Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu. (Ảnh: TTXVN)


Cầu nối gắn kết ý Đảng với lòng Dân

Sau gần 15 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg, ngày 1-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện tốt công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy người có uy tín trong dân tộc thiểu số tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 09/Ctr-BCA-MTTW của Bộ Công an và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.

Trong những năm qua, những người có uy tín trong dân tộc thiểu số như bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản; nhân sỹ, trí thức, cán bộ nghỉ hưu, già làng, trưởng dòng họ, doanh nhân, người sản xuất; chức sắc tôn giáo… đã tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây là lực lượng được ví như cầu nối giúp gắn kết ý Đảng với lòng Dân, họ đã phát huy vai trò, vị thế của mình trong cộng đồng và đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Tính đến nay, cả nước có khoảng 39 nghìn người có uy tín trong cộng đồng 53 dân tộc thiểu số tại 52 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các tỉnh có số lượng người có uy tín đông gồm: Cao Bằng xây dựng được 2.286 người; Bắc Kạn: 1.192 người; Lạng Sơn: 1.916 người; Hà Giang: 1.897 người; Tuyên Quang: 1.132 người…

Người có uy tín tại các vùng dân tộc thiểu số đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là “chỗ dựa” quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận; tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; đi đầu trong các phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) tại các khu dân cư. Họ gương mẫu thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đưa “ánh sáng của Đảng” đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn; là “cánh tay nối dài” giúp Mặt trận Tổ quốc và lực lượng Công an trong công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, hoạt động chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch phản động nhằm chống phá cách mạng nước ta. Đồng thời, những người có uy tín thực hiện tốt các hương ước, quy ước của thôn bản; vận động đồng bào tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, tham gia công tác hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; tham gia công tác quản lý, giáo dục đối tượng phạm tội tại cộng đồng, vận động các đối tượng lầm lỗi trở về làm ăn sinh sống, góp phần xây dựng quê hương, bản làng an toàn về ANTT. Bên cạnh đó nhiều người có uy tín còn là gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; lao động cần cù, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, bảo tồn phát triển các ngành nghề truyền thống... từng bước xóa được đói, giảm được nghèo, giúp nhau trong sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình và cộng đồng.

Từ 2015 đến nay, người uy tín trong dân tộc thiểu số trên cả nước đã luôn phát huy vai trò trong công tác vận động người dân phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với nhiều đối tượng phạm tội, nhiều vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến ANTT và đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người có uy tín, ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực ở nhiều địa phương và thực sự gương mẫu, tiêu biểu, điển hình là: Ông Hoàng Ngọc Hoa, dân tộc Hoa ở Quảng Ninh đã vận động hơn 200 lượt người tham gia tuần tra, bảo vệ cột mốc biên giới, vận động 150 người từ bỏ ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, vận động nhân dân giao nộp 5 súng săn, 150 kg pháo nổ. Ông Lý Văn Hầu, dân tộc Mông, bản Nà Phạ, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn bằng uy tín của mình, đã vận động bà con đã tự giác nộp súng săn và tích cực đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội và là điển hình người có uy tín được vinh dự đi dự đại hội đại biểu các dân tộc tỉnh. Ở tỉnh Hòa Bình, các ông Vàng A Tình, Vàng A Kha, Khà A Dênh ở xã Hang Kia; ông Sùng A Lừ, Sùng A Dê, Sùng A Xa ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu đã cung cấp các thông tin quan trọng liên quan đến tội phạm ma túy đang có lệnh truy nã, góp phần giúp lực lượng Công an thuyết phục 16 đối tượng vi phạm pháp luật ra đầu thú; vận động nhân dân giao nộp 343 khẩu súng các loại, vận động 36 người đi cai nghiện, được gia đình và bản thân những đối tượng vi phạm tâm phục, khẩu phục. Ông Giàng Xáy Sinh, dân tộc Mông ở Yên Bái, tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh và ngăn chặn hoạt động thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông” của một số đối tượng phản động. Ông Bùi Đức Tiền, dân tộc Mường ở Lạng Sơn đã vận động đồng bào theo đạo Tin Lành thực hiện và chấp hành chính sách tôn giáo của Nhà nước. Hòa thượng Trần Nhiếp trụ trì chùa Đường Xuồng Mới (Gò Quao) Kiên Giang đã châm cứu và trị bệnh miễn phí cho trên 100.000 bệnh nhân, tổ chức nấu cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo, xây dựng mới và sữa chữa trên 1.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo và thông qua các nguồn tin của nhân dân đã báo cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị góp phần bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", càng khẳng định vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước. Do vậy, trách nhiệm của những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số lại càng quan trọng, trong đó có việc tích cực bảo tồn, phát huy văn hóa, nghệ thuật và một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc; trao truyền các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, bởi thông qua sự kết nối của văn hóa, chúng ta sẽ dễ dàng gần gũi, hiểu biết và yêu thương lẫn nhau, góp phần vun đắp sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam cho hôm nay và mai sau.

Phát huy “cánh tay nối dài” của Đảng và Nhà nước

Tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc là những người tiêu biểu, gương mẫu, cốt cán trong các phong trào của địa phương, “giữ lửa” ở các bản, làng. Sự đóng góp quan trọng thể hiện rõ nét qua việc vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những phong tục tập quán tốt đẹp, di sản văn hóa, lễ hội truyền thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan; là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tích cực đóng góp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Do đó, người uy tín trong dân tộc thiểu số đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác vận động cộng đồng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong thời gian qua. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vùng dân tộc thiểu số vẫn nhẹ dạ, cả tin, dễ bị tác động, chi phối, ảnh hưởng bởi tình hình trong và ngoài nước, đặc biệt là những vấn đề tiềm ẩn những yếu tố phức tạp liên quan đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Các thế lực thù địch không ngừng lôi kéo, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người có uy tín nhằm tác động móc nối, lôi kéo tạo dựng “ngọn cờ” tập hợp lực lượng thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh, chia rẽ đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 09/Ctr-BCA-MTTW của Bộ Công an và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”, cần làm tốt các công tác sau:

Một là, tiếp tục tổ chức thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ để động viên, khích lệ người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa bàn dân cư; kịp thời biểu dương, khen thưởng khi người có uy tín có thành tích xuất sắc.

Hai là, vận động, bố trí công việc cho người có uy tín tham gia công tác cùng chính quyền, các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội ở cơ sở nhằm phát huy vai trò, vị trí của người có uy tín, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc, phản ánh kịp thời với chính quyền địa phương, Đảng, Nhà nước. Đồng thời phải chú ý đến việc bảo vệ người có uy tín và gia đình họ, không để kẻ địch, phần tử xấu tác động, lợi dụng, lôi kéo, vô hiệu hóa.

Ba là, xác định công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở cơ sở là một nội dung quan trọng trong công tác dân tộc ở địa phương; tổ chức thực hiện tốt các chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững ổn định về chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Bốn là, chính quyền địa phương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cần chủ động xây dựng chương trình, nội dung tuyên truyền cho người có uy tín để phổ biến đến cộng đồng dân cư; tổ chức tập huấn cho người có uy tín kiến thức về quốc phòng, an ninh, phòng chống tội phạm, buôn lậu, ma tuý... cũng như âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc; thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, trong nước, quốc tế cho người có uy tín; phổ biến cập nhật các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến xây dựng khối đại đoàn kết, về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo...

Năm là, thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở cơ sở, chính quyền địa phương chủ động phát huy uy tín, vai trò của người có uy tín trong các hoạt động xã hội, qua đó, nâng cao uy tín của người có uy tín trong cộng đồng dân cư như: phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", tham gia giáo dục những người lầm lỗi, vận động quần chúng đấu tranh chống tội phạm; phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường", đặc biệt là các nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phối hợp trực tiếp hòa giải những tranh chấp, khiếu kiện giữa các hộ gia đình trong các thôn, bản....

Sáu là, nâng cao công tác quản lý và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số cần có kế hoạch cụ thể; tổ chức họp mặt, gặp gỡ, khích lệ và định kỳ phối hợp tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng những người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số ở địa phương; tổ chức các đoàn đi học tập các mô hình tiên tiến ở các địa phương... Qua đó, động viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước để họ tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào ở các khu dân cư.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất