Bảo đảm quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Ảnh minh họa

Theo đó, Luật đã đảm bảo quyền chủ động và tự nguyện của người lao động đi làm việc ở nước ngoài và được thể hiện trong Điều 1; Điều 2; Điều 3: (khoản 1), (khoản 4) và (khoản 5); Điều 5... Các quy định này bảo đảm quyền của người lao động được ra nước ngoài làm việc hợp pháp, tự do lựa chọn hình thức đi làm việc ở nước ngoài phù hợp và không bị ép buộc phải làm việc trái ý muốn của họ.

Đặt vấn đề coi trọng quyền và lợi ích của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Luật số 69 đã đưa quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lên Chương I Những quy định chung. Cụ thể, Điều 6 Chương I của Luật quy định, người lao động có quyền: được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến đi làm việc ở nước ngoài; được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài; khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật.

Người lao động cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Việc quy định như vậy, cho phép người lao động chủ động tự quyết định việc đi làm việc ở nước ngoài, tự bảo vệ an toàn cho bản thân trước khi nhờ đến sự can thiệp của các tổ chức, cơ quan chức năng.

Luật nêu rõ, cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng có trách nhiệm đề xuất, xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong suốt quá trình từ trước khi xuất cảnh, trong thời gian làm việc ở nước ngoài cho đến khi về nước...

Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện, cũng như phải được sự cho phép, chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với từng hợp đồng, thỏa thuận hoặc phương án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đặc biệt, đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tài chính và nhân lực để thực hiện hoạt động này. Đồng thời Luật cũng quy định quyền, nghĩa vụ giữa doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động từ quá trình chuẩn bị nguồn, tuyển chọn, đào tạo, làm thủ tục cho người lao động đến khi người lao động làm việc ở nước ngoài và sau khi về nước theo quy định của pháp luật và hợp đồng, thỏa thuận giữa người lao động với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân này.

Nhằm ngăn ngừa việc lạm thu tiền dịch vụ của người lao động, Luật số 69 quy định nghiêm cấm hành vi thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật này, đồng thời đã luật hóa quy định hiện hành về việc thu tiền dịch vụ của người lao động như: mức trần tiền dịch vụ; thời điểm được thu tiền dịch vụ là sau khi hợp đồng cung ứng lao động đã được cơ quan thẩm quyền chấp thuận và sau khi ký kết hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; việc hoàn trả tiền dịch vụ cho người lao động trong trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ đã thu tiền dịch vụ từ người lao động cho toàn bộ thời gian làm việc thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà người lao động phải về nước trước thời hạn và không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động số tiền dịch vụ và tiền lãi theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tiền lãi được tính theo lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng do các bên thỏa thuận tại thời điểm doanh nghiệp hoàn trả cho người lao động” (khoản 3, Điều 23).

Một điểm mới đáng chú ý tại Luật sửa đổi lần này là quy định quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần…

Bên cạnh đó Luật quy định hỗ trợ người lao động trong các trường hợp phát sinh từ nguồn Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước: trong các trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn do tai nạn, ốm đau, bệnh tật; do người sử dụng lao động phá sản, giải thể; hoặc chiến tranh, thiên tai …; giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động và hỗ trợ thân nhân người lao động trong trường hợp người lao động chết hoặc mất tích ở nước ngoài.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất