Agribank tổ chức Hội nghị “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chuyên đề năm 2023.

Hoạt động ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt, chứa đựng nhiều rủi ro, đó là kinh doanh tiền tệ, kinh doanh trên cơ sở chữ “tín”. Do vậy, người làm ngân hàng cần phải tuân theo những yêu cầu chuẩn mực khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức và tâm thức đúng với nghề. Đặc biệt trong thời đại hiện đại hóa, thì việc giữ vững được chữ “tín” của ngành và giữ được chữ “tin” với khách hàng là điều cần thiết hơn bao giờ hết, cùng đó là khẳng định kỹ năng trau dồi kinh nghiệm, nâng cao tinh thần “hiểu nghề giữ nghiệp” trong mọi hoàn cảnh, tình huống của cán bộ ngân hàng nói chung và của cán bộ Agribank nói riêng.

Vai trò của đạo đức cách mạng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thống kê trong di sản Hồ Chí Minh để lại có tới gần 50 tác phẩm bàn về vấn đề đạo đức. Có thể nói, đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của Người.

Một là, đạo đức cách mạng là động lực, sức mạnh tinh thần thôi thúc cán bộ, đảng viên ra sức thi đua công tác tốt, nghiên cứu tốt, học tập tốt, rèn luyện tốt; chống lại bệnh lười học tập lý luận chính trị. Đạo đức cách mạng góp phần vào việc xây dựng môi trường làm việc, học tập, rèn luyện đoàn kết, sáng tạo, đổi mới; xây dựng hình mẫu người cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, đạo đức cách mạng sẽ giúp người cán bộ, đảng viên xác định đúng đắn động cơ làm việc và vận dụng sáng tạo, có ý nghĩa những tri thức được trang bị vào trong thực tiễn công tác để xây dựng, phát triển địa phương, đơn vị.

Hai là, đạo đức cách mạng giúp cán bộ, đảng viên, không sợ sệt, rụt rè lùi bước khi gặp khó khăn, gian khổ và thất bại.

Trong cuộc sống, công tác, không chỉ có thuận lợi, mà còn có khó khăn. Nhiều khi có rất nhiều khó khăn, thậm chí có thất bại nặng nề. Nếu không có đạo đức cách mạng, có thể sẽ mềm lòng, nản chí, xuôi tay. Song, những cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng sẽ sống, làm việc và cống hiến vì lý tưởng, lợi ích chung, quyết không lùi bước. Họ không ngần ngại hy sinh lợi ích của riêng mình để bảo vệ, phát triển lợi ích chung của cơ quan đơn vị, của địa phương và toàn xã hội.

Ba là, đạo đức cách mạng giúp cho cán bộ, đảng viên khi thành công không say sưa, kiêu ngạo, công thần, xa rời quần chúng.

Người ta khi thành đạt, thành công, nếu không có sự tu dưỡng tốt sẽ dễ sinh bệnh tự cao, tự đại. Trong thực tế, có người chỉ mới làm được một số việc ở địa phương, cơ quan, đơn vị, đã tự cho mình là tài giỏi, cái gì cũng hay, cái gì cũng biết, đáng làm lãnh đạo. Khi thành công, nếu không có đạo đức cách mạng, dễ lên mặt, dạy đời và ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình, ưa sai khiến người khác; hay khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không giỏi bằng mình, ai cũng không làm bằng mình; không thèm học hỏi quần chúng, đồng nghiệp, không muốn cho người khác phê bình mình; việc gì cũng muốn làm thầy người khác. Cán bộ khi mắc bệnh trên, dù đã thành công, cũng bị quần chúng nhân dân xa rời, chán ghét. Vì vậy, mà từ thành công đến thoái hoá, thất bại không xa. Cho nên, khi thành công hay thắng lợi, cán bộ, đảng viên càng phải chú ý rèn luyện đạo đức cách mạng.

Bốn là, đạo đức cách mạng giúp cán bộ, đảng viên giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể.

Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng là xã hội trong đó tự do của mỗi cá nhân là điều kiện cho tự do của tất cả mọi người. Một xã hội trong đó lợi ích cá nhân được thoả mãn hài hoà với lợi ích tập thể và lợi ích của toàn xã hội. Như vậy, trong chủ nghĩa xã hội cơ bản là có sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân và lợí ích tập thể, lợi ích cá nhân nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm bảo thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện thực hiện được.

Song, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, không phải bao giờ cũng có sự thống nhất, trùng khít hoàn toàn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Khi đó, đòi hỏi một sự tự nguyện hy sinh lợi ích cá nhân của người cách mạng, vì lợi ích chung của tập thể, của giai cấp, nhân dân và dân tộc. Khi đó, có đạo đức cách mạng sẽ giúp cán bộ, đảng viên tự nguyện hy sinh lợi ích riêng của cá nhân mình vì lợi ích chung của tập thể. Và nhờ có đạo đức cách mạng người cán bộ, đảng viên luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên, lên trước lợi ích cá nhân và xác định được mình là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định trong xã hội thì phải đóng góp một phần công lao trong xã hội.

Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng

Hồ Chí Minh khẳng định: Đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người viết: Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

Người quan niệm: đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục. Tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện thường xuyên trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong mọi mối quan hệ của mình.

Phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời. Người dạy: Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra phương pháp công tác của người cán bộ, đảng viên là: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Sự gương mẫu đi đầu, lời nói đi đôi với việc làm mẫu mực là sự thuyết phục, cảm hoá để lôi cuốn nhân dân vào các phong trào cách mạng. Bởi vậy, đảng viên phải làm gương cho nhân dân cả về lời nói và việc làm, để cho dân tin, dân phục, từ đó làm cho dân tin Đảng, yêu Đảng và làm theo chính sách của Đảng và Chính phủ.

Đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây chính là phẩm chất đạo đức trung tâm gắn liền với mọi hoạt động hàng ngày của con người.

“Cần” tức là lao động cần cù, siêng năng, cố gắng dẻo dai, làm việc có năng suất, hiệu quả, không lười biếng, không dựa dẫm. Phải thấy rõ "lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta".

“Kiệm” là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của của dân, của nước, của bản thân mình; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to; không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương hình thức, không liên hoan, chè chén lu bù. Vì theo Người, “hoang phí là một tội ác”

“Liêm” là liêm khiết, trong sạch, không cậy quyền cậy thế mà đục khoét của dân, "luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân"; "không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân". Phải "trong sạch, không tham lam". Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại.

“Chính”, "nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn". Đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình.

Đối với người: không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà, không dối trá, lừa lọc.

Đối với công việc: để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà.

“Chí công vô tư”, là ham làm những việc ích quốc, lợi dân, không ham địa vị, không màng công danh, vinh hoa phú quý. Người nói: Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc. Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau; phải "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Người chí công vô tư thì lòng dạ thảnh thơi, đầu óc tỉnh táo, sáng suốt. Có chí công vô tư mới nêu cao được chủ nghĩa tập thể, từ bỏ được chủ nghĩa cá nhân.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư và ngược lại, chí công vô tư một lòng vì nước, vì dân thì nhất định sẽ được cần, kiệm, liêm, chính.

Xây dựng đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên Agribank

Là một trong các ngân hàng thương mại nhà nước được đánh giá đóng vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng, Agribank luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của một ngân hàng 100% vốn nhà nước trong việc thực thi nghiêm túc, có hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đầy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Với quy mô, mạng lưới rộng lớn và đội ngũ cán bộ nhân viên gần 40.000 người, để triển khai hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy lãnh đạo triển khai thực hiện Chỉ thị  05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ chính trị đồng bộ, toàn diện gắn với các giải pháp xây dựng, thực hiện văn hóa doanh nghiệp Agribank, đạo đức công vụ, cụ thể hóa thành “Tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và người lao động trong Đảng bộ Agribank theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Cán bộ, đảng viên, người lao động Agribank khắc sâu và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ kinh doanh hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025. Các hoạt động triển khai gắn với thực hiện Nghị quyết TW 4 Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phong trào thi đua “Cán bộ ngân hàng rèn đức, luyện nghề, sáng tạo”; phong trào cán bộ Agribank là đại sứ thương hiệu, phong trào thi đua yêu nước, gương điển hình tiên tiến; cam kết về rèn luyện, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; không có biểu hiện suy thoái; nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Thực hiện chuẩn mực đạo đức cán bộ theo cẩm nang văn hóa Agribank, Bộ quy tắc ứng xử của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Để việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian tới đạt hiệu quả thiết thực, cần phải quán triệt và tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Agribank xác định tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết TW4 khóa XII “ Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống, những biểu hiện “ tự diễn biến” “ tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Các cấp ủy Đảng phải tăng cường lãnh đạo, nghiên cứu sâu hơn những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên cơ sở bám sát các chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ đại hội XIII của Đảng. Nâng cao chất lượng xây dựng chương trình, hướng dẫn nội dung học tập, sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; định hướng nội dung, chương trình bồi dưỡng kiến thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác sơ kết, tổng kết hằng năm và toàn khóa. Tăng cường các hình thức thông tin tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, những cách làm hình thức, kém hiệu quả. Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Chú trọng tổ chức các phong trào thi đua lao động, thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, người lao động, từng tổ chức cơ sở đảng, từng đơn vị về tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tình hình mới là hết sức quan trọng. Bởi từ nhận thức đúng đắn, mỗi cá nhân, tập thể sẽ có những biện pháp, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, gắn học với hành, đem lại hiệu quả cao. Chính vì vậy, trong hệ thống Agribank ngày càng có nhiều gương điển hình về việc chu đáo, tận tình và tận tâm với khách hàng. Những tấm gương trả lại tiền thừa cho khách hàng luôn được nhân rộng qua nhiều năm. Do đó, niềm tin yêu của khách hàng đối với Agribank được gia tăng và củng cố.

Ngoài ra, Agribank chú trọng triển khai nhiều hoạt động xã hội từ thiện thông qua việc tài trợ kinh phí trao tặng các công trình an sinh xã hội; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, trạm y tế, xây dựng các trường học, đường giao thông nông thôn, tặng quà Tết cho người nghèo, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai, bão lũ…Hằng năm thông qua tổ chức công đoàn vận động cán bộ viên chức người lao động đóng góp 4 ngày lương/năm để ủng hộ các quỹ: Quỹ tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ vì người nghèo... Với những đóng góp tích cực cùng Ngành Ngân hàng góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong nhiều năm qua, Agribank được ghi nhận là ngân hàng vì cộng đồng; Doanh nghiệp có thành tích xuất sắc phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời kỳ đổi mới; Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và phát triển cộng đồng.

Định hướng người cán bộ ngân hàng Agribank trong thời đại ngày nay

Trong giai đoạn hiện nay, ngành Ngân hàng đang đứng trước những yêu cầu mới về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ “ vừa hồng vừa chuyên”. Do vậy, thấm nhuần những căn dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ ngành Ngân hàng cần tiếp tục học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Để có nền tảng tư tưởng vững chắc, nêu cao những phẩm chất đạo đức cần thiết, xây dựng hình ảnh đẹp đối với xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng, mỗi cán bộ cần thực hiện tốt những lời căn dặn của Người mọi lúc, mọi nơi, mọi vị trí công tác.

Tính đặc thù của hoạt động ngân hàng đòi hỏi người cán bộ phải có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh vững vàng trước mọi cám dỗ, có trách nhiệm cao để giữ được sự tín nhiệm và lòng tin của khách hàng, đối tác, uy tín của ngân hàng mình và của ngân hàng đối với xã hội. Xuất phát từ luận điểm đó, ngày 25-2-2019, Hiệp Hội Ngân hàng ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng, nhằm thúc đẩy việc thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử của cán bộ ngân hàng, góp phần tăng niềm tin và giữ gìn hình ảnh đẹp về ngành Ngân hàng. Bộ chuẩn mực nêu 6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và 2 quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Sáu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp gồm: Tính tuân thủ; Sự cẩn trọng; Sự liêm chính; Sự tận tâm và chuyên cần; Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng; Ý thức bảo mật thông tin. Hai quy tắc ứng xử gồm: Ứng xử trong nội bộ và Ứng xử với khách hàng và đối tác. Đối với Ứng xử trong nội bộ, có sự phân tách thành: ứng xử của cán bộ cấp dưới đối với cấp trên; ứng xử của cấp trên đối với cấp dưới; ứng xử đối với cán bộ đồng cấp. Đối với Ứng xử với khách hàng và đối tác, Bộ chuẩn mực đưa ra những quy định khái quát về thái độ, phong cách giao tiếp với khách hàng và đối tác, thể hiện tính lịch sự và chuyên nghiệp của người cán bộ ngân hàng, từ đó tạo ra không khí làm việc nghiêm túc, môi trường lành mạnh, giúp cho bộ máy ngân hàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài vận hành trôi chảy, thúc đẩy ngân hàng phát triển, đáp ứng kỳ vọng của nhân viên, của khách hàng và xã hội.

Giải pháp trong thời gian tới

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh tụ cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam từng dạy rằng: “Có tài phải có đức”. Theo Người, đức và tài phải được biểu hiện bằng kết quả công tác, phải luôn thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau trong nhân cách người cán bộ cách mạng. Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Người, mỗi thành viên Agribank luôn trau dồi, cố gắng phấn đấu trở thành người cán bộ cách mạng có đạo đức cách mạng. Giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, cùng với toàn ngành Ngân hàng phát triển kinh tế đất nước, lời căn dặn ấy chính là động lực mạnh mẽ thôi thúc cán bộ ngành Ngân hàng không ngừng phấn đấu vươn lên rèn đức, luyện tài, góp sức xây dựng phát triển hoạt động toàn ngành Ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ.

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tính tự giác, tích cực chủ động trong tự bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống.

Đạo đức công chức không phải tự thân mà có. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức công vụ để trở thành đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập nâng cao trình độ, năng lực; luôn bám sát thực tiễn, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; rèn luyện bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, quản lý, khả năng cùng làm việc với tập thể, khả năng tổ chức thực hiện và tính trách nhiệm (đặc biệt là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị). Cần chú trọng tinh thần rèn luyện phẩm hạnh, lòng tự trọng; phải coi việc rèn luyện đạo đức của cán bộ, công chức theo hướng trong sạch, liêm chính là biện pháp quan trọng đầu tiên để hạn chế tham nhũng, làm cho công chức tự thấy được rằng không nên, không muốn, không dám và nhất là không thể tham nhũng.

Hai là, có tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong thực hiện công việc.

Mọi người cần đoàn kết, hợp tác chặt chẽ thì công việc mới hoàn thành được. Người cho rằng: “Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị”. Tuy nhiên, thân ái, hợp tác ở đây không phải là bao che khuyết điểm cho đồng nghiệp mà để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm kỷ luật trong thi hành công vụ và cuộc sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng, ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời.

Những chuẩn mực đạo đức cách mạng này có quan hệ, tác động lẫn nhau trong một hệ thống chuẩn mực thống nhất. Có lòng trung với nước, hiếu với dân, có lòng yêu thương con người thì mới hết lòng, hết sức đem tài đức của mình phục vụ nhân dân. Có như vậy mới thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận tụy vì công việc chung. Nhờ vậy mới giữ được kỷ luật của cơ quan, tổ chức, mới rèn được tinh thần trách nhiệm cao với công việc và ý chí phấn đấu vươn lên không ngừng. Khi giữ được phẩm chất trong sạch, không tham địa vị, danh vọng, tiền tài, có lòng chính trực thì chắc chắn sẽ có tình thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong công việc.

Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức phương pháp bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Mục đích cao nhất của việc đổi mới nội dung bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên là hướng vào nâng cao nhận thức cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cần làm cho họ có động cơ phấn đấu rèn luyện đúng đắn, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có trách nhiệm cao với công việc, với đơn vị và bản thân. Do vậy, nội dung bồi dưỡng, rèn luyện cần hướng trọng tâm vào nâng cao năng lực quán triệt và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của đảng viên.

Đổi mới nội dung, hình thức phương pháp bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên trước hết là đổi mới nhận thức và tư duy của các lực lượng, các đối tượng. Cùng với đó là đổi mới cách thức quán triệt và tổ chức thực hiện kế hoạch học tập lý luận chính trị theo quy định, học tập và triển khai thực hiện nghị quyết, các chuyên đề, các đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng… Tổ chức tốt hoạt động thực tiễn gắn với thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị; đưa đội ngũ đảng viên vào hoạt động thực tiễn để thử thách, rèn luyện và đánh giá kết quả khách quan, chính xác. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ chủ chốt, bí thư cấp uỷ và những đảng viên lâu năm có uy tín trong đơn vị thường xuyên gần gũi, động viên, giáo dục, thuyết phục đội ngũ đảng viên khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày, những điển hình tiên tiến trong đội ngũ đảng viên để giáo dục lẫn nhau. Duy trì thực hiện nghiêm nền nếp chế độ sinh hoạt, nhất là sinh hoạt tự phê bình và phê bình; thực hiện tốt việc phân loại đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm. Thông qua đó, các cấp ủy, người đứng đầu nắm chắc điểm mạnh, điểm yếu, kết quả phấn đấu rèn luyện của từng tổ chức đảng và đảng viên; chỉ ra được nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót, đề ra nội dung biện pháp, giúp tổ chức đảng và từng đảng viên khắc phục hạn chế, khuyết điểm kịp thời góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Bốn là, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng trong mọi lĩnh vực công tác và cuộc sống đời thường để làm mẫu mực cho quần chúng. Trong đó, mỗi người, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải nêu gương về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm, cao hơn là làm rồi mới nói, làm nhiều nói ít...; xây đi đôi với chống, trong xây có chống và ngược lại, xây dựng và bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp gắn liền với chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Mỗi người tùy chức năng, nhiệm vụ được giao phải tận tâm, tận lực thực hiện đúng và tốt chức trách được giao; đi trước, làm gương cho quần chúng noi theo, tránh kiểu “đánh trống bỏ dùi”; phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám “cả quyết sửa lỗi mình”; làm gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của nhân dân, của đất nước, tránh vì lợi ích cá nhân mà vi phạm tư cách, đạo đức, lối sống. Thông qua đó, tự soi và sửa mình, nghiêm túc tự phê bình và phê bình nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm của bản thân.

Năm là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Mọi cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương với đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi đảng viên cần quán triệt sâu sắc và nhận diện đúng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tích cực, chủ động, thực hiện có hiệu quả quan điểm, phương châm, chủ trương, giải pháp của Đảng về đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Từng cán bộ, đảng viên cần có thái độ kiên quyết trong đấu tranh với những biểu hiện vi phạm; đề cao tính tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, trong công tác và trong cuộc sống hằng ngày; kết hợp chặt chẽ đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, góp phần xây dựng trận địa tư tưởng vững chắc trong đơn vị, xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Sáu là, thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát và phân tích đánh giá chất lượng đảng viên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Thực tiễn cho thấy, có làm tốt việc kiểm tra đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cấp ủy, chi bộ mới xem xét, đánh giá, phân tích, kết luận chính xác về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Thông qua kiểm tra, giám sát là biện pháp giáo dục, góp phần chủ động ngăn ngừa vi phạm và cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe đối với mọi cán bộ, đảng viên; ngăn ngừa, hạn chế vi phạm kỷ luật đảng, làm trong sạch đội ngũ. Chính vì thế, công tác này có ý nghĩa hết sức quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên, công tâm, khách quan, gắn với thi hành kỷ luật đảng.

Trong bối cảnh hiện nay, đạo đức con người đang chịu những ảnh hưởng to lớn bởi các lợi ích kinh tế, lợi ích cá nhân. Vấn đề đặt ra đối với các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, sàng lọc, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, xử lý nghiêm minh những đảng viên thoái hóa về tư tưởng chính trị, vi phạm đạo đức, lối sống, tham nhũng, cố tình vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tạo nền tảng cho việc bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên hiện nay, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Bảy là, xây dựng và hoàn thiện đạo đức công vụ là một yêu cầu cấp bách vì sự tồn tại, phát triển của chế độ, của đất nước. Nội dung xây dựng và hoàn thiện đạo đức công vụ hướng vào hai đối tượng: đội ngũ công chức với tư cách là chủ thể của đạo đức; Nhà nước và các cơ quan nhà nước với tư cách là nhân tố bảo đảm cho quá trình xây dựng và phát triển đạo đức công vụ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song cuộc đời, sự nghiệp của Người là mẫu mực của đạo đức cách mạng, luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, gương mẫu đi đầu, đặc biệt là tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời. Người luôn khẳng định đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cách mạng và rèn luyện đạo đức cách mạng là nhu cầu tự thân; đồng thời là yêu cầu tất yếu, khách quan của người cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng. Không chỉ nêu ra, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đạo đức cách mạng, suốt cuộc đời Hồ Chí Minh là một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng cho mỗi cán bộ, đảng viên noi theo. Sống, làm việc và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mãi mãi là yêu cầu cấp thiết, khẩu hiệu hành động của mỗi chúng ta. Có như vậy, mỗi người cán bộ, đảng viên mới thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng, mới trở thành những người “công bộc” của dân như chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn .

---------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính, môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị - Hành chính, chỉnh lý và cập nhật năm 2016.

2. Nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia, năm 1993.

3. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

4. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

5. Website http://dangcongsan.vn

6. Website http://www.tapchicongsan.org.vn

7. Website http://www.agribank.com.vn 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất