Bản án dành cho “nhà báo tự xưng” Dũng "Vova"

Lực lượng chức năng áp giải bị cáo Dũng "Vova" đến phiên tòa.

Dũng "Vova" là ai?

Lê Văn Dũng sinh năm 1970 tại Hà Nội trong một gia đình công chức. Dũng từng là sinh viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào những năm 1987-1992. Sau khi ra trường, Dũng làm kỹ sư tại TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, thay vì đem trí tuệ, sức lực cống hiến phát triển đất nước, Dũng "Vova" lại “dấn thân” vào con đường đấu tranh dân chủ với ảo vọng ngông cuồng khi núp bóng với cái danh nghĩa “nhà báo độc lập” chống phá chính quyền.

Lê Văn Dũng là người có quá trình tham gia hoạt động tụ tập đông người, gây mất trật tự công cộng và thường xuyên gây rối biểu tình chống Nhà nước. Ngay từ sớm, Dũng đã lần lượt gia nhập và là thành viên nòng cốt của rất nhiều hội nhóm bất hợp pháp như No-U Hà Nội, Hội Bầu Bí tương thân, Hội Nhà báo độc lập. Từ năm 2010 đến 2012, Dũng đã 3 lần bị Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi gây mất trật tự công cộng.

Dũng cũng đã sáng lập ra nhiều website, blog chống phá như lacainews9.blogspot.com, lehienduc2013.blogspot.com, thường xuyên đưa các bài viết, hình ảnh có nội dung sai lệch, đả phá chế độ, chính quyền.

Sau khi thấy cái gọi là “Phong trào chấn hưng nước Việt” do Vũ Quang Thuận, Lê Thăng Long cầm đầu dễ dàng kiếm tiền, nổi tiếng nhờ lập kênh youtube, livestream phỏng vấn những thành phần khiếu kiện, chống phá, Dũng đã gia nhập nhóm và trở thành thành viên cốt cán.

Năm 2017, sau khi những tên cầm đầu của “Phong trào chấn hưng nước Việt”  bị bắt, Lê Văn Dũng tiếp quản tàn dư còn lại, lập ra kênh “Chấn hưng nước Việt” sau này được hắn đổi tên và gọi đầy mỹ miều là kênh truyền hình “CHTV VietNam”. Đây là nơi hắn tự phong làm "Giám đốc Truyền hình" với giọng điệu ngông cuồng “sắp tới, Phong trào Chấn hưng Nước Việt sẽ đánh sập Đài Truyền hình Việt Nam”. Đây thực chất là hành động nhằm tập hợp lực lượng đấu tranh đòi dân chủ, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam sang đa nguyên, đa đảng.

Theo cáo trạng, năm 2017, Lê Văn Dũng cũng tạo lập tài khoản “Alfonso Vô va” trên mạng xã hội Facebook. Từ tháng 3-2017 đến tháng 9-2019, Dũng đã làm, đăng tải 12 video trong đó có 5 video có nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước lên tài khoản Facebook trên. Có thể thấy, Dũng "Vova" có mặt ở mọi nơi và lợi dụng mọi vấn đề, mọi điểm nóng chĩa “mũi dùi” kích động chống phá, gây rối an ninh trật tự, từ các vụ khiếu kiện đất đai ở Đông Anh (Hà Nội); Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên) đến ô nhiễm môi trường (Formosa)…

“Kênh CHTV” do Dũng "Vova" lập nên với slogan đầy tính triết lý, nhân văn “CHTV là kênh truyền hình của bạn, của dân oan” nhưng nó được lập ra để móc nối, lôi kéo những người bị cho là “dân oan”, thiếu hiểu biết lại đang có những khúc mắc với chính quyền bị sập bẫy trở thành một thành viên của tổ chức do Dũng lập ra.

Dũng sử dụng chiêu trò livestream trên “CHTV” với giọng điệu bơm mớm, thêm thắt bình luận xuyên tạc, kích động dân khiếu kiện, chửi bới, thóa mạ chính quyền.

Không dừng lại ở đó, Lê Văn Dũng cùng đồng bọn còn tích cực đến các địa phương tìm cách phát triển lực lượng chống đối, trong đó họ tập trung móc nối, lôi kéo số đầu đơn, khiếu kiện cực đoan tại các địa phương, thu thập thông tin về các vụ khiếu kiện, sau đó lồng ghép các nội dung xuyên tạc, bôi nhọ…, tán phát trên “Đài CHTV”.

Với những chiêu trò câu view rẻ tiền như sử dụng các từ khoá nhạy cảm, lồng ghép tin giả với tin thật, tiết lộ thông tin chưa kiểm chứng về đời tư các lãnh đạo, một bộ phân cư dân mạng đã tò mò, click xem video của “CHTV” và vô tình đã tạo ra khoản thu nhập lớn trên kênh youtube cho tổ chức của Dũng "Vova".  

Thậm chí, năm ngoái, để đánh bóng tên tuổi, trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV vừa qua, Lê Văn Dũng đã thực hiện chiêu trò “tự ứng cử”. Mặc dù biết rõ bản thân hoàn toàn không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành đại biểu Quốc hội nhưng Dũng "Vova" lại kêu gào đổ tội cho Đảng, cho chính quyền phớt lờ quyền công dân, quyền tự ứng cử của hắn.

Thực tế, Lê Văn Dũng đã nhiều lần bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP. Hà Nội triệu tập để làm việc liên quan tới tin báo về tội phạm của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, nhưng hắn đều khước từ các đơn triệu tập.

Và dù có mạnh miệng kêu gào trên mạng xã hội bao nhiêu đi chăng nữa thì với bản tính hèn nhát, sau khi bị cơ quan an ninh điều tra khởi tố, Dũng bỏ trốn khỏi nơi ở. Đến ngày 30-6-2021, Dũng "Vova" bị cơ quan an ninh điều tra bắt theo lệnh truy nã khi đang lẩn trốn tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Những bài ca “tẩy trắng” vô vọng

Ngay từ khi Dũng "Vova" bị bắt, các đối tượng đồng phe luôn tích cực “tẩy trắng” cho hắn bằng cách tung hô, cổ vũ, gọi Lê Văn Dũng là “nhà báo độc lập”, “người bất đồng chính kiến”, “người bảo vệ dân oan”, “người đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền”. Mục đích của các đối tượng này là xây dựng hình tượng Dũng "Vova" thành “nạn nhân” của chính quyền, vì “đấu tranh cho tự do, dân chủ” mà bị khởi tố.

Đúng như những gì dự đoán, ngày 22-3, tức trước ngày diễn ra phiên sơ thẩm xét xử Lê Văn Dũng, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) ra tuyên bố: “Kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ cáo trạng và trả tự do cho nhà báo độc lập Lê Văn Dũng”.

Tuyên bố dẫn lời của ông Phil Roberson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức HRW cho rằng: “Lê Văn Dũng là một trong số hơn 60 người mà chính quyền Việt Nam truy tố hoặc bỏ tù chỉ vì đã lên tiếng chỉ trích Nhà nước”, “Điều luật quy định về tội tuyên truyền chống Nhà nước trong Luật Hình sự được sinh ra nhằm de dọa người dân, khiến người dân phải chọn hoặc im lặng hoặc bị bỏ tù”, “Việc Nhà nước Việt Nam bắt bớ và khởi tố ông Lê Văn Dũng cho thấy Hà Nội không muốn người dân tham gia làm báo, họ không muốn người dân điều tra các vụ tham nhũng, hoặc phanh phui những việc làm sai trái của cán bộ. Họ cũng không quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng, hay của các hội nhóm đang cố gắng đấu tranh cho một nền hành chính tốt đẹp hơn, hoặc đấu tranh cho cải cách dân chủ và luật pháp.Vụ việc này cho thấy chính quyền Việt Nam chỉ quan tâm đến việc duy trì quyền lực của họ, thay vì lắng nghe những tiếng nói phản biện”. Tuyên bố này đưa ra lời kêu gọi: “Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam cần gây sức ép để Hà Nội lắng nghe những người lên tiếng phê bình thay vì đàn áp họ.”

Tất nhiên, những ý kiến này chỉ là luận cứ vô vọng, thiếu căn cứ và đầy tính xuyên tác bởi ai cũng biết, những năm gần đây, HRW luôn có cái nhìn tiêu cực về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Điều này thể hiện rất rõ qua các Báo cáo nhân quyền thế giới của tổ chức này hằng năm khi luôn thể hiện bản chất cực đoan, thiếu thiện chí của một tổ chức tự gắn mác “vì nhân quyền” trước những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy quyền con người thời gian qua. Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Cu-ba, Sri Lanka. Căm-pu-chia, Băng-la-đét… từng nhiều lần phản đối HRW về những động thái lợi dụng nhân quyền để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, tạo cớ can thiệp vào những vấn đề nội bộ của các quốc gia này. Trung Quốc đã không ít lần đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với HRW, trong khi đó trang web của HRW bị cấm hoạt động ở Thái Lan.

Nhìn các lập luận của HRW, nhiều quan điểm đưa ra hoàn toàn sai lệch như cho rằng “Điều luật quy định tội tuyên truyền chống Nhà nước trong Luật Hình sự được sinh ra nhằm de doạ người dân, khiến người dân phải chọn hoặc im lặng hoặc bị bỏ tù”, trong khi mỗi công dân trong một quốc gia phải sinh sống và hoạt động tuân thủ pháp luật. Pháp luật ở tất cả các quốc gia đều được sinh ra nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân và pháp luật Hình sự Việt Nam cũng như vậy. Ở Việt Nam hiện nay, người dân có rất nhiều “kênh” để thể hiện tiếng nói của mình. Người dân được tự do ngôn luận, tự do tiếp cận in-tơ-nét, báo chí luôn lên tiếng, phản ánh những điểm nghẽn, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, nhưng tất cả phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Vậy mà chỉ từ trường hợp sai trái, bắt một kẻ phạm tội như Dũng "Vova", HRW đã quy kết cho Đảng, chính quyền Việt Nam đàn áp nhân dân.

Còn tuyên bố của ông Phil Robertson cho rằng: Nhà nước Việt Nam “không quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng, hay của các hội nhóm đang cố gắng đấu tranh cho một nền hành chính tốt đẹp hơn, hoặc đấu tranh cho cải cách dân chủ và luật pháp” thể hiện luận điểm vô lý của một người đứng ngoài. Chính sách của Đảng, của Chính phủ Việt Nam luôn đặt con người làm trung tâm, vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia dân tộc. Cam kết nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Chẳng có gi là oan sai với những việc làm và bằng chứng rõ ràng tố cáo hành vi của Dũng "Vova". Lê Văn Dũng bị truy tố và bắt về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo quy định tại Điều 88, khoản 1, điểm a, b, c - Bộ luật Hình sự năm 1999 với bản án có thể lên đến 12 năm tù giam. Khi đã bị bắt, Lê Văn Dũng khá “ngoan cường”, không có thái độ ăn năn, hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, y nhận bản án 5 năm tù giam, 5 năm quản chế sau mãn hạn tù.

Với những hành động ngược lại lợi ích chung của cộng đồng, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, kích động sự bất mãn, gây mất đoàn kết dân tộc, bản án 5 năm tù giam đối với Lê Văn Dũng được nhiều người đánh giá còn quá nhẹ so với quá trình hắn “dấn thân” trong con đường dân chủ lầm lỗi. Nhưng mong rằng, với ngần ấy thời gian trong tù, hy vọng Lê Văn Dũng sẽ cải tạo và rút ra bài học xương máu cho mình để quay lại với con đường chính nghĩa.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất