Bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo

Phí Văn Thanh Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an

Trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo.

Rủi ro đi cùng tiện ích

Với khả năng thông minh và sức mạnh tính toán, AI đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của con người, trong đó có trẻ em. AI tạo ra xu hướng mỗi khi trẻ truy cập vào in-tơ-nét, can thiệp vào chương trình học, giải trí…; mang lại nhiều lợi ích, tiện dụng nhưng cũng là mối nguy cơ đối với trẻ em, trong đó có vấn đề bảo vệ quyền riêng tư, an toàn cũng như những tác động đến tâm lý và hành vi.

AI đã tạo ra sự đột phá trong việc cải thiện hệ thống giáo dục và phương pháp học tập cho trẻ em tại Việt Nam; mở ra nhiều cơ hội, giúp cải thiện, phát triển kỹ năng cho trẻ em; cung cấp ứng dụng học tập tương tác trên không gian mạng; hỗ trợ cá nhân hóa; tạo ra môi trường học tập thú vị, hấp dẫn...

Trẻ em có thể tiếp cận với kho kiến thức, bài tập khổng lồ và nhận phản hồi tức thì từ hệ thống AI. Hiện nay, tại Việt Nam, một số phần mềm, chương trình giáo dục trực tuyến ứng dụng công nghệ AI, được nhiều trường học sử dụng như: Hocmai.vn, VnEdu hay GoMaths, khoa học và công nghệ trẻ STEM, Codelearn, CoderSchool…

Tư duy và khả năng sáng tạo của trẻ cũng được phát huy khi trẻ thực hiện các hoạt động giải trí, vui chơi trên các phần mềm dựa trên nền tảng AI như các trò chơi điện tử thông minh (Garena Liên Quân Mobile, PUBG Mobile hay Foody Crush), các ứng dụng vẽ tranh (Colorize, Adobe Photoshop)… Những phần mềm này không chỉ mang lại thời gian thư giãn, trải nghiệm giải trí độc đáo mà còn kích thích trí thông minh, khả năng sáng tạo, logic của trẻ.

Với trí thông minh và tiện dụng của mình, AI mang lại một cuộc sống dễ dàng, tự động hóa và tiện dụng hơn cho trẻ. Các ứng dụng như trợ lý ảo như Siri, Google Assistant, Grab… không còn xa lạ và được sử dụng thành thạo bởi trẻ em, hỗ trợ trẻ trong sinh hoạt hằng ngày như điều khiển điện thoại thông minh kiếm thông tin, đặt xe, mua sắm trực tuyến hoặc sắp xếp lịch trình... AI cũng đã được áp dụng trong các sản phẩm gia dụng thông minh, điều khiển bằng giọng nói như máy giặt, tủ lạnh thông minh… phục vụ tối đa nhu cầu và cuộc sống của trẻ.

Tuy nhiên, nguy cơ mà AI mang lại cũng không hề nhỏ. AI đang làm thay đổi cách tương tác giữa con người vơi máy móc và cả giữa người với người; ảnh hưởng đến tâm lý, tác động hành vi của trẻ; xâm phạm bí mật, quyền riêng tư…

Ngày nay, trẻ em gần như phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, đặc biệt là những phần mềm, ứng dụng thông minh có sử dụng AI. Thời gian trẻ tương tác với máy móc công nghệ càng nhiều càng dẫn đến nguy cơ trẻ bị trầm cảm, rối loạn hành vi thậm chí nghiện, phụ thuộc nặng nề vào vào AI nhất là trong học tập, làm giảm khả năng suy nghĩ, nghiên cứu, làm việc và chủ động của trẻ...

Không những thế, với thuật toán thông minh, AI có thể dễ dàng xâm nhập vào đời sống riêng tư, thu thập mọi thông tin của trẻ từ sở thích, thông tin cá nhân, hình ảnh… một cách dễ dàng; khiến cho đời sống, bí mật của trẻ không còn an toàn nữa. Đặc biệt là khi trẻ em chưa có đủ khả năng hiểu và đánh giá rủi ro, không nhận ra hậu quả nghiêm trọng của việc cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh…

Không những vậy, trẻ em còn phải đối mặt với nguy cơ tiếp cận thông tin không phù hợp. Mọi tính toán của AI đều dựa trên sao chép, tính toán "máy móc", không có sự chọn lọc, kiểm soát, vì thế có thể mang đến những thông tin xấu độc như: tin giả, hình ảnh khiêu dâm, đồi truỵ, bạo lực…

Ngoài ra, sự phát triển của AI trong lĩnh vực giáo dục vô hình chung lại mang đến sự bất bình đẳng, áp lực và sự so sánh giữa trẻ em ngày nay. Mới đây, Quỹ Nhi đồng LHQ cũng đã đưa ra cảnh báo những nguy cơ đối với trẻ em liên quan đến AI, trong đó có đề cập đến việc AI có thể làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng và thiên vị khi một số trường sử dụng máy móc để sắp xếp đơn dự tuyển để tuyển sinh nhưng điều này lại vô tình loại trừ một nhóm học sinh nào đó. Hay các thuật toán AI có thể đẩy mạnh sự so sánh giữ trẻ với những người khác, gây ra sự không hài lòng về bản thân. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự tự tin, sức khỏe tâm lý của trẻ.

Một nguy cơ quan trọng nữa đó là sự mất cân bằng, kết nối giữa con người và con người. Sự phụ thuộc quá mức vào AI và công nghệ có thể làm mất đi kỹ năng xã hội, giao tiếp trực tiếp, khả năng xây dựng mối quan hệ của trẻ. Điều này có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là trong cảm xúc và hành vi. Trẻ sẽ không biết cách kiềm chế, thể hiện cảm xúc của bản thân; không biết tương tác với những người xung quanh.

Tiếp cận và sử dụng an toàn

Đối với trẻ em, việc sử dụng AI đòi hỏi sự thận trọng và giám sát cẩn thận từ phía người lớn. Quan trọng nhất là bảo đảm rằng trẻ được giáo dục và hướng dẫn sử dụng công nghệ một cách an toàn; đồng thời duy trì cân bằng giữa sự tiến bộ kỹ thuật và các yếu tố phát triển khác của trẻ. Vì vậy, cần có sự nhìn nhận đúng đắn và giải pháp hợp lý để trẻ em tiếp cận và sử dụng AI một cách an toàn.

Sự tiếp xúc của trẻ em với máy tính

AI thay đổi cách trẻ học tập và tương tác với thế giới xung quanh.

Trước tiên, cần tạo ra một môi trường công nghệ an toàn cho trẻ. Nhà nước và các cơ quan chức năng cần ban hành các quy định liên quan đến kiểm duyệt nội dung trước khi phát hành ứng dụng, phần mềm có sử dụng công nghệ AI. Trong đó, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ có những cảnh báo về nội dung liên quan đến trẻ.

Thứ hai, để các em có thể tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ từ AI thì giáo dục nhận thức chính là biện pháp quan trọng hàng đầu. Trẻ em cần được trang bị những kiến thức cơ bản về AI, công nghệ, kỹ thuật… cũng như những kỹ năng mềm trong quá trình sử dụng công nghệ và mạng xã hội. Trong đó, lồng ghép các nội dung hướng dẫn sử dụng công nghệ, các ứng dụng thông minh với việc cảnh báo những nguy cơ mất an toàn, mặt tiêu cực của những ứng dụng này cho trẻ cũng như những nhận thức cơ bản về quyền riêng tư, trách nhiệm trực tuyến…

Thứ ba, cần có biện pháp giám sát, quản lý việc sử dụng công nghệ AI của trẻ. Đồng nghĩa với việc không để trẻ "tự do" tiếp cận những công nghệ này. Việc quản lý có thể là về thời gian, nội dung, hình thức sử dụng để bảo đảm sự an toàn cho trẻ em; tránh được những hậu quả, tác động không mong muốn cho trẻ. Điều này bao gồm việc thiết lập qui định sử dụng công nghệ, giám sát hoạt động trực tuyến của trẻ em và tạo ra môi trường trò chuyện, thảo luận để trẻ cởi mở, dễ dàng chia sẻ.

Thứ tư, cần có định hướng trong việc tiếp cận, sử dụng AI của trẻ. Thay vì để trẻ sử dụng công nghệ AI chỉ cho mục đích giải trí, dễ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực thì các bậc phụ huynh cần khuyến khích trẻ em sử dụng công nghệ AI một cách sáng tạo và hữu ích; định hướng trẻ tiếp cận với những với những phần mềm, ứng dụng hữu ích phục vụ cho học tập, nghiên cứu, tư duy, khả năng sáng tạo...

Thứ năm, để trẻ không sử dụng AI một cách thụ động cũng như triệt để khai thách những tính năng của AI, cần xây dựng cho trẻ kỹ năng sống và tư duy phản biện. Trong đó, trang bị cho trẻ khả năng đánh giá thông tin, tư duy phân tích, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, như vậy, trẻ sẽ không bị phụ thuộc vào AI, có thể tự bảo vệ được bản thân trước những nguy cơ tiềm ẩn, thật sự làm chủ công nghệ. Sự trang bị này có thể thông qua việc tổ chức các chương trình, khóa học về kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng, làm chủ công nghệ, cách bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ trực tuyến như lạm dụng, xâm phạm, các nội dung độc hại.…

Thứ sáu, để đối mặt với thách thức của AI, cần sự phối hợp giữa phụ huynh, giáo viên, nhà trường, cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ. Trong đó, quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên trong việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ từ AI. Bên cạnh đó, cần có chính sách và quy định rõ ràng về bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ; nhà cung cấp dịch vụ AI cần có những cam kết trong bảo mật thông tin cá nhân để mang đến môi trường an toàn và bảo vệ trẻ khỏi hành vi bị  không bị lạm dụng.

Tại Việt Nam, chương trình đào tạo về AI cho trẻ em còn khá mới mẻ và chưa được phổ biến rộng rãi. Một số tổ chức, trung tâm giáo dục và công ty đã triển khai các hoạt động đào tạo về AI cho trẻ em như lớp học về robot và lập trình, giúp trẻ em có cơ hội trải nghiệm, học hỏi. Tuy nhiên, cần có sự đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan chức năng để đưa chương trình đào tạo về AI cho trẻ em trở thành một phần không thể thiếu trong giáo dục tại Việt Nam.

Việc hiểu và đối phó với tác động của AI đối với trẻ em là rất quan trọng. Chúng ta cần tận dụng những cơ hội mà công nghệ AI mang lại, đồng thời bảo đảm rằng trẻ em được bảo vệ và an toàn trong quá trình tương tác với AI. Cần có sự phối hợp chặt chẽ của Nhà nước, các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và các nhà cung cấp dịch vụ để xây dựng một môi trường giáo dục mới, công bằng, đa dạng; hỗ trợ trẻ em trong việc hiểu và sử dụng AI một cách thông minh, an toàn. Có vậy, mới có thể bảo đảm rằng trẻ em sẽ hưởng lợi và phát triển từ sự tiến bộ của AI, trở thành những cá nhân tự tin, sáng tạo và đóng góp tích cực cho xã hội trong tương lai.

Một số gợi ý về quy tắc sử dụng công nghệ AI cho trẻ

- Thời gian sử dụng: quy định rõ thời gian sử dụng công nghệ AI, trong đó, phân định rõ giữa giờ học và giờ chơi cũng như giới hạn thời lượng dành cho giải trí của trẻ; giới hạn những hành động không được phép làm trong thời gian học…

- Nội dung các ứng dụng: quản lý, kiểm soát nội dung của các phần mềm AI mà trẻ đang sử dụng; nắm được trẻ đang học, chơi, tìm hiểu cái gì; vạch rõ những việc trẻ được làm và không được làm.

- Thông tin cá nhân của trẻ: quản lý chặt chẽ thông tin cá nhân của trẻ; đặt cho trẻ nguyên tắc tuyệt đối không bao giờ công khai các thông tin cá nhân như họ tên, trường học, địa chỉ, số nhà, số điện thoại…; giải thích để trẻ hiểu rằng các thông tin này có thể bị người khác thu thập, sử dụng cho những mục đích xấu.

- Quy định hình phạt khi trẻ không tuân thủ quy định. Việc làm này cần được đưa ra thảo luận cùng với trẻ trước khi yêu cầu trẻ thực hiện. Đồng thời cha mẹ cũng cần giữ thái độ cương quyết và thống nhất giữa các lần xử phạt để tạo nếp cho trẻ.

- Hướng dẫn trẻ kĩ năng từ chối khi bạn bè rủ rê.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất