HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG “TAM NÔNG” THỊNH VƯỢNG, GIÀU CÓ, VĂN MINH

Kỳ 1:

NGÀNH NÔNG NGHIỆP VƯỢT "CƠN GIÓ NGƯỢC"

Khẳng định những kết quả đáng ghi nhận của Ngành Nông nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, cùng với nền kinh tế, ngành nông nghiệp đã vượt khó, lội ngược dòng, vượt "cơn gió ngược" để thu được những kết quả đáng trân trọng tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trải qua gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, nông nghiệp nước ta tiếp tục có những bước phát triển quan trọng và toàn diện, khẳng định rõ vai trò nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.

Trên cơ sở những lợi thế sẵn có về phát triển nông nghiệp, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được ban hành đã làm cho nhận thức, tư duy trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về tam nông tiếp tục được thay đổi, khẳng định vị trí thế mạnh của mình khi “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, sinh thái của đất nước”.

Có thể khẳng định, Nghị quyết số 19-NQ/TW là văn bản pháp lý khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia của ngành nông nghiệp.

Nghị quyết như luồng ánh sáng làm ấm lên những hoạt động đầu tư cho "tam nông" với mục tiêu: “Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh”.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án và cơ chế chính sách, trong đó tập trung và nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững...

Với những chủ trương, quyết sách đúng, trúng, kịp thời của Đảng, Nhà nước, của Ngành Nông nghiệp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đây được xem như yếu tố quyết định giúp nông nghiệp có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tích hợp đa giá trị, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn; kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn ngày càng được cải thiện.

Nông nghiệp hiện nay của Việt Nam đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, an toàn thực phẩm được coi trọng. Năng lực cạnh tranh, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều sản phẩm nông nghiệp được nâng cao và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2021 đạt 3,27%; năm 2022 đạt 3,36%. Riêng năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, nhất là khi nền kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh xuyên biên giới; tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước.

Các cân đối cung - cầu lương thực, thực phẩm được bảo đảm vững chắc; nguồn cung, sản lượng lúa gạo, thịt hơi, sữa tươi, trứng gia cầm, thuỷ sản… đáp ứng tiêu dùng nội địa và cho xuất khẩu. Giai đoạn 2011 - 2022 sản lượng lúa tăng từ 42,3 triệu tấn lên 42,66 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm sáu nước hàng đầu về chỉ số này và trở thành quốc gia bền vững an ninh lương thực hơn phần lớn các quốc gia đang phát triển ở châu Á.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong nội bộ từng ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng và tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu thể hiện rõ kết quả tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như: thủy sản, rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển đổi theo hướng tăng nhanh công nghiệp và dịch vụ. Hệ thống dịch vụ ở nông thôn có bước phát triển mới, nhất là dịch vụ cơ giới hoá, thủy lợi, thú y, bảo vệ thực vật và thương mại cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản, cấp nước sạch, xử lý rác thải sinh hoạt, logistics…

Công nghiệp chế biến được đầu tư theo hướng phát triển chế biến sâu, chế biến tinh. Cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới, như: chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra...

Tỷ lệ nông sản chế biến xuất khẩu chiếm tới 45% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Cơ giới hóa ngày càng được áp dụng rộng rãi, tạo tiền đề quan trọng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước.

Các chiến lược phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực ngày càng được đẩy mạnh, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn.

Khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển, là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng tích hợp đa giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, xanh, sạch, nông nghiệp thông minh. Đồng thời, tạo 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; tạo đà xuất khẩu nông sản chủ lực.

Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ…; nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến công nghệ cao đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả.

Ở nhóm sản phẩm OCOP, kết hợp truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc. Lĩnh vực giống đạt được nhiều kết quả. Giống lúa hiện nay chủ yếu do các nhà khoa học của Việt Nam chọn tạo và chuyển giao. Nhiều giống vật nuôi, chế phẩm, thiết bị, quy trình công nghệ mới được chuyển giao vào sản xuất.

Theo số liệu chứng minh, khoa học công nghệ đã làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp; hình thành nhiều khu, vùng, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các mô hình ứng dụng công nghệ cao giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10 đến 30%; góp phần làm thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 27% trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX lên 42% theo mục tiêu Quốc hội giao, đạt tốc độ phục hồi rừng cao nhất trong 21 nền kinh tế APEC.

Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã được ký kết và có hiệu lực từ ngày 1-6-2019; Hiệp định gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam và EU đối với việc thúc đẩy thực hiện Chương trình “Thương mại và phát triển bền vững” của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.

Phong trào xây dựng nông thôn đổi mới đang phát triển mạnh mẽ, lan rộng cả nước. Những thành tựu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được đánh giá là to lớn, toàn diện và lịch sử, đạt được bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Chương trình đã đáp ứng nguyện vọng người dân nông thôn, ngày càng thu hút được sự tham gia đầu tư của cộng đồng xã hội, nhờ đó huy động được nguồn lực lớn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Đến hết tháng 5-2023, cả nước có 6.014/8.211 xã (73,24%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 1.301 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 139 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 258 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 40% số huyện cả nước). Có 19 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ, phát triển các sản phẩm chủ lực cấp địa phương, thúc đẩy ngành nghề tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân. Số lượng địa phương tham gia, số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP liên tục tăng; đến hết năm 2020, có 63/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án, Kế hoạch OCOP cấp tỉnh; đến hết tháng 5-2023 các địa phương đánh giá, phân hạng và công nhận 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 5.069 chủ thể tham gia.

Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực xây dựng nông thôn mới; nổi bật nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, giai đoạn 2010 - 2020 cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 68,7%; có trên 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến ủỷ ban nhân dân huyện được nhựa, cứng hóa; trên 80% số xã đã trải nhựa, bê tông đường ngõ xóm.

Hệ thống thủy lợi được tiếp tục đầu tư, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu; hệ thống thuỷ nông được xây dựng mới và hoàn thiện, trên địa bàn nông thôn có 18.100 trạm bơm (2,0 trạm bơm/xã). Hệ thống hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư, nâng cấp; có 65 cảng được công bố mở cảng với năng lực bốc dỡ 1,8 triệu tấn/năm; 59 cảng được chỉ định đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản khai thác; có 89 cảng cá được đầu tư và đang hoạt động.

Nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn ở các vùng, khu vực: Miền Trung, Tây Nguyên, Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư xây dựng hoàn thành, tăng năng lực cho các công trình thủy lợi. Sửa chữa nâng cấp 633 hồ chứa, xây dựng 6.750 hồ chứa các loại(5), 10.000 trạm bơm vừa và lớn, 5.500 cống tưới tiêu lớn, 235.000 km kênh mương.

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Kinh tế hộ gia đình tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và đang có sự chuyển dịch hiệu quả hơn. Kinh tế trang trại phát triển khá, hết năm 2020 có trên 19.660 trang trại theo tiêu chí mới (6) với 4,5 lao động/trang trại, giá trị sản xuất trên 2,86 tỷ đồng/trang trại. Các hợp tác xã được tổ chức lại (hợp tác xã kiểu mới) và thành lập mới theo Luật Hợp tác xã, hết năm 2022 có 94 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, gần 20.000 hợp tác xã nông nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ưu đãi, hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách thuế, tín dụng, đất đai; hỗ trợ hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản... Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phát triển nhanh, hết năm 2022 có trên 15.300 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 4,6 lần năm 2011; nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.

Phát triển mạnh mẽ các mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị, dần hình thành những vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thuỷ sản an toàn với 2.510 chuỗi; có 463 nghìn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP; 16.991 ha diện tích nông lâm thuỷ sản được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của người nông dân, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các quyết định về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp như: Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư (1981), Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị (1988), Luật Đất đai (1993)… Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa X ngày 5-8-2008 đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể hóa bằng Kết luận số 61-KL/TW ngày 3-12-2009 của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10-5-2011 Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo động lực mới, giải phóng sức sản xuất của người nông dân.

Trước đây, Nghị quyết số 26/NQ-TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là Nghị quyết “tam nông” đầu tiên đã khẳng định nông dân là chủ thể là trọng tâm của quá trình phát triển, thì nhiều cơ chế, chính sách đã hướng tới người nông dân. Ở đó, người nông dân vừa là đối tượng để xây dựng chính sách, vừa là người thực hiện các giải pháp làm sao nâng cao đời sống thu nhập người nông dân và vừa là người tổ chức thực hiện và quyết định sự thành công của chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn. Qua 15 năm triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW đã giúp nông nghiệp, nông thôn và nông dân có những thay đổi mang tính toàn diện, mà ở đó điểm nhấn ấn tượng là năng lực làm chủ của nông dân, người dân nông thôn được nâng lên nhờ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, với  Nghị quyết số 19-NQ/TW (khóa XIII), vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ quốc phòng, an ninh được nhấn mạnh rõ nét hơn. Theo đó, nông dân là yếu tố có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết. Tất cả đều nhằm phục vụ lợi ích chính đáng của nông dân - lực lượng xã hội đông đảo và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước.

Quan điểm “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới… Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn” đã được khẳng định trong Nghị quyết số 19-NQ/TW. Về bản chất để nông nghiệp tạo nên kỳ tích, phát triển bền vững, hiện đại thì yếu tố cốt lõi vẫn nằm ở con người, mà nông dân chính là lực lượng sản xuất. Điều này đặt ra mục tiêu quan trọng nhất chính nâng cao vị thế và vai trò của người nông dân.

Thời gian qua, người nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhiều chính sách được ban hành để phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ người nghèo, địa phương nghèo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có tác động tích cực, nâng cao tỷ lệ lao động nông nghiệp sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng nâng cao thu nhập cao hơn, góp phần nâng cao hơn năng lực, trình độ của lao động nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn.

Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2022 đạt 47,2 triệu đồng, tăng 1,12 lần so với năm 2020 và 5,13 lần so với năm 2008. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm 1 - 1,5%/năm, đã về đích trước 10 năm thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao. Phúc lợi xã hội và đời sống người nông dân được cải thiện. 

Ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đã giảm từ 48,4% năm 2011 xuống còn 27,5% năm 2022.

Bên cạnh đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển hợp tác xã, trang trại; hỗ trợ nông dân sản xuất, nâng cao thu nhập. Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để hỗ trợ bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn được chú trọng.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cùng với các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng gia đình văn hóa”… đang tạo ra một cuộc sống tinh thần mang tính cộng đồng cao, duy trì phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước tốt đẹp của nhân dân ta trong làng, xã trên phạm vi cả nước.

(Còn nữa)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất