Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thực tiễn công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện. Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong triển khai tổ chức thực hiện.
Nhấn mạnh việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Nghị quyết góp phần đánh giá tính hiệu quả của mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trên cơ sở đó đề xuất đưa (hoặc không đưa) quy định tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Về nội dung cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, Nghị quyết này quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an, trong đó trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam theo kế hoạch do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt. Trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như trong trại giam. Tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ quản lý giam giữ, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải bảo đảm các nguyên tắc:
Một là, bảo đảm an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Hai là, phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Ba là, viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi trại giam đóng tại địa phương trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Bốn là, thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thanh Hoà, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề xuất kiến nghị phạm nhân tham gia lao động hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam cần được trả công. Đại biểu đề nghị sửa đổi Khoản 3, Điều 3 dự thảo Nghị quyết theo hướng phạm nhân tham gia lao động hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được trả công theo quy định của pháp luật về lao động. Cùng với đó, cần chú ý đến các biện pháp phòng ngừa, để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động, cần có những quy định bảo đảm cho phạm nhân đề phòng tai nạn lao động, kể cả bệnh nghề nghiệp với những điều khoản không kém thuận lợi hơn so với quy định pháp luật áp dụng đối với lao động tự do.
Để làm rõ phạm vi điều chỉnh dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn về hoạt động hướng nghiệp, hoạt động dạy nghề.
Đại biểu Lê Thanh Hoà, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thì cho rằng, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam giúp con đường trở về nhà của phạm nhân sẽ ngắn lại. Theo đại biểu, rất cần thiết phải tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Bởi theo thống kê thì trong số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù có tới 67 % mới chỉ học hết cấp 1, cấp 2, cá biệt có 4,7 % không biết chữ; 54 %, trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do. Do đó, nếu như không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn.
Đại biểu cho biết cũng có những ý kiến e ngại là việc tổ chức cho phạm nhân lao động học tập, học nghề tại ngoài trại giam thì có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn. Do đó, cần thiết để Bộ Công an triển khai một cách chặt chẽ nếu được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, không vì e ngại mà chúng ta bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân được cải tạo thông qua lao động.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phù hợp với quy định của các Công ước quốc tế. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, về quan hệ công - tư, kinh nghiệm thế giới cho thấy, nhiều nước thậm chí giao nhà tù cho khối tư nhân quản lý, nên việc tư nhân tham gia vào việc thi hành án, trong đó có tổ chức lao động là tiền lệ đã có ở quốc tế.
Khoản 3 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết đã ghi rõ “Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”. Như vậy tính tự nguyện đã được nhấn mạnh và khẳng định tại dự thảo Nghị quyết, phù hợp với các quy định của Công ước 29 về lao động cưỡng bức và bắt buộc năm 1930 và các Công ước Quốc tế khác.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra nên tham vấn thêm ý kiến của Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Hà Nội; phạm vi thí điểm chỉ nên giới hạn ở lĩnh vực sản xuất trong nước, mẫu thí điểm chỉ nên thu gọn ở 10% số trại giam và thời gian thí điểm nên là 3 năm.
Hiện nay vẫn còn nhiều băn khoăn khi thí điểm tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam được đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nêu ra, đặc biệt liên quan lĩnh vực thi hành án, phạt tù và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Về cơ sở chính trị pháp lý, từ sau khi Luật Thi hành án hình sự ban hành năm 2019 đến nay chưa có văn bản nào có tính pháp lý cao hơn cho chủ trương nghiên cứu nội dung này, mới chỉ có các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thi hành án hình sự ban hành năm 2019.
Đại biểu cho biết thêm, qua các cuộc tiếp xúc cử tri đều nghe phản ánh về tình hình trật tự an ninh và cần phải được quan tâm nhiều hơn. Đại biểu cho biết, việc đưa phạm nhân ra ngoài trại tạm giam lao động ít nhiều làm người dân lo lắng, hoang mang. Chưa kể đến việc bố trí phương thức quản lý, quản lý về công cụ hỗ trợ đối với phạm nhân nữ… là những nội dung chưa được Báo cáo đánh giá tác động làm rõ.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ nghiên cứu một cách thấu đáo và quan tâm hơn trong việc rà soát, tập trung cải thiện các cơ sở tạm giam, đầu tư cơ sở vật chất khi đủ điều kiện thì tổ chức thực hiện lao động cho phạm nhân theo quy định để vừa giải quyết vấn đề bất cập, vừa đảm bảo tính nghiêm minh, đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa, phát sinh tội phạm trong tình hình mới.
Phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, để phù hợp với trình độ, phạm nhân được lựa chọn các ngành nghề phổ thông có tính tương đồng với mặt bằng chung của xã hội, ưu tiên các ngành nghề sản xuất hàng hoá tiêu thụ trong nước. Các ngành nghề tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề không thuộc danh mục các ngành, nghề có mức độ lao động độc hại, nguy hiểm theo quy định.
Về quy định các đối tượng không được đưa ra sử dụng lao động sản xuất, dạy nghề ngoài trại giam như Nghị quyết, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đó là những phạm nhân về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Trên thực tế thì hiện nay chưa có những phạm nhân phạm tội này thực hiện thi hành án trong trại giam Việt Nam. Tuy nhiên, trong dự kiến có những phạm nhân chấp hành án về điều này thì đều có những yếu tố quốc tế cho nên xem xét về tính chất, mức độ nguy hiểm, nhạy cảm nên đề xuất không đưa lao động hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, việc cấp giấy chứng chỉ nghề trong thời gian phạm nhân đang tham gia lao động, học tập, học nghề đã có quy định cụ thể trong Luật Thi hành án hình sự. Những người dưới 18 tuổi, phạm nhân trong độ tuổi thanh, thiếu niên đến 30 tuổi chưa có nghề nghiệp, phạm nhân có mức án dưới 5 năm tù với chuẩn bị chấp hành án phạt tù sẽ được ưu tiên bố trí học nghề, nâng cao tay nghề. Theo đó, mỗi phạm nhân chỉ được học một nghề. Đối với những người đi lao động tại các trung tâm lao động ngoài trại giam cũng sắp xếp 6 tháng trước khi hết hạn chấp hành án phạt tù, căn cứ vào yêu cầu lứa tuổi phạm nhân tham gia lao động học nghề ngoài trại giam sẽ được xem xét đưa trở lại trại giam để đào tạo trình độ nghề sơ cấp, tuân thủ các yêu cầu đào tạo, khi hoàn thành sẽ được cấp chứng chỉ dạy nghề theo quy định chung. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn Quốc hội, cơ quan có liên quan khác để hoàn thiện thể tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội thông qua.
PV (tổng hợp)