Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước
Cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Đây là quá trình phát triển tất yếu trên toàn cầu và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài lộ trình này.
Để thích ứng với tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14-1-2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam”, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đặc biệt, trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, những khái niệm như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số đã lần đầu tiên được đề cập. Nội hàm của những khái niệm này cũng được nhấn mạnh nhiều lần trong mục tiêu, quan điểm phát triển lẫn đột phá chiến lược.
Với kỳ vọng là cuộc cách mạng số sẽ thực sự tạo ra được sự bứt phá cho đất nước ta trong những thập niên tới, Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ba đột phá chiến lược được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đều ít nhiều gắn với chuyển đổi số. Trong đó, về chiến lược xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thì Văn kiện Đại hội Đảng đã nhấn mạnh một yếu tố rất quan trọng, đó là chú trọng phát triển hạ tầng thông tin viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế số trong Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ là phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.
Mục tiêu về triển kinh tế số trong giai đoạn 2021 - 2030 được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XIII là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển cũng như các nguồn lực và thế mạnh của Việt Nam. Phát triển kinh tế số sẽ là con đường tạo ra những bứt phá quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm có chương trình, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.
Nền tảng và động lực của chuyển đổi số trong công tác đảng
Chuyển đổi số trong công tác đảng là vấn đề mới, chưa có nhiều mô hình để nghiên cứu, học tập nhưng cũng không thể chậm trễ. Với sứ mệnh “đi trước, mở đường”, các tổ chức của Đảng cần tiên phong trong công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và thực hành chuyển đổi số công tác đảng mà trước hết là công tác quản lý và sinh hoạt đảng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chuyển đổi số trong công tác đảng, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 27/QĐ-TW ngày 10-8-2021 về chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nhấn mạnh chuyển đổi số, cải cách hoạt động của các cơ quan đảng bằng số hóa là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết nhằm hiện đại hóa, minh bạch hóa công tác đảng.
Trong quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ đề ra các chủ trương, đường lối về chuyển đổi số quốc gia, mà bản thân tổ chức đảng cũng đang thực hiện quá trình chuyển đổi số nhằm thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác đảng; sử dụng thành tựu của công nghệ thông tin trong công tác quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, kiện toàn tổ chức đảng; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành ý thức tự giác, thành việc làm thường xuyên của cả tổ chức đảng, của mỗi chi bộ và mỗi đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, góp phần nâng cao tính tiên phong, tính chiến đấu của Đảng trong bối cảnh mới.
Từ quan niệm về chuyển đổi số - quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Vận dụng trong công tác đảng, chuyển đổi số trong công tác đảng là quá trình các hoạt động chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và nghiệp vụ công tác đảng các cấp được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số.
Chuyển đổi số trong công tác đảng tập trung vào các nội dung cơ bản sau:
Một là, phát triển hạ tầng số, hệ thống mạng, trung tâm dữ liệu, máy chủ, đường truyền phục vụ cho chuyển đổi số của đảng ủy vận hành chung với hạ tầng số của các cơ quan nhà nước nhằm sử dụng triệt để các hệ thống tập trung của các cơ quan nhà nước, tránh trùng lặp; tăng cường phương thức họp trực tuyến, sử dụng chung các phòng họp trực tuyến với cơ quan nhà nước; triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ trong các cơ quan đảng.
Hai là, phát triển dữ liệu: Xây dựng cơ sở dữ liệu đảng viên, tổ chức đảng, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Nhà nước, phục vụ đắc lực cho việc tra cứu, quản lý thông tin về đảng viên một cách nhanh chóng, chính xác, giúp cho việc chỉ đạo của các cấp ủy đảng được thuận tiện, kịp thời. Xây dựng hệ thống quản lý hồ sơ đảng viên kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với hệ thống quản lý nhân sự của Nhà nước nhằm phục vụ cho việc quản lý hồ sơ đảng viên, quản lý các quyết định của đảng viên, quản lý tình trạng đảng viên, quản lý khen thưởng, kỷ luật, quản lý phát và cấp thẻ đảng viên, quản lý huy hiệu đảng, quản lý tổ chức cơ sở đảng.
Ba là, xây dựng nền tảng số: Xây dựng, triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành đến các ban, cơ quan đảng, các đảng ủy trực thuộc trên cơ sở mở rộng chức năng hệ thống quản lý văn bản điều hành của tổ chức đảng và sẵn sàng kết nối, liên thông với các hệ thống quản lý điều hành của các cơ quan đảng từ Trung ương đến địa phương; từ các cấp ủy đảng đến đảng viên. Xây dựng hệ thống thông tin tổng hợp, báo cáo phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng được thực hiện qua môi trường mạng (trừ những văn bản mật).
Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đảng tại doanh nghiệp
Tối ưu hóa quy trình hoạt động trong công tác đảng , giảm thiểu giấy tờ và tăng cường minh bạch: Hiện nay, 100% các văn bản, tài liệu, báo cáo được phát hành chính thức (có nội dung thông tin không mật) được ký số, xử lý, gửi, nhận trên môi trường số, đã đưa chuyển đổi số thành hoạt động thường xuyên, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm kinh phí và thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tiếp nhận, xử lý, nghiên cứu, tra cứu tài liệu, dữ liệu; triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm khoa học, đồng bộ, hiệu quả; phân công rõ trách nhiệm; kế thừa và phát huy hiệu quả hạ tầng, ứng dụng công nghệ đã đầu tư, khai thác hiệu quả các nền tảng, ứng dụng của tỉnh, Trung ương đã triển khai; đảm bảo tính liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giữa Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương với các cấp ủy cơ sở.
Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả và nền nếp phần mềm hệ thống quản lý họp Min-Ecabinet (phòng họp không giấy) trong các hội nghị của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các hội nghị của cơ quan, đơn vị. Các cuộc họp, hội nghị của Đảng uỷ Khối không in ấn, phô tô tài liệu giấy, triển khai số hóa tài liệu, sử dụng mã QR và được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Đảng uỷ Khối để đại biểu khai thác, sử dụng qua máy tính, điện thoại thông minh.
Quản trị và tổ chức thông minh
Hệ thống quản lý và thông tin công tác đảng thông minh. Trong môi trường doanh nghiệp, việc quản lý và tổ chức công việc của các đảng viên đã trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn nhờ vào ứng dụng của công nghệ số. Hệ thống quản lý thông tin đảng thông minh cho phép lưu trữ và cập nhật dữ liệu cá nhân và lịch sử hoạt động của các đảng viên một cách tự động.
Các ứng dụng quản lý dữ liệu như CRM (Customer Relationship Management) được tùy biến để phục vụ công tác đảng giúp theo dõi quá trình phát triển và hoạt động của từng đảng viên. Thông qua các hệ thống này, các cấp ủy trong doanh nghiệp có thể nhanh chóng nắm bắt được tình hình và đưa ra các chỉ đạo kịp thời và chính xác.
Sử dụng dữ liệu và phân tích để tối ưu hóa chiến lược dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá để ra quyết định chiến lược trong kinh doanh và công tác đảng. Các công cụ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp khai thác triệt để dữ liệu để hiểu rõ hơn về khách hàng, thị trường và môi trường kinh doanh.
Ví dụ, phân tích dữ liệu lớn (big data) có thể giúp nhận diện các xu hướng thị trường, dự đoán nhu cầu khách hàng và tối ưu hóa chiến lược kinh doanh. Đối với công tác đảng, phân tích dữ liệu giúp đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động, từ đó đưa ra các biện pháp cải tiến và tối ưu hóa công tác lãnh đạo.
Tăng cường hiệu quả giám sát và đánh giá
Sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả giám sát. Giám sát là một công tác quan trọng không chỉ trong hoạt động kinh doanh mà còn trong công tác đảng. Công nghệ hiện đại như camera an ninh, hệ thống giám sát thông minh và các công cụ phân tích dữ liệu thời gian thực, giúp theo dõi tiến độ công việc và đánh giá hiệu quả hoạt động của từng đảng viên một cách minh bạch và chính xác, từ đó giúp nâng cao hiệu quả giám sát.
Phân tích dữ liệu để đánh giá chính xác hiệu quả công tác chuyển đổi số cung cấp các công cụ phân tích dữ liệu mạnh mẽ giúp đánh giá hiệu quả công tác một cách chính xác hơn. Các chỉ số KPI (Key Performance Indicators) được theo dõi và phân tích đồng bộ, giúp lãnh đạo doanh nghiệp và cấp ủy đảng nắm bắt được hiệu suất làm việc và hiệu quả công tác.
Ngoài ra, việc sử dụng các mô hình dự đoán và phân tích dữ liệu giúp dự báo sớm các vấn đề và rủi ro tiềm ẩn, từ đó chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa và ứng phó kịp thời. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tăng cường sự bền vững và ổn định trong hoạt động kinh doanh và công tác đảng.
Nguyễn Thanh Thúy
Phó Trưởng Phòng Tư vấn tài chính doanh nghiệp HSC - VCBS, Vietcombank