Huyện Tân Phú (Đồng Nai) nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao
Một tuyến đường được trồng hoa, cây xanh tươi tại xã Phú Lâm, huyện Tân Phú.

Một tuyến đường được trồng hoa, cây xanh tươi tại xã Phú Lâm, huyện Tân Phú.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao trong điều kiện khó khăn

Là huyện miền núi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Nai, sau khi chia tách, điều chỉnh địa giới, huyện miền núi Tân Phú gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng. Theo báo cáo của UBND huyện Tân Phú, khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là đầu tư về đường giao thông. Do đó, tiến độ thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện Tân Phú còn chậm so với các địa phương khác của tỉnh.

Năm 2024, huyện Tân Phú đặt ra mục tiêu cao là phấn đấu có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn mới, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thị trấn Tân Phú đạt chuẩn đô thị văn minh. Đây là nhiệm vụ nặng nề, vì những tiêu chí còn lại đều là tiêu chí khó.

Đồng chí Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết, cả 5 xã xây dựng NTM nâng cao năm 2024 đều gặp khó khăn đối với các chỉ tiêu về đầu tư trường học. Hiện các trường học đều còn thiếu về cơ sở vật chất theo tiêu chí đề ra do thủ tục đầu tư gặp khó khăn. Đây là nguyên nhân khiến việc đề nghị kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia gặp khó khăn. Về tỷ lệ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung, các xã NTM nâng cao theo bộ tiêu chí mới phải đạt từ 65% trở lên. Nhưng đến nay, trên địa bàn nông thôn toàn huyện, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung chỉ đạt hơn 21,8%. Đời sống người nông dân tuy được cải thiện đáng kể nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả tỉnh, một số hộ nghèo có nguy cơ tái nghèo cao. Việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn còn lại trên địa bàn các xã để đáp ứng yêu cầu tiêu chí gặp nhiều khó khăn trong vận động người dân đóng góp. Nguyên nhân do các tuyến đường còn lại đều thưa dân cư, trong khi tuyến đầu tư dài, chi phí rất lớn, dẫn đến mức đóng góp trên mỗi hộ dân khá cao.

Trước những khó khăn đó, huyện Tân Phú đã huy động sức mạnh đoàn kết của hệ thống chính trị và toàn dân tạo động lực cho quá trình phát triển nói chung, xây dựng NTM nói riêng. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, góp phần vào xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Nỗ lực vượt khó và đặt quyết tâm cao

Với quyết tâm nỗ lực, góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình Xây dựng NTM 2024 - 2025 của tỉnh, huyện Tân Phú phải hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào năm 2025. Theo đó, huyện tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động người dân để có sự đồng thuận, hỗ trợ, cùng chính quyền xây dựng NTM qua những đóng góp cụ thể như: hiến đất, cây trồng, ngày công lao động…

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Tân Phú đã xác định 3 khâu đột phá, trong đó tập trung sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ bền vững. Kết quả lãnh đạo nửa nhiệm kỳ cho thấy, với khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã hình thành được vùng trồng cây chủ lực, vùng chăn nuôi tập trung.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Phú đã hình thành được vùng trồng cây chủ lực.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Phú đã hình thành được vùng trồng cây chủ lực.

Theo báo cáo của huyện Tân Phú, đến 31-8-2024, huyện Tân Phú có 12/17 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã Phú Điền đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023; 2 khu dân cư ấp 4, ấp 5 (xã Phú Điền) đạt chuẩn Khu dân cư kiểu mẫu năm 2023. UBND huyện đã trình tỉnh đề nghị thẩm định, xét công nhận 5 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. Theo lãnh đạo huyện Tân Phú, trong 4 tháng cuối năm 2024, huyện sẽ tiếp tục trình hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm định, xét công nhận 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2024. Theo Nghị quyết, kế hoạch, năm 2024, huyện phấn đấu hoàn thành 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, từ 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

 Về kết quả xây dựng thị trấn đô thị văn minh, UBND thị trấn Tân Phú đang triển khai lập và hoàn thiện hồ sơ thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh trình Ban chỉ đạo huyện xem xét trước ngày 15-9-2024 để huyện tổ chức thẩm định, xét công nhận. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ thực hiện hoàn thành hồ sơ huyện NTM nâng cao trình Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh thẩm tra, dự kiến thời gian hoàn thành trước ngày 30-3-2025.

Đời sống của nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Tân Phú đang phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu NTM nâng cao với 13/17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (trong đó có 3 xã đạt NTM kiểu mẫu).

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều kết quả tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được triển khai đồng bộ, toàn diện; cấp ủy đảng các cấp đã chủ động tổ chức quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trọng tâm là việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở phát huy vai trò nòng cốt, tuyên truyền, vận động nhân dân đưa nghị quyết vào thực tiễn; các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh…

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương, Tân Phú đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Được biết, giai đoạn 2021-2023, kinh phí đầu tư xây dựng Chương trình NTM trên địa bàn huyện là hơn 3.9 nghìn tỷ đồng. Theo đó, vốn vay tín dụng là hơn 3.5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 89,95%; vốn ngân sách hơn 397 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,05%.

Từ những kết quả đã đạt được, Đảng bộ huyện Tân Phú đề ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới,như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; xây dựng thương hiệu, nhãn hàng hóa gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu tiên phát triển các hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch trọng điểm. Tiếp tục huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; nâng chất giáo dục toàn diện, đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài. Tăng cường thông tin, truyền thông. Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo...

Từ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của từng người dân trên địa bàn huyện, đến nay, diện mạo nông thôn không ngừng thay đổi, các công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân. Qua đó, không chỉ góp phần vào việc thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân mà còn góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao của huyện.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất