Nỗ lực của Việt Nam trong xoá bỏ lao động trẻ em

Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Dân trí

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Dân trí.

Thách thức đối với xoá bỏ lao động trẻ em

Theo báo cáo chung của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố ngày 9-6-2021, trên thế giới có 160 triệu trẻ em là đang phải lao động kiếm sống và 9 triệu em khác đang gặp rủi ro do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong đó, trẻ em ở độ tuổi 5-11 phải tham gia lao động đang có xu hướng tăng lên; số trẻ ở độ tuổi 5-17 tuổi làm công việc độc hại tăng từ 6,5 triệu (năm 2016) lên 79 triệu. Các cuộc khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến cho trẻ em có nguy cơ phải làm việc nhiều, trong điều kiện xuống cấp, thậm chí là bị bóc lột do thu thập của gia đình bị ảnh hưởng, cha mẹ bị mất việc làm.

Việt Nam còn là một trong số ít quốc gia đang phát triển đã thực hiện điều tra quốc gia về lao động trẻ em (năm 2012 và năm 2018). So sánh hai kỳ khảo sát này, toàn cảnh về lao động trẻ em ở Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể. Khảo sát năm 2018 cho thấy lao động trẻ em đã giảm từ 9,6% xuống còn 5,3% (thấp hơn khoảng 2% so với tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á và Thái Bình Dương). Trong số hơn 1 triệu lao động trẻ em thì có tới 63% trẻ em được tiếp cận giáo dục (tăng gần 20 % so với năm 2012); 51,2% trẻ từ 15 đến 17 tuổi; trẻ em trai chiếm 59%, trẻ em gái chiếm 41%; chủ yếu các em sinh sống ở nông thôn (84%). 

Ở Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, lao động trẻ em tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu thuộc khu vực kinh tế không chính thức nên khó phát hiện, kiểm soát và xử lý; 50,4% lao động trẻ em phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; bỏ học hoặc chưa từng đi học chiếm 50%.

Nguyên nhân chủ yếu của lao động trẻ em vẫn là tình trạng nghèo. Hầu hết các em đều thuộc hộ gia đình nghèo, thu nhập thấp, không ổn định hoặc gia đình dễ bị tổn thương như ly hôn, cha, mẹ mắc tệ nạn xã hội, khuyết tật, di cư… Trẻ em tham gia hoạt động kinh tế hay trở thành lao động đã tạo ra rào cản khiến trẻ khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội, đặc biệt là tiếp cận dịch vụ giáo dục.

Nhận thức của cha mẹ, gia đình và của chính trẻ em về giá trị của học tập để có công việc phù hợp và thu nhập bền vững sẽ quyết định việc để trẻ vượt qua khó khăn kinh tế, tiếp cận giáo dục hay từ bỏ việc học, trở thành lao động trẻ em vì lợi ích kinh tế trước mắt. Bên cạnh đó, nhận thức về lợi ích kinh tế cũng khiến trẻ em phải làm việc để tạo thu nhập dù gia đình không phải là hộ nghèo. Điều này tạo ra nguy cơ bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em gái.

Sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 dẫn tới lao động trẻ em trên thế giới có xu hướng gia tăng. Theo cảnh báo của tổ chức ILO và UNICEF thì năm 2022 có thể tăng thêm 9 triệu lao động trẻ em. Dịch bệnh làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, đe dọa sinh kế của người dân, làm giảm thu nhập và mất việc làm; nhiều trẻ em phải lao động để phụ giúp gia đình.

Nỗ lực của Việt Nam

Phòng ngừa và kéo giảm số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế và lao động trẻ em bền vững gắn liền với các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo ở Việt Nam đã và đang được thực hiện ngày càng kịp thời, hiệu quả.

Trẻ em trong các hộ nghèo, cận nghèo được đặt vào trung tâm, ưu tiên áp dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về BHYT, trợ giúp xã hội. Nhiều chính sách để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em (thực hiện giáo dục tiểu học bắt buộc; phổ cập giáo dục trung học cơ sở và chính sách xóa mù chữ; bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác…) được ban hành và xem là giải pháp cốt lõi để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em: Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27-8-2021 quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Nghị định số 82/2010/ NĐ-CP ngày 15-7-2010 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên… Nhờ vậy, Việt Nam có tới 94,4% dân số trẻ em được tiếp cận giáo dục.

Nhiều mô hình, giải pháp được thực hiện thông qua các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác, viện trợ quốc tế cũng như lồng ghép trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành cấp trung ương và các địa phương để phòng ngừa và giải quyết tình trạng lao động trẻ em. Các mô hình, giải pháp can thiệp, hỗ trợ đang triển khai và cho thấy hiệu quả và tính bền vững như: Hỗ trợ tạo nguồn sinh kế cho các hộ gia đình có trẻ em nguy cơ hoặc đang là lao động trẻ em; hỗ trợ cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp với trẻ em tại các làng nghề truyền thống và khu vực kinh tế phi chính thức; hỗ trợ để trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em không bỏ học, trở lại trường học hoặc tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp… Với nỗ lực trên, tỉ lệ nghèo giảm nhanh từ 58,1% (năm 1993) chỉ còn 4,3% hộ nghèo đa chiều theo tiêu chuẩn mới (năm 2022).

Nhiều giải pháp, hình thức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội không ngừng được đổi mới và mở rộng diện bao phủ để giải quyết vấn đề nhận thức của các gia đình, cha mẹ và chính trẻ em về giáo dục, việc làm và giảm, xóa nghèo bền vững. Các chiến dịch truyền thông được phát động ở cả Trung ương và địa phương, nhất là vào Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12-6); cộng đồng, gia đình, trẻ em và người chưa thành niên liên tục được cập nhật thông tin qua nhiều hình thức như: báo chí và truyền thông đại chúng, mạng xã hội, các câu lạc bộ, nhóm truyền thông tại cộng đồng dân cư. Nhờ đó, nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em đã được cải thiện đáng kể, góp phần tích cực vào kết quả giảm trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, trẻ em làm việc, đặc biệt là lao động trẻ em.

Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu các tác động của dịch COVID-19 đến người lao động, doanh nghiệp, hộ gia đình có trẻ em, từ đó kìm hãm sự gia tăng trở lại lao động trẻ em và người chưa thành niên; giảm tác động của việc gián đoạn học tập của trẻ em hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em miền núi thông qua chi ngân sách nhà nước, vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp và xã hội để mở rộng diện bao phủ sóng in-tơ-nét, hỗ trợ máy tính cho trẻ em nghèo, trẻ em di cư; kết hợp linh hoạt giữa học trực tuyến với trở lại trường học đã mang đến “kết quả kép”, vừa khắc phục tình trạng suy giảm chất lượng giáo dục, vừa ngăn chặn gia tăng lao động trẻ em hậu COVID-19.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), đến tháng 1-2023 đã có 92.629 máy tính bảng được tài trợ từ các doanh nghiệp viễn thông đã giao cho học sinh ở 24 tỉnh sử dụng; 510,77 tỷ đồng đã được chuyển về cho 17 Sở GDĐT để mua 204.308 máy tính bảng đang được các địa phương triển khai, bàn giao cho học sinh, hoàn thành trong quý I-2023.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em luôn là cam kết gắn với phát triển bền vững, với chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc, phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp. Việt Nam cam kết tiếp tục nỗ lực nhằm phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO phù hợp với điều kiện trong nước. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiên phong của Liên minh toàn cầu thực hiện mục tiêu 8.7 (Liên minh 8.7) thuộc Chương trình nghị sự phát triển bền vững của LHQ đến năm 2030, yêu cầu các quốc gia thành viên có các biện pháp tức thì và hiệu quả để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất đến năm 2025, tiến đến xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức.

Tham dự Hội nghị Toàn cầu lần thứ 5 về Xóa bỏ lao động trẻ em tại Thành phố Durban, Cộng hòa Nam Phi vào tháng 5-2022, Việt Nam đã chia sẻ những điển hình tốt, những giải pháp hữu hiệu, đồng thời đánh giá những khoảng trống trong xóa bỏ lao động trẻ em toàn cầu; cùng các quốc gia kêu gọi 6 nhóm giải pháp và hành động: (1) Tạo việc làm thỏa đáng cho người lớn và thanh niên trên tuổi lao động tối thiểu; (2) Xóa bỏ lao động trẻ em trong nông nghiệp; (3) Phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức thông qua xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dựa trên số liệu; (4) Thừa nhận quyền tiếp cận của trẻ em đối với giáo dục; (5) Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận an sinh xã hội; (6)Tăng cường hợp tác và đầu tư cho các nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Thông điệp được Việt Nam tham gia thảo luận và đề xuất tại Durban là “tăng cường hợp tác để nâng cao chất lượng hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp vì việc làm bền vững cho thế hệ trẻ và xóa bỏ lao động trẻ em”.

Thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đề ra mục tiêu: tiếp tục giảm tỉ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên 5-17 tuổi xuống còn 4,9 %; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất