|
Du khách trải nghiệm hái trái cây tại vườn Hòa Khánh.
|
“Mỏ vàng” trong phát triển kinh tế nông thôn
Đồng Nai là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất vùng Đông Nam Bộ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn quả không ngừng tăng lên. Nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả bên cạnh hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, đã và đang phát triển du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp. Việc đầu tư khai thác du lịch miệt vườn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với chỉ phát triển canh tác thuần túy.
Đi đầu trong khai thác du lịch từ xây dựng nông thôn mới (NTM) phải kể đến mô hình du lịch sinh thái vườn tại xã Bình Lộc (TP. Long Khánh). Bình Lộc được xem là thủ phủ trái cây của Long Khánh, với những vườn chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… được chăm sóc theo hướng thân thiện môi trường, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, vừa bảo đảm an toàn cho du khách khi tham quan và trải nghiệm thu hoạch trái cây tại vườn cùng người nông dân. Hiện nay, chất lượng trái cây và nông sản xã Bình Lộc được nâng cao. Các chương trình sản xuất nông sản an toàn, theo hướng VietGAP, hữu cơ và phát triển cây trồng chủ lực... được duy trì hiệu quả. Trái cây Bình Lộc từng giành nhiều thứ hạng quan trọng qua các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, sản phẩm chôm chôm Long Khánh từng được công nhận là một trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng và được cấp chỉ dẫn địa lý từ nhiều năm trước. Đây là một trong những thuận lợi để xã Bình Lộc tiếp tục phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn, góp phần xây dựng NTM bền vững.
Phát huy tiềm năng sẵn có, hiện nay, Đồng Nai đang có chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích người dân làm nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự kết nối giữa các khu, điểm du lịch, tạo chuỗi sản phẩm du lịch trong tương lai. Chính quyền nhiều địa phương cũng đã tổ chức các cuộc thi nhà vườn kiểu mẫu, lễ hội trái cây để khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Có thể kể đến một số địa phương như huyện Tân Phú, huyện Ðịnh Quán, huyện Cẩm Mỹ, TP. Long Khánh…, nông dân đang chủ động gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch.
Thành lập vào năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Ca cao Suối Cát (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) gồm 22 thành viên tham gia canh tác trên diện tích 21,2ha ca cao. Với quy trình sản xuất sạch hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều năm qua, sản phẩm quả ca cao của HTX được nhiều công ty thu mua đánh giá cao về năng suất và chất lượng. Vừa qua, HTX vừa ra mắt Vườn du lịch trải nghiệm về cây ca cao. Hiện nay, HTX đã trang bị thêm hệ thống máy móc trong các khâu ủ, tách hạt, chế biến thành các sản phẩm như bột ca cao và ca cao dạng viên nén. Đồng thời, xây dựng một số hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên, huyện sẽ chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, hồ và vườn để tăng doanh thu, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Kết nối sản phẩm bằng du lịch
Đồng Nai hiện đang đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ về số lượng sản phẩm OCOP với 150 sản phẩm được công nhận. Sự đa dạng về chủng loại với nhiều sản vật mang đặc trưng của các địa phương đã được chứng nhận an toàn là thế mạnh cần được khai thác thành sản phẩm phục vụ nhu cầu ẩm thực, tiêu dùng của khách du lịch như: khô cá kìm, hạt sen, bưởi, gà thảo mộc, sản phẩm chế biến từ quả ca cao, trái cây chế biến…
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cơ hội để quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Qua đó, vừa nâng cao năng lực cộng đồng, vừa thúc đẩy tiêu thụ trong điều kiện nông sản và sản phẩm OCOP gia tăng cả về số lượng, sản lượng và quy mô sản xuất. Chương trình OCOP được Đồng Nai xác định là một trong những động lực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng. Tỉnh đặt ra mục tiêu cao cho chương trình, không chỉ phát triển về số lượng chủ thể, sản phẩm, mà còn phải chú trọng cả về mặt chất lượng.
Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Xuân Bắc (xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) với hướng phục vụ du khách tham quan các nhà vườn. Đây là tổ hợp tác du lịch sinh thái đầu tiên của huyện Xuân Lộc được hình thành với sự tham gia của 8 thành viên và sẽ là điểm đầu tiên hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch OCOP cho Xuân Lộc. Khách du lịch vừa có thể trải ngiệm, vừa có thể tự tay thu hoạch trái cây và mua làm quà cho người thân.
Anh Văn Thành Toàn, thành viên Tổ hợp tác chia sẻ, khoảng 4 năm trước, trên cơ sở vẫn chăm sóc vườn cây và thu hoạch theo cách truyền thống như trước, anh đã tận dụng một số vị trí để trồng các loại hoa, tạo dựng cảnh quan trong vườn và bán vé cho du khách vào tham quan. Ý tưởng mới lạ đã mang lại cho anh những kết quả ngoài mong đợi khi lượng khách đến đông, cho thu nhập cao hơn thu nhập từ thu hoạch trái cây. Đến nay, anh Toàn đang hợp tác với một doanh nghiệp lữ hành của tỉnh xây dựng khu vui chơi, trải nghiệm những công việc làm vườn, trồng rau, bắt cá nhằm phục vụ đối tượng khách chính là học sinh.
Để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, bà Nguyễn Thái Tường Vân, Giám đốc Công ty Thái Loan Travel cho hay, đơn vị đã đi khảo sát nhiều điểm đến ở Xuân Lộc và hợp tác cùng các hộ nông dân. Đến nay, công ty đã đưa vào khai thác 4 tour và nhận được phản hồi tích cực từ du khách. Trong đó, sản phẩm Làng du lịch cộng đồng với hơn 10 hộ dân trồng vườn mít, vườn bưởi, chuối, dưa lưới, ổi… được nhiều du khách đặc biệt quan tâm.
Ngoài ra, nhiều cơ sở hoạt động du lịch sinh thái khác cũng bước đầu mang lại hiệu quả như: Vườn hoa Bốn Mùa (xã Xuân Bắc), Hợp tác xã Ca Cao (xã Suối Cát), điểm tham quan Lang Minh Farm (ao Sen Lang Minh), The Lúa (Lang Minh), Đồi hoa mặt trời (xã Xuân Trường)…
|
Tour du lịch cộng đồng của cơ sở Vườn hoa bốn mùa (ấp 6, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).
|
Bà Huỳnh Thị Lành, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, để tăng thu nhập cho bà con nông dân, huyện đã bước đầu tập trung khai thác các sản phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, huyện vừa đưa vào phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, thu hút nhiều khách đến tham quan và thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương.
Từ hiệu quả của mô hình kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái cho thấy, du lịch sinh thái vườn ở Đồng Nai nếu được khai thác tốt sẽ giúp đời sống của nhiều người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là hiện nay, tốc độ đô thị hóa ở khu vực Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhanh, nhiều người dân sẽ có nhu cầu du lịch sinh thái. Với vị trị địa lý thuận lợi, gần TP. Hồ Chí Minh nên cơ hội mở rộng du lịch sinh thái vườn ở Đồng Nai rất lớn.
Lê Thắng