Các đại biểu tại Hội thảo “Vai trò của Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong khu vực ASEAN” đều nhất trí đây là bước khởi đầu để các nước trong khu vực ASEAN có thể xây dựng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động bị rủi ro, tai nạn trong quá trình lao động, giảm gánh nặng cho người sử dụng lao động cũng như cho Nhà nước và xã hội.
Sáng 18-11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội (LĐPLXH) Lào tổ chức Hội thảo “Vai trò của Quỹ Bảo hiểm TNLĐ trong công tác phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong khu vực ASEAN” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
|
Toàn cảnh Hội thảo.
|
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam Lê Văn Thanh và Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động, Bộ LĐPLXH Lào Khamphat Onlasy đồng chủ trì Hội thảo. Cùng dự Hội thảo có bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam; đại diện các nước ASEAN; đại diện Bộ Ứng cứu khẩn cấp Trung Quốc; các chuyên gia của ILO về an toàn lao động.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, thực tế cho thấy trong quá trình sản xuất, kinh doanh, người lao động luôn phải đối diện với các yếu tố nguy hiểm, có hại, cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động là nguyên nhân gây ra các vụ TNLĐ, BNN thời gian qua.
Mặc dù, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành các chính sách nhằm bảo vệ người lao động khỏi các nguy cơ TNLĐ, BNN, cùng với ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động ngày càng được nâng cao nhưng những vụ TNLĐ nghiêm trọng, gây chết nhiều người do các nguyên nhân khách quan và chủ quan vẫn xảy ra, để lại hậu quả nghiêm trọng cả về vật chất và tinh thần cho người lao động, thân nhân, doanh nghiệp và cho toàn xã hội ở mỗi quốc gia.
Nhằm chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là người lao động và thân nhân trước những rủi ro về TNLĐ, BNN, Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN là một trong những chính sách an sinh xã hội hữu ích nhất hiện nay. Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do TNLĐ, BNN trên cơ sở đóng góp vào Quỹ.
Dưới tư cách là chuyên gia về an toàn lao động trong hơn 20 năm, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam khẳng định an toàn vệ sinh lao động là quyền cơ bản của người lao động vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam đặt ra một số vấn đề cần thảo luận đối với việc đảm bảo an toàn lao động như vấn đề ai sẽ chi trả cho người lao động tại khu vực kinh tế phi chính thức, người lao động mắc BNN một thời gian dài sau khi nghỉ việc...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi các nội dung như: tổng quan chính sách về Quỹ Bảo hiểm TNLĐ trong công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN trên thế giới và trong khu vực ASEAN; kinh nghiệm xây dựng, triển khai Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN và công tác phòng ngừa TNLĐ sau dịch COVID-19 ở các nước; thách thức và giải pháp, khuyến nghị của mỗi nước về vai trò của Quỹ Bảo hiểm TBLĐ, BNN trong công tác phòng ngừa trong khu vực ASEAN; cơ chế thay thế và nhu cầu thiết lập cơ chế đền bù trong khu vực ASEAN…
PV