|
Tập thể cán bộ, nhân viên VietinBank Chi nhánh Đồng Tháp.
|
Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề dân chủ một cách dễ hiểu: Dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Người còn nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”[1]. Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”; thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[2]; “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”[3]. Với quan điểm Dân là gốc của nước, của cách mạng, Người khẳng định: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[4].
Người chỉ rõ, địa vị của nhân dân là người chủ đối với xã hội, đất nước và nhân dân là chủ thể của quyền lực. Đây là nội dung cốt lõi trong tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh, phản ánh giá trị cao nhất, chung nhất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”[5], “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”[6]. Điều này khẳng định giá trị xã hội đích thực của dân chủ là ở chỗ giành về cho đại đa số nhân dân lao động những quyền lực của chính họ thông qua đấu tranh cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới của chính bản thân quần chúng nhân dân.
Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chế độ dân chủ, thể chế chính trị và thể chế nhà nước dân chủ, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước của dân, do dân, vì dân phải là một nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh, được quản lý bằng pháp luật và phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế.
Đến thực hiện Nghị quyết của Đảng
Xuất phát từ thực trạng yếu kém của hệ thống chính trị cơ sở và mất dân chủ ở cơ sở diễn ra nghiêm trọng ở không ít nơi, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây nên tình trạng mất an ninh và trật tự xã hội ở một số địa phương, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Đây cũng là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18-6-1997 của Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Quy chế dân chủ ở cơ sở được coi là khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nơi thực hiện quyền làm chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.
|
Sôi nổi sinh hoạt chuyên đề Văn hóa doanh nghiệp VietinBank.
|
Trong những năm thực hiện Đổi mới, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc rằng để đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì nhất thiết phải xây dựng thành công nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bởi dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội. Dân chủ trở thành giá trị phổ biến của xã hội, thâm nhập vào mọi quan hệ chính trị - xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống, bao quát mọi góc độ trong sự tồn tại của con người, tạo ra ngày càng đầy đủ những điều kiện cho sự giải phóng mọi năng lực sáng tạo của con người. Đây cũng là căn cứ để Đảng ta xác định, dân chủ là một trong những thành tố quan trọng trong hệ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân, thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Đại hội XIII của Đảng bổ sung nội dung, phương châm thực hiện dân chủ, thành “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở.
Để quyền làm chủ của nhân dân đi vào thực tế của đời sống xã hội, Đảng ta đã chỉ rõ, muốn phát huy sức mạnh và sự sáng tạo vô địch của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải tạo ra được những thể chế, chủ trương, chính sách thích hợp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi quyền làm chủ của người dân được tôn trọng và bảo đảm, sẽ tạo nền tảng, cơ sở vững chắc để các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện có hiệu quả trong thực tế. Muốn thực hiện được điều đó, cần dân chủ hóa mọi hoạt động của Đảng và của cả hệ thống chính trị nhằm tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội, đóng góp trí tuệ và vật chất để xây dựng, bảo vệ đất nước.
Phát huy dân chủ ở VietinBank Chi nhánh Đồng Tháp
Đảng ủy VietinBank Chi nhánh Đồng Tháp giữ vai trò lãnh đạo toàn diện tất cả các mặt hoạt động của Chi nhánh, trong đó có nội dung về lãnh đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong doanh nghiệp. Đảng uỷ luôn xác định, thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở là nội dung quan trọng trong việc xây dựng doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, phát huy tối đa trí tuệ, sức mạnh đồng thuận, tạo động lực gắn kết cán bộ, nhân viên và người lao động.
Cán bộ, đảng viên, người lao động tại Chi nhánh hiểu rằng dân chủ ở cơ sở không phải là “hình thức dân chủ” mà là “cấp độ thực hiện dân chủ”, thông qua hai hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được cụ thể hóa ở từ Hội sở Ngân hàng Công thương Việt Nam đến Chi nhánh và các đơn vị trực thuộc. Trong phạm vi doanh nghiệp, “dân” được hiểu là cán bộ, nhân viên (CBNV) trong đơn vị. Thực hiện dân chủ ở cơ sở là việc thừa nhận và thực hiện thường xuyên các quyền làm chủ của CBNV; tăng cường tính cộng đồng trách nhiệm giữa các cấp lãnh đạo và CBNV nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của CBNV ở cơ sở.
Đảng ủy, Ban Giám đốc và các tổ chức đoàn thể tại Chi nhánh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm triển khai, quán triệt tới toàn thể CBNV theo sự hướng dẫn của Ngành Ngân hàng, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và ban chỉ đạo các cấp về xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ đó đã phát huy được vai trò làm chủ, khơi dậy tính năng động, sáng tạo, tận tụy với công việc của toàn thể CBNV. Bởi vậy kết quả hoạt động kinh doanh của Chi nhánh thời gian qua phát triển ổn định dù điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn.
Năm 2024, Đảng uỷ Chi nhánh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ gắn với thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Lãnh đạo triển khai thực hiện Quyết định 149/CS-HĐQT-NHCT-NS1 ngày 28-8-2023 của Hội đồng Quản trị VietinBank về Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở của Ngân hàng Công thương Việt Nam. Việc triển khai thực hiện gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Văn hóa doanh nghiệp VietinBank. Phát huy tốt quyền làm chủ của người lao động, đảm bảo quyền quyết định, kiểm tra, giám sát của người lao động trong đơn vị theo quy định của pháp luật, quy chế, quy định của Ngân hàng Công thương Việt Nam. Chi nhánh đã tập trung công tác triển khai quán triệt các nghị quyết của Tỉnh uỷ, Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng ủy VietinBank; quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về hoạt động của Ngành Ngân hàng.
|
Hội nghị người lao động VietinBank Chi nhánh Đồng Tháp.
|
Định kỳ quý I hằng năm, Chi nhánh tổ chức Hội nghị người lao động để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm trước, đồng thời xây dựng phương hướng hoạt động kinh doanh năm hiện hành. Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu luôn bám sát chỉ đạo của Đảng uỷ VietinBank và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp. Mục tiêu kinh doanh của Chi nhánh kết hợp hài hoà với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành tại địa phương. Trước và trong Hội nghị người lao động, Ban giám đốc và Ban Chấp hành công đoàn lãnh đạo tốt việc lấy ý kiến đóng góp của người lao động đối với các giải pháp kinh doanh, phong trào thi đua và những hoạt động trọng tâm khác trong năm. Ngoài ra, Hội nghị cũng dành thời gian để đại diện các đơn vị và người lao động tham gia ý kiến tham luận, trình bày sáng kiến đóng góp cho hoạt động kinh doanh và các mặt công tác khác.
Đảng uỷ lãnh đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Ban Giám đốc, Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn thanh niên để phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận, phấn đấu vì mục tiêu chung. Hằng tháng, quý, thông qua họp giao ban, hội nghị sơ kết, Lãnh đạo Chi nhánh đều dành thời gian cho cán bộ quản lý, đại diện các đoàn thể tham gia đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện thời gian qua và những định hướng trong giai đoạn tiếp theo. Đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động duy trì tổ chức đối thoại định kỳ hằng quý, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu thực tiễn tại Chi nhánh.
Đội ngũ CBNV Chi nhánh đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và quyền lợi trong việc tham gia đóng góp xây dựng tập thể, cá nhân theo quy định. Các ý kiến đóng góp đều được người sử dụng lao động tiếp thu, giải trình thấu đáo. Những nội dung góp ý vượt thẩm quyền xử lý của Chi nhánh được ghi nhận và báo cáo kịp thời lên cấp trên. Hình thức, thời gian cấp độ đóng góp ý kiến phong phú. Một số hình thức phổ biến đã triển khai thành công tại Chi nhánh thời gian qua như: Tham gia khảo sát ẩn danh hoặc định danh qua mạng nội bộ về sự gắn kết của người lao động với Chi nhánh; khảo sát người lao động về vai trò, trách nhiệm của Ban Giám đốc và cán bộ quản lý tại Chi nhánh; khảo sát đánh giá mức độ hợp tác, hỗ trợ của các Phòng chuyên môn trụ sở chính với Chi nhánh; khảo sát đổi mới quy chế, quy trình nghiệp vụ; khảo sát sự cần thiết, hợp lý của sản phẩm dịch vụ mới... Hoạt động trao đổi 1-1 giữa cán bộ quản lý với người lao động, giữa thành viên Ban Giám đốc với cán bộ quản lý Chi nhánh cũng được triển khai thực hiện hiệu quả.
Minh chứng thuyết phục về kết quả thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở là Đảng bộ và tập thể Chi nhánh luôn đoàn kết, đồng thuận trong lúc thuận lợi cũng như khi khó khăn. Hằng năm, Đảng bộ luôn được Đảng ủy cấp trên xếp loại trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ; Chi nhánh được Hội đồng Quản trị VietinBank xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm qua. Chi nhánh đã 2 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Chính phủ, các bộ, ngành tặng cờ, bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tổ chức quốc tế Aon thực hiện khảo sát sự hài lòng đối với người lao động Chi nhánh, cả hai lần đều cho kết quả tinh thần gắn kết cao của người lao động với VietinBank và Chi nhánh. Tỷ lệ gắn kết của cán bộ Chi nhánh cao hơn mức bình quân chung toàn hệ thống; lần khảo sát sau có tỷ lệ gắn kết cao hơn lần khảo sát trước.
Kế hoạch kinh doanh trung hạn và dài hạn của hệ thống VietinBank đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thử thách đối với Chi nhánh VietinBank Đồng Tháp. Song với sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự đồng thuận, đoàn kết của CBNV trong Chi nhánh, cùng với thực hành các giá trị Văn hóa doanh nghiệp VietinBank, tin rằng Chi nhánh VietinBank Đồng Tháp sẽ thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong hành trình phát triển.
------
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 6, tr.232.
[2] Sách đã dẫn, tập 10, tr.453.