|
Ảnh minh hoạ
|
Bản chất cách mạng của Đảng
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luận chứng một cách khoa học, cách mạng về xây dựng chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Đây là cơ sở lý luận gốc để bác bỏ luận điệu sai trái trên.
C.Mác và Ph.Ăngghen đã soạn thảo “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản”. Sau đó C.Mác đã trực tiếp soạn thảo “Tuyên ngôn thành lập Hội Liên hiệp công nhân quốc tế” và cùng với Ph.Ăngghen soạn thảo “Điều lệ chung và các quy chế hành chính” của Quốc tế thứ nhất. Trong các văn kiện trên, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu ra và lý giải những nguyên tắc tổ chức về xây dựng đảng cộng sản nói chung, nhất là tiêu chuẩn của đảng viên nói riêng.
Đảng cộng sản là một tổ chức độc lập mang bản chất giai cấp công nhân: “Đảng công nhân phải hành động sao cho thật có tổ chức, thật thống nhất, thật độc lập nhất, nếu như nó không muốn... lại bị giai cấp tư sản lợi dụng và bám đuôi nó mà lê đi”. Đảng phải đưa các tư tưởng của CNXH khoa học vào trong các tổ chức đó, hướng hoạt động của các tổ chức đó vào quỹ đạo của cách mạng vô sản.
C.Mác và Ph.Ăngghen đòi hỏi đảng khác bộ phận còn lại của giai cấp ở chỗ: “Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”.
Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, điều kiện tiêu chuẩn người vào Đảng nhất thiết phải là những người thừa nhận thế giới quan cộng sản chủ nghĩa, hành động phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ của Đảng, có nghị lực cách mạng và tích cực tuyên truyền tư tưởng của CNXH khoa học, tự giác phục tùng nghị quyết và giữ gìn bí mật của Đảng, đóng hội phí đầy đủ thì mới được kết nạp vào Đảng.
Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, V.I.Lênin khẳng định: “Đảng phải là đội tiền phong, là người lãnh đạo quảng đại quần chúng giai cấp công nhân; toàn thể (hay hầu như toàn thể) giai cấp này hành động dưới sự kiểm soát và lãnh đạo của các tổ chức đảng, nhưng họ không gia nhập tất cả và không được gia nhập tất cả vào đảng”.
Đảng là của giai cấp, đảng gắn liền, không tách rời giai cấp, nhưng đảng không phải là toàn bộ giai cấp. Không được lẫn lộn giữa đảng với giai cấp. Nếu lẫn lộn Đảng với giai cấp có nghĩa là phủ nhận vai trò của đảng là đội tiền phong của giai cấp và trên thực tế là thủ tiêu Đảng. V.I.Lênin chỉ ra rằng: “Không được lẫn lộn Đảng, tức là đội tiên phong của giai cấp công nhân với toàn bộ giai cấp”. Vai trò tiên phong của Đảng thể hiện một cách toàn diện ở lý luận tiên phong, ở đường lối đúng đắn, ở năng lực lãnh đạo quần chúng cũng như ở tinh thần tận tuỵ gương mẫu, hi sinh của các tổ chức đảng và của đội ngũ đảng viên.
Về mặt tổ chức Đảng phải rất chặt chẽ, gồm những người ưu tú nhất, có giác ngộ cộng sản chủ nghĩa, có ý thức tổ chức và kỷ luật trong giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động. Các tiêu chuẩn về tư cách đảng viên, về việc lựa chọn người vào Đảng, về thời kỳ dự bị, về thủ tục kết nạp và khai trừ đảng viên, về quyền hạn và nhiệm vụ của đảng viên... đều phải thể hiện thành nguyên tắc, quy định trong Điều lệ Đảng và thực hiện trong thực tế hoạt động, sinh hoạt của Đảng.
Sự tiên phong về mặt tổ chức của Đảng còn thể hiện ở chỗ Đảng là đội ngũ có tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp công nhân. V.I.Lênin chỉ rõ: “Đảng là tổng hợp các tổ chức gắn với nhau thành một khối. Sự tổ chức của Đảng đòi hỏi người đảng viên không những phải thừa nhận cương lĩnh của Đảng mà còn phải tham gia hoạt động trong một tổ chức cơ sở của Đảng để phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng bằng hành động cách mạng thực tế, phải chịu sự giám sát của tổ chức đảng, phải có tính tổ chức và kỷ luật cao. V.I.Lênin đã đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội trên những vấn đề tổ chức, nhất là đấu tranh chống phái Men-sê-vích trong Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội của Quốc tế II trên vấn đề tổ chức, đã đặt cơ sở lý luận vững chắc cho việc xây dựng đảng kiểu mới về mặt tổ chức.
Đặc biệt, theo V.I.Lênin, Đảng phải tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng, phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi Đảng. Đảng là đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân. Đảng chỉ có thể làm tròn được vai trò ấy một khi trong Đảng bao gồm những chiến sĩ tiên phong. Tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng là biện pháp quan trọng để cải thiện thành phần, chất lượng của Đảng là điều kiện vô cùng quan trọng để nâng cao uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, ở mỗi thời kỳ của cách mạng, trong Đảng không tránh khỏi một số người không còn giữ được vai trò tiên phong, đặc biệt là trong điều kiện Đảng có chính quyền không tránh khỏi những phần tử cơ hội tìm mọi cách luồn lọt, chui vào Đảng với mưu đồ đặc quyền đặc lợi, phá hoại sự thống nhất trong nội bộ Đảng, làm giảm niềm tin của quần chúng đối với Đảng. V.I.Lênin đã nhấn mạnh rằng: “Phải đuổi cổ ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hoá, không trung thực, nhu nhược”.
Tuyệt nhiên trong lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không hề chấp nhận cái gọi là “đảng viên quá độ”.
Nêu cao tiêu chuẩn đảng viên
Quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ ngày thành lập đã được Hồ Chí Minh khẳng định là một Đảng kiểu mới, Đảng của giai cấp công nhân và của nhân dân lao động Việt Nam, mang bản chất của giai cấp công nhân. Đảng luôn luôn lấy những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Trong “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (3-2-1930), Hồ Chí Minh xác định: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng. Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày và dựa vững vào hạng dân cày nghèo...”
Người đặt ra yêu cầu cao đối với tiêu chuẩn của đảng viên, vì vậy, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người viết:
“Lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc, giải phóng giai cấp và nhân dân, là sự nghiệp rất vẻ vang nhưng rất nặng nề. Để hoàn thành sự nghiệp ấy, Đảng phải thật trong sạch, thật mạnh mẽ. Vì vậy, đảng viên cũng phải thật trong sạch, thật mạnh mẽ, tức là phải đúng những tiêu chuẩn sau đây: “Không bóc lột người - Đảng chống chế độ “người bóc lột người”... Phải luôn luôn cố gắng học tập để tiến bộ mãi. Đối với những đảng viên đúng tiêu chuẩn, thì Đảng phải bồi dưỡng thêm. Đối với những đảng viên gần đúng (và những đảng viên xuất thân từ giai cấp bóc lột), thì Đảng ra sức giáo dục, giúp đỡ để họ tiến đúng tiêu chuẩn. Đối với những đảng viên đã được giáo dục nhiều mà vẫn không tiến đúng tiêu chuẩn, thì Đảng sẽ khuyên họ rút lui, nhưng vẫn giữ cảm tình với họ”.
Luôn nhất quán với quan điểm trên, trong “Bài phát biểu tại Hội nghị sơ kết cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ “bốn tốt” ở khu vực ngoại thành Hà Nội”, ngày 18-12-1964 là lần thứ 8 Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra tiêu chí này, đó là: “Đảng viên phải kiên quyết và suốt đời đấu tranh cho Đảng. Luôn bồi dưỡng tư tưởng vô sản của mình, không để mắc sai lầm, tích cực sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Luôn luôn để lợi ích của Đảng lên trên lợi ích của cá nhân. Khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân không khớp nhau thì đảng viên phải để lợi ích của Đảng lên trước. Tuyệt đối chấp hành nghị quyết, kỷ luật của Đảng. Mật thiết liên hệ với quần chúng. Cố gắng học tập về mọi mặt để không ngừng nâng cao trình độ của mình, thật thà tự phê bình và phê bình.
Từ khi có chính quyền, 94 năm qua, Đảng ta đã quán triệt và vận dụng đúng đắn quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực hiện nhiều hình thức và biện pháp nhằm xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ đảng viên, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm với nhiệm vụ trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng. Trong đó, đặc biệt coi trọng tiêu chuẩn đảng viên.
Điểm lại lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng cho thấy, ở đâu, lúc nào nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, về tiêu chuẩn người đảng viên thì ở đấy, lúc đó tình hình dẫu khó khăn đến đâu Đảng vẫn vững mạnh, cách mạng cũng vượt qua. Trái lại ở đâu, lúc nào vận dụng máy móc, giáo điều, hoặc chủ quan duy ý chí, quan điểm lệch lạc, tư tưởng dao động, tác phong công tác trì trệ, nhất là chấp nhận cái gọi là “đảng viên quá độ” - tức đảng viên “trung bình” thì ở đấy, lúc đó, hiệu lực, hiệu quả thực hiện nghị quyết của các cấp ủy đảng hạn chế; Đảng, cách mạng gặp khó khăn, tổn thất. Vì vậy, Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 23 của Trung ương Đảng, tháng 10-1974, Đảng ta chỉ rõ: “Nhưng phải nhận rằng tổ chức của Đảng có những mặt thiếu năng động, có những bộ phận không lành mạnh, trì trệ. Số tổ chức cơ sở yếu, kém, tương đối nhiều; riêng ở nông thôn (theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương) có khoảng 13%, những tổ chức cơ sở này không làm được vai trò hạt nhân lãnh đạo. Nhiều cấp uỷ, nhiều cơ quan mất đoàn kết nghiêm trọng. Số đảng viên không đủ tiêu chuẩn chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Nếu tính từ khi thực hiện Nghị quyết 195 thì số đảng viên bị xử trí ở những cơ sở đã thực hiện Chỉ thị 192 lên tới 15% tổng số đảng viên của những đảng bộ đó (trong đó khoảng hơn 6% bị đưa ra khỏi Đảng). Đó là chưa nói số đảng viên trình độ giác ngộ quá thấp và bộ phận đảng viên thụ động mà ta thường gọi là đảng viên "trung bình"… Tình hình trên đây đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghị quyết của Đảng”[1].
Thực tiễn phong phú đó, nhất là thực tiễn gần 40 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng nói chung, xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng, một lần nữa chứng minh điều đó. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thực tiễn phong phú và sinh động của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Mặt khác, thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kì vọng của nhân dân. Thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Nói tóm lại, luận điệu “đảng viên quá độ” thực chất là quan điểm sai trái về lý luận và phản động về thực tiễn, tác động hướng lái, tạo sự chuyển hoá về tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, nhận diện và đưa ra cơ sở khoa học để bác bỏ là cần thiết nhằm trực tiếp đấu tranh hiệu quả với quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 35, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.212-213.
TS. HÀ SƠN THÁI