Kỳ 1: Hiện thực hóa khát vọng “rồng bay”
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”
Từ xa xưa, thắng cảnh hồ Tây đã đi vào thơ văn cổ như một vùng văn học riêng biệt, là nguồn cảm hứng, nguồn thi đề, nguồn rung động của bao thế hệ danh nhân tài tử. Văn học cổ cũng có ba nữ nhà thơ tài danh đều sống quanh hồ Tây là Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan và Hồ Xuân Hương. Theo tác giả Nguyễn Vinh Phúc của “Mặt gương Tây Hồ”, Hồ Tây đích thị là nàng Tây Thi… là một tấm gương nước, dĩ nhiên còn là một tấm gương phản ánh tâm tư tình cảm của văn nhân thi sĩ. Những hệ giá trị khác nhau như cảnh quan, kiến trúc, lịch sử, văn học… đã nâng tầm hồ Tây lên thành một chủ đề đặc sắc trong nền văn hóa của Việt Nam.
Dân gian xưa vẫn truyền tụng câu nói: “Địa vô Tây Hồ, Thăng Long bất thành đô”, (có nghĩa đất không có hồ Tây, Thăng Long không thành kinh đô). Câu nói đã thể hiện những giá trị lịch sử của hồ Tây nói riêng và vùng đất Tây Hồ nói chung trong tiến trình phát triển của mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Những chứng tích lịch sử đã chứng minh sự ra đời của hồ Tây đều gắn liền với sự ra đời của nước Việt Nam. Theo huyền thoại, sự hiện diện của hồ Tây ở Hà Nội là một trong ba công tích của Lạc Long Quân. Về mặt khoa học, hồ Tây chính là một món quà, "một của hồi môn" mà sông Hồng dành tặng cho Thăng Long - Hà Nội.
Hồ Tây như đúng cái tên gọi của nó, hồ phía Tây của Hoàng thành Thăng Long xưa. Trong tâm thức của mỗi người dân Thủ đô ngàn năm văn hiến, vùng đất Tây Hồ luôn hiện lên với những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc, là mảnh đất “rồng thiêng hội tụ” với thế đất “long phượng trình tường, phượng hoàng ẩm thủy”. Người đời vẫn đánh giá, đây là nơi tụ thủy, tụ nhân, hội tụ, kết tinh, lan toả văn hóa của Việt Nam ít nhất từ thế kỷ thứ V đến giờ, là trung tâm của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Hiện nay, hồ Tây đang là một thắng cảnh, địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội gắn liền với diện tích mặt nước rộng lớn 526 ha, xung quanh hồ có 71 di tích văn hóa lịch sử như: Chùa Trấn Quốc, Chùa Kim Liên, Phủ Tây Hồ, Đền Đồng Cổ, Đền Voi Phục... Bên hồ Tây có nhiều làng nghề nổi tiếng từ xa xưa như nghề làm giấy Dó ở An Thái Bưởi, làng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, xôi Phú Thượng, trà sen Quảng An... gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.
|
Theo đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ: “Với không gian xanh rộng lớn của hồ Tây, sắc xuân rạng rỡ trên những vườn đào Nhật Tân, Phú Thượng hay sắc thu vàng rực nơi vườn hoa bãi đá sông Hồng, Thung lũng hoa hồ Tây cùng với hương sen Bách Diệp thơm ngát trên những đầm sen lộng gió vào mùa hè... đã góp phần tạo nên bốn mùa tươi đẹp giúp Tây Hồ níu chân du khách. Cùng với đó, nét văn hóa truyền thống được bao thế hệ người dân vùng Bưởi, Thụy Khuê, Nhật Tân, Yên Phụ... gìn giữ trong những nếp nhà cổ ở những ngôi làng trong phố cũng góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa”.
|
Đảng ta xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. Đảng luôn coi trọng vai trò của văn hóa và quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Văn hóa là nguồn sống, nguồn động lực phát triển của Hà Nội; phải giữ bằng được những di sản văn hóa của cha ông để lại”.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đảng bộ Thành phố chú trọng, tập trung việc phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long.
Khát vọng về việc xây dựng nền công nghiệp văn hoá của Thủ đô đã được chuyển hoá thành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022 “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây được xem là bước đột phá phát triển văn hóa Thủ đô, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống tinh thần của Nhân dân.
Theo đó, Hà Nội đã đã đặt mục tiêu đến năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế văn hóa phát triển toàn diện, bền vững, trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Quy hoạch này hướng tới khuyến khích xây dựng không gian mới hiện đại, đồng thời, gìn giữ các công trình di tích lịch sử, mang đậm nét văn hóa dân tộc.
|
Đầu tháng 7-2024, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có rất nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực văn hóa, công nghiệp văn hóa nhằm định hướng và quản lý sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, với nhiều chính sách vượt trội, phân cấp, phân quyền nhiều hơn. Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo ra nhiều ưu đãi, điều kiện thuận lợi cho phát triển hạ tầng văn hóa, bao gồm việc xây dựng các trung tâm văn hóa, thư viện, bảo tàng và các công trình phục vụ các hoạt động nghệ thuật, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực văn hóa. Luật Thủ đô cũng có những quy định liên quan đến việc giáo dục và nâng cao nhận thức về văn hóa cho thế hệ trẻ. Theo đó, giáo dục văn hóa là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì và phát triển bản sắc văn hóa của Thủ đô.
Theo PGS, TS. Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đánh giá: “Luật Thủ đô không chỉ nhằm quản lý và định hướng phát triển kinh tế, xã hội mà còn chú trọng đến việc bảo tồn, phát triển và nâng cao giá trị văn hóa của Thủ đô Hà Nội, góp phần xây dựng một Thủ đô không chỉ giàu mạnh về kinh tế mà còn phong phú và đa dạng về văn hóa, thực sự là trung tâm văn hóa của cả nước”.
Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có 7 lần được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng (QHCXD) và 4 lần điều chỉnh địa giới. Trong các quyết định phê duyệt QHCXD Thủ đô Hà Nội đã xác định, ngoài khu vực Ba Đình, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội còn có trung tâm là khu vực hồ Tây.
Năm 1981, đồ án quy hoạch Hà Nội lấy Hồ Tây làm trung tâm được duyệt. Đặc biệt, QHCXD Thủ đô Hà Nội phê duyệt năm 1992 xác định rõ khu vực hồ Tây là trục trung tâm của Hà Nội với tiêu chí tổng quát “Khu vực hồ Tây phải được quy hoạch xây dựng thành Trung tâm giao dịch quốc tế, trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm văn hóa thể thao và là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí Thủ đô”. Đây cũng là lần đầu tiên, Thủ đô xác định cần phát huy giá trị của các khu vực hồ Tây và đưa ra một yêu cầu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên của khu vực, không để xâm phạm hoặc làm sai phạm đến cảnh quan.
Theo đó, để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng “Quyết tâm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô”, ngày 10-4-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Tây Hồ đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/QU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở nội dung Nghị quyết số 10-NQ/QU ngày 12-4-2022, UBND quận đã ban hành Quyết định số 1433/QĐ-UBND ngày 1-6-2022 phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” với 7 mục tiêu cụ thể cho 2 giai đoạn cùng 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm.
Căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tiễn của địa phương, quận Tây Hồ xác định phát triển công nghiệp văn hóa tập trung vào các lĩnh vực: Du lịch văn hóa; Làng nghề truyền thống; Lễ hội truyền thống; Không gian văn hóa sáng tạo; Phát huy giá trị của các di tích - là những lợi thế riêng có của quận Tây Hồ, phù hợp với mục tiêu định hướng tập trung đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Thời gian qua, quận Tây Hồ cũng đã quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết và đề án như: Đề án “Nâng cao chất lượng các hoạt động Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025”; Đề án “Xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch trên địa bàn quận”; Kế hoạch số 288/KH-UBND ngày 9-8-2023 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2023-2025”; Kế hoạch số 289/KH-UBND ngày 9-8-2023 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận năm 2023”...
Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Luật Thủ đô sửa đổi quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.
Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển cho khu vực Tây Hồ. Việc quy hoạch khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm sẽ giúp cải thiện cảnh quan và môi trường xung quanh khu vực Tây Hồ. Việc phát triển các công viên, khu vực công cộng và không gian xanh sẽ tạo ra một môi trường sống trong lành và hấp dẫn. Bên cạnh đó, sự phát triển của khu vực hai bên sông Hồng sẽ kéo theo việc nâng cấp hạ tầng giao thông, bao gồm các tuyến đường mới, cầu và hệ thống giao thông công cộng kết nối với Tây Hồ, giúp cải thiện khả năng tiếp cận và thuận tiện cho người dân di chuyển trong khu vực. Đồng thời, sẽ thúc đẩy các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và du lịch trong khu vực Tây Hồ.
Đồng chí Lê Thị Thu Hằng cho biết, với việc Luật Thủ đô đi vào thực tiễn, cũng như việc Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, quận sẽ xác định nhiệm vụ ít nhất trong 5 năm tới là lựa chọn những dự án mang tính trọng điểm để đầu tư công trung hạn, đặc biệt là việc nâng cấp hạ tầng giao thông đô thị…, trên tinh thần làm đến đâu chắc đến đó, có tầm nhìn chiến lược chứ không phải theo tư duy nhiệm kỳ.
|
Với tư cách là người nghiên cứu, đóng góp ý kiến với vấn đề Quy hoạch của Thủ đô giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 dưới góc độ văn hóa, tôi đánh giá cao vị trí trung tâm của hồ Tây trong quy hoạch chiến lược của Thủ đô. Theo quy hoạch Thủ đô, trục sông Hồng được coi là trục trung tâm, mang ý nghĩa đột phá quan trọng nhất, điều này mang lại tiềm năng và lợi thế to lớn đối với quận Tây Hồ về việc phát triển văn hóa.
Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, việc Trung Quốc lấy công nghiệp văn hóa làm nền kinh tế mũi nhọn cho thấy, họ đã rất thành công khi phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên những di sản văn hóa. Ông Nguyễn Quang Ngọc cho biết, thủ đô Bắc Kinh có 7 di sản văn hóa thế giới, với 1065 công viên, chủ yếu là công viên di sản. Du khách đến thăm các hệ thống công viên này một năm lên đến 100 triệu lượt. Riêng "Di Hòa Viên" một năm đón có khoảng 21 đến 23 triệu khách, tương đương với Thủ đô Hà Nội.
Ông Nguyễn Quang Ngọc đặc biệt hoan nghênh việc quận Tây Hồ có định hướng xây dựng hệ thống công viên cảnh quan quanh khu vực hồ Tây và kết nối để tạo thành hệ thống các công viên di sản. Đây là hướng phát triển đúng, nhanh, mạnh nhưng mang lại giá trị bền vững.
|
(Còn tiếp)
Đỗ Anh