Đột phá về đích nông thôn mới nâng cao
Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán.

Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán.

Gỡ khó từ sự chỉ đạo đúng đắn

Định Quán là huyện nghèo miền núi của tỉnh Đồng Nai. Khi triển khai chương trình xây dựng NTM nâng cao, Định Quán đứng trong tốp giữa của tỉnh Đồng Nai, điều kiện triển khai thực hiện chương trình còn nhiều khó khăn, phải giải quyết từng bước bằng kế hoạch cụ thể. 

Dựa vào thế mạnh cơ sở tiềm năng lợi thế “Nông nghiệp vùng núi sinh thái”, huyện Định Quán xác định rõ nội dung chỉ đạo: “Xây dựng NTM đi đôi với phát triến sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và bền vững”, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ cây trồng vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Với phương châm lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập làm gốc trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những chính sách hiện có của Trung ương, tỉnh về hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; huyện cũng có những chính sách riêng. 

Cụ thể là công tác tuyên truyền về xây dựng NTM nâng cao tiếp tục được Huyện ủy chú trọng và đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy định hướng chỉ đạo, triển khai công tác truyền thông đúng trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào “Cả huyện chung sức xây dụng NTM” thống nhất nhận thức và thay đổi tư duy của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân về xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động tuyên truyền, truyên thông đã được đấy mạnh thực hiện như: Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện tuyên truyền về xây dựng NTM và Chương trình OCOP, truyền tải các thông điệp về phát triển bền vững, phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, vai trò của cộng đồng và cán bộ cơ sở. Ngoài ra, trên cơ sở đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình NTM, huyện khơi dậy và huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia chung sức xây dựng NTM.

Là huyện miền núi, nhiều xã có địa bàn rộng nên đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn là bài toán khó với địa phương. Theo đồng chí Trần Nam Biên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Định Quán, huyện rất chú trọng đầu tư hạ tầng thiết yếu; xác định là giải pháp then chốt để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng độ thụ hưởng trực tiếp cho người dân. Theo đó, huyện đã chủ động ban hành chính sách hỗ trợ linh hoạt, thực hiện xã hội hóa phù hợp điều kiện cụ thể của từng xã để huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hầu hết các kết cấu hạ tầng thiết yếu như: hệ thống điện, giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống nước sạch tập trung…. đã có bước phát triển đáng kể đảm bảo chủ động sử dụng, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao nhất nguồn vốn đầu tư.

Tiêu biểu, hệ thống giao thông nông thôn đã phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng, góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp về huyện để đầu tư, tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo và giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho các xã. Tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư là hơn 792 km. Trong đó, có 498 tuyến đường xã với tổng chiều dài gần dài 407 km. Tất cả các xã, các vùng liền kề có hệ thống đường huyện, đường xã đảm bảo kết nối các trung tâm hành chính, liên vùng, vùng nguyên liệu tập trung với nhau, đảm bảo thuận tiện cho việc lưu thông đạt 100%.

Những năm trước đây, huyện Định Quán có nhiều xã gặp nhiều khó khăn trong xây dựng và nâng cấp lưới điện quốc gia. Hiện hệ thống điện đã phủ khắp tất cả các xã, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, lưới điện trung, hạ thế hầu như đã phủ kín tất cả các xã. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, cấp điện tin cậy, ổn định, an toàn hành lang lưới điện và mỹ quan. Tỷ lệ hộ có đăng ký trực tiếp và được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn, tin cậy và ổn định 100%.

Nhiều điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở huyện Định Quán

Định Quán coi việc lấy nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trọng tâm hoạt động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu. 

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Huyện ủy luôn quan tâm chỉ đạo phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với phát triển du lịch sinh thái, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân.

Theo đó, huyện tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Địa phương quan tâm phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác không ngừng được nâng cao, hiện đạt hơn 196,3 triệu đồng/ha, tăng 147,7 triệu đồng/ha so với năm 2018 và cao hơn mức bình quân của tỉnh. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người dân nông thôn trên địa bàn huyện Định Quán năm 2023 là gần 84,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân của tỉnh, tăng gần 43,2 triệu đồng/người so với năm 2018.

Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 4,38%/năm. Cơ cấu cây trồng từng bước được chuyển đổi, tăng dần diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu. Định Quán là một trong 2 địa phương của tỉnh được quy hoạch đầu tư cụm công nghiệp Phú Túc với diện tích hơn 48 ha. Theo quy hoạch, cụm công nghiệp này thu hút các nhà đầu tư chế biến nông sản, thực phẩm, kho bãi, kho đông lạnh dùng để chứa và bảo quản nguyên liệu trước và sau khi chế biến.

Mô hình chăm sóc lúa bằng Drone được áp dụng tại xã Thanh Sơn.

Mô hình chăm sóc lúa bằng Drone được áp dụng tại xã Thanh Sơn.

Ngoài các tiêu chí được huyện triển khai theo đúng bộ quy chuẩn thì việc xây dựng được các mô hình thực tế chính là điểm sáng trong xây dựng NTM nâng cao ở Định Quán, tiêu biểu là mô hình chăm sóc lúa bằng Drone của HTX nông nghiệp Bàu Kiên ở xã Thanh Sơn. Việc đưa máy bay phun thuốc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (Drone) đã hoàn toàn thay đổi tập quán sản xuất của bà con nơi đây, nhất là trong điều kiện thiếu nhân công lao động như hiện nay.

Điểm sáng của mô hình chăm sóc lúa bằng drone là thời điểm phun thuốc bảo vệ thực vật cần phải phun thuốc đồng loạt và chỉ cần hai nguời vận hành, trong ba ngày sẽ phun hoàn thành 150 ha ruộng lúa. Bên cạnh đó, HTX còn cung ứng vật tư đầu vào gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…cho bà con xã viên. Với việc thực hiện chăm sóc lúa bằng drone thì điều quan trọng hơn hết là đảm bảo sức khỏe cho nông dân khi không phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật như cách bơm xịt trực tiếp như trước đây. Ngoài ra, lúa được gieo sạ, xử lý đồng bộ nên ngăn ngừa sâu bệnh tốt và thu hoạch đồng loạt cùng thời điểm đã mang lại năng suất cao hơn và đem lại giá trị kinh tế lẫn cải thiện thu nhập cho các hộ nông dân so với phương pháp truyền thống.

Một hộ nông dân là xã viên HTX này cho biết: “Từ khi sử dụng máy bay đã giảm khoảng 30% nhân công sản xuất trực tiếp; lượng thuốc sử dụng giảm, nhưng hiệu quả lại tăng khi thuốc được phun đều, thời gian tác dụng của thuốc nhanh hơn và lúa thu hoạch cho năng suất cao hơn từ 5- 6 tấn/ha lên 7-8 tấn/ha. Đến khi thu hoạch giá lúa sẽ được doanh nghiệp và người dân định giá có sự chứng kiến của nhà nước nên giá lúa không còn phải phụ thuộc vào thương lái. Với mô hình nêu trên, doanh thu đã tăng lên 30% so với phương pháp sản xuất trước đây, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”.

Ngoài mô hình chăm sóc lúa bằng Drone của Hợp tác xã nông nghiệp Bầu Kiên, quá trình xây dựng NTM nâng cao của huyện Định Quán còn xuất hiện nhiều điểm sáng như: Mô hình bảo vệ môi trường của xã Phú Hoà, mô hình khu dân cư kiểu mẫu xã Phú Túc… Có thể nói, trong suốt quá trình xây dựng NTM nâng cao theo các tiêu chí đã được quy định, việc phát huy các mô hình là một điểm nhấn trong xây quá trình xây dựng NTM hiện đại, phồn vinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân của huyện Định Quán hôm nay.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất