“Thế trận lòng dân” bản chất là sự tin tưởng tuyệt đối của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn. (Ảnh minh hoạ).
“Thế trận lòng dân” trong quan điểm của Đảng
Lần đầu tiên thuật ngữ “Thế trận lòng dân” được Đảng sử dụng trong Văn kiện Đại hội X: “Xây dựng “Thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân làm nòng cốt”. Trong Nghị quyết Đại hội XI, thuật ngữ “Thế trận lòng dân” một lần nữa được đề cập đến trong nhận định của Đảng: “Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng “Thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc”.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng “Thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh Nhân dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đến Đại hội XIII, “Thế trận lòng dân” được xem là một trong những sức mạnh nội sinh của dân tộc. Do vậy, cần chú trọng "tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “Thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh Nhân dân; xây dựng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân".
“Thế trận lòng dân” về bản chất chính là một trong những nội dung căn bản của tư tưởng yêu dân, trọng dân, vì dân, vốn là “sách lược ngàn năm” được ông cha ta truyền dạy: “Dân vi bang bản thiên niên sách/ Công tại nhân tâm vạn cổ trường” - (Lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm/ Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn thuở) (Câu đối ở Đền Trần - Nam Định).
“Sách lược ngàn năm” đã củng cố, xây dựng vị thế nước Việt, dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nếu chỉ tính thời gian chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi chủ quyền Tổ quốc của dân tộc Việt Nam đã chiếm khoảng 12 thế kỷ. Có thể nói, chưa một dân tộc, một quốc gia nào trên thế giới có thời gian đấu tranh chống ngoại xâm dài như dân tộc Việt Nam, cũng chưa có quốc gia nào có số lượng các cuộc kháng chiến nhiều như dân tộc Việt Nam. Lịch sử Việt Nam được dựng lên bằng lòng yêu nước, bằng ý thức tự hào, tự tôn dân tộc. “Sách lược ngàn năm” nuôi dưỡng tinh thần ấy chính là “dĩ dân vi bản”, là chăm lo tới đời sống của Nhân dân. Đây là tư tưởng chính thống, chủ đạo, là quy chuẩn quan trọng nhất, là cẩm nang điều hành đất nước mọi triều đại ở Việt Nam.
“Sách lược ngàn năm” cũng là nguyên tắc cai quản đất nước với trọng tâm là hai chữ “yên dân”. Lòng dân yên, mọi việc yên. Lòng dân đoàn kết, đồng tình ủng hộ, việc khó đến mấy cũng thành công. Chính vì vậy, thời phong kiến, mỗi khi triều đình ban hành các chính sách lớn, thường vẫn cắt cử các quan viên đi tới tận từng thôn xóm, làng mạc để quan sát, nghe ngóng dân tình, hỏi ý kiến các vị bô lão và người dân thu thập ý kiến trước khi ban hành. Bản thân nhà vua thường cải trang vi hành thị sát dân tình. Trong quá trình thực thi một chính sách cũng như vậy, nếu chính sách nào không hợp lòng dân sẽ lập tức được tu sửa, điều chỉnh thậm chí bãi bỏ.
Sức mạnh “tâm” nối “tâm”
“Thế trận lòng dân” là một thuật ngữ hoàn toàn mới và chưa có một khái niệm hoàn chỉnh nào. Rải rác đây đó, trên một số bài báo, công trình khoa học có đề cập đến quan niệm bước đầu về thuật ngữ này. Tuy nhiên, các quan niệm đều có điểm chung, coi “Thế trận lòng dân” là tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc được hội tụ, kết tinh, nhân lên tạo thành nền tảng chính trị vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sẵn sàng huy động nhằm thực hiện các mục tiêu của cách mạng. Hoặc quan niệm “Thế trận lòng dân” là loại hình thế trận đặc biệt, không thể hiện ra bằng hình hài cụ thể như thế trận quân sự, quốc phòng mà được thể hiện bằng sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc theo từng cấp độ khác nhau.
Đáng chú ý hơn cả là quan niệm: “Thế trận lòng dân” bản chất là sự tin tưởng tuyệt đối của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn - cơ sở quan trọng nhất để Nhân dân tự giác tham gia các phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo”.
Như vậy, tuy chưa có khái niệm cụ thể, song các quan niệm trên đã chỉ ra một số vấn đề đáng suy ngẫm về “Thế trận lòng dân”, một loại hình thế trận đặc biệt được liên kết bằng “tâm” nối “tâm” tạo nên sức mạnh vô song.
Trước hết, có thể hiểu, “thế trận lòng dân” là thuật ngữ được hợp thành bởi 2 yếu tố: Yếu tố có tính quân sự, chiến thuật là “Thế trận” và Yếu tố mang tính văn hóa - xã hội, con người là “Lòng dân”.
Bàn về yếu tố “Thế trận”, Từ điển tiếng Việt có luận giải, “Thế trận là tổ chức và bố trí lực lượng để tiến hành chiến tranh và hành động tác chiến. Thế trận phải phù hợp với ý định tác chiến dựa theo mưu kế tác chiến, bảo đảm sử dụng có hiệu quả mọi lực lượng, tạo điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra, mà tổn thất ít nhất. Thế trận càng hiểm với mưu kế càng hay thì sức mạnh của lực lượng càng lớn, thắng lợi càng nhanh. Thế trận trong phạm vi chiến đấu là đội hình chiến đấu, trong phạm vi chiến dịch là bố trí chiến dịch, trong phạm vi của cả cuộc chiến tranh là bố trí chiến lược. Tóm lại, thế trận là dựa vào tình thế địch ta, địa hình mà bày binh bố trận”. Có quan niệm, thế trận là một danh từ chỉ “Cách bố trí các lực lượng tác chiến trong một trận đánh”. Theo cách hiểu chung nhất, thế trận là cách bố trí lực lượng theo những mô hình, quy tắc nhất định trong một trận đánh hoặc trong một trận thi đấu.
Bàn về yếu tố “Lòng dân”, đây là một yếu tố mang tính văn hóa - xã hội, con người, là một trạng thái tâm lý phản ánh xu hướng chính trị - tinh thần của xã hội. “Lòng dân” được xem xét qua hai chiều: chiều tích cực và chiều tiêu cực. Ở chiều tích cực, “Lòng dân” biểu hiện niềm tin, sự đồng thuận, tinh thần, ý thức trách nhiệm của người dân đối với chế độ chính trị - xã hội. Ở chiều tiêu cực, “Lòng dân” biểu hiện qua sự nghi ngờ, bất đồng, phản kháng, chống đối chế độ của người dân. Được “Lòng dân”, có được “Lòng dân” đồng nghĩa với việc có sức mạnh quyết định. Do đó, phải luôn có ý thức hướng về Nhân dân, quy tụ sức mạnh Nhân dân, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong Nhân dân, đấy chính là bí quyết, là cốt lõi của “Lòng dân”.
Sự kết hợp giữa hai yếu tố trên tạo nên “Thế trận lòng dân” - một “loại hình thế trận vô hình, không bài binh bố trận, không quân trang quân sự, không kế hoạch tác chiến… nhưng lại có sức mạnh “đẩy thuyền, lật thuyền”, dời sông, lấp bể. Sức mạnh của “Thế trận lòng dân” được ví như một trong những mạch nguồn sức mạnh nội sinh của quốc gia - dân tộc và được biểu hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. “Đó là nền tảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của quốc gia, dân tộc, là thành lũy kiên cố nhất, vững chắc nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Như vậy, “Thế trận lòng dân” là loại hình thế trận hướng đến khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, đồng thời xây dựng khát vọng, niềm tin, sự đồng thuận và tinh thần, ý thức trách nhiệm của Nhân dân đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc.
"Dân là gốc" - Rường cột đất nước
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là minh chứng sống động, rõ nét nhất về sức mạnh “lòng dân”. Khi “lòng dân thuận” thì thế nước mạnh, khi “lòng dân ly tán” thì thế nước yếu. Quốc gia hưng thịnh hay diệt vong đều từ “lòng dân” mà ra. Do vậy, để phát huy sức mạnh lòng dân, ông cha ta đúc kết ra nhiều bài học quí báu còn nguyên giá trị với thế hệ sau.
Tư tưởng “dĩ dân vi bản”, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc là thượng sách giữ nước”.
Tư tưởng trọng dân, an dân, chăm lo cho dân xuyên suốt trong kế sách trị nước. Lời căn dặn của Lý Thường Kiệt được khắc trên văn bia chùa Linh Ứng là một trong rất nhiều ví dụ minh chứng. “Làm việc cốt tránh phiền dân, sai khiến dân nên khuyên nhủ dân noi theo… Đem bụng khoan thư cứu dân, lấy lòng nhân ái yêu dân… lấy sự no đủ làm nguyện vọng của dân…”. Hay Trần Quốc Tuấn từng nghiêm khắc căn dặn các vương hầu, tướng sĩ “phải cẩn giữ phép tắc, đi đến đâu không được quấy nhiễu dân”. Tinh thần thương dân, trọng dân được Nguyễn Trãi khắc sâu trong tư tưởng: “Sửa đức để cầu mệnh trời; ngăn quyền hào để nuôi sức dân; cấm phiền hà để dân sống khá, cấm xa xỉ để dân phong túc; dẹp trận cướp để dân ở yên; sửa quân chính để bảo vệ dân sinh... thương nuôi dân mọn”.
Trong cuốn Binh thư yếu lược, Trần Quốc Tuấn đã từng căn dặn: “Người làm tướng quên mình để báo ơn vua, mà không làm cho lòng sĩ tốt cũng như mình thì tướng ấy chưa phải là tướng lập công giỏi… cùng sĩ tốt ăn uống… cùng sĩ tốt cùng lên đài đi giày… cùng sĩ tốt cùng dạy, cùng nghỉ… lo cái lo của quân lính, đau cái đau của quân lính…” hay “Trong quân có người ốm, tướng phải thân hành đem thuốc đến chữa. Trong quân có người chết, tướng phải thương xót đau buồn, quân đi thú xa, tướng phải sai vợ con đến thăm hỏi. Phàm có khao thưởng thì phải chia đều cho quan và quân. Khi có cắt đặt tước vị gì thì phải họp tướng tá lại bàn. Mưu đã định rồi mới đánh giặc…”
Nói theo quan điểm Nguyễn Trãi, Nhân dân là người gieo sự sống, ban “lộc” cho quốc gia “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”, có dân thì mới có vua, có dân mới có nước, thậm chí Nhân dân là gốc của quốc gia nên “Trị dân sơ lập cho lòng chính”. Giữ cho được “lòng chính”, làm cho ngay thẳng, thậm chí quên mình mà lo cho an nguy của xã tắc là lẽ hành xử của bậc chân nho thiên tướng. Thứ hai, đem tâm của người làm vua, làm quan đối với Nhân dân, lo cho Nhân dân, đem lại lợi ích cho dân “Quốc phú binh cường chăng có trước/ Bằng tôi nào thủa ích chưng dân”, để dân được sống trong thái bình, thịnh trị.
Với tư tưởng chủ đạo “dân là gốc”, là rường cột của đất nước, người lãnh đạo phải biết nêu gương kết hợp với nghệ thuật trị nước, đón biết lòng dân sẽ mau chóng thu phục được lòng người, đồng nghĩa với việc phát huy sức mạnh trong Nhân dân, “Thế trận lòng dân” sẽ được thiết lập. Những bài học phát huy sức mạnh “lòng dân” của ông, cha ta vẫn luôn còn nguyên giá trị.
TS. Nguyễn Tuyết Lan
Học viện Chính trị Công an Nhân dân